Chuyện Phật Pháp và Đức Phật bị hiểu lầm thì có rất nhiều… Phật tử chúng ta có nhiều cách thức để bảo vệ đạo, cách đơn giản nhất là tu (và cũng khó nhất :). Nhưng tu thôi chưa đủ chúng ta còn phải làm sáng con đường mà đức Phật đã đi để cho mọi người thấu hiểu được đức Phật. Bởi có hiểu mới có thương có thương mới biết chấp nhận.
3 điều Phật giáo bị người đời hiểu lầm sau đây là phổ biến cần phải làm cho minh bạch để mọi người không còn nhìn Phật giáo qua cặp kính màu của riêng mình nữa…
1. Đức Phật là thần linh
Rất nhiều người cho rằng đức Phật Thích Ca là một vị thần có phép hô phong hoán vũ có quyền sinh sát, định đoạt số phận người khác. Điều này không đúng! Đơn giản là vì đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử sinh năm 624 trước công nguyên và thọ 80 tuổi. Những địa điểm quan trọng gắn liền với cuộc đời Đức Phật đã được xác định và giữ lại tại Nepal.
Trong quyển Đức Phật và Phật Pháp, Đại đức Narada Thera đã viết: “Đức Phật đã được sinh ra như một con người, sống đời sống của một con người và chết đi như một con người… “
Bản thân đức Phật cũng từng tuyên bố trong kinh Pháp Hoa rằng: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh” nghĩa là mỗi chúng sinh đều có tính Phật và có thể thành Phật. Ý nghĩ của chữ Phật là tỉnh thức. Nếu như ai cũng có thể vượt qua chình mình để “thức tỉnh” sao có thể nói Đức Phật là một vị thần linh hão huyền nào đó. Phật giáo là bình đẳng không chỉ ở hình thức mà còn ở bản chất đó là đồng đẳng Phật tính.
2. Phật giáo bi quan, yếm thế
Nhiều người cho rằng Phật giáo nhìn cuộc đời quá đen tối khi cho rằng cuộc đời là bể khổ và nước mắt chúng sinh thì nhiều hơn cả 4 đại dương… Tệ hơn nữa họ cho rằng Phật giáo là yếm thế chỉ biết chấp nhận mà không hành động.
Nói như vậy là chưa nhìn Phật giáo khách quan và toàn diện. Chưa khách quan vì sự thực là vậy mà! Cuộc sống con người hiếm có được hạnh phúc, mà hạnh phúc chắc cũng không dài lâu! Đức Phật đã dạy chúng ta cách chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật. Đức Phật cũng nói thêm rằng sự đau khổ đó có nguồn gốc của nó và cũng chỉ cho chúng ta cách diệt trừ những mầm mống đau khổ đó để đạt được hạnh phúc. Vậy nếu chúng ta không hạnh phúc là do chúng ta không tự mình diệt trừ những nguồn gốc đau khổ của mình, không ai có thể chịu đựng những khổ đau và diệt trừ nỗi khổ đau đó thay ta.
Thực ra trong bài thuyết pháp đầu tiên của mình đức Phật đã đề cập ngay đến vấn đề này ở bài pháp Tứ Diệu Đế – bốn chân lý chân thật – Khổ Tập Diệt Đạo.
- Khổ đế chỉ ra những cảnh khổ của thế gian
- Tập đế chỉ ra nguồn gốc của nỗi khổ đau đó
- Diệt đế chỉ ra niềm hạnh phúc chân thật sau khi diệt trừ được đau khổ
- Đạo đế là phương thức để chúng ta diệt trừ mầm mống khổ đau
3. Vào chùa đi tu – chỉ có thất tình mới như thế!
Xem cải lương thấy bà con hễ thấy có người thất tình là vào chùa đi tu lánh đời như trong tuồng Lan và Điệp, Nửa Đời Hương Phấn, Áo Cưới Trước Cổng Chùa… Đúng là có nhiều người thất tình vào chùa để mượn cảnh thiền thanh tịnh thân tâm nhưng nói thất tình mới đi tu thì không có đúng tí xíu nào.
Thiệt ra thì đi tu khó hơn chúng ta nghĩ nhiều, Nếu không có một ý chí sắc đá thì khó mà theo đuổi con đường xuất gia này. Những người yếu đuối vì thất tình lánh đời trong lòng muốn được yêu thương sẽ không đủ sự kiên định sống đơn độc để đi hết con đường này.
Vậy tại sao cửa thiền vẫn luôn dang rộng tay đón chào kẻ thất tình? Bởi vì nếu như cửa thiền không rộng mở với họ thì họ biết sẽ đi đâu về đâu? Phật giáo tôn trọng sinh mạng và hạnh phúc của trăm loại chúng sinh cớ sao không thể bao dung một con người đang khổ sở. Phật pháp có con đường chuyển hóa khổ đau thành an lạc như hoa sen vươn lên từ trong bùn để giúp họ đi từ khổ đau đến hạnh phúc.
Cuối cùng việc có ở lại cửa thiền hay không là cơ duyên của mỗi người. Nếu như vì một lý do nào đó họ chợt “thức tỉnh” và tự tâm xuất gia thì đó là điều đại phúc cho chúng sanh và bản thân họ. Nếu có thể làm được như vậy thì có chịu thêm một chút tiếng xấu cũng là lẽ đương nhiên.
Hồng Hòa Vi
Theo: www.nguoiaolam.net
0 nhận xét