Kính viếng Giác linh cố Đại Lão Hòa Thượng thượng MINH hạ CHÂU.
Kính bạch giác linh Hòa Thượng,
Nay đã trót ba mươi lăm (35) mùa thu đi qua kể từ khi Hòa Thượng mở lớp chuyên khoa KINH TRUNG BỘ ( Hệ tư tưởng Pàli) tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ chí Minh. Bấy giờ còn là những năm tháng giao thời của đất nước, xã hội bên ngoài hãy còn nhiều nỗi lo toan, còn bên trong các Tự viện Tăng Ni thì phần lớn sống tu khép mình lặng lẽ dõi theo vận mệnh chuyển mình cho một hướng đi mới của dân tộc.Đứng trước bao nhiêu sự việc còn mất, vui buồn, được thua.v.v... của dòng chảy thời gian. Nhưng với đại nguyện ươm mầm cho thế hệ Tăng Ni trẻ hiện tại và mai sau, vẫn thôi thúc những ước mong của Hòa Thượng thực hiện tiếp tục (sau Đại Học Vạn Hạnh ) cho nền văn hóa và giáo dục Phật Giáo nước nhà, thắp sáng ngọn đuốc "truyền đăng tục diệm" tự ngàn xưa.
Chúng con bấy giờ còn trẻ lắm, vào mỗi tuần 3 buổi chiều vẫn cuốc bộ từ khu vực Bà Chiểu đến Thiền Viện Vạnh Hạnh đoạn đường khá xa, nhưng cũng chóng kịp thời gian dự lớp, lớp học nầy độ khoảng 30 vị Tăng Ni, hiện nay số vị còn lại không bao nhiêu, phần ra đi về mọi phía trời xa, phần thì vĩnh viễn không còn gặp lại nữa. Dù thời gian có qua đi như thế nào, những lời giảng dạy của Hòa Thượng, những bụi phấn mà Hòa Thượng đã viết lên bảng vẫn còn bay theo những bước đời du hóa của từng lớp Tăng Ni, những nhà tín tâm Phật Giáo và xuất thân từ Đại Học Vạn Hạnh cũng như các trường Phật Học bấy giờ khi đã thụ huấn giáo lý Phật qua sự giới thiệu trầm hùng sâu lắng của Hòa Thượng.
Rồi chiều nay, như bao buổi chiều trước đây tại giảng đường, Hòa Thượng vẫn ung dung một dáng đứng kiên trụ trên bụt giảng với đề tài " ĐẠI KINH RỪNG SỪNG BÒ" bài kinh thứ 32 thuộc Trung Bộ I được giới thiệu đến. Trong giới học Tăng Ni và bản thân con nói riêng, cảm nghe một luồng sinh khí chánh pháp như được thổi đến từ thời Phật Tăng xưa, nhất là chư Tôn giả ưu việt của Phật như: Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Mục Kiền Liên, Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả A Na Luật Dà, Tôn giả Ly Bà Da và Tôn giả A Nan Da, hiện tại lạc trú nơi khu vườn trong rừng Gosinga.
Để mở tung ra về cõi thênh thang phương hồng diệu lực từ nơi Pháp và Luật của Phật "Đến đề mà THẤY, đến để mà NGHE..." mở đầu cuộc pháp thoại trầm hùng nầy, Tôn giả Xá Lợi Phất đã khởi xướng : " Nầy Hiền giả Ananda, khả ái thay khu rừng Gosinga, đêm rằm sáng trăng, cây sala trổ bông cùng khắp, hương trời như tỏa rộng khắp nơi. Nầy Hiền giả Ananda, hạng Tỷ kheo nào có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga ? "
Khi câu hỏi của vị tướng quân chánh pháp, vị đại tuệ giải thoát (Xá Lợi Phất), Tôn giả Ananda đã tuần tự trình bày sự kiến giải, sự tu tập chánh quán của mình : " Ở đây, nầy Hiền giả Sariputta, vị Tỷ kheo nghe nhiều, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe. Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa cụ túc, nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh... được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát, vị ấy thuyết pháp cho 4 hội chúng với văn cú viên dung, lưu loát với mục đích đoạn trừ mọi TÙY MIÊN. Nầy Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ Kheo nầy có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga !"
Kính bạch giác linh Hòa Thượng,
Mặc dù toàn phần nội dung kinh đã trình bày 6 kiến giải qua 6 vị Tôn giả đại đệ tử của Phật, thế nhưng con xin phépđược dừng lại ngay sau câu trả lời của Tôn giả Ananda. Theo thiển kiến của con nghĩ rằng : Giữa thế đời hôm nay,đã lắm nỗi sầu ưu khổ lụy, đã lắm nỗi ngược xuôi theo dòng cảm xúc tử sinh, DANH và SẮC, ÁI và HỮU vẫncó nhiều đánh bóng, sự chấp nhận cảm nghe nhiều hơn là sự từ bỏ, sự viễn ly. Vì vậy, bản thân con thấy rằng :nếu nghe nhiều về như lý chánh pháp và biết kiên định tín tâm gìn giữ, tích tụ, khéo tư duy, khéo quán sát những ý pháp đã được nghe, hầu hoàn thiện một đời sống phạm hạnh đưa đến thanh tịnh với mục đích đoạn trừ mọi tồn đọng của Tùy Miên chìm nổi theo dòng trầm luân, để rồi cuối cùng, Đức Phật có một lời dạy vừa là xác chứng, vừa là tổng hợp qua lời trình bày ý pháp của chư Tôn giả đệ tử : " Ta sẽ không bỏ ngồi kiết già cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các LẬU HOẶC, không có chấp thủ ".
Kính bạch giác linh Hòa Thượng,
Bài kinh nầy đã được Hòa thượng giảng giải cách đây 35 năm, 35 năm đã trôi xa, 35 năm không ít sự biến đổi của trò dâu bể, 35 năm Phật giáo nước nhà ít nhiều đi qua những bước thử thách về phía trước và cùng đồng hành vói những bước đi của dân tộc Việt Nam. Thế rồi chiều nay, được tin Hòa Thượng đã viên tịch, đã thật sự rũ bỏ thân 5 uẩn nầy, dù nay Hòa Thượng không còn hiện diện trong cuộc đời như xưa, nhưng Đại Tạng Pali mà Hòa thượng đã dịch, những Tăng Ni sinh và môn đồ đã được Hòa Thượng huấn thị, mái Chùa Thiền Viện Vạn Hạnh, Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Viện Nghiên Cứu và Dịch thuật Phật Giáo Việt Nam vẫn mãi mãi còn đó, vẫn mãi mãi thắp sáng chánh pháp, vẫn mãi mãi tiếp nối sự nghiệp Giáo dục Phật học như chính tâm nguyện của Hòa thượng đã gần một đời theo đuổi.
Nghiễm nhiên những điều ấy, những thành tựu ấy... Hòa thượng đã làm chói sáng như chư Tôn giả đại đệ tử của Đức Phật khi xưa, hay chư lịch đại Tổ Sư ở hai phương trời ẤN - HOA đã thắp sáng, chói sáng khu rừng Gosinga, dù nay đã trải qua trên 2.500 năm sau thời Phật và Thánh đệ tử, nhưng rừng Gosinga vẫn được thắp sáng muôn trùng trên vạn nẻo đường du hóa của chư Tỷ Kheo và trên mọi không gian an tịnh lạc trú của những nhười đệ tử Phật. Vì nơi ấy có sự tu tập, có hướng tâm chánh pháp, có hiện tại lạc trú, có mang lại lợi ích lâu dài cho chúng sanh chư thiên và loài người, thì chính nơi đó dù mãi mãi ngàn sau vẫn là sự thắp sáng, chói sáng khu rừng Gosinga, mà nay Hòa thượng đã làm được điều đó.
THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM GIÁC LINH HÒA THƯỢNG.
Long Xuyên, cuối mùa Vu Lan PL.2556 - DL. 2012.
TUỆ NHƯ ( MẶC PHƯƠNG TỬ)
Kính bái.
0 nhận xét