ĐIỀM LÀNH DỮ (TK.ĐỊNH PHÚC)



Việc xem ngày lành ngày tốt để bắt đầu công việc nào đó hoặc là những ngày trọng đại trong đời người, từ lâu đã ảnh hưởng rất sâu sắc vào đời sống của những người dân Á Đông. Người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng rất nhiều nét văn hoá, phong tục của Trung Hoa nên việc xem ngày lành ngày tốt để khởi đầu cho công việc nào đó như là khai trương, xây dựng, hoặc là kết hôn, ma chay, từ lâu đã trở nên rất phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, đối với Phật Giáo thì không chủ trương xem ngày tốt hay ngày xấu. Vì sao? Ngày tốt hay ngày xấu đều do chính bản thân của mình tạo tác. Yếu tố sao hạn, phương hướng, giờ tốt, giờ xấu chỉ là những yếu tố do con người định đặt ra, không thể trở thành nhân tố quyết định sự thành công của công việc hay là sự hanh thông trong cuộc sống được.
Và chính Đức Phật cũng đã khuyên dạy các hàng đệ tử như sau :
Các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp. Các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp. Các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.
Sunakkhattaṃ sumaṅgalaṃ,
Suppabhātaṃ suhuṭṭhitaṃ;
Sukhaṇo sumuhutto ca,
Suyiṭṭhaṃ brahmacārisu.
Padakkhiṇaṃ kāyakammaṃ,
Vācākammaṃ padakkhiṇaṃ;
Padakkhiṇaṃ manokammaṃ,
Paṇīdhi te padakkhiṇe;
Padakkhiṇāni katvāna,
Labhantatthe  padakkhiṇe.
Te atthaladdhā sukhitā,
Viruḷhā buddhasāsane;
Arogā sukhitā hotha,
       Saha sabbehi ñātibhi.
Vầng sao lành, điều lành
Rạng đông lành, dậy lành
Sát-na lành, thời lành
Cúng dường bậc Phạm hạnh
Thân nghiệp chánh, lời chánh
Ý nghiệp chánh, nguyện chánh
Làm các điều chơn chánh
Thì được lợi an lạc
Lớn mạnh trong Phật giáo
Hãy không bệnh an lạc
Cùng tất cả bà con[1].
Quả thật như vậy, vào thời khắc nào trong ngày mà chúng ta với thân làm việc thiện, khẩu nói lời thiện, ý suy nghĩ thiện thì chính thời khắc ấy là thời khắc kiết tường, thời khắc tốt lành. Ngày nào sống với việc lành, ý niệm lành thì ngày ấy là ngày lành vậy.
Thật sự chẳng có ngày tiêu chuẩn nào để quyết định đâu là ngày lành hay ngày xấu cả. Bởi vì đối với một số người thì ngày ấy là ngày lành, nhưng đối với một số người khác có thể là ngày không được tốt đẹp. Do đó, chúng ta căn cứ vào những ngày lành ngày tốt để khởi đầu cho việc nào đó là một việc làm hết sức vô lý. Nói một ví dụ, chẳng hạn như người áo mưa, thì ngày nào trời mưa thì xem như ngày đó làm ăn buôn bán được thuận lợi; còn đối với người bán nước đá thì ngày nào trời nắng thì nhiều người mua nước đá. Chỉ bao nhiêu đó thôi thì mình không thể chấp nhận việc xem ngày lành ngày xấu được.
Xấu hay tốt đều do mình mà ra, vì lẽ đó đừng để thời gian tốt hay xấu ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, đến công việc của mình và cả cuộc đời mình. Đã có biết bao nhiêu câu chuyện lẫn cuộc tình phải lâm vào cảnh bi ai vì câu chuyện tốt xấu ngày giờ, hoặc là kỵ tuổi với xung khắc…
Chúng ta hãy xem lại mẫu chuyện tiền thân mà Đức Thế Tôn đã kể lại như là một ví dụ điển hình cho sự tai hại của việc tin vào những ngôi sao chiếu mệnh.
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, những người dân ở thành phố xin cưới cô con gái ở thôn quê, đã định ngày cưới và hỏi một kẻ tà mạng ngoại đạo, bạn của gia đình:
- Thưa Tôn giả, hôm nay chúng tôi định làm lễ ngày lành. Vậy các vì sao có tốt đẹp không?
Người tà mạng ngoại đạo tức giận suy nghĩ: "Những người này đã quyết định ngày theo sở thích của mình, nay mới hỏi ta. Vậy ta sẽ làm trở ngại ngày lành của họ". Kẻ ấy nói:
- Hôm nay các vì sao không tốt. Nếu các ông làm lễ, các ông sẽ gặp nạn diệt vong lớn.
Họ tin kẻ ấy, nên không đi đến. Những người ở thôn quê biết được họ không đến liền nói với nhau:
- Nay họ đã định ngày, nhưng lại không đến. Họ là hạng người gì đối với chúng ta?
Và họ gả con gái cho người khác. Những người ở thành phố đến vào ngày sau và xin đón con dâu. Những người ở thôn quê nói:
- Các ông, những người ở thành phố, là những gia chủ không có liêm sỉ. Chính các ông đã định ngày, nhưng không đón con dâu. Vì các ông không đến, chúng tôi đem gả con cho người khác rồi.
- Chúng tôi hỏi một vị đạo sĩ, biết được các vì sao không tốt, nên chúng tôi không đến. Hãy cho chúng tôi rước dâu.
- Vì các ông không đến, chúng tôi đã gả nó cho người khác rồi! Nay làm sao lại có thể dắt nó về được?
Trong khi họ đang cãi nhau như vậy, một người hiền trí ở thành phố đi đến thôn quê vì một công việc gì đó, nghe kể lại câu chuyện ấy, liền nói:
- Có nghĩa lý gì là các vì sao? Ðược người con gái đâu có phải nhờ các vì sao?
Rồi người hiền trí đọc bài kệ này:
Nakkhattaṃ paṭimānentaṃ,
Attho bālaṃ upaccagā;
Attho atthassa nakkhattaṃ,
       Kiṃ karissanti tārakāti.
Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hỏng điều lành,
Ðiều lành chiếu điều lành,
Sao trời làm được gì?
Các người ở thành phố cãi lộn xong, không rước dâu được, nên đành ra về[2].
Theo tinh thần của Phật Giáo, con người muốn thành tựu những hạnh phúc, sự an vui, tránh được những tai họa thì tất nhiên không điều gì khác là làm những điều lành như là giữ thân làm điều lành, ý suy nghĩ lành, khẩu nói lời lành. Bởi vì, chính những việc lành này sẽ là phước báu trổ sanh đến cho con người chúng ta đạt được những niềm hạnh phúc, an lạc.
Chính Đức Thế Tôn đã khuyên dạy Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja bằng bài kệ sau:
Suddhassa ve sadā phaggu
Suddhassuposatho sadā, 
Suddhassa sucikammassa
Sadā sampajjate vataṃ.
Ðối kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày tốt,
Với kẻ sống thanh tịnh, 
Ngày nào cũng ngày lành[3].
Luôn sống trong thiện pháp, an trú tam nghiệp trong việc thiện, việc lành thì chắc chắn rằng đó là điều lành, còn những người suốt ngày cứ tin tưởng vào vận mệnh, sao hạn thì không thể nào được điều an lạc, lúc nào cũng cảm thấy bất an, lo lắng vì biết rằng những vận xui rủi đang xảy ra đến với mình.
Vào thời của Đức Phật, những vị Bà-la-môn rất tin vào các điềm lành, điềm dữ ví đối với họ những môn học tiên tri, bói toán, xem tướng là một trong mười tám môn nghệ thuật chỉ có những vị Bà-la-môn thiện xảo, am tường mới có thể thông hiểu được. Và hẳn nhiên rằng, họ rất tin tưởng vào những điềm mà mình đoán được. Đức Phật, Ngài biết rõ sự hư ngụy trong những niềm tin suông vô căn cứ này nên Ngài đã vì lòng bi mẫn mà tiếp độ họ nếu như quán xét thấy được nhân duyên của họ với Chánh Pháp. Và sau đây sẽ là một trường hợp tiêu biểu.
Truyền thuyết nói rằng, ở Vương Xá, một vị Bà-la-môn hết sức mê tín, không tin Ba ngôi báu, theo tà kiến nhưng rất giàu có tài sản lớn.
Một hôm, sau khi tắm xong, người Bà-la-môn báo đem cặp áo lại và được báo cho biết là áo bị con chuột cái cắn. Người ấy suy nghĩ: "Nếu cặp áo bị chuột cắn, trong nhà này sẽ có đại nạn xảy ra. Ðấy là một điềm xấu, giống như một lời nguyền rủa. Khi áo bị chuột cắn thì không thể cho con trai, con gái, nô tỳ hay các người làm công... được. Ai lấy cặp áo này, đại nạn sẽ đến với tất cả những người xung quanh. Ta hãy qiăng nó vào nghĩa địa, chỗ quăng xác chết (không thiêu, không chôn). Nhưng ta không thể giao cho những ngưới nô tỳ làm việc này được. Chúng có thể khởi lòng tham, lấy cặp áo và gặp nạn. Vậy ta hãy trao tận tay cho con trai ta đi vứt áo".
Người Bà-la-môn gọi con trai và nói rõ sự việc ấy:
- Này con thân, chớ lấy tay xúc phạm cặp áo này. Hãy lấy gậy mang cặp áo này, quăng nó vào nghĩa địa, rồi tắm cả đầu cho thật sạch và trở về.
Sáng sớm ngày hôm ấy, bậc Ðạo Sư nhìn xem ai có thể được Ngài hóa độ, thấy cha con ấy có căn duyên quả Dự lưu. Như người thợ săn thú, Ngài đi theo con đuờng thú đi và ngồi trước cửa nghĩa địa ấy, phóng ra hòa quang sáu sắc của đức Phật. Thanh niên Bà-la-môn vâng theo lời cha, mang cặp áo ấy trên đầu một cây gậy, như mang con rắn nhà và đi đến cửa nghĩa địa. Bậc Ðạo Sư nói:
- Này thanh niên Bà-la-môn làm gì vậy?
- Thưa Tôn giả Gotama, cặp áo này bị con chuột cái cắn, được xem như là lời nguyền rủa, được ví như nọc độc con rắn. Cha tôi sợ rằng nếu giao người khác quăng cặp áo ấy, lòng tham có thể khởi lên và lấy cặp áo, nên mới sai tôi làm việc này. Tôi cầm lấy cặp áo, hứa rằng tôi sẽ quăng và sẽ tắm cả đầu. Tôi đến đây vì việc ấy, thưa Tôn giả Gotama.
- Vậy ngươi hãy quăng đi.
Thanh niên Bà-la-môn liền quăng cặp áo ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
- Cặp áo này thích hợp với chúng ta.
Rồi Bậc Ðạo Sư đến lượm áo ngay trước mặt chàng thanh nên. Nhưng chàng thanh niên ngăn chận bậc Ðạo Sư:
- Tôn giả Gotama chớ lấy, chớ lấy cặp áo giống như lời nguyền rủa này.
Bậc Ðạo Sư vẫn cứ lấy cặp áo có điềm xấu ấy và đi về hướng Trúc Lâm.
Chàng thanh niên ấy vội vàng đi thật mau về nhà thưa với cha:
- Thưa cha thân, cặp áo con quăng ở nghĩa địa, nhưng Sa-môn Gotama, dầu con đã ngăn cản, vẫn cứ lấy cặp áo vì cho là chúng thích hợp với Ngài và đã đi đến Trúc Lâm.
Vị Bà-la-môn suy nghĩ: "Cặp áo ấy là điềm xấu, giống như lời nguyền rủa. Nếu dùng nó, Sa-môn Gotama sẽ bị tai hại. Do vậy, chúng ta sẽ bị chỉ trích. Ta sẽ đem cho Sa-môn Gotama nhiều áo khác và bảo Ngài quăng cặp áo ấy đi".
Vị Ba-la-môn cho đem theo nhiều áo, cùng với con trai đi đến Trúc Lâm. Thấy bậc Ðạo Sư, vị ấy đến đứng một bên và thưa:
- Thưa Tôn giả Gotama, có thật chăng Tôn giả đã lấy một cặp áo đã bị vứt ở nghĩa địa?
- Thật vậy, này Bà-la-môn.
- Thưa Tôn giả Gotama, cặp áo ấy sẽ đem lại điềm xấu. Nếu Tôn giả sử dụng nó, Ngài sẽ bị tai hại và cả tinh xá cũng bị tai hại. Nếu Tôn giả không có áo mặc hay áo đắp, hãy lấy những áo này và vứt cặp áo kia đi.
Bậc Ðạo Sư nói với người Bà-la-môn:
- Này Bà-la-môn, chúng tôi là người xuất gia. Ðối với chúng tôi, các mảnh vải bị vứt tại các chỗ như nghĩa địa, giữa đường, trong đống rác, chỗ tắm rửa, vẫn còn có thể dùng được. Nhưng ông đã mê tín điềm lành, dữ ngày nay cũng như thuở trước.
Và theo lời yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ cũng tương tự như câu chuyện hiện tại. Sau khi kể câu chuyện quá khứ cho vị Bà-la-môn, bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ này:
Yassa maṅgalā samūhatāse,
Uppātā supinā ca lakkhaṇā ca;
So maṅgaladosavītivatto,
Yugayogādhigato na jātumeti.
Ai thoát điềm lành dữ,
Thoát mộng và các tướng,
Vị ấy vượt qua được
Lỗi lầm do mê tín,
Hai ách được nhiếp phục,
Không còn phải tái sanh[4].
Như vậy, bậc Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Bà-la-môn với bài kệ này, rồi giảng về các Sự thật. Cuối bài thuyết giảng, vị Bà-la-môn cùng với người con trai chứng quả Dự lưu. 
Đức Phật không khuyến khích đệ tử của mình tin vào những vì sao. Phật Giáo không chủ trương cúng sao giải hạn, xóa tội hay là bói toán. Người Phật tử có niềm tin chân chánh không nên để những thứ tà tín ấy len lõi trong tâm trí mình. Hãy dẹp bỏ nó sang một bên và bắt đầu tạo cho mình những ngày tháng an lành, tạo cho cuộc đời mình trở thành kiết tường, an lạc.




[1] Tăng Chi Bộ Kinh 1. Chương Ba Pháp. Phẩm Cát Tường. Phần Buổi Sáng Tốt Đẹp.
[2] Chuyện Tiền Thân Nakkhatta (Jā.49)
[3] Trung Bộ Kinh 1. Kinh Ví Dụ Tấm Vải.
[4] Chuyện tiền thân Maṅgala (Jā.87)
Tags: , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com