MÙA HẠ THỨ 45

45 năm hoằng pháp vì lợi ích của chúng sanh, vì lợi ích cho chư thiên và nhân loại
Mùa an cư thứ 45, mùa an cư cuối cùng trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của đức Như Lai, Ngài cùng chúng Tỳ-khưu đã trú ngụ tại ngôi làng nhỏ Beḷuvagāma, gần kinh thành Vesāli. Và Ngài cho phép các Tỳ-khưu an cư 3 tháng mùa mưa xung quanh làng.
Trong mùa an cư nhập hạ này, Đức Phật lâm bệnh trầm trọng, tưởng chừng như sắp tịch diệt Níp Bàn, nhưng Ngài suy nghĩ rằng: "Thật không hợp lẽ nếu Ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận Ta, không từ biệt chúng Tỷ-kheo. Vậy Ta hãy lấy sức tinh tấn, nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống".[1] Do đó, Ngài cố nhẫn nại chịu đựng thọ khổ, rồi nhập Arahán Quả. Nhờ vậy, bệnh tình của Ngài được thuyên giảm.
Vào thời gian Đức Phật lâm trọng bệnh, thiên chủ Sakka đã đến chăm sóc, hầu cận Đức Thế Tôn như là một người con hiếu thảo đối với vị cha già khả kính.[2]
Đức trời Ðế-thích rời bỏ thân hình cao lớn đi đến chỗ Phật, đảnh lễ và dùng hai tay xoa bóp chân Phật, Phật hỏi:  
- Ai đấy?
- Bạch Thế Tôn, con Ðế Thích.
- Vì sao ông đến đây?
- Con săn sóc Thế Tôn trong cơn đau.
- Này Ðế Thích! Ðối với chư thiên, mùi của phàm nhân hôi hám khó ngửi, dù cách xa một trăm dặm. Ông hãy rời khỏi nơi đây vì Ta đã có các Tỳ-kheo săn sóc.
- Bạch Thế Tôn, con nghe được hương thơm đức hạnh của Ngài lan xa từ tám muôn bốn ngàn dặm. Con đến đây chỉ là muốn được săn sóc Ngài trong cơn đau.
Ðế Thích không cho ai mó tay đến thùng phân của đức Phật, chính tự mình đội nó lên đầu, và không chút tỏ vẻ nhờm gớm, như thể vua trời đang đội một bình đầy hương thơm. Cứ như vậy Ðế Thích săn sóc Thế Tôn, và chỉ rời khỏi chỗ khi Phật đã bớt đau.
Các thầy Tỳ-kheo bàn tán:
- Ôi! Thật lớn lao làm sao là lòng tôn kính của Ðế Thích đối với Thế Tôn! Thử nghĩ Ðế Thích đã rời cung trời lộng lẫy, để đến săn sóc Thế Tôn trong cơn đau như thế! Thử nghĩ, ông ấy đã đội thùng phân của Thế Tôn trên đầu như là đội bình hương, không tỏ vẻ nhờm gớm dù chỉ một nét nhích môi!.
Nghe thế Phật dạy:
- Các ông nói gì? Không có gì lạ khi Ðế Thích, vua chư thiên đã tận tâm chăm sóc Ta. Bởi vì nhờ Ta, trời Ðế Thích này đã cởi bỏ lốt thân Ðế Thích già nua, chứng được quả Tu-đà-hoàn và nhận một thân Ðế Thích mới, trẻ trung. Ở thân trước, ông ấy đến viếng Ta với sự sợ hãi vì mình sắp chết, được dự báo bởi nhạc thần Càn-thát-bà. Khi ấy Ta ngồi trong động Indasala giữa chư thiên, Ta trấn an ông ta bằng bài kệ:
Hãy hỏi, Vasava
Muốn gì cứ nói ra
Ta sẵn sàng giải đáp
Những gì ngươi hỏi ta.  
Sau đó, Ta thuyết pháp cho Ðế Thích nghe. Cuối cùng, có một trăm bốn mươi triệu thiên thần được Pháp nhãn. Ðế Thích chứng quả Tu-đà-hoàn ngay sau đó và đổi thân làm Ðế Thích hiện nay. Vì Ta đã cứu độ ông ấy nên không có gì lạ khi ông ấy bày tỏ lòng tôn kính Ta. Này các Tỳ-kheo! Thật là hạnh phúc khi được sống gần gũi và chăm nom chư Phật, còn sống với người ngu chỉ đem lại đau khổ.
Phật nói kệ:
Lành thay, thấy thánh nhân,
Sống chung thường an lạc,
Không thấy những người ngu,
Thường thường được an lạc.
Sống chung với người ngu,
Lâu dài bị lo buồn,
Khổ thay gần người ngu,
Như thường sống kẻ thù.
Vui thay, gần người trí
Như chung sống bà con.
Do vậy:
Bậc hiền sĩ, trí tuệ,
Bậc nghe nhiều, trì giới,
Bậc tự chế, thánh nhân,
Hãy gần gũi thân cận,
Thiện nhân, trí giả ấy,
Như trăng theo đường sao.[3]
Rồi Đức Thế Tôn lành bệnh, Ngài ngự ra khỏi tịnh xá, ngồi dưới tán cây, Tôn giả Ānanda đã đến đảnh lễ và bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn khỏe mạnh. Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn kham nhẫn, bạch Thế Tôn, thấy Thế Tôn bệnh hoạn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng, dầu cho, bạch Thế Tôn, con được một chút an ủi rằng, Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài chưa có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.
- Này Ānanda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ānanda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ānanda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). Này Ānanda, những ai nghĩ rằng: "Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo"; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai" thời này Ānanda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ānanda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta" thời này Ānanda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo? Này Ānanda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ānanda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ānanda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái. Vậy nên, này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác…
Đức Thế Tôn đã an cư suốt 3 tháng mùa mưa, và đây là mùa an cư cuối cùng của ngài. Vào cuối mùa an cư, Đức Phật tiếp tục du hành nhiều nơi và điểm cuối cùng trong cuộc hành trình của Ngài là Kusinārā để viên tịch Níp-bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak.
Cũng vào năm này, vào ngày trăng tròn tháng 10, Tôn giả Sāriputta đã viên tịch Níp bàn tại quê nhà của Ngài, ở ngôi làng Nālākagāma trong xứ Magadha để tiếp độ mẫu thân của Ngài đắc sơ quả trước khi viên tịch. Sau đó 2 tuần, tức là vào ngày 30 tháng 10, Tôn giả Mahāmoggallāna tịch diệt Níp Bàn tại làng Kaḷasilā trong xứ Magadha. Như vậy, chỉ trong tháng 10 năm ấy, hai vị thượng thủ thinh văn của Đức Thế Tôn đã viên tịch Níp bàn.




[1] DN.16 (Mahāparinibbāna sutta)
[2] DhpA.iii.269
[3] Dhp.206-207-208
Tags: , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com