Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

NĂM BỔN PHẬN CỦA CON CÁI ĐỐI VỚI CHA MẸ


Trong bài Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Thế Tôn đã dạy cho thanh niên Siṅgāla về năm trách nhiệm của con cái đối với đấng sanh thành như sau:
(1) Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ.
(2) Tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ.
(3) Tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống.
(4) Tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự.
(5) Tôi sẽ lo chu toàn tang lễ của cha mẹ.
Đó là năm nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả mà những người con nên thực hiện và hành theo để tự mình có thể tiến hóa từ nội tâm đến cuộc sống bên ngoài được thành công tốt đẹp.
1. Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ.
Trách nhiệm đạo đức trước tiên của một người con đối với hai đấng sanh thành ra mình
theo Đức Phật là nuôi dưỡng cha mẹ. Hay nói cách khác người con phải lấy sự báo đền cha mẹ bằng cách chăm sóc cha mẹ về đời sống vật chất, cũng như chính cha mẹ đã lo cho chúng ta trưởng thành, trong suốt mười tám năm vị thành niên.
Sự chăm lo đến đời sống vật chất của cha mẹ ở đây cho thấy đạo Phật rất thực tiễn. Người con hiếu thảo không chỉ biết vâng lời cha mẹ, làm việc tốt cho gia đình và xã hội mà trước tiên và hơn hết là lo phần đời sống vật chất cho cha mẹ mình. Chăm lo đời sống vật chất bao gồm việc dâng tặng cho cha mẹ tiền chi tiêu, quà quý, thuốc thang, sự thăm viếng và phụng dưỡng khi cha mẹ đau ốm hay không còn sức lao động.
2. Làm tròn bổn phận đối với cha mẹ.
Ý thức trách nhiệm làm tròn bổn phận của một người con là điều quan trọng thứ hai trong đạo hiếu thảo của người Phật tử. Lời dạy này mặc dù rất bao quát nhưng có ý nghĩa đạo đức rất lớn. Khái niệm bổn phận ở đây cần phải được hiểu là sự thực thi những điều trách nhiệm của người con đối với cha mẹ tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép. Nghĩa là công việc hiếu thảo không bao giờ là một sự bắt buộc mà trái là một ý thức cao độ, ý thức làm người có đạo lý.
Có nhiều trường hợp người con vì thương cha kính mẹ mà làm nhiều điều tội ác để chu cấp tài sản cho cha mẹ. Đạo Phật chống lại sự hiếu thảo phi pháp như vậy. Nói cách khác làm trọn bổn phận tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép là một trong những cách thể hiện chữ hiếu hợp lý nhất. Ví dụ khi còn ngồi dưới mái trường, việc làm trọn bổn phận của người con đối với cha mẹ là vâng lời thầy cô, học hành chăm chỉ, thu hoạch kiến thức để làm nền tảng trí thức và đạo đức cho bản thân, hiện tại và về sau. Khi đã xây dựng gia thất riêng, việc làm tròn bổn phận của người con là sống đúng, sống theo và sống hợp với các nguyên tắc đạo đức của đạo Phật, không làm các điều ác, phát huy các điều thiện, chăm lo cho vợ chồng, con chu đáo, thăm viếng cha mẹ khi có thời gian, phụng dưỡng đời sống vật chất cho cha mẹ tùy theo khả năng và điều kiện…
Ở một góc độ khác, việc làm tròn bổn phận còn có ý nghĩa đạo đức rất lớn, nhất là trong
trường hợp cha mẹ sống thiếu Chánh kiến đối với Phật – Pháp – Tăng hoặc tạo tác nhiều điều tội lỗi. Người con có hiếu là người con phải biết tìm mọi cách khuyên gián cha mẹ, giúp cho cha mẹ trở về với con đường hiền lương và thánh thiện.
Nói cách khác, báo hiếu trong đạo Phật không chỉ đơn thuần về đời sống vật chất mà
quan trọng hơn là đời sống tinh thần và đạo đức. Đây chính là nét đặc sắc và độc đáo của chữ hiếu trong đạo Phật.
3. Giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình.
Người con hiếu thảo theo Đức Phật là người, ngoài việc làm tròn bổn phận, phụng dưỡng vật chất cho cha mẹ đúng pháp còn là người biết tôn trọng các giá trị văn hóa và di sản truyền thống tốt đẹp của gia đình, giống nòi và dân tộc.
Lời dạy này phản ánh rằng các truyền thống có thể có hai mặt, một mặt tốt và tiến bộ, và một mặt xấu và phản tiến hóa. Đức Phật chỉ khuyên chúng ta theo mặt tốt và tiến hóa của truyền thống trong khi mạnh dạn loại bỏ các mặt tiêu cực và bất lợi của nó. Lời dạy này càng có ý nghĩa to lớn hơn nếu ta đặt nó trong sự vận động bảo tồn và duy trì các sắc thái văn hóa. Nói dễ hiểu hơn, đây có thể là phương châm cho một khuynh hướng giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa tích cực của các sắc dân, của các dân tộc trên thế giới theo chiều hướng có chọn lọc các truyền thống và đặt chúng trong tiêu chí của các giá trị phát triển đạo đức và đạo lý con người hơn là chỉ đơn thuần tìm hiểu và làm sống dậy chúng.
4. Bảo vệ tài sản thừa tự.
Nếu “duy trì các truyền thống tốt đẹp của gia đình, quốc gia” là một nguyên tắc chung và bao quát đối với những người con có hiếu theo tinh thần lời Phật dạy thì “bảo vệ tài sản thừa tự” là một nguyên tắc cụ thể ứng dụng trong phạm vi của truyền thống gia tộc. Điều này có ý nghĩa giáo dục rằng một mặt con cái phải biết sử dụng gia tài và di sản của cha mẹ để lại đúng pháp và mặt khác phải là người kế thừa có đạo lý. Nghĩa là cha làm thầy thì con cái không được đốt sách. Cha mẹ làm việc thiện, tôn kính Tam bảo, thì con cái không nên làm việc ác, phỉ báng Phật – Pháp – Tăng, trái lại còn phát huy một cách tốt hơn và có chiều sâu hơn.Rất tiếc hiện nay trong nhiều xã hội, lời dạy này không được áp dụng nên đã có nhiều cảnh con cái trở thành những kẻ phá hoại tài sản của cha mẹ và tổ tiên để lại. Nhiều người con chỉ biết chi tiêu gia tài của cha mẹ theo khuynh hướng tán gia bại sản hơn là duy trì và phát huy chúng.
5. Lo chu toàn tang lễ cho cha mẹ đúng pháp.
Điều hiếu thảo cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là khi cha mẹ qua đời, con cái phải tổ chức tang lễ cho cha mẹ một cách chu toàn và đúng pháp. Tổ chức tang lễ chu toàn tùy thuộc rất nhiều vào phong tục tập quán của từng quốc gia, xã hội và gia đình. Nói chung là phải làm đúng theo các quan niệm đạo hiếu của từng dân tộc và truyền thống.
Tổ chức đúng pháp là điều quan trọng hơn. Nếu tổ chức “chu toàn” nhằm nhấn mạnh đến hình thức và trình tự của tang lễ như tẩm liệm, chôn cất… thì tổ chức đúng pháp nhấn mạnh đến nội dung và tinh thần của tang lễ. Đúng pháp theo tinh thần lời Phật dạy là con cái không nên khóc lóc, than vãn mà trái lại nên Chánh niệm, tỉnh giác trước cơn vô thường sinh ly tử biệt để hỗ trợ cho cha mẹ không còn quyến luyến tình cảm thế gian, vãng sanh một cách nhẹ nhàng và dễ dàng. Sự khóc lóc và rên rĩ của con cái có thể làm động tâm các bậc cha mẹ vừa quá cố và do đó làm trở ngại rất nhiều cho tiến trình tái sanh của cha mẹ. Do đó, người Phật tử không nên quá bi lụy theo thường tình của thế gian, trái lại thỉnh mời chư Tăng đến để làm phước hồi hướng cho người quá vãng.
Có nhiều người con khi cha mẹ còn sống thì đối xử một cách bỏn xẻn, không phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng khi cha mẹ vừa nằm xuống thì lại cố tình tổ chức tang lễ cho rình rang, để chứng tỏ ta đây là người con có hiếu. Đạo Phật không dạy chúng ta như vậy. Trái lại, đạo hiếu của Đức Phật rất chu đáo và nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm chân thành của người con hơn là các hình thức nghi lễ bề ngoài, đôi lúc có tính cách lạc dẫn.
Khi cha mẹ còn sống thì cúc cung, chăm sóc, sớm thăm tối viếng, cung phụng miếng ăn và thuốc thang cho cha mẹ. Vâng lời cha mẹ khi cha mẹ có lời dạy bảo hay. Làm tròn bổn phận làm con trong mọi hoàn cảnh. Khuyến khích cha mẹ trở về con đường hiền lương và đạo đức nếu cha mẹ vượt quá con đường hiền thiện. Rồi đến lúc cha mẹ nhắm mắt lìa đời thì tổ chức tang lễ giản đơn nhưng không kém phần trang nghiêm và có ý nghĩa đạo đức.
Nói chung, báo hiếu khi cha mẹ qua đời là việc lo chu toàn tang lễ một cách chân thành, trang trọng; không đặt nặng các hình thức lễ nghi như hiến tế súc vật, cúng tam sên (sanh), trổ nhạc tây nhạc tàu, thuê người khóc mướn, tổ chức ca hát xướng kỵ v.v… Các việc làm như vậy chỉ tạo thêm nhiều nghiệp ác và tội lỗi mà thôi. Tang lễ theo đạo Phật nên đơn giản bao gồm các khóa lễ tụng kinh tưởng niệm, phóng sanh thả vật, làm phước cúng dường, để hồi hướng công đức cho cha mẹ vừa quá cố, như một hành trang đạo đức cho cha mẹ đi tái sanh vào các cảnh giới an lạc.Trong những bài pháp của Ngài, Đức Phật liệt kê một số nhiệm vụ và bổn phận chủ yếu như là những lời hướng dẫn cơ bản đó là, bằng đức tu tập và hành động, để dẫn dắt con cái tránh xa những điều xấu xa và bằng những lời động viên nhẹ nhàng, để dìu dắt chúng làm tất cả những điều cho gia đình, xã hội và tổ quốc.
(trích PHÁP TRIỀU – TK. ĐỊNH PHÚC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

samadhipunno@yahoo.com