Ngài Sīlakkhandhābhivaṁsa thông thuộc thấu suốt tất cả Tam tạng Kinh điển lúc Ngài 36 tuổi. Ngài học Tam tạng Kinh điển trong suốt 15 năm thì thông thuộc tất cả. Ngài là một người luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng trong việc học tập, cố gắng tích lũy kiến thức càng nhiều càng tốt, và làm nhiều công việc đem lại lợi ích cho mọi người, cho quê hương, đất nước.
Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivaṁsa là vị Tam tạng thứ bảy trong 12 vị Tam tạng từ trước đến nay tại Myanmar (Miến Điện). Ngài là vị Tam tạng thứ 3 trong 8 vị Tam tạng hiện đang còn sống, 4 vị Tam tạng đầu tiên đã viên tịch.
THỜI THƠ ẤU & XUẤT GIA LÀM SA-DI
Ngài có thế danh là Maung Thein Htun, sinh vào ngày thứ Sáu, 10-01-1964, tại thôn Pan Taw Su, huyện Maw Kyun (Mawlamyine Kyun), thuộc tỉnh Irrawaddy. Song thân là cụ ông U Htun Tin và cụ bà Daw Than Ri. Ngài là anh cả trong gia đình có bảy anh em.
Năm 10 tuổi (1974), Ngài được gởi đến ngài Indaka ở chùa Mahā Aung Mye Bon Tha thuộc thôn Ma Yan, huyện Maw Kyun, để nương tựa và học chương trình Phật Pháp vỡ lòng, bao gồm: Ân đức Tam bảo, 11 bài kinh Paritta, phận sự của Sa-di và văn hóa ứng xử Phật giáo đối với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội. Trong vòng 5 tháng, Ngài đã học xong chương trình Phật pháp này.
Năm 11 tuổi (1975), Ngài được chọn để tham gia kỳ thi Vinayapāla (Hộ trì giới luật) và được thọ giới Sa-di, do ngài Indaka làm thầy tế độ và ông bà, cha mẹ làm thí chủ cúng dường lễ xuất gia, với pháp danh là Sīlakkhandha. Sau khi thọ Sa- di được 6 ngày, Ngài đã học thuộc lòng và thi đỗ xuất sắc lớp cao học của kỳ thi Vinayapāla, gồm 4 quyển luật: Luật Tỳ-khưu (Bhikkhupātimokkha), Luật Tỳ-khưu-ni (Bhikkhinīpātimokkha), Học pháp tóm lược (Khuddasikkhā) và Học pháp căn bản (Mūlasikkhā).
Năm 12 tuổi (1976), Ngài học thuộc lòng bộ luật Pārājikapāḷi – bộ đầu tiên của tạng luật – và thi đỗ lớp thủ khoa của chương trình Vinayapāla.
Năm 13 tuổi (1977), Ngài được thầy tế độ là ngài Indaka gởi đến Phật học viện In-sein Ywa-ma, thuộc thành phố Yangon và được các giảng sư uyên bác tại Phật học viện này, như là ngài Nandavaṁsa, ngài Tilokābhivaṁsa… chuyên tâm giảng dạy những kiến thức căn bản của Tam tạng Kinh điển.
Năm 14 tuổi (1978), Ngài thi đỗ lớp Sơ cấp Phật học, năm 15 tuổi (1979) thi đỗ lớp Trung cấp Phật học, và năm 17 tuổi (1981) thi đỗ lớp Cao cấp Phật học, các kỳ thi này do chính phủ tổ chức. Đặc biệt trong cả 3 chương trình thi, Ngài đều trả lời bằng ngôn ngữ Pāḷi, và ở kỳ thi lớp cao cấp, Ngài đã đứng thứ ba toàn quốc. Sau khi thi đỗ lớp Cao cấp Phật học, Ngài được Trưởng lão Tilokābhivaṁsa gởi đến Phật học viện Mahāvisuddhārāma, thuộc thị trấn Pakhukkū để học chương trình Dhammācariya (Giảng sư Pháp học) và phương pháp giảng giải nổi tiếng ở đây trong suốt 2 năm.
THỌ GIỚI TỲ-KHƯU
Năm 20 tuổi (1984), Ngài thọ giới Tỳ-khưu tại Đại giới đường của Phật học viện Ko Hsaung thuộc thị trấn Myin-gyan với thầy tế độ là ngài Đại Trưởng lão Nandavaṁsa, ở Phật học viện In-sein Ywa-ma, thí chủ hộ pháp là gia đình ông bà U Shein và Daw Pale ở thị trấn Myin-gyan. Đặc biệt trong lễ thọ giới Tỳ-khưu này, Giáo thọ sư và Đệ nhất Tuyên luật sư của Ngài là ngài Đại Trưởng lão Đệ nhất Tam tạng Mingun Sayadaw. Cũng trong năm này (1984), Ngài đến Phật học viện Mahāthūpārāma để học những phương pháp học hiểu liên quan đến giáo trình Dhammācariya, dưới sự hướng dẫn của ngài Đại Trưởng lão Dhammasāmi trong khoảng 6 tháng, và Ngài đã thi đỗ 1 trong 3 bộ môn đại cương Pháp học Phật giáo của chương trình Dhammācariya (Giảng sư Pháp học), đó là: Đại cương bộ Luật, quyển Pārājika. Năm sau (1985) Ngài thi đỗ tiếp Đại cương bộ Kinh, quyển Sīlakkhandha.
HÀNH TRÌNH HỌC VÀ THI TAM TẠNG
Sau khi thi đỗ 2 trong 3 giáo trình của chuyên ngành Dhammācariya- Giảng sư Pháp học, Ngài bắt đầu tham gia học thi Tam tạng.
Năm 22 tuổi (1986), Ngài thi đỗ phần học thuộc lòng 2 bộ đầu của tạng Luật – Pārājika và Pācittiya (Ubhatovibhaṅgadhara), và cũng trong năm này Ngài thi đỗ giáo trình Abhivaṁsa - Giảng sư Pháp học uyên bác của hội Phật học Nyaung Don Sudhammapariyatti. Kể từ đây, Pháp danh của Ngài được gọi một cách kính trọng và đầy đủ là Sīlakkhandhābhivaṁsa.
Năm 23 tuổi (1987), Ngài đến trung tâm học Tam tạng của ngài Đại Trưởng lão Đệ nhất Tam tạng Mingun Sayadaw (Bhaddanta Vicittasārābhivaṁsa) ở tỉnh Sa-gaing, thuộc miền Trung Miến Điện để xin nương nhờ và mưu cầu Pháp học. Cũng trong năm này, Ngài đã thi đỗ phần học thuộc lòng 3 bộ sau của tạng Luật – Mahāvagga, Cūlavagga và Parivāra – trở thành bậc Vinayadhara: Bậc thông thuộc Luật tạng, đồng thời cũng thi đỗ phần còn lại của giáo trình Dhammācariya (đại cương bộ Vi Diệu Pháp quyển Dhammasaṅganī), hoàn thành xong chương trình Đại cương Pháp học Phật giáo với danh hiệu Sāsanādhaja Dhammācariya.
CÁC TÁC PHẨM DO NGÀI BIÊN SOẠN
Trong quá trình dạy chương trình Pāḷipāragū tại Học viện Nikāya, tác phẩm “Phương pháp học Pāḷipāragū” và “Vinaya-pāḷipāragū” (uyên thâm về Pāḷi của tạng Luật ) được biên soạn và xuất bản, giúp các học tăng gỡ rối những thuật ngữ và văn phạm Pāḷi.
Sau đây là những tác phẩm đã được biên soạn và xuất bản để hỗ trợ các học tăng đang tham gia chương trình thi Tam tạng ở phần thi viết:
- Pārājikakaṇḍaṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Luật Pārājika) (2 tập) (tiếng Pāḷi)
- Pācittiyaṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Luật Pācittiya) (tiếng Pāḷi)
- Mahāvaggaṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Luật Mahāvagga) (tiếng Pāḷi)
- Cūḷavaggaṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Luật Cūḷavagga) (tiếng Pāḷi)
- Parivāraṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Luật Parivāra) (tiếng Pāḷi)
- Dhammasaṅgaṇīṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Bộ Vi Diệu Pháp Dhammasaṅgaṇī) (tiếng Pāḷi)
- Vibhaṅgaṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Vi Diệu Pháp Vibhaṅga) (tiếng Pāḷi)
- Dhātukathādiṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Vi Diệu Pháp Dhātukathā, Puggalapaññatti và Kathāvatthu) (tiếng Pāḷi)
- Yamaka-paṭṭhānaṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Vi Diệu Pháp Yamaka và Paṭṭhāna) (tiếng Pāḷi)
- Suttanta Mahāvaggaṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Kinh Mahāvagga) (tiếng Pāḷi)
- Pāthikavaggaṭīkāsāra (Tinh hoa phụ chú giải bộ Kinh Pāthikavagga) (tiếng Pāḷi)
- Sutabuddhawin (Thanh Văn Phật sử) (tiếng Myanmar)
Ngoài ra, Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivaṁsa đã sưu tập, xuất bản và cúng dường tất cả các bộ đề thi Tam tạng từ những thập niên trước cho đến nay, là những tài liệu vô cùng quý hiếm và bổ ích đối với những vị đang học thi Tam tạng. Đối với hàng Phật tử tại gia, Ngài đã soạn và xuất bản những tập sách nhỏ giải thích về lợi ích của việc thực hành thiện pháp trong đời sống hàng ngày như “Nên phát triển từ tâm”, “Lợi ích lớn của bố thí vô phân biệt”...
ĐỀN ƠN QUÊ HƯƠNG, THẦY TỔ
Kể từ khi thông thuộc thấu suốt Tam tạng, Ngài Sīlakkhandhābhivaṁsa đã nhiều lần đền ơn quê hương, thầy tổ với nhiều cách khác nhau.
- Cúng dường thuyền máy, máy xay lúa, máy bơm nước, điện thoại... đến ngài Đại Trưởng lão ở chùa Ma Yan, nơi Ngài lớn lên và nơi nuôi dưỡng Ngài những ngày đầu trong giáo pháp của Đức Từ Phụ.
- Trùng tu bảo tháp bị hư hoại bởi bảo lụt, lát đường và bố thí máy phát điện ở thôn Pa Taw Su.
- Vận động xây dựng trường tiểu học, trường trung học, xây dựng các phòng học, ủng hộ các nhu yếu phẩm cho trường học, như máy phát điện, giếng nước và máy bơm nước, bàn, ghế, tủ... ở thôn Ma Yan.
- Ủng hộ máy phát điện có công suất lớn cho bệnh viện nhân dân ở thị trấn Maw Kyun và thị trấn Bo Kalay, mỗi nơi một máy.
- Xây dựng phòng khám, phòng chữa bệnh và hỗ trợ những dụng cụ y tế cần thiết ở thôn Ma Yan.
- Xây dựng cúng dường Phật thất để tôn trí tượng Phật lớn ở thôn Ma Yan và thôn Kyaik Pi Taik.
- Xây dựng các cầu cống bắc qua những sông rạch ở vùng phụ cận của thôn Ma Yan, giúp dân làng đi lại an toàn và thuận lợi...
HOẰNG PHÁP LỢI THA
Vận động cứu trợ các nạn nhân bị thiên tai, lũ lụt, đặc biệt là bão Nargis vào năm 2008 đã cướp đi sinh mạng nhiều người và của cải. Chủ trương mở các phòng khám bệnh định kỳ ở trong Học viện Nikāya, khám mắt và tai miễn phí, tổ chức hiến máu 4 tháng một lần. Vào năm 2010, mở trường học bồi dưỡng miễn phí cho các học sinh lớp 10 ôn thi vào đại học.
Ngoài việc dạy học, đào tạo tăng tài, viết sách và thuyết giảng Phật pháp, Ngài Tam tạng còn là người lãnh đạo trong ban trị sự trung tâm đào tạo Tam tạng Mingun Tipiṭaka Nikāya, và làm cố vấn cho nhiều tổ chức và chi hội Phật học khắp cả nước, như: Hội Thắp sáng Pháp học Nikāya, Hội Phát triển Vi Diệu Pháp Sule, Hội Từ thiện Phật giáo Toàn quốc Myanmar...
HẦU CHUYỆN VỚI NGÀI TAM TẠNG SĪLAKKHANDHĀBHIVAṀSA
Hỏi: Bạch Ngài, khi học thi Tam tạng, Ngài có thể học bao nhiêu trang sách trong một ngày?
Đáp: Không học các bài mới suốt ngày, chỉ học bài mới vào buổi sáng mà thôi, thời gian còn lại trong ngày là ôn lại những bài cũ đã học. Khi học bài mới thì ngoài những câu kệ tóm tắt ở cuối các chương, cứ mỗi 15 phút là học thuộc 1 trang sách; 4 giờ sáng bắt đầu học thì mỗi buổi sáng học được 16 trang sách.
Hỏi: Bạch Ngài, Ngài duy trì thế nào để không quên những bài đã học?
Đáp: Để không quên thì phải thường xuyên ôn lại. Một người với trí nhớ siêu việt thế nào đi nữa, nếu không thường xuyên ôn lại những bài vở đã học thuộc thì lâu ngày cũng sẽ quên thôi. Cũng cần giới hạn các đối tượng bên ngoài có thể làm phân tâm; nếu các đối tượng bên ngoài được giới hạn và siêng năng ôn lại thì những bài đã học thuộc rất khó quên.
Hỏi: Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết những khó khăn khi học thuộc lòng Tam tạng Pāḷi và đọc tụng trong các kỳ thi?
Đáp: Có nhiều khó khăn nhất định, và khó nhất là những đoạn lặp lại nằm ẩn mình rải rác ở rất nhiều trang trong Tam tạng Pāḷi, đó là những đoạn có nội dung đã được trình bày ở các trang trước và ở các trang sau chúng không được đề cập lại nữa mà chỉ có từ ‘peyyāla’ có nghĩa là ‘lặp lại’. Nếu những đoạn lặp lại ẩn này ổn định thì học rất dễ, còn nếu chúng không ổn định thì học cực kỳ khó. Trong Tam tạng Pāḷi, các bộ sách như bộ Luật Pācittiya, bộ Vi Diệu Pháp Dhammasaṅgaṇī có những đoạn lặp lại ẩn rất tuyệt; nếu các bộ sách khác có những đoạn lặp lại ẩn kiểu này thì học rất nhanh. Những đoạn lặp lại ẩn khó nhất là ở bộ Vi Diệu Pháp Paṭṭhāna, kế đến là bộ Kathāvatthu; nội dung vốn đã khó, cộng thêm những đoạn lặp lại ẩn không ổn định, khiến đã khó càng khó hơn.
Hỏi: Bạch Ngài, ai đã làm những đoạn lặp lại ẩn mình bất ổn như thế?
Đáp: Trước tiên là các vị Thánh Tăng. Sau đó những người viết Tam tạng trên lá bối đã chỉnh sửa, khiến những đoạn lặp lại ẩn này bất ổn như bây giờ. Trong mấy lần kết tập Tam tạng, chúng không được quan tâm đúng mức, nên càng về sau càng bất ổn. Bây giờ, nếu các vị thông thuộc thấu suốt Tam tạng cùng với chư Tăng uyên thâm Pháp học tổ chức một hội nghị, tạm gọi là “Hội nghị Tập hợp các đoạn lặp lại ẩn”, để giải quyết vấn đề liên quan đến những đoạn lặp lại ẩn này thì thật lợi ích vô cùng.
Cơ hội học hỏi
Có câu nói đầy kinh nghiệm của các cổ nhân thiện tri thức như thế này: “Nếu muốn có kiến thức và trí tuệ thì phải học hỏi khi có cơ hội học hỏi”. “Phải học hỏi khi có cơ hội học hỏi” có nghĩa phải cố gắng, tranh thủ học hỏi, khi điều kiện cho phép. Học hỏi kiến thức không phải khi nào cũng có điều kiện thuận lợi. Chỉ khi nào hội đủ nhân duyên, khi nào sức khỏe còn tốt, khi nào không vướng bận phụng dưỡng mẹ cha và thầy tổ, khi nào có đủ những hỗ trợ vật chất cần thiết, khi nào tuổi còn trẻ và trí nhớ còn minh mẫn, và khi nào không có những cản trở khách quan, chúng ta mới có thể cắp sách đến trường, học hỏi kiến thức được. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng học hỏi khi điều kiện cho phép, thay vì lãng phí thời gian. Nếu không, sau này lúc chúng ta rất muốn học mà điều kiện không thuận lợi thì dù có thốt lên rằng “tôi muốn học quá” cũng vô ích mà thôi. Chúng ta đã từng nghe câu nói “cơ hội không đến hai lần”, vì vậy, hãy đừng bỏ qua cơ hội học hỏi.
Nỗ lực làm việc
Kiếp sống của chúng ta bây giờ là ở cõi người. Kiếp người là kiếp sống dựa vào nỗ lực bản thân. Vì vậy, theo kinh sách, chúng ta được gọi là người sống lệ thuộc vào kết quả của công việc thường ngày (upaṭṭhānaphalupajīvī). Con người phải nỗ lực bản thân mới sống còn, nếu không có nỗ lực bản thân thì sẽ không tồn tại. Ở trên kia, chư thiên và chư Phạm Thiên không giống chúng ta, họ không cần làm việc, họ sống an nhàn với quả phước của thiện nghiệp mà họ đã làm trong những kiếp quá khứ. Vì vậy, chư thiên và chúng Phạm Thiên được gọi là chúng sanh sống dựa vào quả phước của thiện nghiệp (puññaphalupajīvī). Họ không làm việc là vì ở cảnh giới của họ không cần làm mà vẫn sống thoải mái, hạnh phúc. Đối với cảnh giới của chúng ta thì khác, chúng ta không thể lười biếng mà cần phải làm việc mới có thể sống còn. Là những người phải nỗ lực bản thân và sống dựa vào kết quả của công việc thì không nên bắt chước những chúng sanh sống nhờ vào quả phước của thiện nghiệp trong quá khứ.
Thực hành thiện nghiệp
Đức Phật dạy “sukho puññassa uccayo”, có nghĩa là “làm hưng thịnh các thiện nghiệp là nguyên nhân mang lại hạnh phúc”. Vậy thì, để có hạnh phúc, giàu sang như ý, trong tâm thức cần có nhiều phước thiện, nhiều công đức. Hạnh phúc, giàu sang đi chung với thiện nghiệp mới bền vững. Hạnh phúc, giàu sang mà không đi chung với thiện nghiệp thì rất mong manh. Vì vậy, chúng ta nên thường xuyên tạo phước và thực hành thiện nghiệp.
Ghi nhận công hạnh của Ngài
Thật ra, những điều mà chúng ta biết về Ngài Đại Trưởng lão Tam tạng Bhaddanta Sīlakkhandhābhivaṁsa thì rất ít so với những điều mà chúng ta chưa được biết về Ngài. Tóm lược tiểu sử Ngài Đại Trưởng lão Tam tạng Bhaddanta Sīlakkhandhābhivaṁsa chỉ là một phần rất nhỏ trong muôn ngàn sự nghiệp lớn lao của Ngài mà thôi.
Dù chỉ một phần nhỏ như vậy cũng làm cho chúng ta vô cùng kính phục, vô cùng tôn kính cuộc đời và sự nghiệp của Ngài đã đóng góp vào sự bảo tồn, duy trì giáo pháp của Đức Phật Gotama thật sự. Do đó, Chính phủ Myanmar thành kính dâng lên Ngài danh hiệu cao thượng là: “Tipiṭakadhara Tipiṭakakovida Dhammabhaṇḍāgārika” (Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng, Bậc Giữ Gìn Kho Tàng Pháp Bảo), thật xứng đáng với công hạnh của Ngài.
Sādhu, Sādhu, Lành thay! Anumodāma!
Soạn dịch từ tiếng Myanmar, thứ Sáu, ngày 23 tháng 9 năm 2011
Sư Thiện Đức (Kusalaguna)
0 nhận xét