VỊ THẦY THUỐC VĨ ĐẠI


 1969380_10152048740659069_701374565_n
27/2, ngày Thầy Thuốc Việt Nam, ngày để tỏ lòng tri ân và ghi nhận ân đức của các y bác sĩ. Cũng đúng thôi, ngày tôi sinh ra đời, người đón tôi đầu tiên khi cất tiếng khóc chào đời không phải là cha mẹ tôi mà chính là vị bác sĩ. Bao nhiêu năm sống trên cõi tạm này, mẹ sanh, cha dưỡng, mọi người chăm sóc nhưng không thể thiếu người thầy thuốc. Và biết đâu, ngày ta nhắm mắt ra đi nhanh hay chậm cũng có thể nhờ đến bác sĩ vậy.
 Với tôi, người tu sĩ Phật Giáo hay bất cứ người con Phật nào, mỗi ngày, mỗi lúc nên tưởng nhớ đến ân đức Phật, ân đức Pháp và ân đức Tăng. Hôm nay, ngày thầy thuốc, khá nghĩ cũng là một dịp để tưởng nhớ đến ân đức của vị thầy thuốc vĩ đại nhất trên cõi sa bà này.
Đức thế tôn xuất hiện trên thế gian này vì hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, Ngài “như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc[1]. Ngài như là một vị lương y, một vị bác sĩ chuyên nghiệp với kiến thức thâm sâu tình nguyện vì lợi ích cho nhiều người nên đem những phương lương diệu dược để trị bệnh cho mọi người. Phương thuốc Ngài dùng trị bệnh đó chính là Chánh Pháp. Đem Chánh Pháp đến với mọi người, Ngài biết được căn cơ từng người, nghiệp duyên mỗi chúng sanh nên tùy theo cơ địa mỗi người mà bốc thuốc. Vì lẽ đó, Ngài hoàn toàn xứng đáng là một vị thầy thuốc vĩ đại nhất trên toàn cõi thế gian này.
Với y học thì thế gian này có nhiều loại bệnh, xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng với Phật Giáo thì phân loại chỉ có hai loại bệnh, đó là bệnh về thân và bệnh về tâm[2]. Bệnh về thân có thể chữa được bằng thuốc men, kiêng cử và theo sự hướng dẫn của bác sĩ, ngoại trừ những bệnh do nghiệp chi phối thì vô phương hoán chuyển. Nhưng cái đau khổ nhất của chúng sanh đó là căn bệnh trầm kha bởi phiền não chi phối, đó là tâm bệnh.
Sống 24 giờ mỗi ngày, mỗi một tâm niệm xấu khởi lên trong tâm chính là chúng ta mắc một căn bệnh và chúng ta phải dùng thuốc tốt, bảo đảm đúng chất lượng thì mới hòng thoát khỏi căn bệnh đó. Giáo Pháp tám muôn bốn ngàn pháp môn chính là tám muôn bốn ngàn toa thuốc cho mỗi chúng ta.
Bệnh thì nhiều, thuốc đã có sẵn, ấy vậy mà vẫn có nhiều người không chịu uống thuốc mà cứ muốn mau hết bệnh. Bạn không giữ sức khỏe, thuốc không chịu uống thì có mà nằm đó chờ ngày ra đi vậy. Phật tử chúng ta cũng như thế, có nhiều người chẳng chịu tu, chẳng chịu thực hành theo lời Phật dạy mà hễ đi chùa là cầu nguyện với khấn vái để được sức khỏe, bình an và mau giải thoát khỏi luân hồi. Giải thế nào mà được. Đức Phật đem thuốc cho chúng ta uống để chúng ta chữa bệnh phiền não của mình chứ không phải thấy thuốc là bệnh liền suy giảm hay là đem chưng vào tủ để tỏ lòng “Tôn Kính Pháp Bảo” thế là hết bệnh. Xin thưa rằng, cách suy nghỉ đó đúng là “chúng tôi đã cố gắng hết sức…”
Đức Phật là vua của các thầy thuốc, Ngài có những toa thuốc chuyên trị tất cả bệnh của chúng sanh. Chúng ta bệnh phải dùng những toa thuốc đó thì bệnh mới lành. Muốn lành bệnh chúng ta phải chịu uống thuốc, chớ không thể ôm toa thuốc mà ngồi tụng mãi, hoặc chấp tay xin thầy thuốc cho lành bệnh trong khi thuốc lại chẳng chịu uống.
Nhắc lại câu chuyện của nàng Kisāgotamī[3], chúng ta sẽ thấy được cách chữa bệnh khéo léo của Đức Thế Tôn như thế nào.
Nàng Kisāgotamī được gả cho một gia đình triệu phú giàu có trong kinh thành. Một thời gian sau kết hôn thì nàng có thai. Đủ mười tháng nàng hạ sanh một đứa con trai. Đứa bé vừa biết đi chập chừng thì nó bị bạo bệnh mà chết.
Quá hoảng loạn vì chưa bao giờ gặp hoàn cảnh thế này, nàng ẵm xác con đi từng nhà để hỏi xem ai có biết thuốc gì chữa bịnh cho con trai không. Nhiều người khuyên răn nhưng nàng bất cần, vẫn đi lang thang và tin chắc rằng: “nhất định thế nào cũng gặp được người biết sẽ được phương thuốc trị bịnh cho con trai của mình”.
Khi ấy có một hiền trí thấy nàng như vậy, nên nói rằng:
- Con ơi! Bác không biết thuốc men gì cả, nhưng bác biết một vị lương y.
- Thưa bác vị đó là ai vậy.
- Đức Bổn Sư là vị lương y, vậy con hãy tìm đến Ngài mà hỏi thuốc.
- Cám ơn bác, để con đi hỏi thuốc.
Nói rồi, Kisāgotamī đến yết kiến Đức Bổn Sư đảnh lễ Ngài rồi đứng qua một bên, hỏi rằng:
- Bạch Ngài, nghe đồn rằng Ngài biết được thứ thuốc chữa bệnh cho con trai con phải không?
- Phải, Ta biết.
- Bạch Ngài, có cần kiếm món chi không?
- Chỉ cần kiếm cho được một nhúm hạt cải mà thôi.
- Bạch Ngài, con sẽ kiếm được hột cải, nhưng có cần phải kiếm ở nhà người nào không?
- Ở nhà người nào mà chưa từng có đứa con trai hoặc đứa con gái nào chết cả, mới được.
- Lành thay, bạch Ngài.
Nàng Kisāgotamī đảnh lễ Đức Bổn Sư ẵm đứa con chết ra đi vào xóm làng, đến đứng trước cửa nhà đầu tiên hỏi chủ nhà:
- Trong nhà này có hột cải không? Ông lương y nói đó là món thuốc chữa lành bịnh của con tôi.
- Nầy cô, có.
- Nếu có, cho tôi xin một nhúm.
Khi chủ nhà mang hột cải ra, Kisāgotamī lại hỏi thêm:
- Trong nhà nầy chưa từng có đứa con trai hoặc đứa con gái nào chết cả, phải không bác?
- Sao nàng lại nói như vậy? Thật ra thì số sống còn chỉ vài ba người, còn số chết thì lu bù, cô em à!
Nghe nói vậy, Kisāgotamī giao trả lại nhúm hạt cải và nói: “thôi xin bác giữ hột cải của bác, nó không phải là thuốc chữa lành bịnh của con tôi”.
Kể từ đó, Kisāgotamī lại tiếp tục đi sâu vào trong xóm, đến nhà cuối cùng khi trời đã xế chiều, cô cầm nhúm hột cải, cô tự nghĩ:
- Ôi! Ta thật là nặng nghiệp! Con ta đã chết rồi mà ta cứ mong cho nó cải tử hoàn sanh. Khắp cả một xóm làng như vầy mà số người sống còn ít, số tử vong lại nhiều hơn…
Càng suy xét, Kisāgotamī càng dịu lòng thương yêu con, trái tim lần lần trở nên chai lì. Cô vứt bỏ xác con trong rừng, trở về đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi đứng qua một bên, khi ấy Đức Bổn Sư hỏi cô:
- Con đã kiếm được một nhúm hạt cải phải không?
- Bạch Ngài, con kiếm không được, khắp cả làng số người sống còn thì quá ít, số chết mất lại nhiều hơn.
Đức Bổn Sư dạy rằng:
 - Con cứ mãi băn khoăn nghĩ rằng: “con trai ta đã chết.”. Đó chỉ là thường sự đối với chúng sanh. Quả thật, tử thần hằng lôi cuốn tất cả mọi người ở thời thiếu niên, vị thành niên… chẳng khác nào thác nước lụt đem vùi thây chúng sanh trong biển cả ác đạo.
Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết luận bằng bài kệ rằng:
 “Người tâm ý đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ”.[4]
Đến cuối bài kệ nàng Kisāgotamī đắc quả Tu-đà-hườn.
Căn bệnh phiền não của chúng ta như là một chứng bệnh ung thư, nó ăn dần ăn dần cái tâm của mỗi người, khiến cho chúng ta phải điên đảo, đau khổ vì nó. Nguyên nhân chính, mầm mống phát khởi bệnh đã được vị thầy thuốc vĩ đại nhất phát hiện ra. Theo tinh thần của giáo lý Tứ Diệu Đế, ta có thể hình dung như sau:
- Khổ đế: chính là căn bệnh phiền não của mỗi người.
- Tập đế: vô minh và ái dục chính là nguyên nhân của căn bệnh.
- Diệt đế: trạng thái vô bệnh hay kết quả của quá trình chữa bệnh nếu áp dụng đúng thuốc.
- Đạo đế: phương thuốc gồm có 8 loại thuốc dùng để chữa bệnh.
Bệnh đã được chẩn đoán, thuốc đã có, bác sĩ trình độ chuyên môn cao, thôi thì ráng nhắm mắt nhắm mũi mà uống thuốc để được hết bệnh và khỏe mạnh. Đừng ham chơi mà bỏ thuốc kẻo rồi bệnh nặng thêm đó nhé. Thôi thì tạm kết thúc bài viết tại đây.
Kính tri ân và đảnh lễ vị thầy thuốc vĩ đại nhất trong lòng con.
Namo Buddhāya!
Wat Maiphiren, 27/02/2014.
Tỳ-khưu Định Phúc.


[1] Trung Bộ Kinh, Kinh Upāli (M.56)
[2] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Các Căn, Phần Bệnh.
[3] Chú Giải Kinh Pháp Cú Số 114.
[4] Pháp Cú Kinh Số 287.
Tags: , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com