Nhận định về Hòa thượng Thích Minh Châu
Hòa thượng Thích Minh Châu, người được biết đến nhiều trong giai đoạn cuộc chiến Việt Nam những năm thuộc thập kỷ 1960-1970, vừa qua đời ngày 01/9 tại Sài Gòn, để lại nhiều đánh giá khác nhau về di sản của ông.
Hòa thượng Thích Minh Châu là một vị lãnh đạo hàng đầu của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra sau năm 1975.
Trong một cáo phó do chính quyền nhà nước ban bố hôm 02/9, đứng tên bên cạnh các Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc.
Lãnh đạo hàng đầu
Hòa thượng Thích Minh Châu giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống giáo hội Phật giáo được nhà nước cộng sản hậu thuẫn. Ông viên tịch khi đang là phó Pháp chủ và trước đó từng là tổng thư ký, phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự của Giáo hội, trưởng Ban Phật giáo quốc tế.
Ông cũng từng là viện trưởng sáng lập Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, chủ tịch Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh, hiệu trưởng các Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Về mặt chính quyền, nhà tu hành này cũng tham gia vào Quốc hội của Việt Nam liên tục tới bốn khóa từ khóa 7 đến khóa 10 và được Nhà nước cộng sản Việt Nam tặng thưởng các Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhì và Huân chương Đại đoàn kết.
Thế nhưng, điều đáng lưu ý là Hòa thượng Minh Châu cũng cũng từng thuộc hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội có từ lâu ở miền Nam Việt Nam, nhưng không được chính quyền Việt Nam hiện nay thừa nhận từ sau 1975.
Thực vậy, ông từng nắm Tổng vụ giáo dục của Viện Hóa đạo và giữ quyền viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước 1975.
Các sử liệu của Miền Nam và nước ngoài cũng nhắc đến vai trò của ông trong giai đoạn Phật giáo tham gia các chính biến trong thập niên 1960, nhất là giai đoạn Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Sau 1975, ông đóng vai trò "quan trọng" trong công cuộc "vận động thống nhất" Phật giáo Việt Nam vào năm 1979 theo mục tiêu của chính quyền do Đảng Cộng sản nắm, cùng với một số lãnh đạo khác của Giáo hội khi đó là các vị Hòa thượng Thích Trí Thủ và Thích Trí Tịnh – viện trưởng và viện phó Viện Hóa đạo.
Cũng vì vai trò cộng tác này với chính quyền sau 1975 khiến ông đã gặp nhiều chỉ trích từ nhiều vị đồng đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hiện không được Nhà nước công nhận.
'Tổn thất to lớn'
Từ Sài Gòn, Hòa thượng Thích Trí Quảng, phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là phó trưởng ban thường trực Ban lễ tang của nhà nước, nói rằng cái chết của Hòa thượng Minh Châu là ‘tổn thất rất to lớn’ đối với Giáo hội.
Hòa thượng Trí Quảng, người tiếp quản các vai trò của Hòa thượng Thích Minh Châu tại Ban Phật giáo quốc tế và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, nói với BBC Tiếng Việt hôm 3/9/2012:
“Mặc dù sau này hòa thượng bị bệnh một thời gian dài không làm việc được, nhưng niềm tôn kính của tăng ni Phật tử Việt Nam đối với sự hiện hữu của hòa thượng là rất lớn.”
Ông đánh giá Hòa thượng Minh Châu có "đóng góp to lớn" cho Phật giáo Việt Nam ở các mặt giáo dục, dịch kinh điển và thống nhất Phật giáo.
Thứ nhất, về mặt giáo dục, Hòa thượng Minh Châu ‘là người mở đầu cho giáo dục Phật giáo trong thời đại mới’ và ‘nâng trình độ kiến thức tăng ni lên tầm cao mới.’
“Trong chế độ mới (xã hội chủ nghĩa), hòa thượng cũng là một nhà giáo dục nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam,” Hòa thượng Trí Quảng nói thêm và cho biết từ sau năm 1975 Hòa thượng Minh Châu đã đào tạo được 5 khóa tăng lữ và đưa con số cử nhân Phật học của Việt Nam trong chế độ xã hội chủ nghĩa lên 500 - 600 người.
"Tôi rất buồn vì Hòa thượng Minh Châu vì các việc riêng tư mà đi đến làm tổn hại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất mà ông từng là một trụ cột."
Hòa thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ Từ thiện-Xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất
Riêng về việc thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Trí Quảng đánh giá Hòa thượng Minh Châu có ‘công trạng rất lớn’ với việc ông tham gia xây dựng Hiến chương Giáo hội và được đại hội thống nhất Phật giáo năm 1981, do nhà nước hậu thuẫn, cử làm tổng thư ký Hội đồng Trị sự.
“Vào năm 1979 đất nước đã được thống nhất thì Phật giáo cả nước thống nhất là việc rất cần,” ông nói, “Việc thống nhất là để thành lập một lực lượng mạnh hơn chứ không phải yếu đi.”
“Đương nhiên có người đồng tình, có người không đồng tình,” ông trả lời câu hỏi về các ý kiến chỉ trích vai trò của Hòa thượng Minh Châu trong việc gạt bỏ vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tất cả những gì tôi làm được cũng có nền tảng xây dựng của Hòa thượng Minh Châu,” ông nói.
'Tổn thất cho Nhà nước'
Khác với quan điểm kể trên, Hòa thượng Thích Không Tánh, người hiện hiện giữ vai trò Tổng vụ Từ thiện-Xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lại có đánh giá cả ‘công và tội’ của Hòa thượng Minh Châu.
“Sự mất mát nào cũng là sự thương tổn và để lại đau buồn cho quần chúng Phật tử,” ông nói.
“Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu là người có công lớn với chế độ Việt Nam hiện thời nên sự ra đi của ông là tổn thất đối với Nhà nước và Giáo hội Phật giáo quốc doanh,” ông nói thêm.
Về đóng góp cho Phật giáo Việt Nam nói chung, Hòa thượng Không Tánh cho biết là sau khi du học trở về với bằng tiến sỹ, Hòa thượng Minh Châu đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất giao cho làm Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh và đào tạo một thế hệ tăng ni từ sau năm 1963 cho đến trước năm 1975 và có đông đảo học trò ở trong nước và hải ngoại.
Ông cũng có công phiên dịch kinh điển rất nhiều.
Tuy nhiên, Hòa thượng Không Tánh phê phán vai trò của Hòa thượng Minh Châu trong việc đứng về phía chính quyền cộng sản Việt Nam ‘o ép để giải tán Giáo hội Thống nhất’.
“Có những vị tôn túc trong hàng lãnh đạo Giáo hội không đồng ý, lúc bấy giờ Hòa thượng Minh Châu là người đã lên án và tố cáo các Đại lão hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ là chống đối lại Nhà nước, chống đối lại Mặt trận Tổ quốc,” ông nói với BBC hôm thứ Hai.
“Là tổng vụ trưởng Tổng vụ giáo dục và cai quản một đại học Phật giáo, Hòa thượng Minh Châu đã bàn giao Đại học Vạn Hạnh cho Nhà nước mà không được phép của Giáo hội,” ông nói thêm.
“Tôi rất buồn vì Hòa thượng Minh Châu vì các việc riêng tư mà đi đến làm tổn hại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà ông từng là một trụ cột.”
0 nhận xét