Kính niệm ân sư


CỎ ÚA CÒN THƠM
Xứ Miến Điện những ngày nắng nóng như thiêu. Đi đâu cũng thấy bụi và rác, điều kiện sinh hoạt luôn dưới mức nhu cầu. Suốt mấy ngày dài không sao liên lạc được với bất cứ ai. Cả phone hay Email đều không dùng được. Đêm đó, tôi về đến núi Kyai Hti Yo mới thấy có Wifi, chuyện đầu tiên là tìm vào một góc khuất để đọc email. Tôi như không tin vào mắt mình. Thầy mất rồi. Ba cái email liên tục, người quen nhắn cho tôi cái tin dữ đó. Cũng hệt như hồi mẹ mất hai năm trước, khi biết thầy mất rồi, dòng suy nghĩ đầu tiên của tôi là nhớ về những lầm lỗi của mình với người vừa ra đi, về những gì tôi đã làm và không chịu làm.  Tôi luôn tiếc thương một người bằng cách đó.
Vậy là những người thương tôi nhất hay tôi thương nhất đã lần lượt rủ nhau đi sạch rồi sao ? Tôi thèm được khóc, nhưng ở tuổi này làm gì còn nước mắt sau những cay đắng tình đời của hơn nửa kiếp lênh đênh vui ít buồn nhiều. Cái kiểu đau không nước mắt cũng độc địa như bị xe tông mà không chịu chảy máu.
Ngài Hộ Giác và Sư Giác NguyênBao nhiêu hồi ức về thầy bỗng tràn về cùng lúc như để đánh gục tôi cho bằng được. Thầy ơi. Con cứ muốn gọi hoài hai chữ đó và mong thầy ở phương nào  nghe được tiếng gọi muộn màng của con. Đời con, thứ gì cũng lỡ làng  thầy biết rồi phải không. Cứ một đời ăn năn, ăn năn với Phật, với mẹ, rồi hôm nay với thầy. Cũng như ngày xưa đã không ít lần với những tấm lòng mà xa rồi con mới hiểu.
Giỏi mà không kiêu, làm nhiều mà không tính công, thiết tha với đạo mà một đời cơ hồ như sống toàn nghịch hạnh để người ở gần chỉ thấy ấm chứ không nóng, chỉ thấy mát chứ không phải lạnh. Nếu phải nói về thầy bằng vài chữ, con không biết nói gì khác hơn.
Một đời thầy chỉ có ba chuyện để theo đuổi. Làm cái gì đó cho dân tộc, cho chánh pháp, và trao ra đạo tình nồng hậu chân thành với bất cứ ai thầy gặp. Thầy một đời  luôn là cầu nối để hàn gắn, hoà giải, kết nối cho những phân ly xung đột của bao người thiên hạ. Chuyện gì đó ngoài ra, chỉ mong người đời xem như điều phải có ở hoàn cảnh thuyền to thì sóng phải lớn, vậy thôi.
Con chưa bao giờ lên tiếng nhờ cậy thầy về tài vật, nhưng biết con nghèo, suốt nhiều năm trời, gặp mặt, thầy chỉ nhắc một câu. Cần gì thì nói, đặc biệt cứ muốn in ấn cái gì cứ về níu áo thầy. Thầy ơi, con chưa kịp níu áo thì thầy đã đi xa rồi. Cuốn sách con in cuối đông năm này chỉ còn kịp ghi một dòng lạc khoản như là thầy đang nhìn thấy.
Từ xứ nóng rực lửa, không thể đổi vé bay để về Mỹ chịu tang thầy, tôi ghé về đôi hôm ở một phương trời lạnh đầy tuyết để suốt hai buổi khuya nằm đọc online theo dõi tin tức về tang lễ của thầy. Chỉ ước mình có phép lạ để kịp về chạm tay vào đôi bàn chân lạnh giá của thầy lần cuối mà tôi hiểu là suốt đời này không còn cơ hội nào nữa. Ngọn lửa hỏa thiêu sẽ đưa thầy rời khỏi chăn chiếu giường đời và từ giờ hình bóng đó chỉ còn là chút gì  trong hồi ức những người từng hiểu và thương thầy.
 Vậy là mai này nếu có dịp về lại chùa cũ của thầy xưa, tôi sẽ chẵng bao giờ còn được hầu thầy trong những buổi trà sớm như hồi nào để nhiều khuya nghe đâu đó bên ngoài tiếng nói của thầy với ai: Nhẹ tay một chút cho ổng ngũ. Có hôm nghe vậy thương lắm mà cứ lười biếng ngũ vùi. Nhưng đến bữa cháo sáng thì thầy cứ lớn tiếng gọi vì không muốn tôi phải ăn nguội một mình.
Trong giới Nam Tông Việt Nam, thầy là ông vua chữ Phạn. Gặp chỗ khó hỏi thầy, thầy trả lời không thèm giở sách. Thầy biết rất nhiều kiểu ngâm ngợi kệ ngôn tiếng Phạn, nghe sướng tai như nghe người ta hát. Nhiều đêm đã khuya, từ phòng ngoài nghe tiếng thầy đọc kinh bên trong, tôi cứ cảm giác như thầy đang ru cho chúng tôi ngũ bằng cái âm điệu xa vời mộng mị của một xứ Cổ Ấn thời Phật còn ở đời mấy ngàn năm trước. Bây giờ thầy xa rồi, gì cũng hết. Dãy phòng đó với tôi bây giờ không chỉ là kỷ niệm, mà còn là một nổi đau ray rức một đời.
Sương đã tan mất, mây đã bay đi, đoá hoa đã rụng. Một đêm choàng tỉnh mới hay thầy cũng đã ra đi. Tiếng lá khô rơi xuống bên thềm khuya nghe hệt như tiếng chân thầy về. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trên vách như nhắc con nhớ rằng thời gian đang đi qua. Mọi thứ ở đời chỉ là những phiêu vật phù du trên một dòng chảy không ngừng. Người đến rồi đi, ai cũng vậy thôi, có khác chăng là trước giờ rũ áo lên đường ta đã kịp để lại cho nhân gian chút gì để nhớ hay không. Tên thầy đáng được đặt cho một con đường nào đó ở Việt Nam mai này, cho cả một học viện Phật giáo nào đó để hàng hậu học đời sau còn dịp biết rằng ngày xưa trong Phật giáo Việt Nam từng tồn tại một cái tâm, cái tài cỡ vậy.
Hồi ôn Từ Đàm mất, ni sư Trí Hải có viết bài Đàm Hoa Lạc Khứ để khóc. Khi con viết mấy chữ này, rất muốn dùng lại cái tựa đề đó, mà thôi, cỏ héo còn thơm vậy. Ni sư một nửa, con một nửa, chia nhau hai câu cổ thi mà người xưa nào đó đã viết để khóc tiền bối. Ừ thì đoá hoa quý hay một nhánh cỏ thơm dù có khô đi, có rụng xuống ít nhiều gì cũng còn đôi phút lưu hương. Thầy cũng là một đoá Ưu Đàm, một nhánh cỏ Lan Chi. Luật vô thường chỉ có thể mang xác thầy đi, nhưng không sao làm phai được mùi hương của nhân cách thầy trong lòng người ở lại. Con không muốn bắt chước người ta mong thầy hội nhập Ta Bà để hoá độ chúng sinh gì đó trong thời mạt pháp này cho thêm nhọc sức, chỉ mong thầy luôn nhẹ bước thong dong ở bất cứ phương trời nào thầy muốn và phải.
Nay khấp bái.
Nowhere, Dec/15/2012
苾草凋殘猶未死
曇花落去有餘香

Bật thảo điêu tàn do vị tử
Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương
Pháp tử Toại Khanh
Tags: , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com