Tiểu sử Trưởng lão HT.Thích Minh Châu (1918-2012)


Ht  Minh Chau.jpg
TRƯỞNG LÃO HOÀ THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU (1918-2012)
Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX và X
Huân chương Hồ Chí Minh
Huân chương Độc lập hạng Nhì
Huân chương Đại đoàn kết
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN
Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN
Nguyên Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN
Nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh
- Nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam
- Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Cơ sở I, chùa Quán sứ, Hà Nội

Nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM
Trú trì tổ đình Tường Vân, thành phố Huế, Viện chủ thiền viện Vạn Hạnh, TP.Hồ Chí Minh.
A. Thân thế
Hòa thượng Họ Đinh, húy Văn Nam, là đệ tử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN, pháp danh Tâm Trí, tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Kim Thành (Quảng Nam); nguyên quán làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Thân phụ là cụ ông Đinh Văn Chấp và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Đạt. Gia đình Hòa thượng có 11 người anh em, Hòa thượng là con trai thứ tư trong gia đình. Vốn sinh trưởng trong gia đình vọng tộc Nho gia, thân sinh của Hòa thượng đỗ tiến sĩ Hoàng giáp năm 21 tuổi (khoa Quý Sửu 1913, niên hiệu Duy Tân thứ 7). Nhờ ảnh hưởng sâu đậm nền giáo dục của cụ ông từ bé, vì vậy Hòa thượng rất cần mẫn đèn sách, chăm chỉ học hành, trí tuệ phát triển sớm.
Năm 1939, Hòa thượng đỗ bằng cao đẳng tiểu học Đông Dương; năm 1940 Hòa thượng đỗ tú tài toàn phần tại Trường Khải Định - Huế (nay là Trường Quốc Học); và cùng thời gian này, Ngài được bổ làm Thư ký Tòa Khâm sứ tỉnh Thừa Thiên. Sau một năm làm việc tại đây, Hòa thượng thấy nhiều bất công trong khâu xét xử, người dân bị xử ép oan sai nên đã xin thôi việc.
B. Thời kỳ tìm hiểu giáo lý đạo Phật và xuất gia học đạo
Tìm hiểu giáo lý đạo Phật
Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung nở rộ. Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là nhà trí thức yêu nước cũng là một Phật tử được bầu làm Hội trưởng kiêm Chủ bút Tạp chí Viên Âm. Phong trào học Phật do bác sĩ tổ chức có nhiều trí thức yêu nước tham gia như: Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Võ Đình Cường…
Hòa thượng cùng em trai là Đinh Văn Vinh đến với phong trào học Phật từ năm 1936 do bác sĩ Lê Đình Thám giảng và đảm nhiệm chức Chánh Thư ký của Hội. Kể từ đó, Hòa thượng gắn liền với Hội và là hạt nhân nòng cốt phát động phong trào yêu nước chống Pháp và phát động thanh niên tham gia học Phật. Hòa thượng là người đi đầu trong các phong trào này.
Lúc bấy giờ, trong tư cách là một Phật tử, bên cạnh cụ Hội trưởng Tâm Minh Lê Đình Thám, Hòa thượng đã hoạt động tích cực về nhiều mặt, giúp phát triển Phật sự của 17 Tỉnh hội Phật giáo miền Trung.
Trong phong trào Thanh niên nghiên cứu đạo Phật, Hòa thượng là một trong những người sáng lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ (tên cũ của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam sau này). Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo từ cố đô Huế đến các tỉnh Trung Bộ, ngay từ buổi đầu Hòa thượng đã có nhiều cống hiến đáng kể như: vận động một số Phật tử hội viên của Hội quyên góp, bảo trợ cho Trường Phật học Báo Quốc, tòng lâm Kim Sơn; lúc nạn đói dưới thời kỳ Nhật chiếm đóng, Ngài đã giúp sơ tán học tăng vào Nam Bộ và gởi gắm các nơi khác có điều kiện hơn…
Xuất gia tu học
Trong thời gian làm việc ở Hội quán, Hòa thượng đã học hỏi và thâm hiểu giáo lý Đại thừa từ bác sĩ Lê Đình Thám cùng quý vị tôn túc trong sơn môn Thừa Thiên Huế; thời gian này, Ngài đã vào ở hẳn trong chùa Tường Vân và thực tập nếp sống thiền môn như điệu chúng trong chùa. Cũng từ đó, Hòa thượng quyết chí xin xuất gia.
Năm 1946, Ngài đầu sư với Hòa thượng húy thượng Trừng hạ Thông, tự Chơn Thường, hiệu Tịnh Khiết (Đức Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN) tại tổ đình Tường Vân, thuộc làng Hạ I, xã Thủy Xuân, thành phố Huế và được bổn sư ban cho pháp danh là Tâm Trí. Trải qua những tháng ngày hầu thầy và chấp tác nặng nhọc tại tổ đình cũng như việc Hội, Hòa thượng không bao giờ trễ nãi. Người lúc ấy vừa là giảng sư, vừa là chú điệu đang tập sự thực hành nếp sống thiền môn. Công đức đã đầy đủ, năm 1949 (Kỷ Sửu) Hòa thượng được bổn sư cho phép thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Hộ Quốc chùa Báo Quốc do chính bổn sư làm Đàn đầu Hòa thượng. Trong Đại giới đàn này, Hòa thượng được Hội đồng Thập sư đặc cách cho thọ Tam đàn cụ túc và Hòa thượng bổn sư ban cho pháp tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung. Sau khi đã nhập vào hàng Chúng trung tôn, Hòa thượng vẫn không ngừng sinh hoạt với Hội Phật học Trung Phần, chuyên cần diễn giảng Phật pháp khắp các chùa Hội, hướng dẫn các thanh thiếu niên của Gia đình Phật tử, đóng góp bài viết cho tạp chí Viên Âm, Từ Quang, Liên Hoa…, Chủ bút Tạp chí Tư Tưởng Vạn Hạnh. Năm 1951, khi Hội thành lập Trường Trung học Bồ Đề đầu tiên ở Huế thì Hòa thượng được mời giữ chức Hiệu trưởng.
Trong Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam ba miền được tổ chức tại chùa Từ Đàm năm 1951, Hòa thượng được cử là đại biểu tham dự chính thức.
files.php.jpg
Nhận bằng tiến sĩ từ Tổng thống Ấn Độ
C. Xuất dương du học
Trong quá trình nghiên cứu Kinh Luật Luận Hán tạng, Hòa thượng thấy cách phiên âm các từ ngữ Pali, Sanskrit mỗi người mỗi khác, khiến bản văn trở nên khó hiểu. Từ đó, Hòa thượng xin phép bổn sư và Hội Phật học Trung Phần cho phép mình xuất dương tu học tại Sri Lanka và Ấn Độ về Kinh Luật Luận Pali và Sanskrit, nguyện sau này về nước tiếp tục phiên dịch kinh điển làm phong phú kho tàng Tam tạng nước nhà.
Năm 1952, được sự chấp thuận của Giáo hội và Hòa thượng bổn sư, Hòa thượng xuất dương du học tại Sri Lanka, học Pali và Anh văn tại Colombo. Năm 1955, Hòa thượng được Trường Đại học Tích lan tặng bằng Pháp sư (Saddammcariya). Sau đó, Hòa thượng sang Ấn Độ và theo học tại Nava Nalanda Mahavihara thuộc Đại học Bihar (Ấn Độ). Trong thời gian du học tại đây năm 1957, Hòa thượng đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm Ấn Độ của Người.
Năm 1958, Hòa thượng liên tiếp đỗ các văn bằng cử nhân Pali và Anh văn, đặc biệt lại đỗ thủ khoa M.A (cao học) về Pali và Abhidhamma trên một số đông thí sinh Ấn Độ và nước ngoài đang theo học cùng khóa với Hòa thượng. Với luận án “So sánh tập Pali Trung bộ kinh với tập Trung A hàm chữ Hán” (The Chinaese Madhyama gama and The Pali Majjhima Nikaya), tháng 9 năm 1961, Hòa thượng là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học, Văn học Pali tại Ấn Độ, được đích thân Tổng thống Ấn Độ thời ấy đứng ra trao văn bằng Danh dự và khen ngợi không ngớt về luận văn này. Năm 1962-1963, Hòa thượng được Đại học Bihar (Ấn Độ) mời ở lại giảng dạy tại đây. Trước khi về nước, Hòa thượng đã viết nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh như: “Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả”; “So sánh tập Pali Milinda-Pađha với tập Na-Tiên Tỷ-kheo chữ Hán”; “Pháp Hiển - nhà chiêm bái khiêm tốn”. Năm 1964, Hòa thượng trở về nước tiếp tục trước tác và dịch thuật nhiều tác phẩm có giá trị cho hàng xuất gia và tại gia tu học. 
tieu-su-hoa-thuong-thich-minh-chau (8)[19].jpg
Vị giáo phẩm luôn gần với người trẻ
D. Thời kỳ về nước hành đạo
I. Công tác hoằng pháp
Tháng Tư năm 1964, sau khi trở về nước, Hòa thượng đã đem khả năng của mình để ứng dụng vào Phật sự như phiên dịch Kinh tạng, mở Trường Đại học Vạn Hạnh v.v... ngõ hầu báo đáp thâm ân Phật tổ. Vì thế, Hòa thượng đã tuần tự được mời giữ các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964-1965), Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa và Giáo dục (GHPGVNTN, 1966-1975).
Năm 1975-1976…, sau khi nước nhà thống nhất, Hòa thượng đã bàn giao Viện Đại học Vạn Hạnh cho Bộ Giáo dục quản lý. Sau đó, Hòa thượng trở về cơ sở II ở Phú Nhuận thành lập Phật học viện Vạn Hạnh, nơi đây Hòa thượng đã tập trung vào việc tiếp tục phiên dịch toàn bộ Kinh tạng Pali sang Việt ngữ. Ngoài ra, Hòa thượng cũng dành nhiều thời giờ để nhiếp hóa đồ chúng và dạy Phật pháp cho tín đồ. Và cũng từ cơ sở này, lần đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, Hòa thượng mở lớp dạy Phật pháp cho Phật tử sau giờ tan sở và đề xuất với Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh giảng pháp vào sáng Chủ nhật hàng tuần cho Tăng Ni, Phật tử. Các buổi giảng đầu tiên là ở chùa Ấn Quang, Xá Lợi với các ngài Đôn Hậu, Thiện Châu… Hòa thượng cũng tham gia thuyết giảng. Từ đó, phong trào học Phật và nghe giảng pháp sáng Chủ nhật hàng tuần được lan rộng.
Vận động thống nhất Phật giáo
Năm 1980, Hòa thượng cùng chư tôn Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thiện Châu, Hòa thượng Thích Từ Hạnh, Hòa thượng Thích Hiển Pháp cùng với các cư sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Văn Chế, Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm ở phía Nam; chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa ở phía Bắc thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo nước nhà. Hòa thượng làm Chánh Thư ký Ban Vận động. Đến năm 1981, GHPGVN được thành lập, Hòa thượng được Đại hội suy cử giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký GHPGVN liên tiếp ba nhiệm kỳ I, II và III (1981-1997).
htminhchautangkinh.jpg
Trưởng lão Hoà thượng là giáo phẩm cao cấp của GHPGVN
Đại biểu Quốc hội
Với uy tín của mình trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giới thiệu Hòa thượng ra ứng cử đại biểu Quốc hội tại đơn vị thành phố HCM. Từ tháng 5 năm 1981-2002, Hòa thượng là đại biểu Quốc hội 4 khóa liền (từ khoá VII đến khoá X), và cũng trong thời gian này Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP.HCM.
Năm 1989, Hòa thượng kiến nghị với Giáo hội xin phép Nhà nước cho phép thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Khi Viện Nghiên cứu được thành lập, Hòa thượng được Giáo hội cử làm Viện trưởng. Hai năm sau (1991) Hòa thượng thành lập Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam do chính Ngài làm Chủ tịch. Từ đó, Đại tạng kinh Việt Nam chính thức ra đời.
Tháng 11 năm 1997, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV (1997-2002) đã suy tôn Hòa thượng vào Thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN liên tiếp hai nhiệm kỳ (1997-2007).
Tháng 12 năm 2007, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VI (2007-2012) đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
II. Công trình biên soạn và phiên dịch
Mặc dù bận rộn nhiều công việc cho Giáo hội, cho Quốc hội, cho việc giảng dạy, nhưng trọng tâm chính vẫn là dịch kinh và giảng kinh. Từ khi về nước cho đến nay, tác phẩm của Ngài ngày càng phong phú. Sau đây là những tác phẩm còn để lại:
✽ Dịch Kinh tạng Pali:
1. Trường bộ kinh (2 tập)
2. Trung bộ kinh (3 tập)
3. Tương ưng bộ kinh (5 tập)
4. Tăng chi bộ kinh (5 tập)
5. Tiểu bộ kinh: gồm các tập sau
a. Pháp cú (Kinh Lời vàng)
b. Kinh Phật tự thuyết
c. Kinh Phật thuyết như vầy
d. Kinh Tập
e. Trưởng lão Tăng kệ
g. Trưởng lão Ni kệ
h. Bổn sanh (2 tập)
✽ Dịch từ Abhidhamma:
Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhamma Atthasangaha)
✽ Sách viết bằng tiếng Anh:
1. Hsuan T'sang, The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang - nhà chiêm bái và học giả, NS.Trí Hải dịch sang tiếng Việt)
2. Fa-Hsien, The Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển - nhà chiêm bái khiêm tốn, NS.Trí Hải dịch sang tiếng Việt)
3. Milindapannha And Ngasenabhikhustra - A comparative study (Cư sĩ Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch sang tiếng Việt)
4. The Chinese Madhyama gama and The Pli Majjhima Nikaya (A comparative study) - Luận án tiến sĩ Phật học (NS.Trí Hải dịch sang tiếng Việt)
5. Some Teachings Of Lord Buddha On Peace, Harmony And Humadignity.
2756962_1323191694XUij.2756962_13231916941fanx.jpg
Một đời cần mẫn dịch thuật kinh điển
✽ Sách viết bằng tiếng Việt:
1. Phật pháp (đồng tác giả)
2. 
Đường về xứ Phật (đồng tác giả)
3. 
Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật
4. Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa (dịch)
5. Sách dạy Pali
6. Dàn bài Kinh Trung bộ (chưa in)
7. Toát yếu Kinh Trường bộ (chưa in)
8. Toát yếu Kinh Trung bộ (chưa in)
9. Chữ Hiếu trong đạo Phật (đồng tác giả)
10. Hành thiền
11. Lịch sử Đức Phật Thích ca
12. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi
13. Chánh pháp và hạnh phúc
14. Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người (2002)
15. Những mẩu chuyện đạo (2004)
16. Đức Phật - nhà đại giáo dục (2004)
17. Đức Phật của chúng ta (2005)
18. Tâm Từ mở ra, khổ đau khép lại (2006)
19. Những gì Đức Phật đã dạy (2007)
20. Hiểu và hành Chánh pháp (2008)
21. Chiến thắng ác ma (2009)
HT-Thich-Minh-Chau)_92990.gif
Quan tâm đến văn hoá Phật giáo
 III. Công tác xây dựng cơ sở vật chất và giáo dục
Ngay khi về nước năm 1964, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh cùng Hòa thượng đã thừa lệnh Giáo hội, mượn chùa Pháp Hội thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng. Hòa thượng được Giáo hội cử giữ chức Phó Viện trưởng Điều hành.
Năm 1965, được sự cho phép của Bộ Giáo dục, Trường mở thêm Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn (Văn khoa), Hòa thượng được cử giữ chức Khoa trưởng, sau đó mời Hòa thượng Thích Thiên Ân đảm trách. Lúc này cũng phải tạm mượn chùa Xá Lợi làm nơi giảng dạy.
Cuối năm 1965, Giáo hội quyết định xin phép đổi tên Viện Cao đẳng Phật học thành Viện Đại học Vạn Hạnh và xây dựng cơ sở mới tại số 222 Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ). Hòa thượng được Giáo hội chỉ định giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh kiêm Khoa trưởng Phân khoa Phật học. Tại cơ sở mới, Hòa thượng đã  mở thêm các phân khoa: Khoa học Xã hội, Giáo dục. Hòa thượng là Khoa trưởng các phân khoa này. Sau đó, Hòa thượng mời các Giáo sư Tôn Thất Thiện, Bùi Tường Huân làm Khoa trưởng và Tiến sĩ Thích Nguyên Hồng làm Khoa trưởng Phân khoa Giáo dục. Với cương vị Viện trưởng, Hòa thượng đã chỉ đạo mở thêm trung tâm ngoại ngữ trong khuôn viên Đại học Vạn Hạnh.
Năm 1972, Hội đồng Viện quyết định mua cơ sở ở đường Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm) để mở thêm Phân khoa Khoa học ứng dụng. Hòa thượng về đây đảm nhiệm Khoa trưởng. Tại đây, năm 1974, Hòa thượng chủ trì Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh (1964-1974) với sự tham dự của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Giáo sư trong Ban Giáo sư của Viện và hơn 10 ngàn sinh viên tham dự.
Cũng chính tại cơ sở này, năm 1984 Hòa thượng đã mở Trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện PGVN tại TP.HCM) do Hòa thượng làm Hiệu trưởng, Ngài cũng làm Đàn đầu Hòa thượng truyền giới Cụ túc cho 60 Tăng Ni sinh khóa I này.
Năm 1981, Giáo hội mở Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cở sở I tại chùa Quán Sứ, Hòa thượng được mời làm Hiệu trưởng (nay là Học viện PGVN tại Hà Nội).
Tại Học viện PGVN tại TP.HCM, Hòa thượng đã lần lượt tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 5 khóa cử nhân Phật học. Các khóa Tăng Ni sinh này đã đáp ứng được nhân sự phục vụ Giáo hội.
Ngày 20-10-1997, Hòa thượng chủ trì Lễ khởi công xây dựng cơ sở mới Học viện PGVN tại TP.HCM. Công trình được tiến hành gần 2 năm, đến ngày 23-4-1999 đã hoàn thành và Lễ khánh thành được tổ chức.
traobangHVtaiSG.jpg
Tận tâm tận lực cho nền giáo dục Phật giáo nước nhà
IV. Nhiếp hóa đồ chúng
Với nhiều Phật sự của Giáo hội, giáo dục Tăng Ni, phiên dịch Kinh tạng và trước tác sách vở, nhưng Hòa thượng vẫn luôn nhớ về nguồn cội - nơi mình đã xuất gia học đạo. Vì thế, sau khi Hòa thượng Vĩnh Thừa kế vị Đức Tăng thống, trú trì tổ đình Tường Vân viên tịch, Hòa thượng được Giáo hội và toàn thể chư tôn túc, Tăng Ni, môn phái tổ đình Tường Vân suy tôn lên ngôi vị trú trì tổ đình năm 1984 dưới sự chứng minh của chư tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thích Mật Hiển, Thích Thiện Siêu… Trong cương vị trú trì, Hòa thượng đã nhiếp hóa đồ chúng, tổ chức giới đàn Sa-di phương trượng cho Tăng chúng trong nội phái và chỉ đạo xây dựng, sửa sang một số công trình: khu bảo tháp chư Tổ và bổn sư…
Tại thiền viện Vạn Hạnh năm 2001, Hòa thượng đã cho đại trùng tu ngôi chánh điện, đến tháng 10 năm 2004 thì hoàn tất. Tháng 9 năm 2005, Ngài cho xây dựng mới ngôi Tăng xá và đến tháng 10 năm 2006 tổ chức lễ khánh tạ.
V. Công tác đối ngoại
Với kiến thức uyên thâm và khả năng ngoại điển xuất sắc, Hòa thượng còn được Giáo hội giao phó nhiều trọng trách trong công tác đối ngoại.
- Tháng 6-1965, Hòa thượng viếng thăm và thuyết giảng tại Đại học Kamazawa, Taisho - Nhật Bản.
- Năm 1967, Hòa thượng tham dự Hội thảo Giáo dục tại Đại học Yale - Hoa Kỳ.
- Tháng 6-1968, Hòa thượng tham dự Đại hội Giáo dục Liên Viện trưởng Thế giới tại Hàn Quốc. Cuối năm 1968, Hòa thượng đại diện cho các trường đại học miền Nam Việt Nam tham dự Đại hội Giáo dục Quốc tế tại Mễ-tây-cơ.
Hòa thượng từng tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế, đặc biệt trong Đại hội Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) lần thứ V - 1982 tại Ulan Bator (Mông Cổ), Hòa thượng đã được bầu giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành (1982-1985) của Hội và Phó Chủ tịch hội này.
- Tháng 6-1983, Hòa thượng tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới chống vũ khí hạt nhân tổ chức tại Praha, Tiệp Khắc.
- Tháng 5-1984, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Phật tử châu Á vì Hòa bình tại New Dehli (Ấn Độ), trong Hội nghị này Ngài được tiếp kiến Tổng thống Ấn Độ Zuil Singh.
- Tháng 10-1984, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn GHPGVN tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới với chủ đề “Đạo Phật và các nền văn hóa dân tộc” tại New Dehli, Ấn Độ.
- Tháng 2-1985, Hòa thượng tham dự Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Các mối nguy hiểm đối với sự sống thiêng liêng của chúng ta” tại Moscow (Nga).
- Tháng 11-1985, Hòa thượng tham dự Hội nghị ABCP lần thứ VI tại Hà Nội.
- Tháng 5-1986, Hòa thượng tham dự Hội nghị Quốc tế bàn tròn tại Moscow (Nga).
- Tháng 2-1987, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn PGVN tham dự Quốc dân Đại hội hòa bình Quốc tế tại Liên Xô.
- Tháng 2-1986, Ngài làm phó trưởng đoàn tham dự Đại hội VII ABCP tại Vientiane (Lào), Hòa thượng được mời giữ lại chức Phó Chủ tịch ABCP và Ủy viên Hội đồng Chấp hành ABCP Quốc tế, Hòa thượng cũng được mời làm Chủ tịch Trung tâm Quốc gia ABCP Việt Nam.
- Tháng 1-1989, Hòa thượng dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình tổ chức tại Đại học Monash (Úc).
- Tháng 8-1989, Hòa thượng làm trưởng phái đoàn PGVN dự Hội thảo Đạo Phật và sự lãnh đạo về hòa bình tại Ulan Bator (Mông Cổ).
- Tháng 10-1989, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang thăm hữu nghị Phật giáo Nhật Bản tại thủ đô Tokyo.
- Tháng 9-1990, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ VIII của Tổ chức ABCP tại Mông Cổ.
- Tháng 10-1990, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình tại Bali, miền Nam nước Ý.
504327a181a0a163217.jpg
Là ngôi sao sáng trong hoạt động đối ngoại của Phật giáo VN
- Tháng 10-1991, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Các Tôn giáo một đại dương hòa bình tại Matla, Ý.
- Tháng 11-1991, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Đạo Phật với sự lãnh đạo cho hòa bình tại Seoul, Hàn Quốc.
- Tháng 11-1992, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Quốc tế ABCP tại thủ đô Colombo, Sri Lanka.
- Tháng 3-1993, Hòa thượng chủ trì Hội thảo “Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại” tại TP.HCM.
- Tháng 4-1993, với tư cách Chủ tịch Trung tâm ABCP Việt Nam, Hòa thượng Chủ tọa Hội nghị Quốc tế giải trừ quân bị tại thủ đô Hà Nội.
- Tháng 10-1993, Người tham dự Hội nghị Tăng-già Quốc tế tại Đài Loan.
- Tháng 3-1994, Hòa thượng cùng Hòa thượng Thích Thiện Siêu dẫn đầu phái đoàn chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ.
- Tháng 9-1994, Hòa thượng tham dự Hội nghị Tăng-già Quốc tế tại Vancouver, Canada.
- Năm 1995, Hòa thượng chủ trì Hội thảo “Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại” tại TP.HCM.
- Tháng 8-1995, Ngài làm trưởng đoàn phái đoàn sang thăm hữu nghị và chủ trì cuộc Hội thảo Phật giáo tại Paris (Pháp).
- Tháng 5-1996, Hội đồng Đại học Mahachulalongkorn tại Thái Lan (Đại học Hoàng gia Thái) đã trân trọng tặng bằng cấp tiến sĩ danh dự cho Hòa thượng về công trình phiên dịch kinh điển và sự nghiệp giáo dục của Ngài.
Với những công đức mà Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, vào năm 2000, Nhà nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và vào năm 2012, trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Đúng vào mùa Vu lan PL.2556, vào lúc 9g sáng ngày 1 tháng 9 năm 2012 (tức 16-7 âm lịch), Ngài đã nhẹ nhàng xả báo thân tại phương trượng thiền viện Vạn Hạnh, trụ thế 95 năm và 64 hạ lạp.
Cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương sáng về đức trí và giáo dục cho Tăng Ni nhiều thế hệ. Ngài còn là người anh cả - sáng lập viên của tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Gia đình Phật tử Việt Nam. Với tính điềm đạm và đức nhẫn nại của một bậc thực học, chơn tu khả kính và với sự nghiệp to lớn về giáo dục, phiên dịch Đại tạng kinh Pali-Việt, Hòa thượng luôn luôn để lại cảm tình đặc biệt trong lòng Phật tử Việt Nam.Nam
IMG_1398_650x433_729429482.jpg
Được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý
Những tháng ngày cuối cùng
Những việc cần làm đã làm xong, đã đến lúc gác bút, vào sâu thiền định, sống với hàng đệ tử xuất gia và tại gia thân tín. Năm 2006, Ngài đã lui về hậu liêu an dưỡng tuổi già. Giờ đây, cuộc đời của Hòa thượng như chiếc chiếu trải rộng, không phân biệt hệ phái Nam - Bắc, Đại thừa hay Tiểu thừa. Kinh sách của Hòa thượng không phân biệt, ai muốn hiểu giáo lý cứ đọc - trong “Tiểu” có “Đại”, trong “Đại” có “Tiểu”, đó là Giáo lý Giải thoát mà Ngài đã thuyết giảng hơn 70 năm không biết mệt mỏi, như nhạn bay xa, không lưu lại dấu tích.
95 năm hiện diện ở cõi Ta-bà, hơn 70 năm phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã mở trường trong đạo và ngoài đời để đào tạo hàng ngàn Tăng Ni cấp cử nhân Phật học cho Giáo hội; hàng chục ngàn sinh viên có bằng cấp thành đạt cho xã hội.
Hôm nay, mặc dù Hòa thượng đã đi vào cõi Niết-bàn vô tung bất diệt, nhưng gương sáng trí tuệ và tinh thần giáo dục cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, tinh thần phục vụ Đạo pháp và Dân tộc suốt đời của Ngài vẫn còn mãi mãi với non sông đất nước, với GHPGVN, với Phật tử ba miền Bắc, Trung, Nam, với Tăng Ni trong và ngoài nước, với tổ đình Tường Vân, với thiền viện Vạn Hạnh.
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Tam Thế, Xuân Kinh Tường Vân Tổ Đình Trú Trì, Hồ Chí Minh Thị Vạn Hạnh Thiền Viện Khai Sơn, Sung Việt Nam Phật Giáo Giáo Hội, Chứng Minh Hội Đồng, Phó Pháp Chủ, Húy thượng Tâm hạ Trí, Tự Minh Châu, Hiệu Viên Dung Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.
Tags: , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com