MÙA HẠ THỨ 20

Đại đức Ānanda tận tụy làm thị giả trong suốt
25 năm cuối cùng của Đức Phật

Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng an cư nhập hạ tại ngôi chùa Veluvana, gần kinh thành Rājagaha. Vào mùa an cư này, Tôn giả Ānanda chính thức trở thành vị thị giả hầu cận bên cạnh Đức Thế Tôn trong 25 năm về sau.
Từ hạ đầu tiên đến đầu hạ thứ hai mươi, Đức Phật chưa có một vị Tỳ khưu nào làm thị giả thường trực[1] để lo chăm sóc phục vụ Ngài; khi thì vị Tỳ khưu này, khi thì vị Tỳ khưu khác thay nhau làm phận sự phục vụ Đức Phật; chưa có một Tỳ khưu nào gọi là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc Đức Phật; cho nên, đôi khi Đức Phật ngự đi khất thực một đường, vị Tỳ khưu ôm bát theo Đức Phật lại muốn đi con đường khác, nên để bát của Đức Phật xuống đất rồi đi theo ý của mình, hoặc đôi khi có vị Tỳ khưu đang phục vụ Đức Phật, thì xin đi hành đạo một nơi khác, chỉ còn lại một mình Đức Phật, không có vị Tỳ khưu nào lo chăm sóc phục vụ cho Ngài.
Trong mùa hạ này, một hôm, Đức Phật đang ngự tại Gandhakuṭi, khi ấy chư Đại đức Tỳ khưu Tăng đến tụ hội xung quanh nơi Đức Phật, Ngài truyền dạy rằng:
- Này các Tỳ kheo, nay Ta đã già, và khi Ta bảo chúng ta hãy đi đường này, vài người trong Tăng chúng lại đi đường khác, có người làm rơi bình bát và y của ta xuống đường. Vậy hãy chọn một Tỳ kheo luôn luôn hầu cận ta.[2]
Khi lắng nghe Đức Phật truyền dạy như vậy, Đại đức Sāriputta đảnh lễ Đức Thế Tôn chắp hai tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin được làm thị giả thường trực hằng ngày, hằng đêm lo chăm sóc phục vụ Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn không chấp thuận theo lời xin của Đại đức Sāriputta.
Tiếp đến Đại đức Māhāmoggallāna bạch xin, Đức Thế Tôn cũng không chấp thuận. Theo tuần tự các chư Đại Thanh Văn đều xin, Đức Thế Tôn cũng không chấp thuận một vị nào cả. Duy chỉ còn Đại đức Ānanda đang ngồi im lặng. Chư Đại đức Tỳ khưu động viên khuyến khích Đại đức Ānanda bạch xin làm thị giả thường trực hằng ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Đức Thế Tôn.
Khi ấy, Đại đức Ānanda đảnh lễ Đức Thế Tôn chắp hai tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin Ngài tám đặc ân, nếu Ngài ban cho con đủ tám đặc ân ấy, thì con sẽ xin làm thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Ngài. đức Thế Tôn sẽ không ban cho con chiếc y mà chính Ngài đã nhận, Ngài sẽ không ban cho con đồ ăn khất thực của Ngài, Ngài sẽ không cho phép con ở cùng trong Hương phòng, Ngài sẽ không muốn cho con cùng Ngài đi đến nơi Ngài được mời. Nhưng đức Thế Tôn sẽ đi với con đến nơi mà ta được mời, con sẽ được phép giới thiệu hội chúng vào lúc hội chúng từ các vùng xa xôi hay các nước ngoài đến yết kiến đức Thế Tôn, con sẽ được gặp đức Thế Tôn khi có nghi vấn khởi lên, hoặc bất cứ khi nào đức Thế Tôn thuyết Pháp mà con vắng mặt thì ngài sẽ thuyết Pháp lại cho ta ngay lúc trở về. Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin Ngài tám đặc ân này, nếu Ngài ban cho con đủ tám đặc ân ấy, thì con sẽ xin làm thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Ngài.
Đức Phật truyền hỏi rằng:
- Này Ānanda, con xét thấy bất lợi như thế nào, mà con xin bốn đặc ân khước từ như vậy?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con muốn tránh những lời gièm pha của người khác cho rằng: Con xin làm thị giả thường trực của Đức Thế Tôn để mong được y tốt, vật thực ngon lành, ở chung với Đức Thế Tôn, được đi theo Đức Thế Tôn đến nhà thí chủ thỉnh mời Ngài.
Đức Thế Tôn chấp thuận theo bốn đặc ân khước từ ấy của Đại đức Ānanda. Đức Phật truyền hỏi rằng:
- Này Ānanda, con xét thấy những điều lợi ích như thế nào, mà con xin bốn đặc ân khẩn khoản như vậy?
- Kính bạch Đức Thế Tôn,
Đặc ân thứ nhất: Những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo đến hầu thỉnh Đức Thế Tôn, mà không gặp được Ngài, con có thể thay mặt nhận lời thỉnh mời của họ. Nếu Đức Thế Tôn không ngự đi đến nơi đó, thì họ sẽ nghĩ rằng: “Con là người thị giả thường trực của Đức Thế Tôn, vậy mà họ chỉ nhờ việc thỉnh mời Đức Thế Tôn cũng không giúp được”.
Đặc ân thứ nhì: Những người từ các phương xa đến hầu Đức Thế Tôn, nếu họ không có cơ hội hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn để nghe pháp, thì họ sẽ nghĩ rằng: "Chúng ta từ phương xa đến, có ý nguyện hầu Đức Thế Tôn, nghe Ngài thuyết pháp; nhưng vị Tỳ khưu thị giả của Đức Thế Tôn cũng không giúp cho chúng ta được có cơ hội ấy”. Như vậy, họ sẽ giảm đức tin nơi Tam Bảo.
Đặc ân thứ ba: Khi con nghe pháp của Đức Thế Tôn, có pháp nào chưa hiểu rõ, con xin hỏi lại pháp ấy, Đức Thế Tôn giảng giải cho con được hiểu rõ, thì con được thuận lợi cho việc tiến hành thiền tuệ của con.
Đặc ân thứ tư: Có người hỏi con rằng: “Bài kinh này, pháp này, tiền thân này... Đức Thế Tôn giảng nơi nào, có ý nghĩa như thế nào?”
Nếu con trả lời với họ “Tôi không biết”, thì họ sẽ nghĩ rằng: “Đại đức Ānanda là thị giả của Đức Thế Tôn, vậy mà bài kinh ấy, pháp ấy, tiền thân ấy... cũng không biết”. Do đó, con cần phải biết những bài kinh ấy, những pháp ấy, những tiền thân ấy... để trả lời cho họ hiểu rõ.
Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Từ hôm ấy, Đại đức Ānanda hầu hạ Thế Tôn, đem nước, đem tăm xỉa răng, rửa chân, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban ngày, Đại đức Ānanda ở một bên đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; ban đêm cầm đèn và gậy. Đại đức Ānanda đi xung quanh phòng đức Phật sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi. Thế Tôn tại Jetavana, xác chứng Đại đức Ānanda là vị Tỷ-kheo đệ nhất về năm phương diện: Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì và sự hầu hạ chu đáo[3]. 
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, được nghe nhiều, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Ānanda.
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, đầy đủ ức niệm, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Ānanda
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, đầy đủ cử chỉ tốt đẹp, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Ānanda.
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, đầy đủ sự kiên trì, này các Tỷ-kheo,  tối thắng là Ānanda.
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, thị giả, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Ānanda.[4]
Sở dĩ, Đại đức Ānanda được địa vị thị giả thường trực của Đức Phật Gotama, là vì tiền kiếp của Ngài đã từng phát nguyện muốn trở thành một thị giả thường trực của Đức Phật; lời phát nguyện ấy được Đức Phật Padumuttara, trong thời quá khứ đã thọ ký và Ngài cũng đã tạo ba-la-mật suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất.
Vào thời quá khứ, khi Giáo pháp của đức Phật Padumuttara được thuyết giảng, Tôn giả Ānanda là Vương tử của Vua Ānanda ở Haṃvasatī, và là anh em khác mẹ với Phật Padumuttara. Tên ngài là Sumana. Vua Ānanda không cho ai ngoài ông phục dịch Phật. Cho đến lúc thái tử Sumana dẹp tan quân phiếm loạn ngoài biên cương và đòi phần thưởng của mình là được phục dịch Phật và chư tỳ-kheo, vua mới đành lòng đồng ý nếu được Phật chấp thuận. Lúc đến tịnh thất để bạch xin Phật, Sumana rất khâm phục sự trung tín và nhiệt tâm của vị thị giả, cũng như thần thông của vị này. Nghe Phật thuyết đó là kết quả của thiện hành, Sumana quyết định sống đời phạm hạnh. Sumana còn mua một ngôi vườn Sobhana của gia chủ Sobhana và xây một tự viện giá đến 1000 đồng vàng để Phật an trú.  Dọc đường từ kinh thành đến Vườn Sobhana, ông cho xây nhiều tịnh xá, mỗi tịnh xá ở mỗi dặm. Trong lễ cúng dường tự viện Sobhana, Sumana nguyện sẽ được là thị giả của vị Phật tương lai, như tỳ-kheo thị giả Sumana của Phật Padumuttara hiện tiền. Theo Apadāna[5], ngài được làm Thiên chủ 34 lần, làm vị tướng quân thống lãnh quân đội ở cõi trần 108 kiếp và làm vua chuyển luân vương 58 lần.



[1] Các vị Tỳ khưu đã từng làm thị giả bên cạnh Đức Phật như Tỳ khưu Nāgasamāla, Tỳ khưu Nāgita, Tỳ khưu Upavāṇa, Tỳ khưu Sunakkhatta, Tỳ khưu Cunda, Tỳ khưu Sāgata, Tỳ khưu Meghiya...
[2] Chuyện tiền thân số 456 (Ja.456)
[3] Trưởng Lão Tăng Kệ (Thera.91)
[4] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Một Pháp, Phẩm Người Tối Thắng (A.i.24)
[5] Thánh Nhân Ký Sự, Ký Sự Về Trưởng Lão Ānanda (Ap.1.52)
Tags: , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com