ÔNG NỘI TRONG CÁI SỌT







Có câu truyện dân gian của người Á đông kể về đứa con trai tàn nhẫn với cha đẻ của mình.

Truyện kể rằng có đôi vợ chồng trẻ. Có cậu con trai chín tuổi. Cha của người chồng trẻ tức là ông nội của cậu bé chín tuổi cùng sống chung. Người cha đã già và hom hem, không có khả năng lao động và ngồi một chỗ. Người vợ trẻ tuổi phàn nàn về sự có mặt của bố chồng tức ông nội của cậu bé chín tuổi trong nhà. Nhưng người chồng, luôn cố gắng thuyết phục và làm dịu vợ mình. Một đêm, người vợ trẻ chờ cho con trai đi ngủ và bảo chồng nếu như muốn sống với cô ấy thì hãy bỏ cha già đi, người chồng đã không bảo vệ được cha mình. Anh ấy đã đồng tình với ý kiến của vợ và quyết định rằng cuộc sống gia đình phải được tiếp tục, không thể đứt quản. Cho rằng là con trai đã ngủ, hai vợ chồng âm mưu bàn tính để đem bỏ cha vào rừng. Người vợ nói: "sáng sớm mai, anh phải bảo cha rằng anh mang cha đi hành hương. Cho cha vào sọt và mang bỏ vào rừng sâu. Bỏ cha ở đó với thú vật và hãy trở về nhà". Cậu bé còn thức nằm trên giường và nghe lỏm những điều cha mẹ cậu bàn tính.

Sáng hôm sau, cậu bé thức dậy. Như dự kiến, người chồng đặt cha vào sọt và chuẩn bị đi. Cậu bé hỏi. 
- thưa cha, cha mang ông nội đi đâu ?

- Con trai à, cha mang ông đi hành hương.

- Được, nhưng cha nhớ mang sọt về cho con bởi vì con muốn dùng cái sọt để mang cha đi hành hương khi cha đến tuổi như ông nội.

Lúc gay go quyết định cho hai vợ chồng trẻ. Họ đã chuyển tâm và tiếp tục nuôi dưỡng cha tại nhà.

Câu chuyện ngụ ý thật châm biếm và có ý nghĩa về mặt đạo đức làm người.



Thời Ấn Độ cổ cũng có vài câu chuyên tương tự như vậy. Chủ tố của các câu truyện cũng nói lên sự bạt đãi của con trẻ đối với cha mẹ và điều tệ hại này đã được cháu nội nhắc nhở.



Theo câu truyện tương tự thì cậu con trai cho cha lên xe ngựa để bỏ cha ở nghĩa địa. Cháu nội đã đi theo sau cha. Khi đến nghĩa trang, cha cậu bé đào mồ chôn ông nội, cậu bé bảo cha “ xin cha hãy đào thêm một mồ nữa để con chôn cha lúc cha gia như ông nội, con sẽ không mât công đào”. Dĩ nhiên điều này đã ngăn được hành động của người cha trẻ. Ngụ ý bài học cho câu truyện là khi bạn cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái sẽ cư xử với bạn như vậy.


Một câu truyện khác, ông nội được nhận thúc ăn trong cái đĩa cũ bẩn và đặt dưới đất. Cái dĩa bẩn đến nổi không ai sờ vào nói chi là dùng để đựng thức ăn. Khi con trai nhận thấy không muốn nuôi dưỡng cha thì quyết định quăn cái đĩa bẩn đi. Cậu bé ngăn và bảo:

- Xin cha đừng quăng cái đĩa đi. Con muốn giữ nó lại.

Người cha trẻ hỏi “để làm gì”

Cậu bé trả lời “dĩ nhiên bởi vì con muốn đựng thức ăn khi cha đến tuổi như ông nội’. Điều này dạy cho người cha trẻ cần phải thương quý cha mẹ già.

Ngày xưa, ở một vùng nọ, có vợ chồng kia hiền lành và chăm chỉ, hai người lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có con, họ cầu Trời khấn Phật mãi nhưng vẫn chưa có kết quả.
Hôm ấy, sau khi hai vợ chồng đi lễ chùa về, trời đang nắng bỗng nổi cơn mưa lớn, sấm chớp nổ đùng đùng làm cả hai xanh mặt, vội vã chạy đến một cái miếu nhỏ ở bên đường để núp tạm tránh sét, khi chạy gần đến bậc thềm thì người vợ trợt té, úp bụng xuống đất.
Chồng thấy vậy thì hoảng quá, bồng vợ mang vào bên trong miếu, tưởng rằng vợ bị sây sát gì, nhưng người vợ bảo là chẳng bị trầy trật ở đâu cả, chỉ thấy hơi đau nhói một chút ở bụng mà thôi.
Mưa tạnh trời quang, vợ chồng đưa nhau về nhà và một tháng sau thì người vợ mang thai. Biết rằng Trời Phật đã nhận lời, hai người mừng vô hạn, bèn lấy một phần ba của cải đem đi bố thí cho người nghèo để đền ơn.
Đến ngày khai hoa nở nhụy, người vợ sinh ra được một thằng bé kháu khỉnh trong niềm sung sướng tột cùng. Người chồng bảo:
- Trời Phật đã thương mà nhận lời chúng ta, thì chúng ta phải cố sống làm sao cho xứng với tình thương ấy. Tôi dự tính trích thêm một số bạc nhà mình để sửa lại chùa, mình thấy thế nào?
- Thì mình tính sao em nghe vậy, ân đức này cao bằng trời biển, biết bao nhiêu mà sánh bằng được?
Và thế là ngôi chùa đã được người chồng bỏ tiền ra sửa sang lại khang trang hơn trước.
Đứa bé đầy tháng thì ông mang đến lễ chùa tạ ơn và được đặt tên là Phúc để nhớ đến ân phúc Trời Phật đã ban cho vợ chồng họ.

Thằng Phúc chóng lớn và khôn ngoan thấy rõ, mới lên ba mà đã ăn nói như người lớn vậy, hai vợ chồng cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi có một người con như thế.
Những tưởng cảnh đầm ấm này sẽ được dài lâu, ngờ đâu sự việc đến không như họ nghĩ, vì cũng năm đó, người vợ lâm bạo bệnh rồi đột ngột qua đời, dù người chồng đã tìm đủ thầy, chạy đủ thuốc.
Người chồng chỉ biết ôm con mà khóc, không ngờ tình cảnh lại thay đổi một cách éo le và nhanh chóng như vậy, mới hôm nào gia đình còn hạnh phúc tràn trề mà nay đã gãy gánh giữa đường, phải chịu cảnh gà trống nuôi con.
Sự đời như thế vẫn chưa yên vì cái rủi vẫn đeo bám ông, quá nhớ thương vợ và khóc lóc nhiều nên mắt ông sưng lên, vài tháng sau thì mờ dần, không nhìn rõ được.
Năm đó lại xảy ra hạn hán, mất mùa, người ăn xin đông như kiến, ông lại có tính hay giúp người nên cơ ngơi của ông cứ thế mà vơi dần.
Nạn đói đã bắt đầu xảy ra, người ta giành giật nhau từng củ khoai, bụi sắn mà không còn nghĩ gì đến tình làng nghĩa xóm.

Thấy ông bị mờ mắt, con trai thì còn nhỏ dại, bọn gia nhân của ông ngày trước đói quá hóa liều, đêm hôm ấy chúng đột nhập vào nhà bắt trói cha con ông lại rồi tha hồ vơ vét thóc lúa bạc tiền.
Không nhìn thấy gì nên ông chỉ biết tri hô lên cầu cứu, bọn ác nhân liền phang ông một gậy để ông im miệng vì sợ lộ tung tích, thằng bé Phúc còn nhỏ quá nên chỉ biết sợ hãi nhắm tịt mắt lại rúc vào người cha để tránh nạn.
Bọn cướp vét hết tài sản của ông rồi bỏ đi, để lại thằng bé khóc lóc ngơ ngác bên xác cha mình.
May mà ông chỉ bị ngất đi chứ không chết. Khi người làng hay tin đến cứu thì bọn cướp đã cao chạy xa bay, giờ đây cha con ông chỉ còn cái xác nhà không và mảnh vườn trơ trụi. Ông ôm lấy con mà an ủi:
- Cu Phúc đừng khóc nữa. Bố còn sống đây là được rồi. Thế nào bố cũng có cách gầy dựng lại, cho con ăn học thành người…
Tuy mắt bị mờ, không còn nhìn thấy rõ, nhưng ông vẫn không chịu thua số phận, cố gắng hy sinh tất cả vì con.

Thấy con đói, ông lùng sục khắp nơi để lặt từng mớ rau, dò dẫm đào từng củ khoai, củ chuối, lặn lội mò cua bắt ốc để nuôi con qua ngày đoạn tháng.
Trời cũng không phụ lòng nên cha con ông vẫn sống sót được, thoát qua khỏi mùa đói khắc nghiệt năm ấy.
Ông làm lại từ đầu để gầy dựng cơ nghiệp và lo cho con ăn học, dù có phải làm thuê làm mướn, cực khổ trăm bề, ông cũng không từ nan bất cứ việc gì, miễn sao có cái ăn cho thằng Phúc và gởi nó theo học với thầy đồ trong làng, vui cùng chúng bạn cùng tuổi.
Năm tháng qua đi, Phúc mỗi ngày một khôn lớn và người cha mỗi ngày một già đi, ông vẫn âm thầm lo cho con ăn học mà không quản khó nhọc và sức lực hao mòn.
Ngày con trai lên kinh ứng thí là ngày người cha mừng đến rơi nước mắt, vì ước vọng của ông bao lâu nay đã thành hiện thực.
Con đi rồi, ông lần ra thắp hương nơi mộ vợ mà rằng:
- Xin mình chứng giám cho lòng thành của tôi, có thương con thì cầu xin cho nó được đỗ đạt, làm quan vinh hiển để đổi đời cho nó, còn tôi thì phận già ra sao cũng được. Trước sau sống đời chung thủy với mình, vui vầy sớm hôm với con với cháu.

Quả nhiên, người con trai đỗ á khoa kỳ thi năm ấy và được cử làm quan tri huyện trong vùng. Người cha nghe tin mừng không kể xiết, thế là tâm nguyện đã thành, ông nghĩ vợ mình chắc cũng đang mỉm cười nơi suối vàng khi biết con trai đã công thành danh toại.
Quan tri huyện Phúc nhậm chức được hai năm thì lấy vợ, nàng là con gái của một phú ông trong vùng, do đó mà cuộc sống cũng khá giả và hạnh phúc.
Khi con đã thành đạt thì người cha bây giờ mắt đã lòa đi nhiều, bao nhiêu sức lực đã hao phí khi còn trẻ để làm lụng lo lắng cho con, bây giờ tuổi già, sức yếu, chẳng làm gì được, chỉ biết sống bám vào con trai cho trọn vẹn tuổi già.
Quan tri huyện thấy cha đã già yếu, nên lo lắng chăm sóc cho cha rất chu toàn, khiến người cha lấy làm mãn nguyện và sung sướng trong lòng vì mình đã có một người con hiếu thảo.
Ngày tháng trôi đi nhanh như vó câu băng qua cửa sổ, vợ chồng quan tri huyện cũng có một người con trai xinh xắn và dễ thương như vợ chồng ông ngày trước.
Mặc dù mắt ông đã mờ nên ông không nhìn thấy rõ gương mặt cháu nội, nhưng ông cũng mường tượng ra được ít nhiều qua tiếng nói, cử chỉ, ông thấy thằng bé cũng thông minh và sáng dạ như thằng Phúc khi xưa, gia đình ông lại đầm ấm và tràn ngập tiếng cười.

Ngày đứa cháu nội lên bốn thì sức ông đã yếu lắm, tay chân run lẩy bẩy, mỗi lần ăn uống thật là khó khăn, mắt mờ nên ông không nhìn thấy, làm thức ăn đổ trong đổ ngoài, người con dâu phải dọn dẹp mãi nên lâu ngày thành ra khó chịu.
Đã vậy cứ đôi ba hôm ông lại làm rơi vỡ một cái chén, vì tay ông cứ run cầm cập nên không giữ chặt được, ông cũng lấy làm ngại lắm nhưng không biết làm thế nào vì sức mình đã yếu lắm rồi.
Người con dâu thấy vậy tiếc của nên không dám dọn chén kiểu cho ông nữa vì ông cứ làm rơi hoài, cô nàng thay bằng chén sành để lỡ có đánh rơi thì cũng ít hao hơn. Quan huyện lúc đầu không đồng ý, nhưng sau cũng nghe theo lời vợ vì nghĩ rằng mắt cha đã mờ, đâu có phân biệt được chén kiểu hay chén sành.
Nhưng rồi chồng chén sành cũng ngày một vơi đi vì ông cứ đánh rơi mãi khiến vợ chồng quan huyện không biết xử trí thế nào nữa.
Người vợ bèn nghĩ ra một cách, liền bảo chồng:
- Hay là ta kiếm cái gáo dừa làm chén để dọn cho cha ăn, nếu lỡ rơi xuống đất thì cũng đâu có bể, khỏi phải mất công thay chén khác.
- Không được, ai lại làm thế với cha bao giờ! Thiên hạ biết được thì còn coi mình ra gì.
- Nhưng cứ mỗi ngày đánh rơi một cái thì làm sao mình kham nổi, vả lại mắt cha mờ nên có thấy gì đâu, chén gì thì cũng vậy thôi.
Người chồng cứ phân vân mãi, nhưng rồi thấy vợ nói cũng phải, nghĩ rằng chắc cha cũng chẳng nhìn thấy gì nên giấu mọi người trong nhà, lấy cái gáo dừa đẽo gọt miệng cho phẳng để làm chiếc chén theo như lời vợ.

Đứa cháu nội ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc chén cơm của ông làm bằng gáo dừa, có rơi xuống đất cũng không bị bể, nó cảm thấy lạ lắm, nhưng không lộ ra nét mặt nên bố mẹ nó đâu có biết.
Mỗi lần ăn cơm, cầm chiếc chén trên tay, ông nhận ra ngay đó là chiếc gáo dừa, nhưng ông không nói ra vì sợ mất mặt con mình, dù sao con trai mình cũng là tri huyện trong vùng. Tuy vậy, trong lòng ông đau như bị muối xát, chỉ biết âm thầm nén lại mà thôi.
Hôm nọ, quan tri huyện đi công cán ở xa về, nghe lục đục bên hông nhà liền cùng vợ bước đến xem, họ thấy con trai mình đang cầm dao đẽo gọt hai cái gáo dừa khô…
Họ lấy làm lạ hỏi:
- Này, con đang cầm dao nghịch gì thế? Không khéo đứt tay bây giờ!
Đứa bé hồn nhiên bảo:
- Dạ con đang bắt chước cha đẽo gọt hai cái gáo dừa này thành hai cái chén, phòng khi sau này cha mẹ già yếu dọn cơm cho cha mẹ ăn, lỡ có đánh rơi cũng không bị bể cha ạ.
Hai vợ chồng nghe vậy thì điếng cả người, không ngờ con trai mình lại nói thế, nhưng không trách nó được, vì nó nói đúng quá.
Lòng hiếu thảo và tình thân chợt dâng đầy, vợ nhìn chồng, rồi chồng nhìn vợ, cả hai bật khóc, họ hối hận vì những sai lầm của mình đối với người cha già đáng kính, đã hy sinh trót một đời vì mình.

Thế rồi hai vợ chồng chạy vào trong phòng, quỳ sụp dưới chân người cha mù lòa, vừa khóc vừa nói:
- Cha ơi, xin cha hãy tha lỗi cho chúng con, cha đã hy sinh một đời vì con, thế mà chúng con đã ngu ngốc khi đối xử với cha như vậy…
- Dù muôn nghìn chén vàng chén bạc cũng không sánh nổi lòng cha đối với chúng con. Vợ chồng con nguyện khắc dạ ghi tâm và xin cha tha cho tội bất kính này.
Từ đó vợ chồng người con đối xử với cha rất là hiếu thảo cho tới ngày ông qua đời. Chuyện đứa bé gọt cái chén gáo dừa kia đã thức tỉnh lòng ta đối với đấng sinh thành, vì công ơn ấy cao tựa Thái Sơn, biết lấy gì bù lại cho xứng được?!
HẾT
Tags: , , , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com