Trong đời sống hàng ngày, nhiều người thường hay chú ý đến những điềm “hên, xui”. Khách hàng sáng sớm tới hỏi mà không mua thì “xui”. Mở hàng gặp người “nặng vía” thì xui. Ngược lại, chị X. mua hàng của mình, sau đó để ý thấy hàng bán ra được nhiều, đắt hẳn lên, thì cần phải kèo nài để lần sau chị X. mua mở hàng. Tâm lý lo lắng nghi ngại về các điềm “hên xui, lành dữ” chẳng phải là điều mới xảy ra mà đã có từ thời thượng cổ. Chuyện tiền thân Mahà Mangala kể lại câu chuyện về điềm lành lớn.
Tại kinh thành Vương Xá, có một người bước ra nói: “Hôm nay là ngày có điềm lành”. Một người khác hỏi: “Vậy điềm là gì?” Một người thứ ba nói: “Dấu hiệu gì có vẻ may mắn thì gọi là điềm lành. Ví dụ một người thức dậy sớm và thấy một con bò đực toàn trắng hay một người đàn bà có thai, hay con cá màu đỏ, hay cái bình đầy đến tận miệng, hay lạc1 mới tan từ sữa bò, hay y phục mới chưa mặc qua, hay cháo gạo, thì chẳng có điềm gì tốt hơn nữa”. Vài kẻ bàng quan khen: “Nói hay đấy”. Song có kẻ khác chen vào: “Các sự việc trên chẳng phải là điềm gì cả. Khi nào nghe người ta nói “Đầy đủ” rồi lại nghe “Lớn đầy đủ” hay “Ăn đi, nhai đi” thì chẳng có điềm nào tốt hơn nữa”. Vài kẻ bàng quan khen: “Nói hay đấy”. Một người khác lại nói: “Chẳng có điềm gì trong mọi chuyện ấy cả. Hễ cái gì bạn đụng chạm đến mới là điềm. Nếu một người thức dậy sớm đụng vào đất hay cỏ xanh, phân bò tươi hay chiếc áo sạch, cá màu đỏ, vàng hay bạc, thức ăn… thì chẳng có điềm gì tốt hơn nữa”. Sau đó, mọi người chia thành ba nhóm: nhóm chủ trương điềm do mắt thấy, nhóm chủ trương điềm do tai nghe, nhóm chủ trương điềm do đụng chạm.
“Điềm” là dấu hiệu báo trước một chuyện sẽ xảy ra. Có nhiều “điềm” được khoa học nói tới. Ví dụ, khi nước biển rút thật nhanh ra khỏi bờ thì đó là “điềm” sẽ có sóng thần. Có nhiều điềm được rút ra từ kinh nghiệm lâu đời. Ví dụ “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì hanh”. Đó là các loại điềm mang tính tổng kết thực nghiệm và có phần chắc chắn. Giữa điềm đó và chuyện xảy ra có một mối liên hệ chặt chẽ theo kiểu “cái này có thì cái kia có”. Đó là các loại “điềm” có cơ sở thực nghiệm. Tuy nhiên, dân gian còn có nhiều loại “điềm” khác không có cơ sở thực nghiệm. Ví dụ: “chuột cắn chân là điềm xui”, “nằm mơ thấy ăn đậu xanh đậu đỏ thì sẽ thi đậu đại học”. Điềm lành là một dấu hiệu mà khi gặp dấu hiệu đó ta nghĩ là mình sẽ gặp may. Các dấu hiệu mà giác quan thu nhận được thường là do mắt thấy, tai nghe hay do thân thể đụng vào. Vì thế các nhóm chủ trương điềm lành chia làm ba nhóm. Tuy chia làm ba nhóm, cả ba nhóm đều thống nhất ở một đặc điểm của “điềm” loại này: là một dấu hiệu gì đó đến từ bên ngoài và ta thường đóng vai trò thụ động trong việc thấy dấu hiệu này. Thường thường, những người chủ trương các loại “điềm” không có cơ sở thực nghiệm thường không giải thích được tại sao khi có điềm này thì sẽ có chuyện xảy ra và thường không trả lời được câu hỏi, “làm sao để có ‘điềm lành’ này hay làm sao để tránh ‘điềm không lành’ kia?”.
Từ các thần trên mặt đất đến vua trời Đế Thích không ai có thể xác định điềm là như thế nào. Đế Thích nghĩ thầm:
‘Giữa các vị trời và loài người, không ai ngoài Đức Thế Tôn là bậc có thể giải đáp đúng về vấn đề điềm triệu. Ta muốn đi đến Đức Thế Tôn và đặt vấn đề với Ngài’. Thế là ban đêm Đế Thích đến thăm Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và chắp tay vào nhau để thỉnh cầu, Thiên chủ đặt câu hỏi:
Nhiều thiên tử và người, Suy nghĩ đến điềm lành, Mong ước và đợi chờ, Một nếp sống an toàn, Xin Ngài hãy nói lên,
Về điềm lành tối thượng.
Sau khi nghe Thiên chủ hỏi, bậc Đạo sư đọc mười hai đoạn kệ bảo cho Thiên chủ về “ba mươi tám điềm lành lớn”. Trong khi Ngài ngâm những lời kinh điềm lành ấy, lần lượt các vị trời lên đến con số mười triệu vị đã đắc quả A-la-hán, còn các vị đắc ba đạo quả kia thì nhiều không kể xiết. Thiên chủ nghe xong các điềm lành liền trở về cõi của mình. Khi bậc Đạo sư nói về các điềm lành xong, thế giới loài người và thiên giới đồng tán thành. Sau đó trong chánh pháp đường, Tăng chúng bắt đầu bàn luận về công đức của Đức Như Lai: “Này chư Tôn giả, vấn đề điềm triệu vượt phạm vi hiểu biết của mọi người, trừ Ngài đã tuệ tri tâm của loài người và chư thiên, cùng giải tỏa các mối nghi của họ như thể Ngài khiến mặt trăng hiện lên trên bầu trời! Ôi Đức Như Lai là một bậc đại trí, này các hiền hữu!”. Bậc Đạo sư bước vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì trong lúc ngồi tại đó. Tăng chúng thưa lại với Ngài. Ngài bảo: “Này các Tỷ kheo, chẳng có gì vi diệu khi Ta giải đáp vấn đề điềm lành, vì nay Ta đã đạt tối thắng trí. Ngay khi Ta còn là Bồ-tát trên trần gian, Ta đã giải đáp mối nghi hoặc của chư thiên và loài người bằng cách trả lời vấn đề điềm lành”. Nói vậy xong Ngài kể lại câu chuyện quá khứ.
Một thuở nọ, Bồ-tát tái sanh vào một thị trấn trong một gia đình Bà-la-môn giàu có, cha mẹ đặt tên ngài là Rakhitakumàra. Sau khi song thân qua đời, ngài phân chia tài sản để bố thí rồi trở thành ẩn sĩ tại Tuyết sơn. Ngài có năm trăm đệ tử. Mùa mưa, các vị đệ tử này rời Tuyết sơn đến Ba-la-nại và trú ngụ trong ngự viên. Lúc bấy giờ vấn đề điềm triệu được đưa ra bàn cãi và không ai có thể đánh tan mối hoài nghi của mọi người. Nhà vua đã hỏi các vị đệ tử của Bồ-tát nhưng họ cũng không thể trả lời được và hứa sẽ về hỏi Bồ-tát về vấn đề này. Vị đệ tử lớn tuổi nhất đã hỏi Bồ- tát:
Hiển bày chân lý giải nghi nan, Xin dạy kinh gì của thánh nhân, Đem học hành theo giờ thuận lợi, Đời này, đời kế được hồng ân?
Bồ-tát bắt đầu thuyết giảng điềm lành thứ nhất:
Mọi phạm thiên thần thánh hiển linh,Các loài rồng rắn, giữa quần sanh,Ta hễ thấy ai đầy từ mẫn,Vị ấy ban ơn mọi hữu tình.
Bậc Đại nhân thuyết giảng đến các điềm lành khác:
Kẻ nào khiêm tốn với muôn người,Yêu mến nữ nam, mọi gái traiĐứng trước lời bình, không đáp lại,Sẽ mang hạnh phúc đến cho đời.Gặp hiểm nguy, người có trí nhanhChẳng khinh đồng nghiệp, bạn đồng hành,Chẳng khoe dòng, trí, giàu, giai cấp,Hạnh phúc cho đời ắt khởi sanh.Người nào kết bạn thiện hiền nhânĐược trọng vì mồm chẳng ác thâm,Không hại bạn, chia đều của cải,Chính niềm hạnh phúc giữa thân bằng.Vợ hiền, đồng tuổi lại ân cần,Tận tụy nhân từ, trẻ lại đông,Đức hạnh, trung thành dòng tộc quý,Ấy niềm hạnh phúc vợ trao chồng.Vua nào đại đế giữa thần dânBiết sống thanh cao đủ khả năngBảo “đấy bạn ta”, không dối trá,Chính niềm hạnh phúc giữa vương quân.Thành tín cùng cơm nước cúng dườngVòng hoa tươi tốt các mùi hương,Với tâm thanh tịnh, gieo an lạc,Hạnh phúc chư thiên được mãn đường.Các trí nhân thuần thiện, chánh chânTâm tư rửa sạch, gắng tinh cần,Theo đời thanh tịnh người hiền trí,Phúc lạc thay người giữa thánh nhân.
Ba đoạn kệ đầu cho thấy: làm được một hành vi tốt là có một điềm lành. Khi bạn phát sinh lòng thông cảm với anh Y, chị X. Đó là một điềm lành. Khi bị chê “ngu” mà không đáp lại, đó là một điềm lành. Một lần không khoe mẽ, đó là một điềm lành. Một lần không nói cạnh, nói khóe, đó là một điềm lành. Một lần chia sẻ miếng xôi, đó là một điềm lành. Mỗi ngày bạn có thể làm vài cái cho đến vài chục cái điềm lành như vậy. Các đoạn kệ sau nói tới những vai trò trong xã hội. Trong mỗi vai trò, mỗi lần ta làm một việc tốt thì đó là một điềm lành.
Cứ như vậy, bậc Đại nhân đã đưa bài thuyết pháp lên đến điểm cao nhất của thánh đạo, và sau khi giải thích các điềm lành trong tám câu kệ, Ngài ngâm đoạn kệ cuối:
Công đức như vầy giữa thế gian, Được tôn sùng bởi mọi hiền nhân Người khôn hãy bước đi theo chúng Điềm triệu chẳng mang tính thật chân.
Bậc Đạo sư sau khi chấm dứt pháp thoại, bảo: “Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa Ta cũng đã giải thích vấn đề điềm lành”, rồi Ngài nhận diện tiền thân: “Vào thời ấy, hội chúng đệ tử của Đức Phật là đám đệ tử của Bồ-tát, Xá-lợi-phất là vị trưởng đệ tử và Ta chính là vị Đạo sư ấy”.
Tấn Nghĩa (theo VHPG Blog)
Chú thích:
1. Lạc, sanh tô, thục tô, đề hồ là các chất dẫn xuất từ sữa bò, là kem sữa hoặc yaourt.
0 nhận xét