"DẠY CON" TRONG KINH TẠNG (Định Phúc)

HOÀNG TỬ RAHULA ĐẾN XIN ĐỨC PHẬT TÀI SẢN
VÀ ĐƯỢC NGÀI CHO PHÉP ĐI XUẤT GIA ĐỂ CÓ ĐƯỢC THÁNH SẢN


Con cái là niềm hạnh phúc của cha mẹ, vì đó là kết quả được hình thành do tình yêu của cha mẹ mà có được. Từ khi biết con đã hiện hữu cho đến lúc sinh con ra và nuôi con lớn khôn, lúc nào cha mẹ cũng yêu thương con cái, chăm sóc và dạy dỗ con cho nên người. Người cha người mẹ nào cũng muốn con mình sẽ trở thành một người con tốt, có đạo đức và sẽ có một sự nghiệp vững chắc… Tình thương của cha mẹ đối với con lúc nào cũng dồi dào và vô tận. Tuy nhiên, dành cho con tất cả tình thương yêu thôi cũng chưa thể gọi là đủ. Ngoài sự yêu thương, lo lắng, trách nhiệm của người làm cha mẹ còn phải có nhiệm vụ dạy dỗ con cái sao cho chúng nên người, trở thành người có ích cho xã hội, là người con xứng đáng với dòng họ gia tộc. Chính vì thế, việc dạy con là một việc làm rất quan trọng, được xem như là việc đặt nền móng đạo đức căn bản cho con cái của mình.
Nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái là hai trách nhiệm cao quý của cha mẹ. Tại vì sao? Vì cha mẹ được gọi là vị phạm thiên của con, là vị tiên sư của con, là vị chư thiên của con và là vị đáng được con cúng dường lễ bái.
Những gia đình nào, này các tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như phạm thiên. Những gia đình nào, này các tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như bậc ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy, này các tỷ-kheo, được xem là giống như chư thiên thời trước. Những gia đình nào, này các tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là đáng được cúng dường.
Phạm thiên, này các tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các bậc ðạo sư thời xưa, này các tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; chư thiên thuở xưa, này các tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; đáng được cung kính cúng dường, này các tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Này các tỷ-kheo, vì mẹ cha giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và giới thiệu chúng vào đời này .
Trách nhiệm của cha mẹ là như thế, ân đức của cha mẹ là như thế, tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách dạy dỗ con cái đúng hướng. Và đôi khi "giáo đa thành oán" sẽ làm cho những đứa con không biết nhận thức sẽ trở nên hận thù với cha mẹ của chúng. Bởi thế, dạy con cũng cần phải biết cách, phải biết dạy như thế nào mới đem đến hiệu quả thiết thực nhất.
Trong bài Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt, đức Thế Tôn đã dạy cho thanh niên Siṅgāla về năm phương pháp dạy dỗ con cái như sau:
Này gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương ðông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.Đó là năm nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả mà các bậc phụ mẫu nên thiết lập cho con cái của mình để chúng có được tiến hóa từ nội tâm đến cuộc sống bên ngoài được thành công tốt đẹp. Nếu làm được những việc này thì cha mẹ đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ của mình một cách mỹ mãn và tốt đẹp nhất.
Thứ nhất : ngăn chặn con làm điều ác – pāpā nivārenti.Pāpa tức là những việc làm xấu, những việc làm ác được thể hiện qua hành động, lời nói hay là bằng những suy nghĩ trong tư tưởng. Bất cứ hành động nào bằng thân, khẩu, ý có liên quan đến việc ác xấu thì cha mẹ phải nhất quyết ngăn chặn – nivāreti, không cho chúng tiếp xúc với những điều bất thiện đó.
Xã hội ngày nay, rất nhiều cạm bẫy từ trong cuộc sống thực tế cho đến những lời dụ ngọt trong cuộc sống ảo, tất cả những vấn đề đó đang là vấn nạn cho toàn cầu trong việc giáo dục giới trẻ tránh xa những thú vui trụy lạc, những trò đùa vô bổ.
Là cha mẹ, chúng ta phải có biện pháp khuyên dạy con như thế nào để giúp và khuyến khích con cái không rơi vào các cạm bẫy đó. Đó cũng là một vấn đề nan giải của rất nhiều bậc phụ huynh.
Cho dù, bằng bất cứ hình thức giáo dục nào, khuyên dạy thế nào thì sự đánh đập, sự trừng phạt bằng roi đòn không bao giờ được hoan nghênh và khuyến khích áp dụng. Sự trừng phạt do đánh đòn roi không thể trở thành một phương pháp hữu hiệu trong việc giáo dục con cái. Vậy mà các bậc cha mẹ thường hay áp dụng hình thức này, khiến cho con cái chỉ sợ những làn roi thôi chứ không thể lánh xa các điều xấu ác được.
Và một hình thức giáo dục nữa cũng không được khuyến khích cho lắm, đó là việc mắng chửi con cái. Khi cha mẹ bực tức với con cái, họ dùng những lời thô lỗ để mắng chửi con cái của mình thì những lời mắng chửi đó chẳng có ích gì trong việc giáo dục cả, mà đôi khi chính họ lại là những người bực tức và đau khổ khi phát ngôn ra những lời nói không mấy tốt đẹp ấy.
Chớ nói lời ác độc,
Nói ác, bị nói lại,
Khổ thay lời phẩn nộ,
Ðao trượng phản chạm người .
Vì vậy, sự trừng phạt bằng đòn roi hay mắng nhiếc không bao giờ được khuyến khích trong việc giáo dục con cái. Để giáo dục con cái một cách có hiệu quả mà thiết thực nhất là cha mẹ phải biết làm gương mẫu, rồi mới có thể khuyến giáo con cái hành theo lời của mình được. Một người cha đắm say rượu chè, một người mẹ đam mê cờ bạc thì không thể nào dạy con "không được nhậu nhẹt" hay là "không được đánh bài". Muốn cho con cái nghe theo lời dạy của mình thì cha mẹ phải thực hiện gương mẫu những lời dạy đó, cha mẹ phải tự mình kiềm chế tránh xa các điều ác quấy thì mới có thể dạy bảo con cái tránh xa những điều ác đó.
Trước hết tự đặt mình,
Vào những gì thích đáng.
Sau mới giáo hóa người,
Người trí khỏi bị nhiễm.
Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay tự điều phục !
Lại nữa, việc ngăn chặn con làm điều ác còn bao gồm luôn việc nhắc nhở, khuyến khích con không nên giao du với các hạng người xấu, những người bạn bất hảo. Chính những thành phần này sẽ là mồi bẫy dụ dỗ con cái chúng ta đi vào con đường lỗi lầm, ác quấy. Có những người bạn mà cha mẹ không nên cho con cái mình giao du và gần gũi, vì chính điều này sẽ làm con cái của chúng ta bị lây nhiễm, bị ảnh hưởng tính xấu, bị ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình…
Này gia chủ từ, có bốn hạng người phải xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người khéo nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Này gia chủ tử, có bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: người vật gì cũng lấy, cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, làm vì mưu lợi cho mình. Này gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Này gia chủ tử, có bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: tỏ lộ thân tình việc đã qua; tỏ lộ thân tình việc chưa đến; mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình. Này gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Này gia chủ tử, có bốn trường hợp, kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: ðồng ý các việc ác; không đồng ý các việc thiện; trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích. Này gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Này gia chủ tử, có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình du hành đường phố phi thời; là bạn khi mình la cà đình đám hý viện; là bạn khi mình đam mê cờ bạc. Này gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn .
Nói tóm lại, việc khuyên ngăn con cái làm điều ác là điều trước tiên mà cha mẹ cần phải làm để đề phòng con cái ảnh hưởng cái xấu, giao du với kẻ xấu, ngoài ra, chính cha mẹ phải là những người đi tiên phong trong việc tránh xa những điều ác xấu đó để lời khuyên dạy của mình có giá trị thiết thực hơn.
Thứ hai : khuyến khích con làm điều thiện – kalyāṇe nivesenti.Bên cạnh việc bảo vệ con tránh xa những việc ác xấu, cha mẹ nên khuyến khích con cái mình làm những việc tốt, làm những điều lành. Kalyāṇa tức là những điều tốt đẹp, tức là nói những lời nói tốt đẹp, làm những việc làm tốt đẹp và suy nghĩ những việc tốt đẹp. Trái ngược với sự ngăn cản – nivāreti thì ở đây cha mẹ nên thiết lập – niveseti cho con những điều tốt đẹp, khuyến khích con làm những điều tốt đẹp, điều thiện, điều lành.
Những việc thiện theo tinh thần Phật giáo có thể là hướng dẫn con cái làm phước bố thí, hướng dẫn con cái giữ giới và tu tập… có rất nhiều hình thức để cha mẹ khuyến khích con cái thực hành theo.
Nếu đề cập đến vấn đề tạo phước báo thì nên khuyến khích con cái hành theo 10 phước nghiệp sự, tức là 10 việc để tạo nên phước báu như : bố thí, trì giới, tu tiến, cung kính, phục vụ, thuyết pháp, thính pháp, hồi hướng phước, tùy hỷ phước và cải chánh tri kiến.
Còn nếu đề cập đến vấn đề tạo nghiệp thiện thì nên khuyến khích con tạo những nghiệp lành như là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói dối, không nói độc ác, không nói ly gián, không nói vô ích, không tham lam, không sân hận, không chấp tà kiến.
Chúng ta hãy xem lại đoạn kinh mà đức Phật dạy cho sa-di Rāhula về việc gìn giữ thân-khẩu-ý như thế nào? Và hãy lấy đó làm kim chi nam cho việc dạy dỗ con cái của mình cũng như là dạy dỗ cho chính bản thân mình.
Tôn giả Rāhula thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy, liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, và sau khi ngồi, ngài rửa chân. Tôn giả Rāhula đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
Rồi Thế Tôn, sau khi để một ít nước còn lại trong chậu nước, bảo tôn giả Rāhula:
- Này Rāhula, ông có thấy một ít nước còn lại này trong chậu nước không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng ít vậy, này Rāhula, là sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn, sau khi đổ đi chút ít nước còn lại ấy rồi bảo Rāhula:
- Này Rāhula, ông có thấy chút ít nước còn lại ấy bị đổ đi không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng đổ đi vậy, này Rāhula, là sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo tôn giả Rāhula.
- Này Rāhula, ông có thấy chậu nước bị lật úp ấy không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng lật úp vậy, này Rāhula, là sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo tôn giả Rāhula:
- Này Rāhula, ông có thấy chậu nước này trống không không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng trống không vậy, này Rāhula, là sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý… (lược)
Này Rāhula, ông nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?
- Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.
- Cũng vậy, này Rāhula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp .
Với những lời giảng dạy chân tình và thiết thực, đức Thế Tôn muốn khuyên nhắc những người con Phật phải biết tự phản tỉnh chính mình, phải hướng tâm mình đến những việc tốt đẹp, đừng làm chính bản thân mình trở thành những chậu nước bị lật úp, trở nên rỗng không.
Thứ ba : cho con học nghề nghiệp – sippaṃ sikkhāpenti.Việc dạy dỗ con cái kế tiếp là đức Phật khuyên các hàng cha mẹ nên hướng con đến sự học hành một nghệ nghiệp nào đó. Cha mẹ có thể có tiền bạc nhưng tiền bạc, tài sản thì không thể giúp cho con nên người được, chính nghề nghiệp của con sẽ làm cho con cái tự kiếm sống, tự lập nghiệp, không dựa dẫm vào cha mẹ, họ hàng.
Và ở đây, với nhiệm vụ này, chúng ta nên hiểu là phải cho con cái đi đến trường để học, học những điều chưa biết, học văn hóa, học đạo đức, học làm người và sau cùng là hướng đến một nghề nghiệp nào đó để đeo đuổi và thực hành.
Không có trình độ văn hoá, không có một nghề nghiệp ổn định thì không thể nào gầy dựng được một cuộc sống ổn định. Cha mẹ cho con cái đến trường để được giáo dục và hướng nghiệp chính là cho con nghề nghiệp, cho con một sự nghiệp vững chắc để có một cuộc sống tốt đẹp. Dù có cho con trăm lượng vàng, ngàn lượng bạc hay là tiền gửi vào mấy cái ngân hàng, thì vẫn không bằng cho con có một cái nghề, vẫn không bằng cho con một sự nghiệo ổn định. Đó là cách dạy con thiết thực nhất.
Thứ tư : lập gia thất cho con xứng đáng – patirūpena dārena saṃyojenti.
Khi con cái có được suy nghĩ về những điều nên làm và không nên làm, có được một sự nghiệp ổn định thì việc mà bất cứ người cha mẹ nào cũng mong muốn chính là việc thấy được con của mình thành gia lập thất. Và công việc này, cha mẹ cũng có trách nhiệm một phần để giúp đỡ cho con cái.
Xã hội ngày xưa, có lẽ tính nhân quyền chưa được đề cao nên chuyện "môn đăng hộ đối" hay là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" là chuyện bình thường. Và cũng vì vấn đề đó đã làm biết bao nhiêu là gia đình bị đổ vỡ, vô tình đẩy những đứa con vào những nơi mà chúng không ưng ý và trở thành một bi kịch của xã hội.
Còn ngày nay, tính nhân quyền đã được phổ cập rộng khắp, mọi người đều có quyền và được tôn trong trong việc lựa chọn người bạn đời của mình. Hạnh phúc của chính con, sẽ do chính con lựa chọn lấy. Cha mẹ không thể nào ép buộc đối với hạnh phúc của con được, vì chính con sẽ là người trực tiếp lãnh chịu những hậu quả do chuyện hôn nhân đó.
Tuy nhiên, chúng ta không thể loại bỏ trách nhiệm của cha mẹ trong việc hôn nhân của con cái được. Đối với việc hôn nhân của con cái, cha mẹ sẽ là những người giúp đỡ cho con trong những xử sự của cuộc sống gia đình vô cùng rắc rối. Sự trợ giúp của cha mẹ trong việc lựa chon người bạn đời thích hợp sẽ giúp cho cuộc sống gia đình của các con giảm bớt đi phần nào những chuyện không vừa ý, những mâu thuẫn trong hôn nhân gia đình.
Quả thật như vậy, cha mẹ không thể đứng ngoài cuộc để con cái mặc nhiên lo việc cưới sinh của mình. Cha mẹ sẽ là người đưa ra những lời khuyên sáng suốt và quý gia nhất trong việc lựa chọn hạnh phúc của con.
Thứ năm : đúng thời giao của thừa tự cho con – samaye dāyajjaṃ niyyādenti .Và việc cuối cùng, đức Phật dạy cha mẹ nên giao tài sản thừa tự cho con một cách đúng thời.
Cha mẹ vất vả làm lụng suốt đời không phải chỉ muốn hưởng thụ cho riêng mình mà là muốn để lại cho con cái một chút gì đó sau khi qua đời. Tình thương của cha mẹ từ lúc sinh con ra, đến lúc con lớn khôn và cho đến lúc chết cũng còn muốn lo cho con cái.
Chúng ta hãy xem lại đoạn kinh sau đây nói về trường hợp một vị bà-la-môn đại phú bị con cái hất hủi khi về già. Sau khi đã chia hết toàn bộ tài sản cho các con trai và dâu, ông đã trở thành một người nghèo và vô gia cư như thế.
Một bà-la-môn đại phú, dáng bộ tiều tụy, đắp y thô xấu, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với vị bà-la-môn đại phú đang ngồi xuống một bên:
- Này bà-la-môn, sao dáng bộ ông tiều tụy? Sao ông đắp y thô xấu?
- Thưa tôn giả Gotama, ở đây bốn đứa con trai của con, chúng âm mưu với vợ của chúng, trục xuất con ra khỏi nhà.
- Vậy này bà-la-môn, hãy đọc thuộc bài kệ này, và khi nào quần chúng hội họp trong thính đường và cả các người con cùng ngồi họp, hãy đọc lên bài kệ:
Khi chúng sanh, tôi mừng
Tôi muốn chúng sinh thành.
Cùng vợ, chúng âm mưu,
Chống tôi và đuổi tôi,
Chẳng khác gì con chó,
Xua đuổi bầy heo lợn,
Ác độc và lỗ mãng,
Chúng gọi tôi: "cha thân".
Chúng thật quỷ dạ-xoa,
Ðội lốt là con tôi,
Và chúng trục xuất tôi,
Khi tôi đến tuổi già,
Như ngựa già suy nhược,
Bị tẩn xuất chuồng ăn.
Nay cha già bọn trẻ,
Phải ăn xin nhà người,
Thà cho tôi cái gậy,
Hơn lũ con bất hiếu.
Với gậy, chận bò dữ,
Chận được loại chó dữ,
Chỗ tối dò an toàn,
Chỗ sâu, tìm chân đứng,
Với sức mạnh chiếc gậy,
Vấp ngã đứng dậy được …
Qua câu chuyện lược kể trên, các bậc làm cha mẹ hãy xem như là một bài học kinh nghiệm trong việc trao tài sản thừa kế cho con. Hãy khéo suy nghĩ xem lúc nào là hợp thời, lúc nào là không hợp thời để trao tài sản.
Vả lại cũng có thể có nhiều gia đình cha mẹ không có nhiều tài sản để dành lại cho con cái thừa hưởng. Tuy nhiên, những lời khuyên dạy, những bài học kinh nghiệm và tình thương của cha mẹ chính là món tài sản quý gia nhất mà cha mẹ đã dành cho những đứa con thân yêu của mình.
Nói tóm lại, những trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái đã được đức Phật khuyên dạy như thế sẽ giúp cho cha mẹ có thêm nhiều phương pháp dạy dỗ con cái, hướng con cái đến với cái thiện, đến với một đời sống sự nghiệp tốt đẹp và vững chắc. Dạy con, dù trong hoàn cảnh nào, trong xã hội nào thì áp dụng những lời dạy của Thế Tôn vào cách dạy dỗ con cái thì sẽ giúp cho con cái có được kho tàng quý báu và chính những người cha mẹ cũng sẽ là những viên ngọc sáng làm ánh sáng cho những đứa con của mình nương theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Bốn Pháp, Phẩm Nghiệp Công Ðức, Phần Bằng Với Phạm Thiên.
Pháp Cú Kinh Số 133-158-159.
Trường Bộ Kinh II, Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt.
Kinh Giáo giới La-hầu-la ở Am-bà-la.
Tương Ưng Bộ Kinh I, Tương Ưng Bà-La-Môn, Phẩm Cư Sĩ, Phần Mahāsāla.
Tags: ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com