Chiến thắng ấy không tốt



Chuyện tiền thân Kuddala kể lại câu chuyện về một Trưởng lão có tên thời trẻ là Cittahatta Sariputta. Một hôm, sau khi cày xong thửa ruộng, chàng thanh niên Cittahatta Sariputta ghé vào tinh xá và nhận được các món ăn
thượng vị béo và ngọt từ bát của một vị Trưởng lão. Anh suy nghĩ: “Mình ngày đêm tự tay làm nhiều công việc nhưng không được các món ăn ngon như thế này. Vậy ta đi tu thì hơn”. Chàng trai ấy xuất gia.
Chàng thanh niên này đi tu để kiếm miếng ăn. Anh muốn  hưởng mối lợi của người tu hành: “ăn món ăn thượng vị béo và ngọt” mà chẳng phải cày bừa vất vả. Nếu nghề làm không vất vả mà thu nhập lại khá thì gọi là “có ăn”. Hay nói khác đi, “ăn nhiều làm ít” thì gọi là “có ăn”. Nếu nghề “ăn ít làm nhiều” hay “làm nhiều mà chẳng có bao nhiêu” thì gọi là nghề “không có ăn”. Tâm lý tìm nghề “có ăn” rất thông thường trong xã hội. Mọi người thường  có quan  niệm thủ kho là “có ăn”, cung cấp vật tư là “có ăn”, hải quan thuế vụ là “có ăn”, thầu xây dựng là “có ăn”, “cò” giấy tờ là “có ăn”, lãnh đạo là “có ăn”. Nghề “có ăn” thì nhiều người muốn làm, nghề “không có ăn” thì khó có ai muốn làm. Anh thanh niên này đi tu vì “đi tu thì ‘có ăn’”.
Mặt khác, những  người không biết đến  luật nhân quả nghĩ rằng mọi chuyện ở đời sẽ có “hên, xui.” Nếu “hên,” cho dù không có tài, vào chỗ “có ăn,” cuối năm được thưởng  tết  vài trăm  triệu đồng.  Nếu “xui,” cho dù có tài, vào chỗ “không có ăn” thì chỉ được thưởng vài trăm ngàn hay chẳng có gì cả. Vào chỗ “có ăn” mà “ăn” khéo léo, hạ cánh an toàn thì quá “khôn”. Vào chỗ “không có ăn” mà vẫn làm việc có trách nhiệm thì sẽ bị nói là “hâm”. Nếu vì quá có trách nhiệm mà lại bị thiệt hại cho mình, cho gia đình mình thì bị nói là “dại”. Đến khi kết thúc cuộc đời, “có ăn, khôn” và “không có ăn, dại” cũng có kết quả như nhau. Vậy thì ai dại gì vào chỗ “không có ăn”.
Nếu lập luận theo lý thuyết nhân quả thì không có chuyện chạy chọt để vào chỗ “có ăn”. Chỉ khi đã có tâm chia sẻ rộng rãi trong quá khứ, bây giờ ta mới được vào chỗ “có ăn”. Khi vào chỗ “có ăn” mà làm điều xấu thì sẽ tạo ra cái quả “không có ăn” trong tương lai. Đó gọi là “từ chỗ sáng vào chỗ tối”. Khi vào chỗ “có ăn” mà tiếp tục làm điều tốt, chia sẻ rộng rãi thì sẽ tiếp tục vào chỗ “có ăn” trong tương lai. Đó gọi là “từ chỗ sáng vào chỗ sáng”. Còn người không có tâm chia sẻ rộng rãi trong quá khứ thì bây giờ sẽ vào chỗ “không có ăn”. Khi vào chỗ “không có ăn” mà làm điều xấu thì sẽ tiếp tục tạo ra cái quả “không có ăn” trong tương lai. Đó gọi là “từ chỗ tối vào chỗ tối”. Khi vào chỗ “không có ăn” mà làm điều tốt, chia sẻ rộng rãi thì sẽ vào chỗ “có ăn” trong tương lai. Đó gọi là “từ chỗ tối vào chỗ sáng”.
Tuy nhiên, sau một tháng rưỡi không bị phiền não chinh phục, anh ta hoàn tục.
Anh thanh niên đi tu, bị ràng buộc bởi các giới luật chặt chẽ rất khó chịu. Xưa, đói thì anh ăn, nay đói mà đã quá ngọ thì không được ăn. Xưa buồn  ngủ thì đi ngủ, nay buồn ngủ mà chưa tới giờ thì không được ngả lưng. Xưa nếu buồn anh đi bù khú với bạn bè, nay có người kèm cặp không cho đi phi thời.
Cũng tương tự như vậy, nghề “có ăn” thật ra không “dễ ăn” như mọi người nghĩ. Có quyền lợi thì phải có ràng  buộc. Thu nhập  càng  cao  thì ràng  buộc  càng nặng. Một cơ cấu quản lý tốt phải thể hiện được điều này. Công chức cờ bạc dưới mọi hình thức phải bị cách chức, không cần phải xem xét mức độ nhiều hay ít tiền, tiền nghìn hay tiền tỉ.
Rồi vì mệt  nhọc kiếm ăn, anh ta lại xuất gia, học Abhidhamma. Cứ thế, sáu lần anh ta hoàn tục, sáu lần anh ta xuất gia.
Ra khỏi chùa, kiếm ăn lại như cũ. Anh thanh niên lại thấy khổ sở, vào chùa “có ăn” hơn mà có vẻ yên ổn hơn. Thế là anh lại xuất gia. Trong chùa nửa tháng lại có một buổi lễ phát  lộ. Nếu làm điều gì không đúng  với giới luật thì tự nguyện nói ra cho người khác biết và hứa sẽ sửa đổi trong tương lai. Trong vòng nửa tháng  thì các lỗi gây ra còn nhỏ, chưa kịp phát triển lớn. Do đó, hình thức phát lộ giúp ngăn chặn các lỗi nghiêm trọng. Anh thanh  niên lại thấy buồn bực, không thích hợp với lối sống tu sĩ nên anh nói ra cho người khác biết và xin hoàn tục. Vì chưa có lỗi gì nên sau một thời gian hoàn tục, anh lại dễ dàng xin xuất gia. Cứ thế đến sáu lần.
Đến lần thứ bảy anh trở thành vị Tỷ-kheo thông suốt bảy bộ Abhidhamma. Do đọc lớn tiếng nhiều lần pháp Tỷ-kheo, do triển khai thiền quán, vị ấy chứng quả A-la- hán. Các thân hữu Tỷ-kheo ấy cười nhạo nói rằng: Này hiền giả, trước kia tâm hiền giả là như vậy, nay làm sao các phiền não không tăng trưởng được? Vị ấy trả lời: thưa các hiền giả, từ hôm nay trở đi, tôi không có thể quay lại đời sống gia đình nữa.
Vấn đề này được thảo luận tại Pháp đường: thưa các hiền giả, dầu được duyên trở thành một vị A-la-hán như vậy, tôn giả Cittahatta Sariputta sáu lần từ bỏ việc xuất gia. Ôi thật sự là sai lầm cho tánh phàm phu của vị ấy!
Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên vì vị này xuất gia- hoàn tục tới sáu lần. Họ có vẻ không tin tưởng vào vị Tỷ-kheo này. Vào thời đó, các giới luật được thực hiện nghiêm túc, những người thối thất bị phê phán nhiều.
Bậc Đạo sư đến và hỏi: Này các tỷ-kheo, nay các ngươi ngồi họp bàn vấn đề gì? Khi vấn đề được nói ra, bậc Đạo sư nói: Này các Tỷ-kheo, tâm của phàm phu là nhẹ dạ, khó điều phục, bị các đối tượng chi phối, hay dính chặt. Một khi đã dính chặt thì không thể thoát ly mau lẹ. Tâm tư như vậy mà nhiếp phục được thật rất tốt lành. Được nhiếp phục thì đem lại an lạc.
Khó nắm giữ khinh động Theo các dục quay cuồng Lành thay, điều phục tâm Tâm điều an lạc đến.
Bậc Đạo sư lại cho rằng việc của trưởng lão Cittahatta Sariputta cũng hoàn toàn “bình thường thôi”. Đức Phật hoàn  toàn  thông  cảm  với Trưởng lão. Vì  thế  mà  vị Trưởng lão có thể đi tu trở đi trở lại đến sáu lần. Tâm bị các đối tượng chi phối mãnh liệt. Xem phim hài Thời đại tân kỳ của Charlot thì cười khà khà. Coi Lan và Điệp thì khóc hu hu. Do đó Đức Phật nói: “Này các Tỷ-kheo, tâm của phàm phu là nhẹ dạ, khó điều phục, bị các đối tượng chi phối…”. Đã vậy, lại còn hay bị ám ảnh. Bị mắng một câu cứ nhớ hoài, tựa như máy video ghi âm, thu tiếng. Lâu lâu lại nhớ lại, tựa như bật máy chiếu lên. Do đó Đức Phật nói tâm này “hay dính chặt. Một khi đã dính chặt thì không thể thoát ly mau lẹ”. Ngài nói tiếp một cách “cận nhân tình”,
Vì tính khó nhiếp phục này, thuở xưa các bậc hiền trí, chỉ vì một cái cuốc, không thể bỏ được. Vì lòng tham, sáu lần từ bỏ xuất gia. Chỉ lần xuất gia thứ bảy, thiền định khởi lên, mới nhiếp phục được lòng tham ấy.
Ngài đại ý nói rằng, chuyện của Trưởng lão Cittahatta Sariputta là hoàn toàn thông cảm được, ngày xưa Ngài cũng đã có thời gian như vậy.
Nói vậy xong bậc Đạo sư kể lại câu chuyện quá khứ. Thuở xưa khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh trong một gia đình làm vườn. Lớn lên Bồ-tát được gọi là bậc hiền trí cái cuốc. Với cái cuốc, Bồ-tát dọn sạch đất, tự mình gieo trồng các loại như rau, bí, bầu, dưa leo và các thứ rau khác để bán và sinh sống một cách khó khăn. Ngoại trừ cái cuốc này ra, Bồ-tát không có một tài sản gì khác.
Bồ-tát trong  các truyện tiền thân dùng  để chỉ cho các đời sống trước khi Đức Phật thành đạo. Trong câu chuyện này, Bồ-tát sinh ra trong cảnh nghèo khó. Điều đó chứng tỏ rằng trong quá khứ ngài đã có một thời gian không chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, ngài có trí tuệ nên được gọi là bậc hiền trí.
Người có trí thường  hay bị giảm sút về sự thông cảm. Một người học quá giỏi, giải quyết  vấn đề quá nhanh thì khó thông  cảm với một học trò chậm chạp. Một bệnh nhân chảy máu tùm lum, gia đình hốt hoảng. Ông bác sĩ giỏi nhìn biết ca này nhẹ, không sao, nên rất bình thản. Bác sĩ này có vẻ ít thông  cảm với gia đình bệnh  nhân. Nhìn thấy cách sống phung  phí của anh X., người có trí biết kết cuộc “không có chiếu mà chôn” của X. Đến khi X. nghèo  khổ, người có trí nghĩ rằng: đã làm thì phải chịu. Người có trí nhìn thấy lỗi lầm ở người khác, do đó họ thường  dễ không  thông  cảm. Trường hợp của các vị Tỷ-kheo cười nhạo Trưởng lão chính là trường hợp này. Với người có trí mà không có sự thông cảm với người khác, trong tương lai họ cũng bị hậu quả là ít người thông  cảm với mình. Vì quá sắc bén, người có trí cũng thường bị giảm sút về tâm thức chia sẻ. Muốn chia sẻ, họ phải có lý do xác đáng. Điều đó ảnh hưởng tới sự rộng rãi, hào phóng của tâm trong việc chia sẻ. Hậu quả là có nhiều người có trí nhưng lại không dư dả về tài sản. Vì thế một người có trí tuệ, muốn đầy đủ phải có sự thông cảm với người khác (từ bi) và sự sẵn lòng chia sẻ (bố thí).
Một hôm, Bồ-tát suy nghĩ: Ta sống trong gia đình làm gì? Hãy xin đi xuất gia. Bồ-tát cất cái cuốc vào một chỗ kín đáo, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ.
Chuyện này vẫn thường xảy ra. Trưởng lão Cittahatta Sariputta  xuất gia vì trong  chùa “có ăn” hơn ở ngoài. Tuy nhiên,  có những  người khác không  hành  động chỉ vì cái lợi áo cơm như vậy. Họ có thể hành động vì những  ý tưởng  cao đẹp  hay vì muốn  giải thoát  bản thân.  Một người trẻ tuổi một  hôm  bỗng  có ý muốn cao thượng, muốn giúp đỡ giai cấp cần lao, muốn giải phóng  hết những  người bị áp bức, bóc lột. Người đó quyết định rời bỏ những thứ tầm thường, tẻ nhạt của cuộc đời để rảnh thì giờ mà cải biến xã hội, nghĩa là cải biến môi trường xung quanh  mình. Bồ-tát thì nảy sinh ý nghĩ muốn  điều khiển cái tâm thức “khó nắm giữ, khinh động” của mình, nghĩa là cải biến chính bản thân mình.
Lại nhớ đến cái cuốc ấy, không thể chặt đứt lòng tham với cái cuốc sứt mẻ, Bồ-tát lại hoàn tục. Như vậy lần thứ hai, lần thứ ba cho đến lần thứ sáu. Bồ-tát lại chôn cái cuốc đó vào chỗ kín đáo rồi lại xuất gia.
Đây là chỗ “cận nhân tình” của Đức Phật. Ngài biết rằng rất khó mà từ bỏ những gì đã bị chấp chặt trong tâm. Có câu thơ rằng “Giang hồ ta chỉ giang  hồ vặt, Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Ý tác giả khiêm tốn cho rằng với bản chất “yếu đuối” của mình, cái gì cũng nhớ, cũng  không  từ bỏ được thì làm sao mà thành “giang hồ thứ thiệt”. Thế nhưng, Đức Phật lại nói rằng: chuyện giang hồ vặt của ông là chuyện bình thường, cho dù ông là loại “giang hồ thứ thiệt” đi nữa thì ông vẫn vô cùng khó khăn, gần như là không thể, rời bỏ những cái “tầm thường ti tiện” được. Vì thế câu thơ trên có thể sửa lại một chút “Giang hồ ta chẳng  giang hồ vặt, Nghe tiếng cơm sôi vẫn nhớ nhà”.
Đến lần thứ bảy, Bồ-tát suy nghĩ: chỉ vì cái cuốc sứt mẻ này, ta tiếp tục từ bỏ xuất gia, nay ta sẽ quăng nó vào con sông lớn rồi sẽ xuất gia! Bồ-tát đi đến bờ sông nghĩ rằng: nếu thấy chỗ cái cuốc bị rơi thì ta có thể đến và vớt nó lên được. Vì thế, với sức mạnh kiên trì như sức con voi, Bồ-tát cầm cán cuốc quay tròn trên đầu ba lần, nhắm mắt lại, quăng cuốc vào giữa dòng sông, và rống lên tiếng rống sư tử ba lần: ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng.
Nhiều người tưởng lầm rằng chỉ cần có một lý tưởng cao đẹp, lý tưởng Bồ-tát là đủ đánh dẹp các thói xấu. Đó là các suy nghĩ không “cận nhân tình”. Thực tế, phải rất cương quyết, mạnh mẽ mới từ bỏ được những cái “tầm thường ti tiện”.
Lúc bấy giờ, vua xứ Ba-la-nại sau khi dẹp xong loạn ở biên giới trở về, tắm trong con sông ấy. Sau khi trang điểm với mọi đồ trang sức, vua ngồi trên lưng voi, đang đi, nghe tiếng la lớn của Bồ-tát liền nghĩ: Người này nói ‘Ta đã chiến thắng’. Nó đã chiến thắng ai vậy? Ta hãy gọi nó. Sau khi gọi Bồ-tát đến, vua hỏi: Này bạn, Ta vừa thắng trận ở chiến trường trở về. Còn ngươi thời chiến thắng ai vậy? Bồ-tát thưa: Thưa Đại vương, một ngàn hay một trăm ngàn chiến trận được đại vương chiến thắng là vô ích, nếu đại vương không tự mình chiến thắng các phiền não. Chính do chiến thắng lòng tham trong nội tâm, Ta đã chiến thắng các phiền não! Trong khi nói vậy, Bồ-tát nhìn con sông lớn, khởi lên thiền quán với đối tượng về nước, đạt được thiền chứng. Ngài ngồi trên hư không, thuyết pháp cho vua và đọc bài kệ
Chiến thắng ấy không tốt Nếu chiến thắng rồi bại Chiến thắng ấy tốt lành Là chiến thắng nội tâm.
Dù cho có cải biến  được xã hội xung  quanh  cho tốt đẹp nhưng không sửa chữa những thói hư tật xấu của bản thân thì đó là một “chiến thắng không tốt”, vì những  tật xấu đó sẽ tạo ra một kết quả xấu mà ta sẽ phải nhận lấy trong tương lai. Còn nếu đã “chiến thắng nội tâm” thì chắc chắn người đó sẽ làm những việc có ích cho cộng đồng và tương lai người ấy cũng tốt đẹp nên đó là một “chiến thắng tốt lành”.
Ghi chú: Bài viết có sử dụng bản dịch Truyện Tiền thân Đức Phật của Hòa thượng Thích Minh Châu
Tags: , , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com