Các lời dạy căn bản của Đức Phật về hành phạt tử hình


Đạo Phật cảm nhận rằng tất cả mọi người về căn bản là chân thiện, và mục đích chính của Phật giáo là giáo dục, chuyển hoá và cải cách chứ không hủy diệt. Nếu có người bệnh, Đạo Phật cố gắng cứu chữa người đó khỏi căn bệnh hơn là tiêu diệt người mang bệnh.

Đạo Phật, đạo của từ bi và trí tuệ, luôn luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống của tất cả chúng hữu tình. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì muốn mang hoà bình và hạnh phúc đến cho chư thiên và loài người.
Thực vậy, từ xưa đến nay, Đạo Phật đã không bao giờ đem khổ đau cho bất cứ ai. Đạo Phật chỉ đưa ra con đường chuyển hoá đau khổ cho những ai có tâm tìm hiểu và mong muốn để đạt đến con đường đó.
Hôm nay, nhân dịp Hội Ái hữu thành phố Milwaukee tổ chức cuộc nói chuyện với chủ đề Quan điểm của Phật giáo về án tử hình, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ đề tài này với những ý tưởng như sau:
I.  Năm giới
Các giới luật quan trọng và căn bản hướng dẫn phát triển tâm linh rất quen thuộc với giới Phật tử là thọ trì ngũ giới (Panca Sila)[1]:
1.  Con phát nguyện vâng giữ giới không sát hại sanh vật.
2.  Con phát nguyện vâng giữ giới không lấy của không cho.
3.  Con phát nguyện vâng giữ giới không tà dâm.
4.  Con phát nguyện vâng giữ giới không nói dối.
5.  Con phát nguyện vâng giữ giới không uống rượu say.
Trong ý nghĩa tiêu cực, năm giới này là những điều răn cấm, nghĩa là không được phạm vào bất kỳ tội lỗi hoặc tội ác nào. Bản chất của sự răn cấm này được thể hiện ở hai phương diện:
(a)     để ngăn chặn và phòng ngừa tội lỗi hoặc tội ác, chẳng hạn như cấm uống rượu say vì nó có thể dẫn tới tạo tội lỗi hoặc tội ác;
(b)     để chấm dứt và không tái phạm những tội ác đã làm, như giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, v.v… chính bản chất chúng là bất thiện.
Trong ý nghĩa tích cực, giới đầu tiên giúp chúng ta tăng trưởng lòng từ bi. Giới thứ hai có thể giúp nuôi dưỡng đức tính thành thật, tâm bao dung, không chấp thủ và chánh mạng. Giới thứ ba giúp vun bồi khả năng tự kềm chế, bảo hộ các căn và những cảm xúc, chế ngự lòng ham muốn trần tục. Giới thứ tư làm cho phát triển niềm tin yêu, tâm chân thật, và đạo đức chính trực. Và giới cuối cùng giúp chúng ta quay về chánh niệm, tỉnh thức, và tuệ giác.
Bởi vậy, thực hành thuần thục những giới luật Phật giáo sẽ giúp chúng ta sống một cuộc sống đạo đức, thăng tiến đời sống tâm linh trong từng cá nhân đồng thời giúp thúc đẩy việc chung sống hòa bình trên tinh thần hợp tác, tin cậy lẫn nhau trong cộng đồng và đẩy mạnh tiến trình xã hội ngày càng phát triển.
II.  Giới đầu tiên
Giới đầu tiên ủng hộ xu hướng phản đối việc phá hủy sự sống. Điều này dựa vào nguyên lý của thiện tâm và tôn trọng quyền sống của tất cả mọi loài.
Trong kinh Phạm Võng[2], Đức Phật chỉ dạy cặn kẽ Giới Bồ tát đầu tiên là: “Đệ tử Phật không được tự mình giết, hoặc bảo người giết, phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết.
Có năm điều kiện[3] kết thành hành động giết hại là:
(1)   Có hiện hữu một chúng sanh, con người hoặc loài vật;
(2)   Nhận biết rằng chúng sanh đó đang còn sống;
(3)   Dự định hoặc quyết định để giết;
(4)   Dùng phương tiện thích đáng để thực hiện hành động giết hại;
(5)   Và có hậu quả đưa đến sự chết.
Thiếu bất kỳ một trong các điều kiện này, hành động giết sẽ không cấu thành, mặc dù sự chết có xảy ra. Điều đó chỉ được xem như sự cố tai nạn và không gây ra hiệu ứng tội lỗi nào cho người làm hành động này.
Có sáu cách giết[4]: (1) giết bằng chính bàn tay của mình, (2) ra lệnh cho kẻ khác giết, (3) giết bằng cách bắn, ném đá, đánh gậy, v.v…, (4) giết bởi việc đào những hầm hố, v.v... để đánh bẫy chúng sanh, (5) giết bởi dùng thần lực, hoặc các phương cách bí ẩn, và ( 6) giết bằng mật chú, hoặc khoa học huyền bí nào đó.
Dù sử dụng công cụ nào để giết hoặc phá hủy đời sống tâm linh của chúng sanh đi nữa thì kẻ đó đã phạm vào sát sanh nghiệp đạo rồi.
Bởi vậy, một Phật tử chân chánh không thể làm hoặc ủng hộ án tử hình bởi vì án tử hình đồng nghĩa với việc tước đoạt hay chấm dứt đời sống con người với năm điều kiện và bất kỳ một trong sáu cách giết nói trên.
III.   Tâm từ bi
Ở giới đầu tiên trong Kinh Phạm Võng[5], Đức Phật dạy rằng “là Phật tử lẽ ra phải luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh. Mà trái lại, tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh, Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội”.
Do tuân thủ giới này chúng ta biết cách vun bồi tâm từ và tâm bi. Nên thương yêu những người khác như chính mình vậy. Cảm nhận được đau khổ của người khác như của chính mình thì chúng ta sẽ sẳn sàng làm cách nào đó để có thể giúp họ vơi bớt khổ đau.
Như vậy, chúng ta trau giồi tâm từ bi và tăng trưởng tinh thần vị tha chính vì phúc lợi của người khác, ý thức tôn trọng và bảo vệ cho tất cả chúng sanh.
Trong Kinh Từ bi, Đức Phật cũng dạy:
Mong rằng không có ai,
Lường gạt, lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào.
Không vì giận hờn nhau,
Không vì tưởng chống đối.
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.
Như tấm lòng người mẹ,
Ðối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất, mình sanh.
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn[6].
IV.  Phật tánh
Một nguyên do khác mà giới Phật giáo không ủng hộ án tử hình là vì Đức Phật có dạy rằng bản chất của mỗi chúng sanh (người hoặc vật) là thanh tịnh; tinh tế hơn nữa là tâm thanh tịnh, mà cứu cánh bản tâm đó chính là sự giác ngộ hay tính giác ngộ cũng gọi là Phật tính (Buddhata), hoặc Tri kiến Phật.
Như Đức Phật xác nhận trong Kinh Pháp hoa[7] “…Và Ta thấy hàng Phật tử, có đầy đủ giới đức, uy nghi không thiếu sót, bản chất trong sạch như bửu châu để trở về tuệ giác”. Vì vậy, nếu nay con người trở nên bạo lực có thể vì nhiều lý do, nhưng nhất định một trong những lý do chủ yếu là do ác tư duy khởi lên, như hậu quả từ môi trường và hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, tất cả đều có tiềm năng để cải thiện cũng như có khả năng quay về với bản tính chân thật hằng có của chính mình.
V.  Không sát sanh
Như đề cập, tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Vì vậy, chúng ta không những không nên giết người mà còn không nên làm hại cả loài vật nữa. Vả lại, trong vài trường hợp tùy theo nghiệp lực, con người có thể tái sinh làm người và loài vật cũng có thể được sinh lại làm người.
Có một nguyên tắc chỉ đạo rất căn bản trong Đạo Phật để tu tập đạo hạnh đó là bất hại (ahimsa) - tức ngăn cấm việc gây tổn thương hoặc chết chóc đối với mọi chúng sanh.
Vì chúng ta ước muốn sống, chúng ta không nên giết người hoặc ngay cả chúng sanh khác. Hơn nữa, nghiệp sát sanh phải được hiểu như cội rễ của tất cả khổ đau và nguyên nhân căn bản của bệnh tật và chiến tranh, và những thế lực giết hại này rõ ràng đồng nhất với ma quân.
Lý tưởng tối thượng và phổ quát nhất của Đạo Phật là phụng sự không ngừng nghỉ cho đến khi nào chấm dứt hoàn toàn vĩnh viễn khổ đau của tất cả chúng sanh, chứ không chỉ riêng cho loài người.
Như trong kinh Phạm Võng[8], Đức Phật nói: ‘Mỗi khi một Bồ tát[9] thấy có người chuẩn bị giết một con vật, vị ấy thường dùng phương tiện thiện xảo để cứu chuộc và bảo vệ nó, giải phóng nó vượt thoát khỏi tình trạng khó khăn và đau khổ đó...’
VI.  Ăn chay
Tâm từ bi bao la đối với tất cả cũng có nghĩa rằng chúng ta không những không giết hại con người và loài vật mà còn cần phải tuân thủ quy tắc tự gìn giữ chính mình chẳng hạn như thực hành ăn chay. Đây là những lời dạy tích cực và xác thực từ Đức Phật liên quan đến sự phát triển hoàn hảo nhân cách của con người.
Tất cả các chúng sanh –
Loài người hoặc thú vật,
Rất tham sống sợ chết.
Đều sợ hãi con dao đồ tể,
Chặt thái chúng thành từng miếng.
Thay vì tàn bạo và hèn hạ,
Tại sao không dừng giết hại và thương yêu cuộc sống?[10]
Đức Phật khuyến khích việc ăn chay hoàn toàn là một yêu cầu tự nhiên và hợp lý tương xứng với giới không sát sanh. Giới Bồ tát cũng rõ ràng cấm hẳn việc ăn mặn.
Tôn giả Đại Ca Diếp hỏi Đức Phật, “Tại sao Như lai không cho phép ăn thịt?” Đức Phật đáp “chính vì việc ăn thịt sẽ cắt đứt hạt giống đại từ bi”[11].
Chúng ta không nên giới hạn lòng từ bi của mình đối với loài vật hoặc những vật yêu thích, mà hãy mở rộng đến toàn thể chúng sanh, ngay cả trong số đó có kẻ sai phạm. Lòng từ bi làm nền tảng cho tất cả mọi quan hệ tương tác của chúng ta với người khác, mà không cần lưu tâm đến quan điểm và hoạt động của họ là gì.
VII.  Báo thù
Vì những lý do và mục đích nào đó mà hệ thống pháp luật của xã hội đặt ra án tử hình. Án này chính là dùng để trừng phạt các phạm nhân, ngăn chặn họ không lặp lại hành động xấu ác đã làm và để răn đe những người khác.
Tuy nhiên, rõ ràng nó cũng là một hình thức báo thù trong một ý nghĩa tinh tế hơn.
Chúng ta cần phải giảm bớt sự sợ hãi, lòng thù ghét, và ý muốn báo thù bằng cách tra tấn và sát hại.
Khái niệm báo thù hoàn toàn xa lạ với giới Phật giáo. Án tử hình là một hình thức trừng phạt khắc khe nhất với mục đích nhằm kết thúc vĩnh viễn một đời sống đang sống. Khi phạm nhân bị xử tử hình thì người đó không còn có cơ hội nào nữa để thay đổi, phục hồi hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Liệu việc thực hiện án tử hình đối với một kẻ giết người đã bị tuyên án sẽ khiến nạn nhân sống lại được không?
Tất nhiên là không. Như vậy, án tử hình đâu có lợi ích gì.
Đức Phật dạy rằng:
“Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu”[12].
VIII.  Tâm lý học
Theo Đạo Phật, những điều kiện cho đời sống kế tiếp (tái sanh) phụ thuộc vào những tư tưởng sau cùng, tức trạng thái tâm thức cuối cùng của con người trước khi chết. Tâm thức hay tâm lý của tội phạm chắc chắn không thể có được trạng thái an bình. Buộc người đó nhận lãnh thi hành án tử sẽ càng làm cho trạng thái tâm trí của người đó thậm chí còn trầm trọng hơn, chứa đầy lòng giận dữ và sợ hãi. Kết quả là, người đó nếu được tái sinh làm người, họ có thể còn bạo lực hơn lúc bây giờ. Khi lớn lên, kẻ đó tiếp tục phạm tội có thể còn tồi tệ hơn những tội ác đã làm ở đời trước.
Trong Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Kinh Trung Bộ, số 135)[13], Đức Phật nói điều này:
“Ở đây, này các tỳ kheo, có người đàn bà hay đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói động đến một chút thời liền bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào cõi dữ... Nếu sanh trở lại làm người thì phải chịu hình hài xấu xí. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, tức là phẫn nộ, sân hận, bất mãn.
Bởi vậy, chúng ta cần nên tránh dẫn đến trạng thái tâm lý bất an cho phạm nhân vì người đó sẽ phải buộc giáp mặt cái chết một cách không sẵn lòng và miễn cưỡng.
IX.  Luật Nghiệp Báo
Nghiệp hay hành động là năng lực được phát sinh bởi tư duy, lời nói và những hành vi của con người. Nó có thể là thiện, bất thiện hoặc quán tưởng, và có thể có hiệu ứng sâu đậm lên sự tái sanh của mọi loài hữu tình chúng sanh.
Nghiệp bất thiện dẫn đến sự tái sinh vào một trong ba ác đạo (là địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh); nghiệp thiện dẫn đến tái sinh trong loài người, loài thần hoặc chư thiên cõi dục; còn nghiệp quán tưởng thiền định sẽ tái sinh vào cảnh giới sắc và vô sắc[14].
Trong kệ Telakatahagatha nói rõ: “Ai phá hủy đời sống của bất kỳ chúng sanh nào, trong lần tái sinh kế tiếp người đó có thể bị đột tử trong lúc đang sung mãn nhất, dù vị đó đang có cuộc sống tiện nghi, giàu sang và đẹp đẽ, ...”[15].
Đức Phật đã dạy[16]:
Ở đây, này các tỳ kheo, có người đàn bà hay đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu,  tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này các tỳ kheo, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu,  tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.
Nhưng ở đây, này các tỳ kheo, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ. Con đường ấy đưa đến trường thọ, này các tỳ kheo, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.
Như vậy với lý lẽ đã trình bày ở đây, rõ ràng là việc giết hại kể cả tội bạo hành sẽ tạo ra ác nghiệp cho kẻ đó, và giảm bớt khả năng có được một cái chết an bình cho họ.
X.  Kinh tạng Phật Giáo
Bác bỏ án tử hình là một chủ đề thường được nhắc đến trong Đạo Phật mà chúng ta sẽ nhìn thấy các ngụ ý này ngang qua phạm âm của Đức Phật trình bày trong kinh tạng và luận tạng của cả hai hệ thống Phật giáo Nguyên thuỷ và Đại thừa (ở đây tôi đề cập chỉ vài trường hợp tiêu biểu) như sau:
A.  Kinh Nguyên thuỷ
1.  Pháp cú:
“Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết.”[17]
“Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người thích sống còn;
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết.”[18]
“Bỏ trượng, đối chúng sanh,
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn.”[19]
2.  Kinh Bổn sanh:
i.  Tiền thân Nai Banian
Trong Kinh Bổn sanh[20] có kể rằng vào một tiền kiếp nọ, Đức Phật sinh ra làm Nai chúa tên là Nyagrodha. Ngài đã sẳn lòng thế mạng của chính mình cho một con nai đang có thai sắp sinh phải đi nạp mạng cho nhà vua. Lại trong một tiền kiếp khác, Đức Phật hy sinh mạng sống của mình để làm thức ăn cho một con cọp đói và hai con của nó đang bị mắc kẹt trong tuyết.
Ngài cho rằng cứu được mạng sống có ý nghĩa hơn là chỉ bảo hộ cho bản thân cá nhân mình. Thà mất mạng của chính mình còn tốt hơn là giết hại chúng sanh khác.
Có nhiều câu chuyện kiếp trước của Đức Phật khi còn làm bồ tát, ngài thực hành hạnh giữ gìn giới không sát sanh, hy sinh chính mạng mình để giữ tròn giới thể và tăng trưởng lòng từ bi.
Đức Phật đã nói rằng:
Hơn nữa, Ta quán sát như vầy: “Từ quá khứ cho đến ngày nay, Ta đã bỏ thân mạng không biết bao nhiêu lần. Đã có lần Ta sanh ra làm kẻ cướp ác tâm, làm chim muông, hoặc làm súc vật mà nơi đó Ta đã sống đơn thuần cho mục đích làm giàu hoặc theo đuổi những lợi ích dục vọng thấp hèn. Nhưng bây giờ Ta đã sắp bỏ mình để giữ tròn giới thể. Ta không lẫn tiếc thân thể và xả thân mạng của ta để giữ giới thì sẽ có muôn vạn lần ích lợi hơn việc bảo hộ thân mình mà phải vi phạm những điều cấm. Trong cách suy nghĩ này, Ta quyết định là Ta cần phải hy sinh thân thể để bảo vệ vẹn toàn các tịnh giới.
ii.  Tiền thân Con trai của người hàng thịt
Câu chuyện này kể rằng: có một lần nọ, một vị đã chứng quả Dự lưu[21] sinh vào trong một gia đình hàng thịt. Khi đến tuổi thành niên, mặc dầu mong muốn theo nghề quản gia, nhưng Ngài không muốn giết hại súc vật. Cha mẹ của Ngài một hôm đưa cho Ngài một con dao và một con cừu và bảo Ngài “Nếu con không giết con cừu này, cha mẹ sẽ không cho con thấy mặt trời mặt trăng và thức ăn nước uống để sinh sống”.
Ngài liền suy nghĩ, “Nếu mình giết con cừu này thì mình sẽ bị tạo nghiệp ác này đến trọn đời. Làm sao mình có thể phạm tội ác lớn này đơn giản chỉ vì lợi ích của bản thân?” Rồi ngài liền cầm dao tự sát. Khi cha mẹ mở cửa nhìn vào thì thấy con cừu vẫn đang đứng một bên, trong khi người con trai nằm đó đã tắt thở.
Ngay sau khi chết, Ngài được sinh lên cõi trời do hoan hỷ buông xả, không lẫn tiếc mạng sống chính mình để giữ gìn vẹn toàn các tịnh giới.
Hạnh phóng sanh là một phương pháp tu tập trong Phật giáo nhằm cứu thoát các loài vật, chim cá v.v… đã được trù định để giết thịt hoặc bị giam cầm thường xuyên. Chúng được phóng thích như được ban cho một đời sống mới. Việc tu tập này minh họa giáo lý căn bản của Phật giáo về lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh.
iii.   Tiền thân Janasandha
Câu chuyện này[22] do Đức Phật kể cho Vua xứ Kosala. Chuyện nói về hoàng tử Janasandha, con trai của vua Brahmadatta xứ Ba la nại:
Khi hoàng tử Janasandha đến tuổi trưởng thành, và sau khi hoàn tất việc rèn luyện tài năng ở Takkasila trở về, vua đã đại xá cho tất cả các tù nhân, và phong cho hoàng tử làm phó vương. Về sau khi vua băng hà, hoàng tử lên nối ngôi, liền cho xây dựng sáu trại chẩn bần... Ở đó, ngày lại ngày, vua thường hay phân phát sáu trăm đồng tiền và khuyến khích toàn dân thực hành bố thí; cửa nhà tù mở vĩnh viễn và không còn những nơi hành hình tội nhân...
iv.   Tiền thân Muga Pakkha
Chuyện này[23] do Đức Phật kể cho chúng Tỳ kheo, giải thích rõ rằng việc trừng phạt có thể tác động đến cả người thừa hành lẫn người trực tiếp bị phạt. Câu chuyện kể về một hoàng tử duy nhất của vua xứ Kasi tên là Temiya-kumaro (nói gọn là Temiya).
Khi hoàng tử đầy tháng, ngài được ăn mặc thật đẹp và bồng vào yết kiến vua. Nhìn đứa con yêu, vua liền ôm vào lòng chơi đùa với con. Cùng lúc ấy, có bốn tên cướp được đưa đến trước mặt vua; một trong bốn tên đó bị ngài xử phạt một ngàn roi quấn gai nhọn, một tên khác phải bị gông cùm xiềng xích, một tên nữa phải bị đâm bằng giáo, và tên cuối cùng bị đâm cọc xuyên suốt toàn thân. Bồ-tát (hoàng tử đầy tháng) nghe vua cha nói, kinh hãi nghĩ thầm: “Ôi cha ta vì làm vua mà mang lấy những ác nghiệp khiến cho người phải đọa địa ngục”.
Nhận thức rõ những hậu quả của vua cha và sợ hãi điều đó sẽ xảy đến cho Ngài nếu sau khi lên nối ngôi Ngài cũng làm tương tự như thế, cho nên Temiya quyết tâm giả bộ câm điếc và què quặt suốt mười sáu năm (vì Ngài không muốn thừa kế ngai vàng).
Cuối cùng, Temiya đã mãn nguyện khi Ngài trở thành một vị ẩn sĩ khổ hạnh lìa bỏ kinh đô và sau đó ngài trở về giáo hoá tất cả hoàng tộc và rất nhiều người khác tu tập theo Ngài.
Câu chuyện này tương tự câu chuyện đời sống của Đức Phật Thích Ca lớn lên trong hoàng cung, nhưng rồi từ bỏ thế gian để tìm cầu chân lý.
3.  Kinh Trung Bộ
Kinh Angulimala (kinh Trung bộ, số 152)[24] là một bản kinh nổi tiếng về năng lực phục thiện.
Có một kẻ cướp, sát nhân cực ác tên là Angulimala (nghĩa là “Xâu chuổi ngón tay.” Xâu chuổi này làm bằng ngón tay của những nạn nhân của y). Tất cả dân làng đều rất sợ Angulimala là điều dễ hiểu. Vào lúc đó, Đức Phật cũng đang ở lại trong làng này, nhất định đi một mình xuống con đường nơi tên sát nhân Angulimala nghe nói đang trú ẩn ở đó. Với nhân cách tuyệt vời, Đức Phật đã khéo léo cảm hoá Angulimala và thu nhận anh ta làm đệ tử.
Lúc đó, do vì dân chúng thỉnh cầu, Nhà Vua đang chỉ huy binh lính để truy bắt Angulimala. Vua tình cờ gặp Đức Phật và giải thích sự tình của mình. Liền đó, Đức Phật chỉ cho nhà Vua thấy Angulimala đã hoàn lương và đang sống đời an lạc của một tăng sĩ. Vua hoàn toàn sửng sốt bởi chứng kiến điều này. Ngài rất kinh ngạc làm thế nào mà Đức Phật có thể giáo hoá được Angulimala như thế.
Điều này cho thấy ý niệm phục thiện của Phật giáo. Dĩ nhiên, phục thiện và án tử hình là hai khái niệm loại trừ lẫn nhau.
Dù sao, về phương diện nghiệp báo, Angulimala vẫn còn có nghiệp ác lớn do trước đó đã giết nhiều người, nên chắc chắn Angulimala cũng phải bị chết một cách đột ngột, đau đớn bởi ác nghiệp này. Tuy thế, ý nghĩa phục thiện rõ ràng là nội dung chính của bản kinh này.
Phục thiện có năng lực giúp cho người tội phạm nhận thức được tội lỗi của mình và cố gắng tránh tái phạm trong tương lai. Theo Phật giáo, một người tội phạm đã phục thiện, thậm chí một kẻ sát nhân, sẽ vẫn nhớ được Phật tính của mình. Đối với xã hội, cải tạo người phạm pháp có nghĩa là thu nhận lại một thành viên hữu ích mà người này có thể đóng góp bằng cách nào đó cho phúc lợi công cộng.
B.  Kinh điển Đại thừa
1.  Kinh Hoa Nghiêm (cũng gọi là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa nghiêm)
Nghiên cứu về án tử hình trong kinh Hoa nghiêm có tính chất biểu trưng và triết lý cao hơn.
Kinh kể rằng có một Bồ tát tên là Thiện tài đồng tử (Sudhana Sresthidaraka) đang đi tầm sư học
đạo. Một trong những Đạo sư của ngài là vua Anala.
Vua Anala sống trong một lâu đài đẹp tuyệt vời và rất xa. Để giữ cương mực trật tự trong xã hội, vua thường dùng phù phép hóa hiện những tội nhân bị hành hình đau đớn khốc liệt, để ngăn chặn dân chúng không phạm tội.
Thật ra, Vua không có làm hại bất cứ ai, bởi vì những tù nhân cũng như hình phạt đều chỉ là những thần thông biến hoá. Vua giải thích với Thiện tài đồng tử rằng những ảo thuật này là phương tiện của tâm từ bi cho dân chúng sợ hãi mà từ bỏ tội lỗi hay không dám phạm.
ii. Kinh Phạm Võng
Trong Kinh Phạm Võng[25], Đức Phật nói: “Bất cứ khi nào Bồ tát thấy có người chuẩn bị giết hại sinh vật, thì vị ấy nên dùng phương tiện thiện xảo để cứu chuộc, giải thoát cho nó thoát khỏi tình trạng khốn khó và đau khổ...”
Và ngài cũng dạy thêm ở giới Bồ tát thứ 20 rằng: “Nếu là Phật tử nên vì tâm từ bi mà làm việc phóng sanh. Hãy quán rằng tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng chính là giết những thân cũ của ta. Tất cả thân tứ đại đều là bổn thân, bổn thể của ta, cho nên thường phải làm việc phóng sanh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người đi sát sanh nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ.
C.  Luận Đại thừa
Rajaparikatha - ratnamala[26]:
Ngài Long Thọ (thế kỷ 2 hoặc 3 sau TL)[27], một triết gia Phật giáo nổi tiếng miền Nam Ấn và cũng là tác giả của bộ luận Rajaparikatha - ratnamala (Những lời khuyên quý giá dành cho Vua). Nội dung luận phẩm này trình bày về nghệ thuật lãnh đạo theo tinh thần Phật giáo. Ngài Long Thọ khuyên nhủ Vua Udayi (Triều đại Satavahana) về rất nhiều vấn đề[28]. Trong đó, Ngài Long Thọ có đề cập về án tử hình như sau:
“Này Đại vương, vì lòng từ bi Ngài cần nên luôn luôn
Phát khởi thiện tâm cứu giúp tất cả chúng sanh,
Ngay cả những ai đã phạm tội trọng.
Lại cần quan tâm thật nhiều,
Đối với những kẻ giết người, tạo tội ác lớn;
Quên mất bản tâm là nơi chứa đựng lòng từ bi vô lượng
Sau khi thẩm sát sự hung tàn của kẻ sát nhân và thấy rõ căn nguyên,
Chỉ nên đày ải, chớ giết hoặc dùng đại hình”[29].
XI.  Những vị vua Phật tử Ấn Độ.
i.  Vua Phật tử (Bắc Ấn)
a)    Vua A Dục[30], một trong những nhà cai trị đầu tiên của Ấn Độ cổ đại, từ chối dùng quân lực thay vì vậy là truyền bá triết lý bất bạo động và lòng tôn trọng đối với mọi người.
Những sắc lệnh của Vua A Dục được khắc trên các trụ đá, cho thấy Ngài là một vị vua có tư tưởng khác thường đi trước thời đại.
Dưới đây sẽ tóm tắt một số những sắc lệnh của Vua A Dục như sau:
Những điều răn cấm:
-  Không được dùng súc vật để tế lễ tôn giáo.
-  Ngăn cấm mọi việc giết mổ súc vật và cầm thú.
-  Vua sẽ không còn tổ chức các cuộc săn bắn nữa.
-  Vua từ bỏ vinh quang các cuộc chiến xâm lược.
-  Chiến thắng thiện pháp là chiến công oanh liệt nhất.
Những công trình công cộng:
-  Xây dựng bệnh viện cho người và thú vật.
-  Thành lập nhiều vườn tược dược thảo.
-  Đào giếng, trồng cây xanh, và cất nhà nghỉ dọc theo những đường lộ để tạo tiện nghi cho khách hành hương và thú vật.
Mối Quan hệ giữa Con người:
-  Dân chúng cần phải vâng lời cha mẹ và các bậc sư trưởng, thầy tổ tinh thần của họ.
-  Người chủ không được ngược đãi những người hầu và tôi tớ của họ
-  Mọi người phải nên rộng lượng với các bậc xuất gia, họ hàng, và bè bạn.
Tôn giáo:
-  Các giáo phái tôn giáo “có thể trú ngụ khắp nơi”.
-  Những người khác tín ngưỡng không được công kích lẫn nhau khi “tìm hiểu các tôn giáo bạn”.
Phúc lợi cho người dân:
-    Các quan chức triều đình phải quan tâm tới lợi ích của người già, người nghèo, và các tù nhân.
-    Các quan chức báo cáo công tác công cộng có thể yết kiến trực tiếp với nhà vua mọi lúc, mọi nơi.
-    Các quan chức phải đảm bảo việc điều hành quản lý mang hữu hiệu lợi ích và hạnh phúc cho người dân.
Công lý:
-  Các phán quan phải độc lập và hành xử nhất quán trong thủ tục và xử phạt.
-  Phạm nhân nên được khoan hồng càng nhiều càng tốt.
-  Bản án tử hình nên được hạn chế áp dụng và việc kết tội cần phải có ba ngày để tuyên án.
-    “không sát sanh là thiện nghiệp”
Trong sắc lệnh cuối cùng, có lẽ được viết khắc vào năm 242 trước Tây lịch, Vua A Dục đã viết: “Trong thế gian, có hai phương cách đạt được thiện pháp là pháp luật và đức tin.
Nhưng trong hai điều này, hình như pháp luật tỏ ra ít có hiệu quả hơn đức tin. “Những quan chức được huấn luyện đặc biệt, gọi là dhamma-mahamattas (Đại quan chuyên trách truyền giáo) thường đi kinh lý để tìm hiểu quan điểm của dân chúng và hướng dẫn họ về thiện pháp.
Điều này dễ dàng cho chúng ta nhận ra rằng Vua A Dục ủng hộ tinh thần bất hại (ahimsa) và không thích áp dụng án tử hình.
Ngài là một Phật tử thuần thành siêng tu thiện pháp và vì thế Ngài không thể cho phép việc hành hình này xảy ra.
b)    Vào thế kỷ thứ sáu, có hai nhà sư chiêm bái người Trung hoa là Sung Yun và Hui Sheng đã hành hương đến đất Ấn và viết như sau:
Chúng tôi vào nước Ouchang (Oudyana). Phía bắc của nước này tiếp giáp núi Thông Lĩnh; phía nam tiếp giáp với Ấn độ… Vua nước này rất sùng đạo và thực hành hạnh ăn chay … Sau bữa trưa vua đích thân thân chăm lo công việc triều chính.
Giả sử có người phạm tội sát nhân, người này không bị xử tử mà chỉ bị đày tới những hoang đảo, được chu cấp thức ăn đủ để duy trì mạng sống. Sau thẩm định, hình phạt được điều chỉnh tuỳ theo tính chất nặng nhẹ từng hoàn cảnh[31].
ii.  Vua Phật tử (vùng Trung Ấn)
Pháp Hiền (337-422), một nhà sư chiêm bái người Trung hoa tới Ấn rất sớm, có nhắc đến vị vua Phật giáo vùng Trung Ấn như sau:
Vua của vùng Trung Ấn cầm quyền mà không có hành phạt chém đầu  (tức án tử hình nói chung) hoặc những hình phạt hành hình thân thể. Những tội phạm đơn giản chỉ bị phạt tiền, nhẹ hoặc nặng tùy theo hoàn cảnh của mỗi trường hợp. Thậm chí trong những trường hợp bạo loạn ngoan cố, họ chỉ bị chặt bàn tay phải mà thôi. Khắp cả nước những người không sát sanh, không uống rượu say, cũng giữ cả giới không ăn các loại hành tỏi nồng cay[32].
iii.       Vua Phật giáo (vùng Trung tâm Ấn)
Vào thế kỷ thứ tám, có sư Hye Ch'o người Triều-tiên đến chiêm bái Ấn Độ tương tự như sư Pháp Hiền, nhưng cách khoảng ba thế kỷ về sau.
Sư cũng có mô tả những vị vua Phật giáo vùng Trung tâm Ấn cai trị không có sử dụng tới án tử hình: “Pháp luật quốc gia trong năm vùng của Ấn quy định không có gông cùm, đánh đập hoặc nhốt tù tuỳ theo mức độ tội phạm. Không có bản án tử hình”[33].
iv.   Vua Phật giáo (vùng Tây Ấn)
Sư Hye Ch'o nhận thấy một tình trạng gần như đồng nhất trong vùng Tây Ấn: “Ở đây không có gông cùm, đánh đập, bỏ tù, tử hình, hay những hình phạt tương tự”[34].
Vua của Nhật bản
Năm 724 sau Tây lịch, Nhật Hoàng Shomu (724-749), một Phật tử thuần thành theo tông Kegon, xây dựng chùa Todai-ji rất nổi tiếng đến nay vẫn còn ở thành phố Nara, đã cấm áp dụng án tử hình. Điều này diễn ra vào cuối thời kỳ Nara (715-794). Tương tự, suốt thời kỳ Heian (794-1185) rất ít thi hành án tử hình[35].
Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIII của Tây Tạng là Ngài Thubten Gyatso (1876-1933), tiền thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV hiện thời là Ngài Tenzin Gyatso (sinh năm 1935). Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba tranh đấu để hiện đại hóa Tây Tạng và duy trì chủ quyền quốc gia chống lại Anh quốc và sau đó là Trung quốc. Ngài cũng cải cách hệ thống pháp luật phong kiến của Tây Tạng. Một trong những sự thay đổi đó là sự huỷ bỏ án tử hình vào khoảng năm 1920. Trước thời điểm ấy, Đức Đạt Lai Lạt Ma thường tránh can thiệp trực tiếp trong các trường hợp kết án tử hình bởi vì vai trò tôn giáo của Ngài[36].
XII.  Ứng dụng Thực tế
Một điều hiển nhiên rằng con người ai cũng có một khả năng tiềm tàng nào đó, cho nên vấn đề huấn luyện để khơi dậy tiềm năng ấy. Chúng ta không nên là nạn nhân của những xúc cảm bất thiện hoặc bạo lực. Những giải pháp nhằm chuyển hoá tư duy của người dường như thiết thực hơn là việc tạo ra đối đầu và va chạm.
Án tử hình không phải là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn những người làm điều ác. Nó chỉ là một giải pháp có tính tạm thời để răn đe tội ác.
Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng giải pháp tử hình khắc nghiệt này để thực thi, thì đây chưa phải là một hành động có ý nghĩa và thích hợp.
Việc này làm mất hết ý nghĩa của tâm từ bi và lòng nhân ái trong chúng ta.
Hành động đầy ý nghĩa và thích hợp phải nên làm là: khi một người phạm tội, hoặc bị bỏ tù hoặc bị quản thúc tại gia, và đặt ra một thời hạn nào đó để cho đương sự sửa sai. Người đó có khả năng nhận ra hành động sai trái đã làm và từ đó sanh tâm ăn năn hối cải. Vì con người là sinh vật có ý thức, cho nên người ác cũng biết xấu hổ về hành động sai trái của mình. Muốn kẻ đó cải thiện hành vi sai trái, chúng ta phải đặt nặng vào việc giáo dục, phát huy các giá trị con người xuyên qua đạo đức tôn giáo hoặc những chương trình xã hội lành mạnh để trợ giúp người đó. Chúng ta cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho giáo dục và động viên ý thức trách nhiệm chung của mọi người. Chúng ta cũng cần giải thích tầm quan trọng của việc thực hành tâm từ bi, lòng nhân ái vì lợi ích của chính mình và cố gắng giảm thiểu tối đa những yếu tố nuôi dưỡng mầm móng giết chóc, chẳng hạn như sự tăng cường chế tạo vũ khí trong những xã hội chúng ta… Để trợ duyên cho người đó thực tập, chúng ta nên đề nghị vài phương pháp cụ thể như dưới đây:
1/ Đương sự cần phải sống riêng một mình trong thời gian khoảng một hoặc hai tháng, một hoặc hai năm để nhận thức và hối hận về hành động sai trái của mình.
2/ Khuyến khích đương sự cần phải làm một việc tốt giúp đỡ người khác.
3/ Đương sự cần phải thực tập thiền quán hàng ngày để thay đổi hành vi bất thiện trở thành thiện.
4/ Đương sự phải tự xem xét hành vi sai trái của mình bắt nguồn từ đâu.
5/ Hành vi sai trái có thể bắt nguồn từ việc giết người, cướp của, tà dâm, dối gạt, sử dụng rượu, ma tuý …
6/ Phương pháp để xử lý những hành động sai trái là thực hành tám con đường chân chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
7/ Đương sự sẽ có thể trở thành là một người tốt như trước đây.
Đạo Phật là con đường chuyển hoá khổ đau. Tất cả chúng ta có thể bị chi phối bởi các cảm xúc tiêu cực và những tâm bất thiện quấy nhiễu hoặc không bị chi phối, có tội hoặc không tội, nhưng nếu biết ứng dụng những phương pháp giáo dục nói trên vào đời sống hàng ngày, chúng ta có thể thu hoạch được hoa quả của an lạc và hạnh phúc ở ngay đây và bây giờ trong cuộc sống hiện tại. Giải pháp tốt nhất vẫn là ngăn ngừa hơn là can thiệp. Và việc giáo dục cần nên thực hiện trước khi đã bị trừng phạt. Bởi lẽ một nguyên nhân tốt thường sẽ tạo ra một quả trái lành.
Đó là một sự thật xuyên suốt khắp trong kinh điển Phật giáo. Đạo Phật có lập trường mạnh mẽ chống lại việc giết hại nói chung, và trong vài trường hợp chống lại án tử hình.
Như vậy, Đức Phật hoàn toàn không chấp nhận hành án tử hình. Không có người Phật tử thuần thành nào ủng hộ án tử hình cả. Nhưng chúng ta nên hiểu rằng những lời dạy trong Phật giáo không phải là giáo điều, mà chính là hoa quả của trí tuệ. Đơn giản đó là những lời khuyên bảo từ Đức Phật với những giải thích rõ ràng tại sao chúng ta không nên sát sanh …, phần lớn đặt trên nền tảng đạo đức và liên quan đến luật nghiệp báo.
Lập trường Phật giáo chống lại án tử hình dựa vào nền tảng triết lý Phật giáo và đồng thời tương ứng với thực tế của xã hội.
Trước hết, có khả năng rằng án tử hình trong hệ thống luật pháp các quốc gia ban hành có thể dẫn đến sự thực hiện oan đối với người vô tội, và điều này hay xảy ra ở nhiều nước tiên tiến, chẳng hạn như Hoa kỳ… Án tử hình, một khi đã thi hành rồi thì không thể đảo ngược và cũng không thể sửa chữa được nếu bị cáo về sau được chứng minh là vô tội.
Thứ hai, Đạo Phật cảm nhận rằng tất cả mọi người về căn bản là chân thiện, và mục đích chính của Phật giáo là giáo dục, chuyển hoá và cải cách chứ không hủy diệt. Nếu có người bệnh, Đạo Phật cố gắng cứu chữa người đó khỏi căn bệnh hơn là tiêu diệt người mang bệnh. Đạo Phật xem những tội phạm là những người đang có vấn đề tâm thần kết hợp với sự không hiểu biết (vô minh).
Như thế, mục đích chính của Đạo Phật là tận trừ gốc rễ sự không hiểu biết hơn là tiêu diệt người ngu dốt. Điều này có thể được thực hiện thông qua hệ thống giáo dục, chuyển hoá, cải cách đương sự, nói cách khác, giúp đỡ đương sự thấy đúng như thật sự việc đang là.
Trong Đạo Phật, có một câu nói: “Dẫu xây chín bậc phù đồ, chẳng bằng làm phước cứu cho một người”.
Tóm lại, dựa vào những lời dạy cơ bản của Đức Phật từ kinh điển Phật giáo và tâm tư bao dung sáng suốt của những vị vua Phật giáo trong lịch sử Châu á cổ đại như được đề cập ở trên, chúng ta hoàn toàn đồng tâm ủng hộ lời kêu gọi tới những nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đang áp dụng án tử hình hãy bãi bỏ hình phạt này trong tinh thần từ bi vô lượng vô biên của Đạo Phật.


[1] http://quangduc.com/English/canon/vinaya/05.bikkhu-rules-guide.html#5precepts; http://www.unfetteredmind.org/articles/precept1.php;
[2] The Brahma Net Sutra, trans. by the Buddhist Text Translation Society in USA, xem
http://www.purifymind.com/BrahmaNetSutra.htm
[3] Dhammasaṇganī Aṭṭhakathā (Atthasālinī), ed. E. Müller, 1897, PTS, p. 129; Saddhammo pāyana, ed. Richard Morris, V, PTS, 1887, p. 58; Kaṇkhāvitaranī, ed. D. A. L. Maskell (néc stede), 1957, PTS, p. 50.
[4] Dhammasaṇganī Aṭṭhakathā (Atthasālinī), ed. E. Müller, 1897, PTS, p. 129; Kaṇkhāvitaranī, ed. D. A. L. Maskell (néc stede), 1957, PTS, p. 30.
[5] The Brahma Net Sutra, trans. by the Buddhist Text Translation Society in USA, xem
http://www.purifymind.com/BrahmaNetSutra.htm
[6] Khuddhaka Nikaya (belong to the Sutta Nipata), tr. By Thanissaro Bhikkhu, I.8, Karanaiya Metta Sutta.
[7] The Lotus sutra, tr. By Burton Watson, Colombia Univeristy Press, New York, 1993, pp 10- 11.
[8] Brahma Net Sutra, I, 162.
[9] Bồ tát nguyện giữ giới “Không sát hại người và súc vật”.
[10] Cherishing Life, I, 83.
[11] Cherishing Life, II, 5.
[12] Dhammapada, tran. by Thanissaro Bhikkhu, Verse 5 of Chapter 1, MA 01005, USA, 1997.
[13] http://www.vipassana.com/canon/majjhima/mn135.php
[14] Mullin, Glenn H., Death and Dying: The Tibtant Tradition, Boston: Arkana Penguin, 1986, p.
17.
[15] Telakaṭāhagāthā, v, 78.
[16] http://www.vipassana.com/canon/majjhima/mn135.php
[17] Dhammapada, tran. by Thanissaro Bhikkhu, verses  no 129 of Chapter 10, MA 01005, USA, 1997.
[18] Nt, verses  no 130 of Chapter 10.
[19] Nt, verses  no 405 of Chapter 26.
[20] Jataka, ed. V. Fausboll, London: PTS, 1962; ed. E.B. Cowell, tr. By Robert Chalmers, Stories of the Buddha’s Former Births, I, Story Banian, Low Price Publications, Delhi-52, p. 149.
[21] Thánh Dự lưu còn gọi Nhập Lưu hoặc bảy lần tái sanh ở đời nữa.
[22] The Jataka or Stories of the Buddha's Former Births, Vol.  4, Bk. 12 (E.B. Cowell, ed.;
W.H.D.  Rouse, trans. 1957) pp. 109-11.
[23] The Jataka or Stories of the Buddha's Former Births, Vol. 6, Bk. 22, pp.1-19.
[24]   The  Collection  of  the  Middle  Length  Sayings (Majjhima-Nikaya), Isaline B. Horner, trans.   1957,  pp.  284-92.  See  also,  Hellmuth  Hecker,  Angulimala:  A   Murder's   Road  to Sainthood (The Wheel Publication No. 312, 1984).
[25] Brahma Net Sutra, I, 162. See http://www.ymba.org/bns/bnsframe.htm.
[26] Nagarjuna  and Kaysang  Gyatso  [Dalai Lama VII], The Precious  Garland and The Song of the Four Mindfulnesses (Jeffrey Hopkins et al, trans., 1975).
[27] The Encyclopedia of Eastern Philosophy and Religion, pp. 237-38.
[28] For an interpretation of the text and some background on King Udayi, see Robert A.F. Thurman,                        "Nagarjuna's Guidelines for Buddhist Social Action," in The Path of Compassion: Writings on  Socially Engaged Buddhism (Fred Eppsteiner, ed. 1988); Robert
A.F.   Thurman, "Social and Cultural  Rights in Buddhism," in Human Rights and the World's Religions (Leroy S. Rouner, ed. 1988), p.  148.  A brief overview of the Satavahana Dynasty  can be found  in Rama Shankar Tripathi, History  of  Ancient India (1942),  pp.191- 201; Etienne Lamotte, History of Indian Buddhism: From the Origins  to the Saka Era (Sara Webb Boin and Jean Dantinne, trans. 1988), pp. 474-81.
[29] The Precious  Garland  and the Song  of the Four Mindfulnessess, pp. 66-67.
[30] Asoka Rock and Pillar Edicts, the translation by Ven. S. Dhammika, Kandy, Sri Lanka; Buddhist Publication Society, 1993. See http://www.thenagain.info/Classes/Sources/Asoka.html
[31] Travels of Fah-Hian and Sung Yun, Buddhist Pilgrims from China to India (400  A.D.  and 518 A.D.), pp. 188-89.
[32] A Record of  Buddhist Kingdoms: Being an Account by the Chinese Monk Fa-Hieh of His Travels in India and Ceylon, p. 43.
[33] Hye Ch'o, The Hye Ch'o Diary: Memoir of the Pilgrimage to the Five Regions of  India (Yang Han-Sung et al, trans. and ed. 1980) pp. 40-41. Also see, Damien P. Horigan, A Buddhist Perspective on the Death Penalty of Compassion and Capital Punishment, The American Journal of Jurisprudence, Volume 41(1996), p. 271-288
[34] Như trên
[35] Damien P. Horigan, A Buddhist Perspective on the Death Penalty of Compassion and Capital Punishment, The American Journal of Jurisprudence, Volume 41 (1996), p. 286.
[36] Franz Michael, Rule by Incarnation: Tibetan Buddhism and Its Role in Society and State (1982), pp.  70, 109.  For  a glimpse of  the traditional Tibetan criminal justice system, see Rebecca Redwood French, The Golden Yoke: The Legal Cosmology of Buddhist Tibet (1995), pp. 315-25.

Tags: , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com