TÌNH YÊU: thứ mình thích hay món mình cần???

1620609_10151978934463386_291533067_n
14 tháng 2, khắp mọi nẻo đường lung linh và tràn ngập những đóa hoa hồng, những con gấu bông và cả những món quà như để bày tỏ tình cảm với ấy của mình. Không khí của những trang mạng xã hội còn tưng bừng hơn khi những thành viên trung thành của hội FA (Forever Alone) còn bày ra nhiều âm mưu, kế hoạch, thậm chí còn làm bài vè cầu mưa… Có lẽ nhiều người sẽ khó chịu vì chẳng hiểu lý do gì một ông thầy chùa lại đem cái chuyện tình yêu trai gái ra để bàn luận nơi đây??? Cứ từ từ nhé, bình tĩnh ngồi xuống ăn miếng bánh, uống miếng Ovaltine chào mừng ngày Valentine rồi xem tiếp nhé.
Vâng, tình yêu là một thứ gì đó rất khó hình dung bằng hình tượng và cũng chẳng thể mô tả hay cân đong đo đếm được bằng vật chất thô thiển. Tình yêu là một trạng thái tình cảm và có rất nhiều cung bậc cũng như trạng thái khác nhau. Từ ngàn xưa, đã rất nhiều người định nghĩa: thế nào là tình yêu?
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! 
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều 
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, 
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...
(trích Vì sao – Xuân Diệu)
Thậm chí, còn rất nhiều bài thơ chế, đại loại như là:
Đố ai định nghĩa được chữ yêu 
Có khó gì đâu một buổi chiều 
Gặp cô em gái xinh xinh ấy 
Rồi thương rồi nhớ gọi là yêu.
(sưu tầm)
Những ai là fan trung thành của các tiểu thuyết kiếm hiệp thì chắc hẳn sẽ không quên được bài thơ bất hủ của Lý Mạc Sầu trong Thần Điêu Hiệp Lữ được Kim Dung trích từ bài “Mô Ngư Nhi-Nhạn Khâu" của Nguyên Hiếu Vấn:
Vấn thế gian tình thị hà vật 
Trực giáo sinh tử tương hứa 
Thiên nam địa bắc song phi nhạn
Lão sí kỷ hồi hàn thử 
Hoan lạc thú 
Ly biệt khổ 
Tựu trung cánh hữu si nhi nữ 
Quân ưng hữu ngữ 
Diểu vạn lý tằng vân 
Thiên sơn mộ tuyết 
Chích ảnh hướng thùy khứ 
Hoành Phần lộ 
Tịch mịch đương niên tiêu cổ 
Hoang yên y cựu bình Sở 
Chiêu hồn Sở ta hà ta cập 
Sơn quỷ ám đề phong vũ 
Thiên dã đố 
Vị tín dữ 
Oanh nhi yên tử câu hoàng thổ 
Thiên sầu vạn cổ 
Vi lưu đãi tao nhân 
Cuồng ca thống ẩm 
Lai phóng nhạn khâu xứ 
Dịch Việt:
Nấm Mộ Chim Nhạn 
Hỏi thế gian, tình là vật gì 
Mà khiến ta sống chết một lời hứa lụy 
Lữ khách kẻ trời Nam người đất bắc 
Khi đôi cánh mỏi, nhớ những lúc hàn ôn 
Khi hoan lạc vui vầy 
Lúc chia ly đau khổ 
Đều chỉ vì si mê một người con gái 
Lời người nói ra 
Đã xa tít trên tầng mây vạn dặm 
Tuyết chiều trên Thiên Sơn 
Bóng lẻ ấy biết về đâu 
Ngang bước sông Phần 
Nhìn cảnh tịch mịch, nhớ tiếng trống năm xưa 
Khói hoang vẫn như ngày nao bình quân Sở 
Than ôi, khúc chiêu hồn nước Sở nay còn kịp chăng 
Quỷ núi khóc trong mưa gió thê lương 
Trời cũng hờn ghen 
Chẳng thể nào tin được 
Chim én chim oanh, rồi cũng thành đất bụi 
Ngàn mối sầu vạn cổ 
Lưu lại đợi người thơ 
Hát trong điên cuồng, ca trong đau khổ 
Tìm lại nơi đâu nấm mộ chim nhạn năm nào.
(sưu tầm)
Trở lại với vấn đề của bài viết, tình yêu là món mình thích hay là thứ mình cần? Cuộc sống của chúng ta luôn cảm thấy bị phiền não, bị đau khổ thậm chí có nhiều người còn tự kết liễu đời mình  chỉ vì chưa thể phân biệt được vấn đề này. Với mọi vấn đề xung quanh ta, nếu như phân biệt rõ đâu là cái mình cần và đâu là cái mình thích thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều và khi chúng ta đạt đến trình độ đó nghĩa là đời tu của chúng ta đã có một bước tiến triển nhiều.
Chạy theo tình yêu hay nói theo Anh ngữ là “rơi ngã trong tình yêu - fall in love” thì chúng ta đã trở thành tên nô lệ trung thành của vị thần tình yêu nào đó, nói theo Phật Giáo thì đó chính là con ma ngũ dục. Khi chúng ta chạy theo nó thì chắc chắn phải bị khổ đau và cũng chẳng được ích lợi gì cả. Đức Thế Tôn ví dụ chúng sanh đam mê theo ngũ trần dục lạc thì giống như một người nằm mộng nhưng thức dậy rồi thì mộng cũng chỉ là mơ, hoặc là giống như một con chó đói được quăng cho một khúc xương khô, không có thịt gì cả, nó nằm gặm suốt nhưng cũng không thể nào no bụng được… Và đúc kết lại, Bậc Đạo Sư đã dạy rằng: “các dục vui ít, khổ nhiều, nguy hiểm càng nhiều hơn[1] như là một lời thức tỉnh cho những ai còn ham thích đeo những chiếc kính màu để nhìn cuộc đời, cho những ai chưa nhận thức ra cái nào mình cần và cái nào mình thích.
Thứ mình thích thì đó chỉ là một sở thích cá nhân, như là thích ăn ngon, thích mặc đẹp, thích nghe lời dịu ngọt, thích gần gũi người mình yêu… nhưng những món mình thích thì chưa hẳn có lợi ích cho mình, có thể nói là sẽ mang đến cho mình sự khổ đau nếu như mình không đáp ứng được cái ham thích đó. Tôi thích xài hàng hiệu, tôi không thích xài hàng fake nhưng vì không có tiền nên đành xài tàm để cho bằng chị bằng em với thiên hạ; để rồi một ngày nào đó thiên hạ phát hiện ra thì lại xấu hổ, khổ đau… mình càng chạy theo cái ham thích, càng chạy theo cái tham ái thì chính mình càng đau khổ. Vì sao? Vì rằng:
Appiyehi sampayogo dukkho, piyehi vippayogo dukkho, yampiccham na labhati tampi dukkham – oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu bất đắc là khổ[2].
Món mình cần là những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống cá nhân cần phải có như là cơm ăn, áo mặc, nhà cửa để trú ngụ và thuốc men trị bệnh. Vừa đủ với bốn món này đó chính là tinh thần tri túc. Vật thực ăn chỉ để duy trì mạng sống, nuôi thân có sức khỏe; mặc quần áo để không bị lõa lồ, che thân khỏi bị muỗi, mòng, rắn, rít[3]… cái mà mình cần chưa hẳn là cái mình thích nhưng bắt buộc mình phải có, vì đó là nhu cầu cần thiết của mình.
Người đời cứ mãi rong ruổi theo cái ham muốn, cái thị hiếu để đáp ứng cái mình thích chứ đôi khi họ không nhận thức được mình cần cái gì và cái nào chỉ là cái mình thích. Nhận thức được điều đó thì mọi vấn đề sẽ có cách giải quyết dễ dàng. Tình yêu cũng như thế.
Chớ gần gũi người yêu,
Trọn đời xa kẻ ghét.
Yêu không gặp là khổ,
Oán phải gặp cũng đau.
Do vậy chớ yêu ai,
Ái biệt ly là ác;
Những ai không yêu ghét,
Không thể có buộc ràng.[4]
Đức Phật và các bậc Thánh Tăng, các Ngài đã nhận ra điều đó, căn nguyên của khổ chính là tham ái. Vì không nhận ra nó, ta cứ thấy vị ngọt của tình yêu, màu sắc tuyệt vời của dục lạc rồi mình tham đắm vào nó. Nó không có hình dáng nhất định hay là một vật thế xác định, nhưng chính nó đã khiến cho bao tâm hồn bị giằng xé, bị vò nát qua những đêm mất ngủ hay qua những lần không có “gấu” để chung tay vào ngày tình yêu chẳng hạn…
Các vị Phật Độc Giác đã thốt lên những vần kệ khi vừa mới đạt thành Giác ngộ như là một kinh nghiệm của mình cũng như là cái mà mình đã nhận thức rõ.
02. Sống chung chạ ít gì luyến ái?
Xưa ái tình, nay lại sầu tình,
Thấy rồi tội khổ tình si,
Thà như tê giác một mình ra đi…
27. Bả dục lạc ham chi bám níu?
Càng ham vui, càng chịu khổ hình
Lý chân, nhận thức đành rành
Thà như tê giác một mình ra đi…[5]
Nói một cách khách quan, tình yêu cũng có vị ngọt của nó. Vị ngọt của tình yêu là gì? Chỉ có những ai đã từng nếm tình trường rồi mới biết được nó ngọt, đắng, chua, cay ra sao. Nhưng qua những gì mà Thế Tôn cũng như lời vàng của các bậc Thánh đã truyền lưu thì dục lạc hay tình yêu cũng giống như một viên thuốc độc bọc đường không hơn không khác hoặc là một cây nấm độc với một màu sắc rực rỡ, tuyệt đẹp nhưng nếu ai lỡ đụng vô hoặc ăn nhằm thì chắc chắn tự chuốc lấy khổ đau. Đó chính là sự thật.
Với phạm vi nội dung của bài viết thì khó mà nói nhiều dài dòng, đọc mỏi mắt, đôi khi không biết có ai đọc hay không, hôm nay, nhân dịp ngày Valentine – lễ tình nhân, mọi người rần rần khắp nơi, các page mạng cũng xôn xao phe thì happy, còn phe thì ngồi cầu mưa, cầu cúp điện… xem như là một người độc thân suốt mọi hành trình, chúng tôi xin chia sẻ bài viết này đến mọi người. Người FA thì đừng lấy mà đau buồn mà có thể tự an ủi mình vậy. Còn người đã có đối phương thì thôi ráng sống thật hạnh phúc và hãy ráng tập nhận thức cái gì mình thích và cái gì mình cần nhé.
cayvalabode
Xin mượn bài thơ này để làm lời kết cho bài viết:
Nhặt hai chiếc lá bồ đề
Một trao cho nhỏ, một về làm tin
Sa môn một buổi thất tình
Cắt hai đuôi lá ra hình đôi tim
Một mai tình có nổi chìm
Đuôi xưa ghép lại ra tim bồ đề
Cho bờ giác nối bến mê
Cho tình trần một ngõ về vô sanh.
(trích Tập thơ Nụ cười Tuyết Lãnh - Toại Khanh)
ovaltine
Cũng đã sắp tàn ngày valentine, thôi cũng vừa phải lẽ đề ngồi lại uống một tách Ovaltine cho qua ngày, chữa bệnh đói bụng vậy.
Bangkok, 14/02/2014.
Tỳ-khưu Định Phúc


[1] Trung Bộ Kinh, Kinh Ví Dụ Con Rắn.
[2] Tương Ưng Bộ Kinh 5, Tương Ưng Sự Thật, Phẩm Chuyển Pháp Luân, Kinh Như Lai Thuyết (S.v.420)
[3] Trung Bộ Kinh, Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc.
[4] Pháp Cú Kinh 210-211.
[5] Tiểu Bô Kinh, Kinh Tập, Kinh Tê Giác (Cố HT Pháp Minh dịch).
Tags: , , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com