QUÀ TẶNG CUỘC ĐỜI (Định Phúc)

Chửi người, người chẳng sân si
Tự mình nhận hết những gì xấu xa.
Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja được nghe Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ông phẫn nộ, không hoan hỷ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói những lời nói không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn. Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja:

- Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông không?

- Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng, các thân hữu, bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm tôi.

- Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm không?

- Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm, các loại đồ nếm.

- Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?

- Thưa Tôn giả Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi.

- Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng; nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng; gây lộn với chúng tôi là người không gây lộn; chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, gây lộn lại khi bị gây lộn, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ sự việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông! Này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông...

Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia trước mặt Thế Tôn, cho con được thọ đại giới …

Đoạn kinh văn trên là một trường hợp điển hình về những khó khăn trong công cuộc truyền bá Giáo Pháp. Dù sống trong bối cảnh thế nào, dù là bậc giới hạnh ra sao thì không thể nào tránh khỏi những lời chỉ trích, khinh miệt như thế. Đối với Đức Thế Tôn, là bậc A-La-Hán Ứng Cúng, đáng được trời người tôn kính và lễ bái, đôi khi Ngài còn phải bị như thế thì đối với chúng ta thì có ra gì.

Với một vị Chánh Giác như Ngài thì những lời phỉ báng, miệt thị cũng chỉ là một món quà tiếp đãi của người chủ dành cho khách đến thăm. Và khi vị khách không nhận món quà ấy thì hẳn nhiên món quà lại thuộc về quyền sở hữu của chủ nhân. Quy luật ấy dĩ nhiên là như vậy. Bởi thế nên dân gian ta cũng từng nói rằng "ngậm máu phun người - dơ miệng mình" là thế.

Là người con Phật, chúng ta cũng hãy tập hành theo tấm gương của Đức Từ Phụ. Trong mọi hoàn cảnh nào, một lúc nào đó cũng phải bị những lời phỉ báng, khinh miệt, chúng ta hãy bình tĩnh đón nhận nó và chớ có nóng vội phản ứng lại. Chính sự bực phiền của ta sẽ làm mất đi giá trị của chính mình, và hơn thế nữa, sự đau khổ bực phiền của mình chính là cái mà kẻ thù muốn ở chúng ta.

Đối với vị Sứ giả Như Lai, mình hy sinh kiếp người để học hỏi Giáo Pháp và đem sự hiểu biết đó áp dụng ngay trong chính cuộc tu của mình. Và dĩ nhiên, trên bước đường hoằng pháp sẽ không sao tránh khỏi những lời chê trách, những lời không hay. Nhưng cái hay, cái giá trị làm thu phục lòng người đó chính là đức kham nhẫn của vị tự nhận là Sa-môn Thích tử.

A-tu-la, nên biết,
Xưa vậy, nay cũng vậy,
Ngồi im, bị người chê,
Nói nhiều, bị người chê,
Nói vừa phải, bị chê.
Làm người không bị chê,
Thật khó tìm ở đời.

Xưa, vị lai,và nay,
Ðâu có sự kiện này,
Người hoàn toàn bị chê,
Người trọn vẹn được khen .

Chúng ta đã thấy đó, Thế Tôn là bậc đem đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và nhân loại, Ngài đem cánh cửa bất tử đến cho những chúng sanh hữu duyên, vậy mà Ngài còn phải bị phỉ báng như thế. Đối với chúng ta, hãy lấy đó làm tấm gương để tập kham nhẫn trong mọi hoàn cảnh, dù khen thưởng hay là chê bai để tạo cho mình được sự an vui trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Và khi đạt được điều đó, hẳn nhiên chúng ta đã có được sự vượt bậc và tiến triển trong bước đường tu tập của chính mình.

Tài liệu tham khảo:
Tương Ưng Bộ Kinh 1. Tương Ưng Kosala. Phẩm A-La-Hán. Phần Phỉ Báng.

Pháp Cú Kinh 227-228.
Tags: ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com