Pages

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

CHỮ "HIẾU" TRONG CA DAO - TỤC NGỮ


Hằng năm, cứ vào mùa mưa là chúng ta bắt đầu cho một mùa Vu Lan báo hiếu. Tuy đây không phải là một lễ nghi truyền thống tôn giáo mà chỉ là một hành động, một việc làm để gợi nhớ nơi những đứa con về công sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đó cũng là một truyền thống của dân tộc Việt Nam ta, truyền thống về tinh thần hiếu thảo của người con giống tiên rồng.
Vu Lan, hai tiếng đã trở nên quá quen thuộc không chỉ đối với hàng Phật tử mà còn quá gần gũi đối với hầu hết những người dân Việt chúng ta. Trên thế giới, các nước phương Tây có một ngày dành riêng cho mẹ (ngày chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng 5) nên gọi là Mother's Day; còn đối với cha cũng có một ngày riêng (ngày chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng 6) nên gọi là Father's Day. Còn ở Việt Nam chúng ta thì một ngày để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ chính là ngày Vu Lan Báo Hiếu (rằm tháng 7 âm lịch).
Vu Lan, nếu nói cho đủ chữ, đủ nghĩa thì phải gọi là Vu Lan Bồn, theo tiếng Pāli thì được phiên âm từ chữ Ullumpana, xuất phát từ động từ Ullumpati, có nghĩa là giúp đỡ, cứu vớt; còn tiếng hán có nghĩa là Đảo Huyền; tức là lễ cứu vớt những vong nhân đang bị đọa xứ khổ cảnh.
Lễ Vu-lan là dựa theo tích chuyện trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra, Đại Chánh Tạng, tập 16), trong đó, Đức Phật dạy Trưởng lão Mục-kiền-liên cúng dường thức ăn đến chư Tăng trong ngày Tự tứ và hồi hướng phước báu đến mẹ là bà Thanh-đề để giúp bà thoát khỏi khổ cảnh của kiếp ngạ quỷ.
Trong kinh điển nguyên thủy, không thấy đề cập đến sự tích nêu trên. Tuy nhiên, trong quyển Ngạ quỷ sự thuộc Tiểu Bộ có ghi lại một câu chuyện tương tự. Đó là chuyện ngạ quỷ mẹ của Ngài Xá-lợi-phất (Chú giải Ngạ quỷ sự, Phẩm Ubbari, Chuyện số 2, Tỳ khưu Thiện Minh dịch). Tóm tắt như sau:
Một ngày nọ, các ngài Trưởng lão Sāriputta, Trưởng lão Mahāmoggallāna, Trưởng lão Anuruddha ngụ tại một khu rừng hoang gần thành Vương Xá. Một nữ ngạ quỷ với thân hình gầy ốm, hình tướng gớm ghiết, đến gặp các ngài và cho biết trong tiền kiếp, ngạ quỷ từng là mẹ của Ngài Xá-lợi-phất. Do lòng keo kiết, bủn xỉn, bà đã đối xử tàn tệ với các vị tu sĩ, và lại sinh ác tâm chưởi rủa mắng nhiếc các vị ấy, nên bà phải lảnh quả báo ác, sinh làm ngạ quỷ trong kiếp này. Bà xin Trưởng lão Xá-lợi-phất tổ chức bố thí cúng dường, rồi hồi hướng phước đến cho bà để được thoát khỏi cảnh ngạ quỷ khổ sở.
Sáng hôm sau, nhân khi đi khất thực trong thành Vương Xá, các ngài đến gặp vua Bình-sa, và Ngài Mục-kiền-liên thuật lại câu chuyện ấy cho vua nghe. Nhà vua hoan hỷ phát tâm trong sạch hứa sẽ giúp Ngài Xá-lợi-phất. Vua truyền lệnh cho các quan dựng bốn tịnh thất trong khu rừng ngoại thành, và sửa soạn vật thực, đồ ăn, thức uống và y phục. Sau đó, nhà vua chuyển toàn bộ những thứ ấy đến Ngài Xá-lợi-phất. Nhân danh mẹ, Ngài Xá-lợi-phất bố thí cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn, rồi hồi hướng công đức phước báu đến cho bà. Nhờ đó, bà được tái sinh vào cõi Trời Phạm Thiên.
Mặc dù vài chi tiết trong câu chuyện này không giống như chuyện ghi trong kinh Vu-lan-bồn, việc cúng dường đến chư Tăng, rồi hồi hướng phước báu đến cha mẹ đã qua đời, có một ý nghĩa rất rõ ràng, tương hợp trong cả hai truyền thống chính của Phật giáo.
Những năm gần đây, lễ Vu Lan dường như trở nên phổ biến, phát triển rộng rãi trong hàng Phật tử với nhiều việc làm thiết thực mà chúng ta có thể thấy rõ nhất là việc cúng dường trai đàn, đặt bát cúng dường đến chư Tăng...
Những việc làm đó, phải chăng đã đủ để chúng ta đền đáp công ơn sanh thành? Nếu nói cho cùng, những việc làm đó, so với công lao của cha mẹ cũng giống như là so sánh một hạt mưa với những trận mưa ngâu của tháng 7 vậy. Làm sao mà so sánh được. Ân sanh thành, giáo dưỡng của cha mẹ đối với chúng ta quá to lớn, quá bao la, quá vĩ đại thì những việc làm đó làm sao mà đền đáp được.
Đã là con người, được sinh ra trong thế gian, được đi-đứng-nằm-ngồi thì không ai là không có cha mẹ, ai cũng được cha mẹ sanh ra và lớn lên nhờ cha mẹ, dẫu rằng ai đó là một đứa con ngoài ý muốn, hoặc sanh ra đã không biết mặt cha mẹ đi chăng nữa thì thịt xương này, hơi thở này, hình hài này vẫn là của cha mẹ tạo ra cho chúng ta. Chín tháng cưu mang, bao năm bồng bế, bao năm cho bú mớm, rồi lớn lên phải cho ăn học, phải lo cơm áo, gạo tiền cho con... Bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta tri ân đối với song thân, người đã tạo ra cho ta hình hài này để hiện diện trên thế gian này.
Ân đức của cha mẹ được ca dao ví như sông núi, như bầu trời bao la, như suối nguồn vô tận. Có biết bao lời ca tiếng hát để ca ngợi tình thương con của cha mẹ dành cho con, rồi ca dao tục ngữ...
Ngay từ lúc nhỏ, thậm chí từ lúc chưa được ngồi trên ghế nhà trường, ông bà, cha mẹ đã dạy cho thuộc lòng câu ca dao :
"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con".
Quả thật, đúng như thế, công ơn cha mẹ quá cao dày thì làm sao có thể so sánh được. Chúng ta chỉ có thể hình dung được sự cao lớn của núi Thái và sự mênh mông, vô tận của nước trong nguồn để ví von về ân đức cao dày của cha mẹ đối với con cái.
"Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa".
Chín chữ cù lao, đó là chín điều khó nhọc mà cha mẹ phải mang nặng khi sanh con ra và nuôi con khôn lớn.
1.Sinh: Sanh đẻ.
2.Cúc: Nâng đỡ.
3.Dục: Dạy dỗ.
4.Phủ: Vuốt ve triều mến.
5.Xúc: Cho bú sữa.
6.Trưởng: Nuôi cho khôn lớn.
7.Cố: Trông nom.
8.Phục: Ôm ấp.
9.Phúc: Bảo vệ.
"Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân".
"Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá,
Ngó ra ngoài biển, thấy cặp cá đang đua.
Đi về lập miếu thờ vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha".
Khi sanh con ra, cha mẹ lo cho con từ miếng cơm đến manh áo để không thua sút bạn bè, bởi thế khi cha mẹ đã lớn, người con phải biết phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc cha mẹ.
"Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi".
Thậm chí, có những người con gái, vì lòng hiếu thuận cha mẹ, dám hy sinh đời mình để phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi đã xế chiều như là tấm lòng đền đáp của người con hiếu thảo.
"Ơn hoài thai, to như bể!
Công dưỡng dục, lớn tựa sông!
Em nguyện ở vậy không chồng,
Lo nuôi cha mẹ, hết lòng làm con".
Mình nuôi cha mẹ không phải vì cha mẹ đã nuôi mình, giờ mình phải nuôi lại như là một món hàng trao gửi qua lại. Tinh thần hiếu thảo không nằm ở đó. Mình phụng dưỡng cha mẹ vì cha mẹ là bậc ân nhân của mình, nhờ có cha mẹ nên mình mới có được hình hài như bây giờ, mình được hiện hữu trên cõi đời này cũng nhờ có cha mẹ, vì không ai sinh ra mà không có cha mẹ sanh thanh dưỡng dục cả. Vả lại, quy luật nhân quả khắc nghiệt sẽ không tha thứ cho những kẻ vô tâm làm trái với luân thường đạo lý, không biết tôn kính cha mẹ.
"Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì?
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công?".
"Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận,
Ngỗ nghịch nào con có khác chi!
Xem thử trước thềm mưa xối nước,
Giọt sau, giọt trước chẳng sai gì".
Không phải tất cả những người con đều là những người con hiếu thảo. Bàn tay thì có ngón ngắn, ngón dài. Lòng người cũng thế, làm sao biết được. Có những đứa con, chúng vô tâm đâu biết quan tâm đến cha mẹ chúng như thế nào, chúng chỉ biết quanh quẩn với những đồng tiền chúng làm ra rồi thỏa sức mà ăn xài và tiêu phí. Chỉ khi nào chúng trở thành những người cha, người mẹ thì mới thấu hiểu được câu ân tình, chữ cù lao mà cha mẹ dành cho chúng từ khi chúng chưa biết gì.
"Ở đời ai cũng có lần,
Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành.
Người xưa khó nhọc nuôi mình,
Khác gì mình đã hết tình nuôi con".
"Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ".
Tình mẹ dạt dào vô bờ bến, lòng mẹ thương con cũng như thế. Bởi thế, kho tàng ca dao - tục ngữ có rất nhiều câu để đề cao tình mẹ vô bến bờ.
"Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn".
"Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao ".
"Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm bú mớm biết bao thân tình".
"Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi".
"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn".
"Mẹ ngoảnh đi, con dại,
Mẹ ngoảnh lại, con khôn".
"Mẹ giàu con có, mẹ khó con không".
"Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau" .
"Bồng cho con bú một hồi,
Mẹ đã hết sữa, con vòi con la".
"Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con".
Cha tuy không trực tiếp sanh ra ta, nhưng nếu không có cha thì mình cũng không thể nào có trên thế gian này để nếm trải đủ thứ mật ngọt, đắng cay của cuộc đời. Tuy con cái không gần gũi cha như mẹ, và người cha cũng ít bộc lộ tình cảm như người mẹ, nhưng tình cha luôn ấm nồng như vầng thái dương của cuộc đời con.
"Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi".
"Khôn ngoan nhờ ấm ông cha,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ".
"Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm".
"Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha chết gót con đen sì".
Công cha là như thế, tình mẹ là như thế, luôn cao vời vợi, luôn rộng mênh mông, là người, mình đừng bao giờ bỏ quên phận sự làm con phải biết báo đền ơn sinh dưỡng. Tuy không là bao so với ân tình cha mẹ đã bỏ ra nhưng cũng là tấm lòng hiếu thuận của người con.
"Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con".
"Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già".
"Đói lòng ăn đọt chà là,
Nhịn cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng".
"Đói lòng ăn trái ổi non,
Nhịn cơm cho mẹ, cho tròn nghĩa xưa".
"Dấn mình gánh nước làm thuê,
Miễn nuôi được mẹ quản gì là thân".
"Vô Chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ, công phu chưa đành".
"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Lấý gì đền nghĩa khó khăn,
Lên non xắn đá, xây lăng phụng thờ".
"Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ôi, đây ngọc với dây lòng.
Đây tình con nặng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong".
Đó là một số ít trong vô số câu ca dao, tục ngữ đề cập đến ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và truyền thống hiếu thảo của con người Việt Nam trong tinh thần của dân tộc. Qua đó, chúng ta thấy rằng, truyền thống hiếu thảo là một truyền thống đã đi sâu vào tâm trí của mỗi con người Việt Nam, dù ở xa xứ hay tại quê hương cũng đều hướng về ngày Vu Lan để đáp nghĩa song thân. Hỵ vọng với chút tấm lòng, xin hướng về những bậc cha mẹ như là món quà để dâng lên các bậc song thân nhân mùa lễ Vu Lan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

samadhipunno@yahoo.com