CÁ THÁNG TƯ và NHỮNG LỜI NÓI DỐI


Cá tháng tư, ngày được xem là tha hồ nói dóc hay lừa gạt nhau để vui chơi mà không hề sợ bị giận hay la rầy ở một số nước trên thế giới. Với tinh thần hòa nhập các nền văn hóa từ nước ngoài, một số bộ phận những người trẻ cũng cảm thấy thích thú, hào hứng với tinh thần của ngày nói dóc, mặc dù 364 ngày còn lại chưa chắc đã nói toàn sự thiệt.
Giới thứ tư trong năm giới của người Phật tử tại gia phải thọ trì là giới ngăn cấm sự nói dối. Thật sự mà nói, trong năm giới thì giới nào cũng quan trọng và hỗ tương cho nhau chứ khó mà nói giới nào khó giữ hoặc giới nào quan trọng nhất. Với người hay nói dối thì giới thứ tư là khó giữ nhất. Lời nói không tốn tiền để mua nhưng nói không khéo có thể làm chúng ta mất đi nhiều tài sản và tính mạng. Có thể mọi người nghĩ rằng nói dối để lừa gạt, làm hại người lợi mình là xấu chứ nói dối để đem đến lợi ích cho người và cho mình thì đâu có gì là xấu. Xin thưa rằng, dù với phương diện nào đi nữa, nói dối vẫn là một khẩu nghiệp bất thiện, sẽ để lại một kết quả nhất định.
Giới nói dối có bốn chi :
1.  Chuyện không thật (Atathaṃ vatthu): tức là ý nghĩa của lời nói không đúng sự thật xảy ra. Cũng gọi là chuyện bịa đặt.
2.  Tính nói dối (Visaṃvādanacittaṃ):  là sự cố ý muốn phát ngôn sai với sự thật để người nghe hiểu không đúng với điều thật xảy ra.
3.  Ráng sức nói dối  (Tajjovāyāmo):  là cố ý nói sai sự thật, cố ý làm người nghe tin như đúng sự hiện tại hay dành lời nói (cướp lời) để người nghe nhận sai sự thật.
4.  Người  nghe  đã  tin  lời  nói  (Parassatadatha vijānanaṃ): tức là người nào đã nghe, nhận hiểu sai với sự thật do lời nói dối, như thế là trọn đủ nết tánh nghiệp nói dối.[1]
Người có nết nghiệp nói dối xét đủ 4 chi thì kể nhưđứt  giới  nói  dối,  còn  nếu  không  đủ  chi,  mặc  dù  giới chưa  bị  đứt  nhưng  kể  như  giới  không  còn  trong  sạch (bất tịnh).
Nói dối là một giới cấm mà người tại gia nói chung cần phải giữ gìn cho được trong sạch, thì được nhiều phước thiện cao quý. Ngược lại, nếu người nào phạm đến giới nói dối, thì người ấy phải chịu phạm tội nặnghoặc nhẹ tùy theo sự thiệt hại đã gây ra đối với người tin theo sự lừa dối ấy. Ngay trong kiếp hiện tại người ấy bị mất uy tín đối với mọi người; nếu phạm tội nặng, thì ác nghiệp ấy có thể cho quả tái sinh trong cõi ác giới trong những kiếp vị lai.
Tùy theo tính chất hậu quả của việc nói dối mà chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nhiều hay ít, tội nặng hay tội nhẹ. Nếu lời nói của ta gây ra cho người nghe một sự tin tưởng và làm thiệt hại đến họ, tùy theo mức độ thiệt hại mà tội nói dối của mình sẽ nặng hay nhẹ. Người có tâm ác lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối của mình, thì người ấy tạo ác nghiệp nói dối, hội đầy đủ 4 chi pháp phạm điều giới nói dối. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối ấy, thì người ấy không đủ chi, không phạm điều giới nói dối.
Chuyện tiền kiếp của Đức Phật Gotama khi còn Đức Bồ-Tát, Ngài sinh làm một khỉ chúa[2] sống trong rừng. Một hôm con cá sấu bò lên bờ gặp khỉ chúa, nói dối lừa gạt khỉ chúa rằng:
 Này chú khỉ, bờ sông bên kia có nhiều thứ trái cây ngon, nếu chú muốn qua bên đó thì chú lên ngồi trên lưng tôi, tôi sẽ chở chú qua bên kia.
Con khỉ chúa tin theo lời của cá sấu leo lên ngồi trên lưng; cá sấu bơi ra giữa dòng sông định lặn xuống, thì khỉ chúa bèn hỏi rằng:
 Này anh cá sấu, anh định cho tôi chìm trong nước để được sự lợi ích gì cho anh?
Cá sấu nói thật rằng:
 Này chú khỉ, tôi nói dối lừa gạt chú để ăn trái tim của chú.
Khỉ chúa bảo rằng:
 Này anh cá sấu, trái tim của tôi không có trong thân này, tôi đã gỡ trái tim ra và đem treo lủng lẳng trên cành cây kia kìa.
Vừa nói, khỉ chúa vừa đưa tay chỉ cho cá sấu thấy chùm trái cây gần bờ sông và bảo tiếp với cá sấu rằng:
 Nếu anh muốn ăn trái tim, thì anh chở tôi vào lại bờ cây kia.
Cá sấu nghe vậy tin theo lời của Đức Bồ Tát khỉ chúa, bơi vào gần bờ, Đức Bồ Tát khỉ chúa liền nhảy lên cành cây, sinh mạng được an toàn.
Như vậy, Đức Bồ Tát khỉ chúa nói dối lừa gạt cá sấu, nhưng không gây sự thiệt hại nào đến cá sấu. Cho nên, tuy Đức Bồ Tát khỉ chúa nói dối nhưng không có tội.
Một học sinh ngủ dậy trễ, đến lớp muộn, vì sợ thầy cô phạt nên nói là kẹt xe, bể bánh xe… đủ thứ muôn ngàn lý do để giúp mình giảm tội và tăng thêm tình tiết đáng thương. Vì nhiều người nghĩ rằng: “nói dối chút xíu thì có chết ai đâu” nên họ tha hồ nói dối. Chẳng chết ai, không bị trừ lương, không bị sa thải và không bị rầy la, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để trở thành điều kiện cần và đủ cho một lời nói dối.
Đức Phật giáo giới sa-di Rāhula trong kinh Giáo Giới Rāhula ở rừng Ambala[3] rằng, “Này Rāhula, đối với ai biết mà nói dối, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm”. Đức Phật dạy Sa-di Rāhula, nhưng thực ra Ngài cũng dạy chúng ta, “những người biết nói dối nên không có việc ác gì mà không làm” đấy. Chúng ta nên học theo tinh thần của lời giáo giới ấy, tự nhắc nhủ bản thân “Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi".
Đừng nghĩ rằng, một lời nói, dù chỉ là nói đùa, thì vô hại. Không phải tự nhiên mà cha ông ta đã dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Nghiệp xuất phát từ tâm. Tâm tạo nghiệp qua thân, khẩu và ý.
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.[4]
Chúng ta giữ được giới tránh xa sự nói dối đã là một việc thiện thì chắc chắn sẽ nhận được quả lành. Ngoài ra, kiêng tránh sự nói dối còn sẽ trổ quả cho chúng ta 14 quả phúc đặc biệt khác, như là:
1. Lục căn sáng tỏ.
2. Lời nói trôi chảy.
3. Răng bằng phẳng trong sạch.
4. Không quá mập.
5. Không quá ốm.
6. Không quá cao.
7. Không quá thấp.
8. Miệng thơm như hoa sen.
9. Có bạn bè siêng năng.
10. Lời nói ra được người tin.
11. Lưỡi mọng đỏ nhọn như kiến sen.
12. Tâm không tán loạn.
13. Gặp cảnh xúc thích hợp.
14. Không câm, ngọng …
Trong 32 đại tướng và 80 tướng đẹp của đấng thế tôn, ngài có một hảo tướng là “lưỡi dài, mềm và giọng nói có tám đặc tánh như giọng nói của phạm thiên”[5]. Sở dĩ ngài thành tựu quả phước đặc biệt này là bởi vì trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ-tát đã kiên tránh không nói lời thô lỗ, chửi mắng, Ngài chỉ nói những lời lịch sự, không xúc phạm và làm hài lòng nhiều người. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài họ hưởng quả phước ở cõi chư-thiên, vượt trội các vị chư-thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng lưỡi dài và mềm” và tướng “ giọng nói có tám đặc tánh như giọng nói của phạm thiên”.
Những người hay nói lời ác, chửi mắng thì thường có lưỡi dày, cong xuống và có đường chẻ khiến cho người khác biết rằng họ đã từng xoắn lưỡi nói lời ác. Những người thường nói ác ngữ thì có giọng nói bị bể, không rõ ràng. Tuy nhiên, Bồ-tát thì có lưỡi dài, mềm và phẳng đẹp để chư-thiên và nhân-loại có thể biết rằng Ngài không bao giờ nói ác ngữ mà chỉ nói lời dịu dàng, lịch sự và dễ nghe. Rõ ràng đây là biểu hiện của khẩu nghiệp thanh tịnh. Chúng ta, sở dĩ có “ngày nói dối”, thậm chí có cả một “đời nói dối”, nên tướng lưỡi đâu có trang nghiêm như vậy? Vậy nên, theo lời Phật dạy, giữ khẩu nghiệp thanh tịnh, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói thô ác, thay vào đó là những lời nói chân thật, hòa ái, thương yêu.
Nhân ngày quốc tế cá tháng tư gì đó, ai nói dối gì thì nói nhưng xin gửi bài viết này đến tất cả mọi người như là một món quà Pháp của đầu tháng. Gửi đến mọi người tất cả mọi điều an lạc và hạnh phúc trong suốt tháng nhé.



[1] Cư Sĩ Giới Pháp (Tk. Giác Huệ biên soạn).
[2] Jā.208 (Suṃsumāra Jātaka)
[3] MN.61
[4] Dhp.1
[5] DN.30
Tags: , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com