Tâm tư Du học Tăng Việt Nam

Bất kỳ một du học tăng nào . khi học Phật tại các nước quốc giáo đều có những khó khăn chung . Phóng sự trực tuyến và trực tiếp này sẽ phần nào giải đáp thắc mắc của Chư Tăng trẻ . Ngưỡng mong thay!!!



Tâm tư Du học Tăng Việt Nam
( Bài Phỏng vấn trực tuyến Sư Định Phúc Samadhipunno qua mạng Facebook )
tại Đại học MahachulaLongkorn Rajavidyalaya (MCU), -Thailand)
Bài & ảnh: Chơn Minh



Thưa Sư với tư cách là một trong những du học Tăng đang theo học tại Đại Học MahachulaLongkorn Rajavidyalaya (MCU) xin sư chia sẻ cùng độc giả Tạp chí PGNT và các chư tăng trẻ Việt Nam muốn đi du học trong tương lai. Tất cả muốn hiểu về những trải nghiệm của một du học tăng học Phật tại nước ngoài mà điển hình là tại Thái Lan.

Câu hỏi phỏng vấn

1. PV: Xin Sư cho biết trước khi đi du học Thái thì du học tăng cần chuẩn bị những gì ?

Sư Định Phúc : khi dám quyết định xa xứ là mình phải chấp nhận một cuộc sống mới, Thái Lan là nước chọn Đạo Phật là quốc giáo, đa số theo truyền thống Phật Giáo Nam Truyền (Theravada), cho nên cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức về văn hóa ứng xử phù hợp với nếp sống của dân tộc Thái, những kiến thức về Phật Pháp cùng vốn tiếng Anh chuyên ngành và tiếng Anh trong giao tiếp hang ngày. Thời gian rảnh thì nên tìm hiểu đôi chút về tiếng Thái để nói chuyện với ngưới bản xứ. Ngoài ra nếu biết tiếng Thái thì dễ tìm tài liệu học hơn và một điều đặc biệt nữa là ngôn ngữ Pali rất cần thiết vì ngôn ngữ này sẽ theo tất cả sinh viên trong suốt những năm theo học tại trường mặc dù ở VN nói đến Pali là nói đến ngôn ngữ kinh điển dùng để tụng niệm. Điều quan trọng then chốt là cần phải chuẩn bị giấy tờ dịch sang tiếng Anh và công chứng đầy đủ ở VN để khỏi phải phiền phức và khó khăn sau này.

Những giấy tờ cần thiết là : bằng tốt nghiệp THPT (cho chương trình B.A), bằng Cử nhân (cho chương trình M.A), giấy chứng nhận xuất gia sa-di (nếu còn sa-di) hoặc tỳ-kheo (nếu đã thọ đại giới), giấy giới thiệu hay giấy bảo lãnh của vị trụ trì ngôi chùa mình đang trú, hình 3x4, passport và phải nộp kèm theo 1 tờ đơn xin đăng ký thi tuyển sinh (đơn này mua và nộp tại trường, thông thường khoảng tháng 3-4 tây lịch sẽ có thông báo tuyển sinh cho năm học mới).

Đại học MahachulaLongkorn Rajavidyalaya (MCU), -Thailand

2. PV: Để học tại Đại học Phật Giáo Thái thì du học tăng cần chuẩn bị như thế nào về mặt học tập và thi tuyển đầu vào ?

Sư Định phúc : Để có thể vào học tại trường này, các thí sinh phải trải qua 2 kỳ thi quan trọng đó là kỳ thi viết và kỳ thi vấn đáp.

Kỳ thi viết được tiến hành qua 2 buổi (chủ yếu là trắc nghiệm) :

- Buổi sáng : Anh văn Phật Giáo. - Buổi chiều : Anh văn thông thường.

khoảng 2-3 ngày sau thì các thí sinh tiếp tục trải qua kỳ thi vấn đáp do Hội đồng các giáo sư ở đây sát hạch.

Kết quả sẽ được thông báo và niêm yết tại trường và trên trang web chính của trường sau thời gian thi khoảng 1 tuần.

Sau khi đã trúng tuyển, sinh viên sẽ được thông báo đến làm thủ tục đăng ký nhập học và phải đóng một khoản học phí cho học kỳ đầu tiên là :

1. 6.000 bath (tương đương 200 usd) cho chương trình B.A

2. khoảng 15.000 Bath (tương đương 500 USD) cho chương trình M.A.



3. PV. Xin Sư cho biết những khó khăn mà du học tăng gặp phải khi học tại Đại học Mahachulalongkorn Rajavidyalaya ?

Sư Định phúc : Có những khó khăn sau :

1. Khó khăn thường gặp là vấn đề xin visa khi sang học tại trường. Đa số sinh viên du học tăng thường sang đây đăng ký nhập học, xin giấy tờ, đóng học phí thì mới có thể xin visa được, trong khi đó, quy định để được cấp visa là phải xin visa trước khi hết hạn 15 ngày. Thông thường visa du lịch chỉ cấp cho chúng ta có 4 tuần thôi, nếu không kịp thì chắc chắn phải ngồi xe sang biên giới Cambodia rồi nhập cảnh lại để tiếp tục được 4 tuần nữa. Đó là vấn đề khó khăn ban đầu mà đời sinh viên ai cũng phải trải qua.

2. Vấn đề khó khăn kế là chỗ ở. Mặc dù ĐH sẽ cấp KTX cho mình nhưng đa số các sư sang đây tu học thường muốn kiếm một ngôi chùa để xin lưu trú. Trong thời gian lưu trú sẽ ở sinh hoạt chung với chư Tăng Thái để tìm hiểu văn hóa và phong tục Thái, đó cũng là điều hay nhưng rất khó xin tá túc tại chùa ở Thái nếu không quen biết, tự đi xin thì không được vì không ai quen biết và không ai bảo lãnh.

3. Đối với Tu Sĩ theo Truyền thống Bắc Tông thì việc có được một chỗ ở ổn định để đi học hết sức khó khăn. Bởi lẽ, không như một số quốc gia khác, ở Thái lan việc Tu Sĩ thuê nhà trọ ở để đi học là một điều cấm kỵ. Sư Bắc Tông chỉ có thể đến xin ở một số ngôi chùa Việt nam. Đây là những ngôi chùa thuộc hệ phái Annamnikaya, một hệ phái Phật giáo kết hợp hai truyền thống Theravada và Mahayana do các vị tổ Việt Nam sáng lập trong những ngày đầu truyền đạo trên Đất Thái. Trải qua bao thế hệ truyền thừa, đến ngày hôm nay hệ phái ấy vẫn tiếp tục duy trì truyền thống của các Tổ Sư để lại dưới những ngôi chùa mà ngày nay người Thái vẫn quen gọi là Chùa Việt Nam. Gọi là Chùa Việt Nam nhưng thực ra đến nay tất cả đều do các Sư người Thái trụ trì và sinh hoạt theo truyền thống hệ phái Annamnikaya. Trong 7 ngôi chùa Việt tại Bangkok thì chỉ có duy nhất 2 chùa nhận Tu sĩ Việt Nam vào ở, đó là chùa Khánh Vân và chùa Báo Ân. Tuy nhiên, để xin được vào ở 2 ngôi chùa này cũng không phải là đơn giản mà phải có người quen biết giới thiệu và bảo lãnh.

4. Cuối cùng là khó khăn về tư liệu học tập vì có rất nhiều môn học (10 môn/học kỳ) nhưng giáo trình ở trường xuất bản chỉ toàn là tiếng Thái chứ không có tiếng Anh. Do vậy sinh viên nước ngoài sang học phải tự tìm kiếm tài liệu lấy hoặc là do giáo sư hướng dẫn cung cấp hay phổ biến.



4. PV: Trong chương trình học phật tại Đại học Maha trong những năm đầu thì môn học nào sư cảm thấy khó nhất? Sư khắc phục điều này như thế nào ?

Sư Định phúc : Hiện tại sư chỉ mới học được học kỳ đầu tiên (có tất cả 8 học kỳ cho 4 năm học) nên chưa biết những năm sau sẽ như thế nào. Nói riêng về học kỳ 1 này thì những môn khó nuốt nhất đối với bản thân chính là môn Economic in daily life (kinh tế trong đời sống hằng ngày) và môn Religions (tôn giáo học).

Vì với môn kinh tế sư chưa bao giờ học ở VN nên dường như rất lạ và đôi khi phải làm bài tập thì chẳng có được ý tưởng nào cho bài viết của mình. Thật sự mà nói, môn này cũng như là vài môn khác ở những năm sau không ảnh hưởng gì đến việc tu học cả nhưng đã là chương trình thì phải theo. Đó là điều khó khăn .

Quang cảnh các Du học Tăng trong giảng đường trường Đại Học MahachulaLongkorn
Đối với môn tôn giáo học cũng thế, và đặc biệt nhất ở môn này là vị giáo sư người Mỹ dạy nên việc phát âm của người bản xứ rất là khó nghe vì nghe không quen, thành ra không hiểu vị đó giảng về vấn đề gì. Cho nên, để theo kịp bài vở thì phải xem them tài liệu mà giáo sư gửi cho, phải tra từ, phải hiểu mới có thể viết bài cuối học kỳ được. và nhất là phải luyện tập kỹ năng nghe (Listening) tiếng anh.

5. PV: Xin sư cho biết lịch làm việc và học tập, tu tập, ngủ nghỉ của sư trong một ngày ?

Sư Định phúc : Thời gian ban đầu sang Thái học rất khó khăn và phải kham nhẫn rất nhiều đôi lúc cảm thấy việc tu hơi bị xao lãng nhưng phải chấp nhận vì mục tiêu mà mình đang theo đuổi. mình phải tập chấp nhận với cuộc sống mới.

* Sáng sớm 5h sáng là phải thức dậy vệ sinh cá nhân và soạn sách vở chuẩn bị đi học. ra khỏi chùa từ lúc 5h45 để đi bộ sang Wat Arun, từ Wat Arun này phải sang đò để qua bên kia sông Chao Phraya, sau khi qua đò thì đi bộ tiếp hoặc ngồi xe bus đi đến Sanam Luang (quảng trường chính) để lên xe, xe đưa rước sinh viên mỗi ngày sẽ đậu tại đây. Xe bắt đầu khởi hành chuyến đầu tiên từ 6h cho đến 7h30, mỗi ngày sẽ có 10 chuyến xe, cách 10 phút sẽ khởi hành 1 chuyến.ngồi xe khoảng 70km, hơn 1 tiếng đồng hồ sẽ đến trường. Lên trai đường dùng điểm tâm và lên lớp đến 9h sẽ bắt đầu vào tiết học. mỗi tiết học sẽ kéo dài 100 phút.

*Từ 9h học đến 10h40 là nghỉ trưa và dùng cơm. Vì trường học có số lượng khoảng 600-700 sinh viên, đa số là chư tăng nên trường thường có những gia đình phật tử đến làm phước cúng dường. dung cơm xong nghỉ trưa đến 12h30 sẽ bắt đầu học tiếp người thái cũng nhưng người phương tây không có khái niệm ngủ trưa như người Á Đông của mình.

12h30 bắt đầu tiết học thứ 2, kéo dài cho đến 14h10 thì nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Tiết học thứ 3 bắt đầu từ 14h20 cho đến 16h là kết thúc.

Xuống sân lên xe trở về chùa. Vì số lượng sinh viên học rất đông nên đôi khi xe không đủ chổ ngồi phải đứng hoặc ngồi dưới sàn. Buổi chiều đường rất hay kẹt xe nên đôi khi xe về đến Bangkok cũng rất trễ. Riêng sư thì phải xuống giữa đường đón thêm 1 chuyến xe bus về thẳng chùa có khi đến 19h hoặc 19h30, thậm chí nhiều lúc kẹt xe còn đến gần 20h mới đến được chùa.

Cả ngày học và ngồi xe thôi cũng mệt rồi. về đến chùa vệ sinh cá nhân, tranh thủ xem bài vở, làm bài, tra từ điển hoặc làm bài tập rồi nghỉ ngơi để sang ngày mai tiếp tục cho cuộc hành trình mới mà không mới .

Tương lai thì chuẩn bị có phòng ở KTX thì sẽ không phải khổ nhọc đi về mỗi ngày nữa. 1 tuần học 4 ngày thì trú tại KTX 4 ngày, chỉ có 3 ngày cuối tuần là sư sẽ trở về chùa thôi.



6. PV: Xin sư cho biết mối quan hệ giữa chư tăng Việt Nam với nhau và mối quan hệ giữa chư tăng Việt Nam và chư tăng các nước bạn cùng học tại đây như thế nào?

Sư Định phúc :

- đối với chư tăng VN: các sư và các thầy rất vui vẻ, hòa đồng vì cùng là du học Tăng mà, nên ai có vấn đề gì là giúp đỡ nhau, chăm sóc nhau lúc bệnh hoạn hoặc khó khăn về bài vở.

- đối với chư tăng nước khác: học bên chương trình tiếng anh thì số lượng chư tang Myanmar sang học rất nhiều, còn lại là Sri lanka, Cambodia, ngoài ra có 1 số sư khác như là Cambodia và Lào thì chủ yếu sang học bằng tiếng Thái. Nói chung thì đều là tu sĩ với nhau, lại là cùng trường nên, nhất là thời sinh viên nữa thì rất vui vẻ. Vị thì muốn trau dồi thêm tiếng Thái, Vị thì muốn bổ sung thêm tiếng Anh và trong môi trường giao lưu quốc tế nên có thể học hỏi giao lưu thêm nhiều ngôn ngữ nữa nên rất vui và rất hòa đồng.



7. PV:Xin Sư cho biết những mặt hạn chế thực tế đối với du học Tăng Việt Nam tại Đại học MahachulaLongkorn Rajavidyalaya ?

Sư Định Phúc: Hạn chế của du học sinh Việt Nam chính là rào cản ngôn ngữ vì chúng ta ít sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống không như các nước khác nên mới sang đây học thì nghe và nói chuyện rất cứng miệng và khó khăn trong giao tiếp vì thế cho nên để việc học tại đây tốt đẹp lâu dài thì phải chuẩn bị vốn tiếng Anh giao tiếp và tiếng Anh Phật pháp cho vững.

ở Việt Nam mình tăng trẻ ít ai chịu chú trọng vào kinh điển pali nên sang đây học sẽ rất bỡ ngỡ. Thái Lan là đất nước phật giáo Nam Truyền, kinh điển đều học bằng ngôn ngữ Pali. Không chỉ thế, mà ngôn ngữ Thái lan cũng có sự tương đồng, hay nói khác hơn là mượn từ của văn học Pali rất nhiều. Chính bởi sự ảnh hưởng sâu sắc như vậy nên ngoài môn học Pali căn bản trong hầu hết các môn học, tất cả những thuật ngữ phật học đều sử dụng Pali. Nếu không được trang bị tốt về những thuật ngữ này chắc chắn người học sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể nắm bắt và hiểu rõ được nội dung của bài giảng. do đó, ngoài việc trao dồi thêm tiếng anh là phải chú trọng việc học tiếng Pali thêm nữa.

Khi học với các Giáo Sư, tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa, thì rất khó để chúng ta có thể hiểu hết nội dung bài giảng một cách trọn vẹn. Đây là khó khăn chung dường như phần lớn Tăng Ni sinh viên Việt Nam chúng ta gặp phải. Đến lớp không chỉ nghe giảng, mà mỗi môn học sinh viên đều phải có một buổi thuyết trình và sau đó viết assignment dưới một hình thức tổng hợp những gì mình được học để nộp lại cho Giáo sư. Bài thuyết trình cộng với assignment sẽ chiếm 2/3 tổng số điểm của mỗi môn học trong 1 học kỳ. Với những hình thức thực hành như vậy nếu khả năng nghe, nói và viết tiếng Anh của chúng ta còn hạn chế thì trong quá trình học mình sẽ gặp không ít khó khăn.



8. PV: Xin cho biết mối quan hệ giữa học viên và giảng viên như thế nào ?

Sư Định Phúc: Giảng viên rất thân thiện và vui vẻ. mặc dù khoảng cách giữa người cư sĩ với chư tăng ở Thái thì phải chấp hành nhưng các giảng viên rất thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ sinh viên cũng như là giải đáp mọi thắc mắc về bài vở cho sinh viên nếu có chỗ nào chưa hiểu rõ. có những buổi sáng, giảng viên còn đem bánh, kẹo, sữa hoặc là trái cây vào lớp để cúng dường cho các sư nữa, vừa là vai trò vị giảng viên vừa là vai trò hộ độ cúng dường của 1 người phật tử. rất là hay.

9. PV: Sư kỳ vọng điều gì trong khi học và sau khi tốt nghiệp Đại học Maha ?

Sư Định Phúc :Kỳ vọng ư ??? (cười) Sư chẳng có gì để kỳ vọng đâu. Hiện tại chỉ cố gắng học theo khả năng của mình thôi và mong sao có đủ sức khỏe để theo hết chương trình cho được hoàn tất. Sau này tốt nghiệp hy vọng sẽ giúp sư phụ (TT. Giác Giới) trong công việc hoằng pháp, xem như là một phần của sự tri ân đối với sự dạy dỗ của sư phụ, cũng như là sự hộ độ, chăm sóc của những người thân trong gia đình và quý phật tử đã ủng hộ cho sư trong suốt thời gian tu học.

Sư Định Phúc đang là du học Tăng tại Thái Lan


10. PV: Sư có lời nhắn nhủ gì đối với các du học tăng Việt Nam trong tương lai ?

Sư Định Phúc : Nhắn nhủ thì không dám rồi, vì với vai trò của sư làm gì mà dám nhắn nhủ đến ai.(cười)

Chỉ mong sao các vị cố gắng tu học, dù ở bất cứ nơi đâu, dù ở nước nào, theo truyền thống nào, miễn có tâm học, có tâm tu thì hãy mạnh dạn. ở Việt Nam cũng được, ở Thái, Myanmar hay Sri lanka cũng được thậm chí học ở chùa cũng được nhưng phải học, học để biết cái mà mình chưa biết và củng cố thêm cái mà mình đã biết cũng như là loại bỏ đi những hiểu biết sai lầm nào mà mình đã mang theo. Và một điều nữa chính là ngôn ngữ pali, ngôn ngữ trong kinh điển của Nam truyền rất cần thiết và quan trọng cho việc duy trì giáo pháp cũng như là sự tu tập của mình. Nên việc học pali không phải là vô ích mà là rất quan trọng nên hy vọng rằng ở quê nhà sẽ có nhiều vị thông thạo pali, mở trường lớp dạy pali và cùng nghiên cứu về kinh pali. Sư tin một ngày nào đó Phật giáo Theravada sẽ được phát triển và giáo pháp sẽ không bị mai một.

Nhận Định chung:

Với bối cảnh là Đại học MahachulaLongkorn Rajavidyalaya (MCU)-Thailand cũng như tại Myanmar PV Tạp chí PGNT đã có dịp tiếp cận và trực tiếp phỏng vấn tại chỗ với Sư Chánh Lý (Viện Phật Học ở Mandalay), Sư cô Liên Hiếu (NCS/TS) tại Đại học International Theràvadà Buddhist Missionary (ITBMU), thì nhận thấy đây là những khó khăn chung mà bất kỳ du học tăng cũng gặp phải. Người viết hy vọng rằng các tăng trẻ như Sư Tịnh Đạt (theo học tại Sri lanka), Sư Tịnh Ý (theo học tại Myanmar) và Sư Tịnh Đạo (theo học tai Thái) đều vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt việc học Phật của bản thân đền đáp công ơn giáo dưỡng của sư phụ, của cha mẹ và lòng kỳ vọng của đàn na tín chủ bốn phương hữu duyên hỗ trợ việc học tập này của các vị.

Phật giáo Việt Nam có được phát triển tốt hơn một phần nhờ vào công lao học tập của chư Tăng Ni du học tăng đấy. Vui Thay!!


Tags: ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com