Thoát bẫy ác ma

“… Người hành trì thiền định, thoát trói buộc ác ma”1.
Đức Phật chứng nghiệm  rất rõ rằng dục lạc (kàmasukha) hay lạc thú thế gian - sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu - có vị ngọt hấp dẫn lôi cuốn chúng sinh vào con  đường  mê  say, tham  đắm, phóng  dật, gắn liền với muôn vàn hệ lụy khổ đau. Càng đam mê dục lạc thì con người càng quay cuồng trong thế giới tranh chấp khổ não, không tìm thấy an lạc, vì “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn”2. Trong bài kinh Bẫy mồi (Nivàpasutta) thuộc tuyển tập Trung Bộ, Đức Phật dùng ảnh dụ bốn đàn nai và người thợ săn đặt bẫy mồi để lưu ý các học trò mình về sức hấp dẫn và sự nguy hại của các dục do ác ma gieo ra, đồng thời chỉ rõ pháp  môn tu tập khiến cho các đệ tử thoát khỏi bẫy của ác ma, sống thanh thản an lạc ngay trong cuộc đời đầy ma chướng dục vọng. Bốn đàn nai dụ cho bốn hạng Sa-môn, Bà-la-môn ở đời. Ba hạng đầu không thoát khỏi bẫy dục vọng của ác ma. Chỉ có hạng thứ tư, nhờ tu tập pháp môn thiền định do Đức Phật giảng dạy, mới thoát khỏi ma chướng dục vọng, sống thanh thản an lạc, tự do tự tại.
Phật lưu ý rằng các mồi ngon dục lạc do ác ma gieo ra vốn chất chứa nhiều tai ách hiểm họa cho loài người; tựa như người thợ săn gieo đồ mồi cho các đàn nai ăn, không phải để nuôi dưỡng chúng, khiến cho chúng được hạnh phúc an lạc lâu dài, nhưng để dẫn dụ các đàn nai đi đến chỗ tai ách, rơi vào bẫy sập, chịu nhiều bất hạnh khổ đau.
Đàn nai thứ nhất xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi do người thợ săn đặt bẫy gieo ra để nhữ. Vì xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi, nên chúng trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng trở thành phóng dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi của người thợ săn bẫy mồi.
Đàn nai thứ hai nhận thức bài học nguy hại từ đàn nai thứ nhất, liền từ bỏ hoàn toàn các đồ mồi do người thợ săn gieo ra, đi sâu vào rừng và an trú. Nhưng đến cuối tháng mùa hạ, cỏ nước khan hiếm, thân hình đàn nai ấy trở thành hết sức gầy yếu, sức lực bị kiệt quệ. Vì sức lực bị kiệt quệ, đàn nai ấy trở lại chỗ có các đồ mồi do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Chúng xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi. Vì xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi nên chúng trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng  trở thành  phóng  dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi của người thợ săn bẫy mồi.
Rút kinh nghiệm  từ hai đàn  nai đầu,  đàn  nai thứ ba làm một chỗ ấn nấp gần các đồ mồi của người thợ săn. Sau khi làm chỗ ẩn nấp xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng ăn các đồ mồi do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Nhưng rồi chúng  rơi vào tà kiến khiến người thợ săn dò tìm ra dấu vết và chỗ ẩn nấp của chúng  và do vậy đàn nai thứ ba này cũng không thoát được như ý lực của người thợ săn bẫy mồi.
Đàn nai thứ tư, rút kinh nghiệm  từ ba đàn nai trước, làm một chỗ ẩn nấp tại một nơi mà người thợ săn bẫy mồi không thể đến được. Làm chỗ ẩn nấp xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng  ăn các đồ mồi do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Vì không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi, nên chúng không mê loạn. Do không mê loạn, chúng không trở thành  phóng  dật. Do không phóng  dật, chúng không trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi của người thợ săn bẫy mồi. Biết rõ không thể làm gì được đàn nai thứ tư, người thợ săn đành rời bỏ việc săn bắt đàn nai này, đi tìm mục tiêu khác, vì lo ngại “rút cây sẽ động đến rừng”.
Sau đây là toàn văn lời Phật nói về bốn hạng Sa-môn, Bà-la-môn và thái độ của họ đối với các lạc thú thế gian3:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Ở đây, họ xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn, nên trở thành mê loạn; vì mê loạn, họ trở thành phóng dật; vì phóng dật, họ trở thành những người bị làm theo ý Ác ma muốn giữa các đồ mồi này và giữa các vật dụng thế gian. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này không thoát được như ý lực của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, Ta nói hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này giống như đàn nai đầu tiên trong thí dụ.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai suy nghĩ như sau: ‘Hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này đã xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra, và các vật dụng thế gian. Ở đây, họ xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn, nên trở thành mê loạn; vì mê loạn, họ trở thành phóng dật; vì phóng dật, họ trở thành những người bị làm theo ý Ác ma muốn giữa các đồ mồi ấy và giữa các vật dụng thế gian. Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Vậy, chúng ta hãy hoàn toàn từ bỏ các đồ mồi và các vật dụng thế gian, từ bỏ các vật dụng đáng sợ hãi, đi sâu vào rừng và an trú.’ Họ hoàn toàn từ bỏ các đồ mồi, các vật dụng thế gian, từ bỏ các vật dụng đáng sợ hãi, đi sâu vào rừng và an trú. Ở đây, họ trở thành những người ăn cỏ lúa, ăn lúa tắc, những người ăn gạo lứt, những người ăn hột cải Nivara, những người ăn da vụn, những người ăn trấu, những người ăn nước bột gạo, những người ăn hột vừng, những người ăn cỏ, những người ăn phân bò, những người ăn trái cây, những người ăn rễ cây trong rừng, những người ăn trái cây rụng để sống. Cuối tháng mùa hạ, cỏ nước trở thành khan hiếm, thân hình của hạng Sa-môn, Bà-la-môn ấy trở thành hết sức gầy yếu. Vì thân hình hạng Sa-môn, Bà-la- môn ấy trở thành hết sức gầy yếu, nên sức lực tinh tấn của họ bị kiệt quệ. Vì sức lực tinh tấn bị kiệt quệ, nên tâm giải thoát bị kiệt quệ. Vì tâm giải thoát bị kiệt quệ, họ trở lui lại các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Ở đây, họ xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn. Do ở đây xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn, họ trở thành mê loạn. Do mê loạn, họ trở thành phóng dật. Do phóng dật, họ trở thành những người bị làm theo ý Ác ma muốn giữa các đồ mồi này và giữa các vật dụng thế gian. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai này giống như đàn nai thứ hai trong ví dụ này.
Này các Tỷ-kheo, ở đây hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba suy nghĩ như sau: ‘Hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi được Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian... Như vậy hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai hoàn toàn từ bỏ các đồ mồi... Cuối tháng mùa hạ…Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai này cũng không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Vậy chúng ta hãy làm một chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Ở đây, sau khi làm một chỗ ẩn nấp xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng ta sẽ ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Do không xâm nhập, không tham đắm ăn các món ăn, chúng ta sẽ không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, chúng ta sẽ không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, chúng ta sẽ không trở thành những người bị làm theo Ác ma muốn, giữa các đồ mồi và các vật dụng thế gian.’ Hạng Sa-môn, Bà-la-môn này làm chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi do Ác ma gieo ra và giữa các vật dụng thế gian. Sau khi làm chỗ ẩn nấp ở đây xong, họ không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi, nên họ không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, họ không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, họ không trở thành những người bị làm theo Ác ma muốn giữa các đồ mồi và các vật dụng thế gian. Nhưng rồi họ có những tà kiến như sau: ‘Thế giới là thường còn; thế giới là không thường còn; thế giới là hữu biên; thế giới là vô biên; mạng sống và thân thể là một; mạng sống và thân thể là khác; Như Lai sau khi chết có tồn tại; Như Lai sau khi chết không tồn tại; Như Lai sau khi chết có tồn tại và không tồn tại; Như Lai sau khi chết không tồn tại và không không tồn tại.’ Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba này giống như đàn nai thứ ba trong ví dụ này.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư suy nghĩ như sau: ‘Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi của Ác ma và các vật dụng thế gian... Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn này không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai từ bỏ hoàn toàn các đồ mồi của Ác ma... Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba làm một chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian... Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Vậy chúng ta hãy làm chỗ ẩn nấp tại một nơi mà Ác ma và Ác ma quyến thuộc không thể đến được. Làm chỗ ẩn nấp ở đấy xong, chúng ta sẽ không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi, nên chúng ta không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, chúng ta không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, chúng ta không trở thành những người bị làm theo Ác ma muốn, giữa các đồ mồi và các vật dụng thế gian.’ Rồi họ làm chỗ ẩn nấp tại một nơi mà Ác ma và Ác ma quyến thuộc không thể đến được. Làm chỗ ẩn nấp ở đấy xong, họ không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian, nên họ không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, họ không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, họ không trở thành những người bị làm theo Ác ma muốn giữa các đồ mồi và các vật dụng thế gian. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư đã thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, Ta nói hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư này giống như đàn nai thứ tư trong ví dụ này.
Này các Tỷ-kheo, sao gọi là Ác ma và Ác ma quyến thuộc không thể đến được?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Như vậy gọi là Tỷ-kheo làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Ác ma, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Như vậy gọi là Tỷ-kheo… khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Như vậy gọi là Tỷ-kheo... khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy gọi là Tỷ- kheo... khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, nghĩ rằng: ‘Hư không là vô biên,’ chứng và trú Không vô biên xứ. Như vậy gọi là Tỷ- kheo... khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng ‘Thức là vô biên,’ chứng và trú Thức vô biên xứ. Như vậy, gọi là Tỷ-kheo... khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: ‘Không có một vật gì,’ chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy gọi là Tỷ-kheo... khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy gọi là Tỷ-kheo... khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy mọi vật với trí tuệ, các lậu hoặc được diệt trừ. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Tỷ-kheo làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Ác ma, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về”.
Tóm lại, lời Phật giúp cho chúng ta hiểu rằng các dục ở đời - sắc, thanh, hương, vị, xúc - có sức hấp dẫn và đầy nguy hiểm mà không ai có thể chối bỏ hay lẩn tránh chúng được. Mọi người đều phải “cậy đến” dục lạc để tồn tại. Vậy nên, sự nhận thức không đúng về dục lạc chỉ dẫn đến các cực đoan. Mê say tham đắm dục lạc như hạng Sa-môn, Bà- la-môn thứ nhất thì khổ đã đành, mà cự tuyện hoàn toàn giống như hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai cũng không thoát khổ. Chỉ có cái nhìn trung đạo, thấy các dục là “vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn” đi đôi với công phu hành thiền theo lời Phật dạy mới có thể khắc phục và thoát khỏi sự hấp dẫn chi phối của dục lạc mà sống thanh thản an lạc4. Giống hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư, biết thọ dụng “đúng pháp” các đồ mồi do ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian, khiến ác ma không tìm được đường đi lối về để làm hại. Nói cách khác, chính nhờ hành thiền, chứng nghiệm thiền lạc, thấy rõ bản chất phù dung của dục lạc, nên người con Phật có khả năng đối trị và vượt qua sức tấn công của dục lạc và dục tưởng (tà kiến) để sống tự do thanh thản trên cuộc đời.
Chú thích:
1. Kinh Pháp Cú, kệ số 276.
2. Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
3. Kinh Bẫy mồi, Trung Bộ.
4. Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Màgandiya, Trung Bộ.
NGUYÊN  HOA
Tags: , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com