Trường Đại học Phật giáo quốc tế ở Miến Điện


Người viết đến Miến Điện học tu trong khoảng thời gian năm 2006, 2007, nên có điều kiện hiểu rõ về môi trường học tập lẫn cơ chế tổ chức của trường Đại học này. Nhiều bậc thầy muốn cho đệ tử của mình qua Miến Điện học hoặc các Sư muốn học bên đó mà không biết chương trình học tập và tình hình thực tế trường đó ra sao. Xin chia sẻ những thông tin cần thiết mà các vị đã hỏi.
Trường có tên tiếng Anh là International Theravāda Buddhist Missionary University, dịch sát là Trường Đại Học Quốc Tế Truyền Bá Phật Giáo Nguyên Thủy, được hầu hết giáo sư, công nhân viên chức, sinh viên ở Yangon, Miến Điện gọi tắt là ITBMU.
Cổng Trường Đại Học Quốc Tế Truyền Bá Phật Giáo Nguyên Thủy tại Yangon
I. CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ MÔI TRƯỜNG
Trường khá đẹp và có diện tích tương đối đủ rộng cho số lượng khoảng vài trăm sinh viên quốc tế và sinh viên ưu tú của bản quốc theo học. Trường được chia thành 2 khu. Khu 1 bao gồm vài dãy lầu với những đường nét kiến trúc, điêu khắc họa tiết cổ truyền, màu vàng sặc sỡ. Trong ấy là thư viện, thiền đường, văn phòng, phòng làm việc của các vị chức sắc lãnh đạo và phòng phát hành, v.v… Phía sau là những dãy nhà, gồm ký túc xá Nam (dành cho cả Tăng Sư và nam cư sĩ), ký túc xá nữ (cho cả chư Ni và nữ cư sĩ), phòng thọ trai, nhà trù, v.v… Phía bên tay trái từ những tòa nhà khang trang, tráng lệ từ mặt đường nhìn vào là khu chung cư dành cho chư tôn túc lãnh đạo, giáo thọ sư và những vị phụ trách các mặt hoạt động của trường lưu ngụ.
Khu 2 nằm hẳn bên kia đường lộ và hoàn toàn độc lập với khu 1, là khu dành cho thế giới học thuật, nghiên cứu, trước tác.Với khung cảnh thoáng mát, diện tích ở đây có lẽ chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 khu 1, nhưng cây cối xanh tươi, tĩnh mịch; xen lẫn là 4 toà nhà 2 tầng dành cho lớp học, văn phòng trường. Nơi đây là nơi lý tưởng cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy của một trường đại học thiên hướng tâm linh. Không có bóng dáng của xe cộ ồn ào náo nhiệt, quần là áo lụa của thị thành, mà thay vào đó là tháp thờ Xá Lợi Răng Phật sừng sững uy nghiêm bên cạnh trường. Cảnh trí hết sức yên tịnh và tôn nghiêm.
Văn phòng nhà trường
Thư viện
Trụ đá Āsoka tại sân trường
Chánh điện
Hội trường
Ở Ký túc xá nam, mỗi dãy lầu đều có một phòng thờ Phật lớn gấp đôi phòng học dành riêng cho mỗi sinh viên. Chư Tăng có thể lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền vào những giờ riêng. Môi trường và không khí học tập ở đó rất tốt. Cho tới năm 2007, có lẽ đây là môi trường Đại học Phật giáo tốt nhất trong các nước theo truyền thống Theravāda, có chế độ học bổng toàn phần, ngoại trừ tiền vé khứ hồi và các chi phí cá nhân. Ở Thái Lan, trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya dầu có cấp học bổng từng học kỳ cho những sinh viên xuất sắc, nhưng môi trường học tập và lưu trú vẫn không thể bảo đảm cho tất cả sinh viên. Mỗi sinh viên được bố trí một phòng độc lập 3 x 4 m vuông, vừa đủ cho một sinh viên hay một nghiên cứu sinh học hành, ngủ nghỉ. Những dãy hành lang thoáng mát ở các dãy lầu cũng thật lý tưởng để sinh viên không bị gò bó, tù túng sau những giờ học căng thẳng. Vì là cơ sở mới, nên việc bảo trì khá tốt, sạch sẽ, khang trang.
Sinh viên ngoại quốc được ưu tiên hơn nên có phòng ốc ổn định. Các Sư và Ni Cô Miến chỉ được thọ thực vào buổi ngọ trưa tại trường vào những ngày học chính thức. Từ năm 2005 chư Tăng Miến lớp Diploma (tiền đại học) bị dời về Kaba Aye để học. Năm 2 và năm 3 mới được học chung ở trường. Vì nhà trường không đủ kinh phí để trang trải mọi thứ, nên sinh viên Miến đành chịu hy sinh, thiệt thòi như vậy !
Các Sư Miến Điện từ các tỉnh khác về học cũng giống như quý Thầy Cô ở Việt Nam từ các tỉnh về Saigon học, phải xin các tự viện gần trường tạm trú. Năm nay chỗ này, sang năm chỗ khác, rất vất vả! Môi trường tự viện có nơi phù hợp với việc học, có nơi không, cũng không khác gì hiện trạng ở Việt Nam. Các cư sĩ thì hoàn toàn tự túc, không được hưởng chế độ đặc ân nào, ngoại trừ sách giáo khoa và tài liệu học tập.
Thời tiết ở Yangon khá ổn định, không đến nỗi khắc nghiệt như ở Ấn Độ. Mùa an cư mưa nhiều. Mưa gần cả 6 tháng trong năm; mưa rào, mưa ngâu… đủ loại mưa. Một vài vị có tâm hồn “nghệ sĩ” lần đầu tiên xa quê hương, xa chùa, xa Thầy tổ, xa thân hữu, nhất là những ngày đầu mới qua, cứ muốn oà ra mà khóc. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua mau, vì chương trình rất nặng, nên phải lo đối phó giải quyết bài vở kia!
II. ĐỜI SỐNG SINH VIÊN
Vì được học bổng nên được nhà trường sắp xếp mọi thứ, sinh viên không phải lo bất cứ việc gì. Một khi đã đậu vào trường, sinh viên được hưởng mọi quyền lợi, kể cả cư sĩ tại gia ngoại quốc. Visa được bộ phận văn phòng nhà trường đăng ký. Visa phí được miễn. Visa hết hạn thì nhà trường lo, và như vậy cho đến khi hết tiêu chuẩn sinh viên.
Trong năm có một hai đợt trai tăng lớn do các chức sắc lãnh đạo nhà nước hỷ cúng. Vào mùa an cư hoặc những ngày giải hạ, họ sẽ dâng tứ sự cho chư Tăng, chủ yếu là nhị y.
Phòng ốc cho sinh viên năm thứ nhất được nhà trường bố trí, ghi danh sẵn nên không thể lựa chọn. Năm 2 và năm 3, vì là sinh viên cũ nên có thể chọn lựa hoặc đổi với bạn bè nếu cần thiết. Mỗi ngày hai buổi đến trường. Sáng học từ 8 giờ đến 10giờ 45, gồm 3 tiết, chiều từ 1 đến 3 giờ, gồm 2 tiết. Nhà trường đã điều nghiên lịch học của sinh viên rất kỹ: điểm tâm lúc 6 giờ sáng, nhưng 8 giờ mới chính thức học, để sinh viên có thời gian ôn bài trước khi đến lớp. Chiều, 1 giờ đã học, nên dù có muốn ngủ nghỉ thêm cũng chẳng được.
Ký túc xá
Ba tháng vũ an cư theo truyền thống Nguyên Thủy từ 15 tháng 6 đến 16 tháng 9 âm lịch, các sinh viên phải tụng kinh và tọa thiền vào buổi chiều từ 5 hoặc 6 giờ, chỉ 30 phút. Còn các tháng khác, sinh viên tự tụng kinh, ngồi thiền, tuỳ theo sự tu tập của từng người.
Thực phẩm được dâng mỗi ngày hai bữa: sáng và trưa cho hàng tu sĩ, còn cư sĩ thì 3 hay 2 bữa tùy họ. Chay mặn đều đủ, tùy thuộc vào sinh viên. Buổi chiều, chư Tăng Ni không được dùng chiều, nhưng để giữ gìn sức khỏe và duy trì việc học lâu dài, nên chư Tăng Ni tự bồi dưỡng lấy. Học về có thực phẩm sẵn, chư Tăng Ni chỉ đồng chú nguyện rồi dùng. Hành đường, dọn rửa, … Tăng Ni sinh không cần phải làm, bởi có nhân viên phục vụ. Nhà trường rất quan tâm đến sinh viên, nên ngay từ năm đầu họ làm một cuộc thăm dò, sinh viên ăn chay chọn món gì, ăn mặn thích món chi!
Để giản tiện, nhanh gọn trong ăn uống, chư Tăng không dùng bát. Các Tăng sinh chỉ ngồi đúng theo vị trí hạ lạp của mình, rồi hiệp tâm tụng một phẩm kinh ngắn để nhắc nhở phạm hạnh của một vị Tỳ-kheo về việc thọ dụng thực phẩm và chú nguyện cho tín chủ đàn na; ăn xong, tranh thủ xuống nghỉ, chuẩn bị bài vở.
Trai đường dành cho chư Học Tăng
Trai đường dành cho chư Học Ni
Sinh viên năm đầu học kỳ một thường được nhà trường chiếu cố vào thứ bảy thường được tổ đi tham quan các thắng tích, các trường thiền tại Yangon, đặc biệt các trường thiền có quan hệ tốt với nhà trường. Cách đó vừa để quảng bá văn hóa của đất nước, mà cũng để giới thiệu cho các sinh viên về môi trường, truyền thống tu tập, chuẩn bị cho việc tu học trong những kỳ nghỉ hè sắp tới.
Vào mỗi năm, nhà trường đều tổ chức cho toàn thể Tăng sinh ngoại quốc khất thực chung một lần, nhằm giới thiệu con đường thực nghiệm tâm linh cho mỗi hành giả; đồng thời để giới thiệu đội ngũ Tăng tài hùng hậu mà nhà trường, nói đúng hơn là nhân dân, đã đào dưỡng. Các Sư có thể đắp y mang bát theo truyền thống đất nước mình.
Những sinh viên Cao học được ưu tiên hơn sinh viên cấp cử nhân và tiền đại học. Vào mùa hè, các sinh viên Cao học có thể được ở lại ký túc xá để nghiên cứu, viết bài, không nhất thiết phải rời ký túc xá. Nếu đi thì xin giấy giới thiệu của trường, các trường thiền gần như đều hoan nghênh tầng lớp sinh viên trí thức này. Vì đó là những thành phần ưu tú của nhiều quốc gia mà đất nước họ vinh dự đào tạo. Một số trường thiền mà các sinh viên thường đến tu tập như: Mahāsi, Chanmyay, Paṇḍitarāma, hoặc Pa-auk (ở tại Yangon hoặc Mawlamyine). Còn thiền viện Mogok hoặc Soonloon, sinh viên đến tu tập ít hơn. Thiền viện Mogok vì ở xa Yangon, còn Soonloon không được ưa chuộng vì pháp môn niệm hơi thở hơi khác truyền thống.
Nếu đau ốm nhẹ thì nhà trường đưa vô nhà thương chính phủ khám và điều dưỡng miễn phí. Nếu nặng, nhà trường yêu cầu đương sự phải về nước điều trị. Các sách giáo khoa hoặc các tài liệu học được copy từ trong Kinh, Luật, Luận và đều được phát miễn phí.
III. CHƯƠNG TRÌNH HỌC
Chương trình học ở đây không nhẹ, nếu tiếng Anh của học viên không được chuẩn bị tốt. Những sinh viên khá tiếng Anh và Pali thì đỡ vất vả hơn những sinh viên yếu mà may mắn đậu vào. Các Sư Miến khá Pali hơn các Sư ngoại quốc, dù là Sư ở Bangladesh, Campuchia, Lào hay Việt. Bởi vì các đoạn trích dẫn căn bản có lẽ được các Sư Miến học thuộc lòng khi còn là Sa-di. Ngược lại các sinh viên ngoại quốc phần lớn đều khá Anh ngữ hơn các Sư bản địa. Đây cũng là quy luật bù trừ để cân bằng học lực trong lớp.
Năm thứ nhất (Diploma) – chương trình tiền Đại học, học 9 môn: 1. Luật (Vinaya), 2. Kinh (Suttanta), 3. Luận (Abhidhamma), 4. Văn Hoá và Lịch Sử Phật Giáo (Buddhist Culture and History), 5. Pali ngữ (Pāi Language), 6. Miến ngữ (Myanmar Language), 7. Phật Pháp Căn Bản, dịch chính xác là Pháp Thuận Thứ (Dhammānuloma), 8. Thiền Chỉ (Samatha) và 9. Thiền Quán (Vipassanā). Các sinh viên Miến không học Miến ngữ thì học Anh ngữ. Còn 2 môn: Tôn Giáo Thế Giới (World Religions) và Hoằng Pháp (Missionary Works) mà chúng ta thấy trong giáo trình không được đưa vào giảng dạy. Môn Thiền Chỉ, Thiền Quán và Phật Pháp Căn Bản như trong giáo trình là 3 môn độc lập, nhưng khi thi thì dồn lại một học phần nên tính chung lại chỉ có 7 học phần . Các môn được phân bổ đều trong tuần. Có hai giờ hành thiền trong mỗi tuần, và khi thi, sinh viên sẽ được một câu hỏi về kinh nghiệm tu thiền nằm trong học phần thiền chỉ và thiền quán; ngoại trừ sinh viên Cao học trở lên thì được miễn.
Năm thứ 2: Được chính thức tính là Cử Nhân (B.A.) năm một. Môn Phật Pháp Căn Bản trong học phần Thiền được giảm.
Năm thứ 3: Cũng giống như năm hai, chỉ khác là bỏ môn Lịch Sử và Văn Hóa Phật Giáo, nên chỉ còn 6 môn.
Cao Học: Nếu may mắn được vào Cao học thì đỡ phải thi kỳ I như các lớp dưới mà chỉ thi vào cuối năm, nhưng bù vào đó sinh viên năm thứ nhất Cao học phải viết một bài khảo cứu ngắn 25 trang, khổ A4, co chữ 12, font Times New Roman và khoảng cách giữa các hàng là hàng đôi. Bài khảo cứu phải nộp trước khi học kỳ II bắt đầu, tức là khoảng tháng 11 dương lịch, đó là một hình thức làm bài tập về phương pháp viết khảo luận.
Chương trình Cao học ở đây ngay từ năm thứ nhất đã học chuyên nghành, chỉ chọn một trong các môn: Kinh, Luật, Luận, hoặc Thiền Chỉ, thiền Quán. Môn Pali, phương pháp nghiên cứu và viết khảo luận là môn bắt buộc, dầu học ở chuyên ngành nào. Ở cấp Cao Học chương trình căn bản là 3 năm, 2 năm đầu phải thi. Năm thứ 2 sinh viên bắt đầu chính thức viết luận văn, có thể phát triển đề tài cũ hoặc viết một đề tài mới, khoảng 50 trang, hoàn tất trước khi thi kỳ II và năm thứ 3 phải viết tiếp với đề tài cũ, tiêu chuẩn từ 100 – 120 trang, cuối cùng là bảo vệ luận văn ra trường. Những năm trước 2005 việc bảo vệ luận văn Cao học ra trường không đến nỗi quá khó. Năm 2006 tiêu chuẩn được Thượng tọa Dhammasami đưa ra cao hơn và quá bất ngờ, nên nhiều sinh viên chuẩn bị ra trường đã khốn đốn. Cũng giống như một số nước, sinh viên phần lớn tự lực cánh sinh là chính, giáo sư hướng dẫn hầu như chỉ danh nghĩa, không giúp sinh viên nhiều. Đây là thực trạng học viên cần phải tiếp nhận để khỏi thất vọng khi chính bản thân gặp phải và cũng để khỏi phải rơi vào tình trạng thần tượng hóa quá đáng.
Giáo trình (syllabus) của trường chưa thật sự ổn định. Ngay cả chương trình Cao học, một số môn và chương trình học chưa được viết thành văn, mặc dù có giảng dạy. Các sách giáo khoa hoặc sách tham khảo cũng chưa liệt kê đầy đủ. Trong những năm tới họ sẽ có kế hoạch bổ túc hoặc thay đổi giáo trình.
Sanskrit không buộc học, nhưng nhà trường khuyến khích sinh viên Cao học nên học thêm để có khả năng tra khảo. Mỗi tuần chỉ 2 giờ ngoại khóa. Bên cạnh đó, lớp Pali có học về văn học Pali, mối quan hệ giữa Pali và Sanskrit, nhưng cũng chỉ mang tính chất giới thiệu sơ bộ về Sanskrit thôi.
IV. CÁCH THI VÀ ĐIỂM SỐ
1. Chương trình Cử Nhân:
Tùy theo mỗi năm mà phương pháp ôn bài hoặc ra đề thi của từng giáo viên có khác nhau. Ví dụ học kỳ I năm 2006, sinh viên than phiền là không có giới hạn, học bao nhiêu thi bấy nhiêu. Tuy nhiên, cũng có những giáo sư đã cho viết bài tập (assignment) từ những ngày đầu của năm học và kéo dài cho tới khi thi, được chấm sửa cẩn thận, và đó là những tài liệu sẽ được học kỹ, viết lại trong khi thi tại lớp.Ở Miến có truyền thống học thuộc lòng rất mạnh. Sinh viên Việt Nam, nếu được đào tạo trong lò học thuộc lòng, cũng có thành tích rất cao. Ở Ấn Độ và Miến Điện có rất nhiều sinh viên Việt Nam xuất sắc cả tư duy lẫn học thuộc lòng.
Thời gian được nghỉ để ôn bài khoảng 10 ngày. Thời gian thi nửa tháng. Vào giai đoạn “đau bao tử” này, có những sinh viên ăn không nổi vì quá lo bài vở, nhất là bài vở bằng tiếng Anh và với quá nhiều thuật ngữ Pali trong từng trang ôn tập. Có vị than phiền rằng cách học này sai nguyên tắc học Phật Pháp, vì học căng thẳng như vậy không thể nào lãnh hội được cái chân, cái diệu trong Phật Pháp. Bên cạnh đó cũng có vị phát biểu rằng nhờ thi mỗi năm hai lần như vậy, nên sinh viên dẫu có lười tới đâu cũng có “cơ hội” ngồi lại để học bài. Thi học kỳ I hàng năm đều kết thúc trước khi giải hạ (rằm tháng 9 âm lịch) vài ngày. Sau đó được nghỉ hè, khoảng một tháng hoặc một tháng rưỡi tùy theo mỗi năm.
Còn điểm số ở đây thì “mịt mù khói tỏa.” Vào đầu học kỳ mới, họ không niêm yết điểm số cụ thể, chỉ đánh dấu sao môn nào thiếu, nghĩa là môn ấy dưới 40 % để sinh viên biết mà lo học để cuối năm gỡ. Có nhiều vị bị đánh rớt ngay từ học kỳ I vì thiếu điểm 2 hoặc 3 môn nào đó, nhưng lạ lùng thay, họ không công bố thiếu bao nhiêu để sinh viên biết chừng mà nỗ lực. Tin hành lang trong trường nói là điểm kỳ II hệ số 2, nên điểm học kỳ I không quan trọng, nhưng không hề thấy công bố. Điểm để đậu tối thiểu là 40 %, được xếp là C-, điểm để được A+ là 75% trở lên, được mọi người hiểu ngầm là xuất sắc (outstanding), mặc dầu trên bảng điểm không xếp loại gì cả, chỉ đánh giá từng môn. Nếu năm thứ nhất chỉ cần một môn dưới 40 % coi như mình “tốt nghiệp sớm” vậy!
Trường không có chế độ phúc khảo, cộng điểm hoặc thi lại. Dĩ nhiên một năm bỏ công ra học, không thể không có văn bằng, nên sinh viên dù yếu tới đâu cũng được cấp bằng Diploma, để kỷ niệm một năm bút nghiên ở trường. Về mặt hành chánh, văn bằng này không dùng vào đâu được, ngoại trừ sử dụng ở Học Viện Phật Giáo Quốc Tế Sitagu (Sitagu International Buddhist Academy). Ngoài ra, ở Đại học Kelaniya, Tích Lan nếu có một văn bằng cử nhân ngoại điển nào khác, cộng với văn bằng Diploma này sinh viên sẽ được chấp nhận vào học khóa Cao học ở đó một năm.
Tăng Ni Việt Nam có mặt trong lễ trao bằng tốt nghiệp Cử Nhân
Năm một mà rớt thì phải ngưng. Năm 2 chỉ cần thiếu một môn cũng buộc phải nghỉ. Những năm trước đây, có một vài sinh viên vào đầu năm 3 không ngờ tên mình không có trên danh sách, đành phải thôi học, mà sinh viên trường cũng như chính họ không biết vì lý do gì, bởi vì nhà trường không công bố điểm số cụ thể. Dĩ nhiên trước khi rời trường, họ sẽ rút được bảng điểm năm 2 và sẽ biết được mình rớt vì môn nào. Còn nếu lỡ rớt năm 3 vì thiếu điểm, nhà trường du di cho học để thi lại.
Nếu vì bệnh duyên học không nổi, hoặc do ngoại duyên, thân nhân gia đình thầy tổ bệnh hoạn, v.v... nên năm đó không tập trung học tốt được, thông thường sinh viên lấy một cớ nào đó như đi tu thiền hoặc về quê chữa bệnh, nhà trường vẫn chấp nhận, và sang năm sẽ học tiếp học kỳ đó. Đây là lối thoát an toàn nhất cho sinh viên khi gặp trở ngại về thời gian và năng lực, hoặc muốn kéo dài thời gian để được học, được tu ở đó.
Văn bằng trường này cũng chưa lấy gì làm bảo đảm để đi học ở các nước khác, nhưng chắc chắn ở Tích Lan, Thái Lan và một số trường ở Ấn Độ được chính thức chấp nhận. Một điều khác cần lưu ý, nếu đạo đức của sinh viên trong thi cử bị đánh giá thấp, thì dầu điểm các môn có toàn giỏi hết đi nữa, vẫn được “tốt nghiệp sớm.” Và sinh viên ấy, nói theo ngôn ngữ của các vị ở Miến hay dùng, là chờ kiếp sau mới có cơ hội vào trường này! Trên thực tế trường đã có lần không nương tay, phán quyết thỉnh thoảng bị sai lầm, khiến cho vài người trong đó có cả Tăng sinh Việt Nam phải đành ngậm ngùi chia tay!
2. Chương Trình Cao Học
Sau 3 năm học, trường sẽ chọn một số sinh viên ưu tú để tuyển vào Cao học. Năm 2006, sinh viên Việt Nam có 7 vị tốt nghiệp cử nhân trong tổng số 14 sinh viên ngoại quốc được tuyển thẳng với sĩ số năm cuối là 18 người. Không những các vị được tuyển thẳng (qualified) ở điểm loại khá (65 %) mà ở điểm trên xuất sắc (outstanding) từ 75 % trở lên cho tất cả môn. Đây cũng là năm có số lượng sinh viên Việt Nam đậu vào Cao học đông nhất so với các năm qua. Trong số 7 vị, chỉ có 2 vị Tăng nhưng rồi cũng rời trường qua xứ sở Ấn Độ khổ hạnh để hoàn tất tâm nguyện của mình. Đặc biệt trong khóa này, Sư cô Liễu Nguyên, đệ tử Thượng tọa Viên Minh, chùa Bửu Long, Sài Gòn đậu thủ khoa khóa Cử nhân, được nhận huy chương vàng. Đây là phần thưởng danh dự, cao quý chỉ dành cho sinh viên thật xuất sắc mọi mặt, kể cả Miến ngữ, và chỉ phát ở bậc cử nhân. Lễ cấp phát văn bằng lần này được tổ chức vào một buổi sáng đẹp trời-ngày 11 tháng 06 năm 2006 tại ngôi Chánh Điện chùa Kaba Aye, trụ sở của Ban Tôn Giáo chính phủ thật trọng thể, dưới sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Tăng thống Phật giáo Miến Điện và chư tôn đức giáo phẩm của toàn quốc. Trong đợt này trường cũng phát văn bằng cho những vị tốt nghiệp Cao học. Thông thường, trước đó một ngày là lễ Khai giảng cho khoá mới,được tổ chức tại Chánh Điện của trường.
Năm 2007 chỉ có 2 vị Ni may mắn được tuyển thẳng từ Cử nhân lên Cao học trong số 5 vị (4 ở Việt Nam và 1 Pháp quốc) trong số 17 người ngoại quốc.
Chế độ đào tạo sinh viên và các quy chế của trường còn đang được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế-chính trị của đất nước.
3. Chương Trình Tiến Sĩ
Về chương trình đào tạo Tiến sĩ, mỗi năm thi tuyển hai lần, sinh viên được lấy từ khoá Cao học. Cũng giống như ở bậc Cử nhân hay Cao học, học viên được tuyển từ trường, chứ không nhận từ bất cứ trường nào, dầu vị đó là tiến sĩ hay giáo sư ở trường đại học nổi tiếng nào. Sayādaw hiệu trưởng Nandamālābhivasa cho rằng, trong thời gian tới trường sẽ điều chỉnh vấn đề này. Đề cương ôn thi cho ngạch này không giới hạn cụ thể, sinh viên chỉ dựa vào các đề cũ mà ôn! Mỗi sinh viên được thi tại trường tối đa 3 lần. Trong thời gian ôn bài, bao lâu cũng được, vẫn được xem là sinh viên chính thức của trường, được hưởng mọi đặc ân của nhà trường. Riêng những vị giáo thọ sư người Miến tại trường có chế độ ưu đãi hơn, sau 5 năm được cấp phát admission để viết luận án mà khỏi phải thi cử.
Số lượng học viên được trúng tuyển mấy năm qua không nhiều. Thi đợt một cuối tháng 4 năm 2006 trường chỉ lấy 5 vị (3 Tăng, 1 Ni và 1cư sĩ), đều là người Miến. Đợt 2, đầu tháng 10 năm 2006 (tổ chức trước giải hạ) có tất cả 11 thí sinh dự thi, đậu được 6 vị (2 Tăng, 2 Ni và 2 cư sĩ). Sư Thiện Đức, đệ tử của TT. Viên Minh, là vị Việt Nam cũng là người ngoại quốc đầu tiên, được trúng tuyển khóa thi này. Sau đợt khảo hạch, học viên mới bắt đầu tìm giáo sư hướng dẫn, chọn đề tài thích hợp cho mình. Thời gian bắt đầu đăng ký đến khi ra trường tối đa là 5 năm.
V. GIÁO TRÌNH
Giống như ở Việt Nam và các nước đào tạo Tăng tài như Thái Lan, Tích Lan, Đài Loan, Ấn Độ, sách giáo khoa Phật học chưa hoàn bị trong các phân khoa Phật học ở các trường. Mỗi trường dạy theo mỗi kiểu, nên trình độ Tăng Ni sinh các trường đào tạo ra chênh lệch nhau rất nhiều.
Tại Miến, các sách giáo khoa tại trường Đại Học Phật Giáo Quốc Tế Truyền Bá Phật Giáo Nguyên Thủy (ITBMU) cũng chưa hoàn thiện. Sau đây là một số sách làm giáo trình căn bản hoặc làm tài liệu tham khảo chính cho các môn.
Môn Samatha (Thiền chỉ, thiền tĩnh lặng) của Giáo sư Tiến sĩ Mehm Tin Mon gồm 5 tập, là giáo trình hoàn chỉnh nhất, triển khai chi tiết 40 đề mục thiền chỉ, dành cho sinh viên năm thứ nhất đến năm ba.
Môn Vipassana (Thiền quán, thiền tuệ) là một môn căn bản được giảng dạy xuyên suốt 3 năm cấp cử nhân và cả hai năm cấp Cao học, nhưng cho tới nay chưa có giáo trình căn bản. Phần lớn các bài giảng được rút từ Kinh tạng hoặc trong các luận sớ, hoặc từ các bài nghiên cứu của các thiền sư khác.
Tiểu phẩm Fundamental Abhidhamma (part I) của HT. Tiến sĩ Nandamālābhivasa, được dùng như giáo tài năm thứ nhất cho môn Abhidhammama. Hai cuốn Abhidhamma của giáo sư Mehm Tin Mon soạn cho năm tiền đại học và năm thứ nhất của cử nhân có thể được dùng cho giáo trình hoặc là tài liệu tham khảo căn bản cho 2 năm cử nhân.
Môn Pali thì phần lớn dựa vào sách của các học giả nước ngoài soạn sẵn như cuốn Pali Primer của Lily de Silva, hoặc Pali Made Easy của Thượng tọa Balangoda Ananda Maitreya Mahanayaka Thera làm giáo trình năm thứ nhất. Năm thứ hai thì lấy cuốn A Practical Grammar of the Pali Language của Charles Duroiselle. Cuốn A Grammar of the Pali Language, phối hợp một số sách căn bản khác như: Kaccāyana Vyākaraa làm giáo trình năm cuối của cử nhân.
Riêng môn Kinh từ năm thứ nhất đến Cao học được cố Thượng tọa Giáo sư U Kosalla, khoa trưởng khoa Pháp học (Pariyatti) soạn khá chu đáo, kể cả phần câu hỏi để sinh viên tự ôn bài và chuẩn bị trước cho thi cử.
Các môn khác đều được copy từ các bản dịch, hoặc phần phụ chú hay tóm tắt của giáo viên hướng dẫn và tùy thuộc vào tài liệu của các vị giảng dạy.
Trong 3 năm liền, sinh viên buộc phải học Miến ngữ, một trong những môn mà phần lớn sinh viên và một số giáo sư của trường cũng thấy đó không phải là nhu cầu thiết yếu đối với sinh viên ngoại quốc. Dù vậy, nó lại được đặt vào tay của những người tự quan trọng hoá ngôn ngữ của mình, nên sinh viên khốn đốn vô cùng. Mà dẫu học xuất sắc rồi để làm gì ? Việc hoằng pháp ở Miến ai cũng nhận ra là không cần sự trợ giúp của người ngoại quốc, thế nhưng sinh viên phải cố mà học để các môn đều phải trên 75% mới hy vọng đủ tiêu chuẩn đậu Cao học! Chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ muốn học để sau này đọc các bản sớ giải Miến ngữ hoặc dịch sang Việt ngữ, nhưng cho tới nay chỉ có một vài sinh viên thành tựu về mảng này. Học như vậy, nên đó đây đôi ba tiếng thở dài mỏi mệt của những sinh viên đầy nhiệt huyết, nhưng họ vẫn phải chấp nhận như một định nghiệp, bởi vì họ đã yêu “Mảnh Đất Vàng” này, thì họ phải thương luôn cả những sỏi đá của nó!
Sự thật thì ở một vài nước khác, họ cũng có những quy chế buộc sinh viên học ngôn ngữ của họ. Ví dụ, trường Đại học Nalanda bên Ấn, có chế độ học bổng cho chương trình Cử nhân Phật học (B.A. in Buddhist Studies) cho sinh viên quốc tế, nhưng phần lớn họ không nhận Ni, nữ cư sĩ vì chưa có ký túc xá cho nữ. Họ bắt sinh viên phải học bằng tiếng Hindi, vì phần lớn đội ngũ giảng viên chuộng nói tiếng mẹ đẻ hơn là tiếng Anh. Nhưng điểm lợi của Hindi là anh em chú bác với Pali nên học một thành hai, hỗ trợ lẫn nhau rất nhanh. Một số trường ở bang Punjab, sinh viên buộc phải học một năm địa phương ngữ, mà họ thừa biết rằng phương ngữ đó ngay cả ở Ấn Độ, vùng này chẳng biết vùng kia, nhưng họ vẫn buộc sinh viên thực hiện cái vô lý đó. Nếu thích học thì phải đành chấp nhận vậy. Đó là cái lẩn quẩn của cái gọi là bản sắc văn hóa vùng miền, làm bao người cứ mệt đừ ra, bỏ không biết bao nhiêu thời gian cho những chuyện phí phạm vô ích đó, nhưng rồi đành chịu!
Ở điểm này, Miến Điện có phần tiến bộ hơn Ấn Độ. Một số Sayādaw còn là nghiên cứu sinh, tiếng Anh không giỏi mấy, nhưng trên lớp hầu như cố gắng nói tiếng Anh, không hề xen lẫn tiếng Miến, mặc dầu số lượng sinh viên Miến cũng đáng kể, làm cho sinh viên ngoại quốc cảm thấy dễ chịu hơn. Trong khi đó, ở Ấn Độ, ngay cả khi bảo vệ luận án, một vài sinh viên Ấn cứ nói tiếng Hindi, sinh viên ngoại quốc chẳng hiểu họ nói điều gì, rồi họ tranh luận với nhau cũng bằng tiếng Hindi nữa, thế nhưng mình vẫn phải nghe, bởi English và Hindi là 2 ngôn ngữ chính được sử dụng trong học đường. Ngay cả trong các cuộc hội thảo lớn, thỉnh thoảng họ dùng tiếng Hindi thay vì tiếng Anh. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến một số sinh viên ở Ấn Độ không nói giỏi tiếng Anh.
Vài năm trước, Sư Minh Tuệ khi còn là Tăng sinh của trường đã làm một đĩa CD ghi lại hình ảnh của bạn hữu và chương trình học của trường. Đĩa này lưu trữ toàn bộ tài liệu của năm học thứ nhất dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của các giáo sư. Quý thầy cô có thể tham khảo nguồn tư liệu này trước khi đi du học, và như vậy, chắc chắn việc học tập, nghiên cứu bước đầu bên ấy sẽ dễ dàng hơn.
VI. TRÌNH ĐỘ GIÁO VIÊN
Trường bắt đầu đi vào hoạt động thực sự từ cuối năm 1998, nên đội ngũ giảng sư, giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh ở một đất nước như Miến khó mà giỏi như ở Ấn, ở Tích Lan hay các nước nói tiếng Anh. Dĩ nhiên chúng ta không thể phủ nhận các vị rất giỏi về Tam Tạng bằng Miến ngữ và Pali ngữ. Có nhiều vị Thượng tọa đạt danh hiệu Abhivasa, một danh hiệu chỉ có khi thí sinh qua được cuộc khảo hạch dưới 28 tuổi. Nhưng vì các vị thiếu duyên học tiếng Anh nên việc phiên dịch, nghiên cứu, trước tác để lại tác phẩm bằng Anh ngữ không nhiều. Nói như vậy, không có nghĩa là không có các vị giỏi Phật học lẫn ngoại ngữ và phương pháp truyền đạt. Ví dụ, cố HT. Hiệu trưởng U Sīlānandābhivasa. Hòa thượng giỏi nhiều mặt, pháp học cả pháp hành, lẫn Anh ngữ. Sau đây là vài nhân vật có tầm quan trọng, đang và sẽ ảnh hưởng đến vận mạng của trường:
Hòa thượng Hiệu trưởng đương kim Nandamālābhivasa: tốt nghiệp Cao học Phật học ở Tích Lan; tốt nghiệp tiến sĩ Phật học ở trường Magadha, Bihar, Ấn Độ. Hiện nay Hòa thượng có 13 đầu sách bằng tiếng Miến, Pali và tiếng Anh.
HT. Kumarabhivasa, được Chính phủ Miến Điện truy tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Hiệu phó học vụ.
Ông Myint Kyi, Tiến sĩ ngành khoa học tự nhiên: hiệu phó điều hành (gần như là người có thực quyền nhất trong trường, là phát ngôn viên của Ban tôn giáo Chính phủ).
HT. Tiến sĩ U. Adiccavasa, tốt nghiệp tiến sĩ Phật học tại New Delhi, Ấn Độ, Trưởng (Dean) khoa Pāi.
TT. Candāvarābhivasa: tiến sĩ Ấn Độ, có hai bằng Abhivasa, Trưởng khoa Pháp hành (Paipatti).
TT. Addiccavasa, Trưởng khoa Tôn giáo và Hoằng Pháp.
Cư sĩ U Sao Htun Hmat Win, khoa trưởng khoa Ngoại ngữ và dịch thuật.
Ngoài đội ngũ nòng cốt này ra, còn nhiều Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật tử đều là những vị có học vị ở quốc ngoại và có sở trường nghiên cứu. Đơn cử một vài vị có uy tín:
Giáo sư cư sĩ Mehm Tin Mon tốt nghiệp tiến sĩ ngành hóa học ở Mỹ (về hưu năm 2008).
Bà Daw Myint Aye, Giáo sư Tiến sĩ tốt nghiệp ở Đức, hiện đang phụ trách về môn Phương pháp viết khảo cứu, luận án.
Bên cạnh đó còn nhiều vị giáo sư khác nhiệt tình và năng động trên nhiều phương diện. Các tân giáo thọ vừa mới tốt nghiệp ở Ấn Độ, hoặc các vị sắp hoàn tất luận án tiến sĩ tại trường, hoặc là vừa mới đậu vào nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng được mời tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, còn có các vị đang là sinh viên Cao học phụ giảng một số môn do chư vị Hòa thượng đảm trách, bao gồm đủ mọi thành phần: Thượng toạ, Đại đức, Ni cô (tu nữ), nam và nữ cư sĩ. Nói chung, mỗi một môn gần như đều có 2 hoặc 3 vị phụ trách, vị giỏi cùng với vị yếu đảm trách một môn và cứ như thế trường từng bước ổn định đội ngũ giáo viên.
Pháp Sư Chakkinda hiện là một trong những vị Tăng có ảnh hưởng đến quần chúng trên khắp đất Miến, vừa hoàn tất luận án tiến sĩ và đang giảng dạy Thiền Quán cho sinh viên tại trường.
Nhìn chung, vì đây là trường đào tạo Phật pháp kiểu mẫu mang tính quốc tế, nên nhân tài ở khắp mọi miền đất nước đều được mời về để giảng dạy, dù là cơ hữu hay thỉnh giảng. Các vị giảng có sức thuyết phục, lôi cuốn, sư phạm hay không, sinh viên cũng phải lặng thinh mà học, tuyệt đối không có yêu sách hay phản đối như ở một vài trường Phật học Việt Nam. Cũng giống như ở Việt Nam, nhiều vị giáo thọ có trình độ nhưng chưa được đào tạo qua khoa sư phạm, mà cũng không được tu nghiệp trước mỗi niên khoá mới, nên việc giảng dạy có phần hạn chế. Nhưng dù sao các vị cũng đã nỗ lực hết mình để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm.
Ngoài những Hòa thượng, Thượng tọa tôn túc như là Hiệu trưởng hay Hiệu phó học vụ, các vị khác chỉ có bổn phận dạy, hoàn toàn không biết về cơ cấu tổ chức của trường lớp, bởi vì tính tương hỗ giữa người giảng dạy và người điều hành gần như chưa được thiết lập. Các vị giáo thọ hầu như không bao giờ được mời họp và chỉ có nhận chỉ thị, thông tư từ trên đưa xuống. Các vị giảng viên đôi lúc còn chưa biết tại sao cái “thông điệp” đó lại được “văn phòng cõi trên” gởi xuống nữa. Do đó, nếu sinh viên không bằng lòng với thực tại của trường, thì con đường duy nhất là cuốn gói về quê, chứ không hề có quyền kêu ca, khen chê, yêu sách này nọ. Quyền quyết định tối hậu và bất cứ lúc nào cũng thuộc về nhà trường, hay nói đúng hơn là từ Hội đồng Điều hành thuộc Ban tôn giáo.
Một điều nữa mà một số sinh viên ở Miến đều thấy, đó là Tăng Ni và nam nữ cư sĩ chỉ học một bộ Luật Tăng thuộc Nam truyền. Dẫu biết rằng việc tổ chức để học Luật riêng là điều vô cùng khó khăn, nhưng điều đáng nói là các vị giáo thọ không hề quan tâm đến điều này, không bao giờ giảng những mối liên hệ giữa Luật Tăng và luật Ni, hoặc những điều nào chư Ni cần hành trì. Chúng ta cũng có thể hiểu và thông cảm, vì ở Miến không có truyền thống Tỳ-kheo-ni, chỉ có những vị nữ tu thọ 9 hoặc 10 giới nên việc giảng dạy hoặc đề cập đến luật Ni đối với các vị là không cần thiết. Với quan điểm bảo thủ như vậy, các bộ luật khác không cần nghiên cứu là điều đương nhiên. Do đó, họ rất dễ rơi vào tình trạng đánh giá sai lầm về luật Đại Thừa, nhất là nhìn Đại thừa qua hình ảnh các nhà Sư phái Tân Tăng Nhật Bản.
Các khoa Phật học ở các nước khác đỡ hơn, ít nhất họ giới thiệu Tam Tạng Phật giáo của Theravāda và Mahāyāna, nên sinh viên có kiến thức tổng quát cả hai truyền thống. Ở đây sinh viên hoàn toàn không biết gì về Đại Thừa, mà có lẽ điều đó không nằm trong mục tiêu đào tạo của nhà trường, nên sinh viên Miến nghe nói các nước Phật giáo Đại thừa học một số luận thư như Câu Xá Luận, Duy Thức Tam Thập Tụng, Thành Thật Luận, v.v… cũng phân tích tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết-bàn… có nhiều phần tương tự như trong Thắng Pháp Tập Yếu Luận hay các bộ luận khác trong Nam truyền, họ vô cùng ngạc nhiên.
VII. CÁCH TUYỂN SINH VÀ TIÊU CHUẨN SINH VIÊN
Đối với sinh viên ngoại quốc chỉ cần có văn bằng Trung học là có thể nộp đơn thi, không cần bất cứ bằng tiếng Anh gì. Nhưng đối với người Miến tiêu chuẩn khó hơn. Các Sư phải có văn bằng Dhammācarya (Pháp Sư) là tối thiểu. Văn bằng này chỉ cấp cho người Miến vì thi bằng Miến ngữ. Các tu nữ và nam nữ cư sĩ nếu không có văn bằng Pháp Sư thì phải có văn bằng Đại học, dù là khoa tự nhiên hay xã hội.
Đối tượng thí sinh nào cũng dự thi được, không phân biệt quốc gia, tôn giáo, Tăng tục, giới tính. Về độ tuổi gần như là không giới hạn, nhưng có lẽ trong những năm tới, họ sẽ chọn sinh viên không quá 35 tuổi. Sinh viên phần lớn đến từ Châu Á, nhiều nhất là Việt Nam và Cam-pu-chia. Riêng Tăng Ni Việt Nam năm 2006, ngoài những vị đến từ Việt Nam, có 4 vị mang quốc tịch Mỹ và Pháp quốc. Theo thống kê sơ bộ, Tăng Ni sinh Việt Nam chiếm 1/4 tổng số sinh viên ngoại quốc và 1 / 10 tổng số sinh viên của trường. Số lượng sinh viên trong nước cũng như ngoại quốc hàng năm được tăng dần, từ niên khóa đầu tiên đến 2006 như sau: 
Niên khóa
Sinh viên ngoại quốc
Sinh viên Miến
Tổng số
1998 – 1999
36
51
87
2000 - 2001
55
49
104
2001 - 2002
72
66
138
2002 – 2003
88
78
166
2003 – 2004
95
103
198
2004 – 2005
99
125
224
2005 – 2006
73
133
206
Các thí sinh đều phải qua 3 phần khảo hạch: (1) buổi sáng thi trắc nghiệm về trình độ ngoại ngữ (2 tiếng), với khả năng của một sinh viên thi vào Đại học ngoại ngữ; (2) buổi chiều thi viết luận trình bày những vấn đề cơ bản về Phật học (2 tiếng), thông thường là 5 câu hỏi. (3) Phần vấn đáp chủ yếu là những vấn đề cá nhân, nỗi thao thức, nguyện vọng của thí sinh, cũng như là những vấn đề căn bản Phật học, thỉnh thoảng cũng rất chuyên sâu như là sự khác biệt giữa thiền chỉ và thiền quán, điểm tương đồng và dị biệt của Phật giáo Theravada và Phật giáo Mahayana. Thông thường phải trả lời 5 câu hỏi. Đề thi dù không quá khó đối với sinh viên có chút đỉnh vốn Phật học, nhưng không dễ đối với sinh viên không có vốn chuyên ngành dù những vị đó đã tốt nghiệp cử nhân Anh ngữ.
Những năm trước đây, vì số lượng thí sinh đông, nhưng số lượng sinh viên được tuyển lại giới hạn chỉ 5, 6 vị, nên nhiều thí sinh rất giỏi Anh ngữ, đã tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ loại khá, từng làm việc nhiều năm ở các cơ quan sử dụng Anh ngữ như là ngôn ngữ thứ hai, nhưng vì sơ suất hay không chuẩn bị bài kỹ nên đành phải “nhường” cho các vị khác. Nếu biết một số thuật ngữ Pali Phật học thì càng tốt, vì rất nhiều lần đề thi viết hoặc phỏng vấn bằng một vài thuật ngữ Pali.
Mỗi năm trường đều tổ chức thi ở các nước có sứ quán Miến Điện. Dù thí sinh đang ở Thái Lan, Ấn Độ, Nepal … đều có thể ghi danh tại Sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán của nước đó để thi. Nếu đang ở Miến cũng tương tự, nộp hồ sơ thi tại trường. Lý tưởng là vậy, nhưng đôi lúc một số nước như Ấn Độ không tổ chức tuyển sinh. Phần phỏng vấn được nhân viên Sứ quán Miến ở nước sở tại trực tiếp thụ lý, còn bài thi thì phải gởi về bộ Tôn giáo ở Kaba Aey chấm. Thông thường ở Việt Nam sẽ nhận hồ sơ tuyển sinh vào khoảng tháng 9-10 và ngày thi là khoảng sau Tết dương lịch tại Đại sứ quán Miến Điện, Hà Nội. Khoảng 3 - 4 tháng sau, tức là khoảng giữa hoặc cuối tháng 4 dương lịch sẽ có kết quả.
Năm 2007, sinh viên Việt Nam đậu tất cả 6 vị, 5 Ni (2 Bắc truyền, 3 Khất Sĩ) và 1 sư Khmer. Năm 2008 đậu tất cả 7 vị, có một vị Ni Khất Sĩ. Năm 2009 đi thi tất cả 13 vị, gồm có 2 Tăng Khất Sĩ (Giác Nhẫn và Giác Mãnh), 1 Sư Nam truyền, 4 Sư Cô Khất Sĩ (Liên Sen, Liên Lộc, Liên Điềm và Liên Nguyên), 2 cô tu nữ và 4 cô Bắc tông. Kết quả thật khả quan, 12 vị được trúng tuyển, và đây cũng là năm có số lượng sinh viên đậu cao nhất từ ngày lập trường đến nay. Một khi may mắn đậu rồi, nhưng vì lý do nào đó không học liền được, thí sinh có thể bảo lưu điểm để năm sau học cũng không sao.
Khi được biết chính thức mình đã được trúng tuyển, đương sự chỉ cần gởi hộ chiếu ra Đại sứ quán Miến Điện tại Hà Nội và điền vào phiếu làm visa đã được đưa trên mạng và nhân viên sẽ làm visa miễn phí. Khi qua Miến sẽ có nhà trường tiếp tục lo, không phải quá vất vả như ở Ấn Độ. Những năm trước đây, ngay cả mỗi lần về quê thăm rồi qua lại, chỉ cần nộp hộ chiếu cho nhà trường, mọi thủ tục còn lại mình không cần phải bận tâm. Đây cũng là điểm khác biệt của trường này với các cơ sở học thuật khác ở Miến.
VIII. TRÌNH ĐỘ HỌC VIÊN Ở MIẾN
Vì đầu vô tương đối tốt, nên chất lượng sinh viên đầu ra nhìn chung rất khá. Dĩ nhiên nơi nào lại không có sự lầm lẫn khi đánh giá, và nơi nào lại không có sinh viên được may mắn, trúng tủ. Có một số thí sinh do học trúng đề mà đậu, khi qua phải đối phó với một chương trình mới mẻ và nói viết bằng Anh ngữ nên rất vất vả. Tuy nhiên, có thể nói đối với trường Đại học này, con số xác suất may rủi không cao. Phần lớn các sinh viên gần như đều là xuất sắc của các nước gom lại. Ví dụ trong cộng đồng Tăng Ni sinh Việt Nam, nhất là những năm gần đây, một số vị có văn bằng đại học khác để hỗ trợ như tốt nghiệp tại Học viện TP. Hồ Chí Minh hoặc ở các trường Cao đẳng khác, hoặc nhiều vị có văn bằng thế học như kiến trúc, ngoại ngữ, ngoại thương, kinh tế, v.v… Điều đó cho thấy trình độ sinh viên ít nhiều đã vững vàng trên nhiều mặt. Còn ở Campuchia chẳng hạn, những năm trước đây (2004) có tới 200 thí sinh toàn quốc dự thí, nhưng rồi nhà trường chỉ lấy 5-7 vị, cho nên những vị trúng tuyển đều là Tăng sinh ưu tú. Giả như xuất phát điểm của sinh viên không xuất sắc, nhưng vì giảng dạy bằng Anh ngữ, nên 3 năm họ được trui rèn, mỗi ngày được học Kinh, Luật, Luận, viết bài kiểm tra hàng tuần, đặt nặng chất lượng thi cử nên sau vài tháng, tốc độ tiến bộ tiếng Anh và kiến thức Phật học sau vài năm trông thấy rõ rệt.
Nếu những sinh viên tốt nghiệp cử nhân Phật học ở Miến qua các nước có cùng khuynh hướng học Phật giáo Theravāda thì rất khỏe. Còn nếu qua các nước có truyền thống Đại thừa thì cũng hơi vất vả. Chỉ nói riêng ở Ấn Độ, một đất nước không thiên trọng về Theravāda hoặc Mahāyāna, nếu các vị Sư Miến qua Ấn học thì đỡ vất vả về Pali và Abhidhamma, đặc biệt học chuyên ngành vào năm thứ 2, nếu chọn môn Pali. Ví dụ luật Sandhi hoặc Nama ở cấp độ cử nhân tại Miến được học vững vàng, thuộc lòng các điều luật bằng Pali như thần chú, khi lên Cao học Phật học ở Ấn Độ, quả thật là vô quái ngại đối với các vị. Còn đối với sinh viên Việt Nam, những năm trước đây, chưa thấy hết tầm quan trọng của Pali, và thậm chí một vài vị còn nhận định sai lầm rằng đó là tử ngữ và chuyển tải nội dung văn học Phật giáo Tiểu Thừa, nên học dăm bài lấy lệ cho đủ điểm lên lớp, nên một khi lỡ qua các nước khác học, thì Pali và Sanskrit vẫn là những môn không thể nuốt trôi, dù cho Tăng Ni sinh đó có nỗ lực tối đa đi nữa, nhưng kiến thức Pali vẫn không thể nào tương đương với sinh viên ở Miến hoặc ở Thái với Pali lớp 5, lớp 6 cho đến lớp 9. Thế là mình phải đem sở trường của các môn khác để khắc chế điểm yếu kém của môn này.
Song, các vị được đào tạo ở Miến nói riêng và các nước theo truyền thống Nam truyền nói chung, sẽ rất vất vả khi phải học Phật giáo Đại thừa qua hệ Sanskrit và Hoa văn (hoặc Tạng văn, phải chọn một trong hai) mà sinh viên buộc phải học. Nội cái chữ Hoa viết theo lối tượng hình, hội ý, giả tá … từng nét từng nét, viết một đàng đọc một nẻo, quả là một nỗi khổ lớn! Còn Sanskrit thì đỡ hơn, dù sao cũng gần với Pali và được La-tinh hóa nên học nhanh hơn.
Cũng cần nói thêm, chương trình ở Miến chú trọng đến Tam tạng hơn là ngoại điển. Ngay cả sử học và văn hóa Miến chỉ học 2 năm đầu. Hệ thống pháp số Abhidhamma Nam truyền cũng như hệ thống Thiền Chỉ, Thiền Quán được dạy rất kỹ. Ở Việt Nam những năm trước đây, vì đội ngũ giáo sư hạn chế, hoặc bổ nhiệm không đúng người, nên phần dạy môn Abhidhamma đúng là “cỡi ngựa xem hoa.” Đây là quan điểm mà nhiều Tăng Ni sinh Việt Nam ở Miến Điện và Ấn Độ phản ánh, chứ không hẳn riêng của người viết. Dầu vậy, ở Miến cũng có nhiều sinh viên không thấm được hệ thống Abhidhamma này, bởi vì giảng viên không biết cách triển khai, thậm chí cứ học theo truyền thống, xưa sao nay vậy, toàn là pháp số và thuật ngữ, hiểu một cách máy móc, nên càng học càng ngán, càng thấy không thực tế!
THAY LỜI KẾT
(1) Chương trình Phật học tại ITBMU Miến có phần không phong phú bằng chương trình cử nhân của các nước khác, bởi chỉ chú trọng đến Tam tạng Nguyên thủy và không được học kinh điển Đại thừa, không mở rộng chương trình bằng cách học các môn ngoại điển. Nếu so sánh chương trình học ở Miến với chương trình học ở Việt Nam, thì chương trình học ở Việt Nam phong phú gấp 2 - 3 lần. Nếu học ở Việt Nam một cách nghiêm túc thì kết quả học tập không thua bất kỳ nước nào, nhưng cũng chính vì chương trình dạy kỹ, đào sâu như vậy, giáo sư và sinh viên có cơ hội thẩm thấu lời dạy của Đức Phật trong hệ kinh điển Pali sâu sắc hơn.
(2) Thái độ học tập của sinh viên trường ITBMU hầu như nghiêm túc hơn của các trường khác, dù là ở Việt Nam hay ở một vài nước khác. Vì nếu không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường, rất có thể bị “tốt nghiệp sớm”, làm tổn thương đến danh dự cá nhân và chùa chiền, tịnh xá mình trú ngụ, hoặc cô phụ lòng tin tưởng của thầy tổ hoặc thí chủ. Chính vì thế, sinh viên nỗ lực học khá tốt.
Tăng Ni Việt Nam cùng chư Tăng Ni quốc tế trong chuyến dã ngoại tại Bagan
(3) Chương trình học bằng tiếng Anh, nên dù muốn dù không, sinh viên ra trường vốn liếng tiếng Anh tương đối vững vàng, dù chưa lưu loát, xuất sắc; nhưng vốn ấy đủ đáp ứng cho chương trình đào tạo cấp Cử nhân, và sinh viên có thể tự hào với văn bằng mình cầm trên tay.
(4) Pali là ngôn ngữ được các vị biên tập kinh điển thời trong các thời kỳ đầu sử dụng. Giới học giả, nghiên cứu và kể cả các hành giả trong khoảng hơn 100 năm qua đã ra sức nghiên cứu dựa trên Tam tạng Thánh điển Pali là không ít. Do đó, có được vốn liếng cổ ngữ này, chúng ta có thể sử dụng công cụ này như một phương tiện để đào sâu về mảng văn học này, một nền văn học Phật giáo được đánh giá là khắc họa lại cuộc đời Đức Phật và giáo pháp của Ngài cũng như chư Thánh Tăng nguyên thủy hoặc gần với nguyên thủy nhất. Tại trường này, sinh viên nếu học nghiêm túc, sau khi ra trường có thể đạt được mục tiêu này.
(5) Tinh thần kỷ luật được đề cao thông qua nếp sống chung trong ký túc xá cũng như trong thi cử. Sinh viên có thể bị đuổi về quê nếu đời sống đạo đức, giới luật không được nâng cao, nghiêm túc. Thi cử và điểm số luôn được tổ chức và thể hiện trong không khí nghiêm túc và chuẩn xác. Do đó, tinh thần phấn đấu của sinh viên phần lớn được nâng cao và tinh thần kỷ luật thép được tôi luyện.
(6) Được đào tạo theo chế độ học bổng, nên sinh viên không phải lo lắng về kinh tế. Được ăn ở theo chế độ quản lý của nhà trường nên đời sống sinh viên tỏ ra rất ổn định. Chỉ cần 200-300 USD có thể trang trải đủ hoặc dư cho tất cả sinh hoạt phí của một đời sống sinh viên trong một năm, không phải là gánh nặng của gia đình hoặc của tịnh xá, tự viện như một số sinh viên ở các nước khác.
(7) Pháp tu được nhấn mạnh nên dù là còn ngồi dưới ghế của học đường, sinh viên cũng ý thức được tầm quan trọng của việc tu học giải thoát, thông qua con đường hành thiền. Vào các đợt nghỉ hè, sinh viên có thể đến các trường thiền tiêu hóa lý thuyết, pháp học để tu tập thiền định và thiền quán. Đó là một lợi thế mà không phải trường đại học Phật giáo nào ở các nước trên thế giới cũng làm được.
Rất mong chư huynh đệ thấy được những lợi thế của trường ITBMU mà nỗ lực học thêm Anh ngữ để tự tạo cơ hội mở rộng tầm nhìn và trang bị hành trang cho chính mình trên con đường giác ngộ. Vài trang giới thiệu về ITBMU để chư huynh đệ một phần nào nắm vững thông tin học tu của một trường Đại học quốc tế, cũng như các thủ tục cần yếu để đăng ký tuyển sinh, … và môi trường tu học để chư huynh đệ bớt bỡ ngỡ khi quyết định chọn ngôi trường mà mình sẽ đến và dự hướng cho những ngày học tu sắp tới.

Tk. Giác Hoàng
Tags: , , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com