Đi với Phật thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy.
Câu nói ấy chắc hẳn đa số chúng ta đều biết và hiểu được ý nghĩa ẩn dụ trong đó. Nhưng đó là cái của ngày xửa ngày xưa, chứ bây giờ, trong thời hiện đại nhiễu nhương này, đâu đó chúng ta sẽ thấy được nhữngcon người đi với Phật mà lại thích mặc áo giấy.
Mùa lễ hội suốt một tháng đã trôi qua, trở lại với cuộc tu như ngày nào, chợt hồi tưởng lại những gì đã thấy và chứng kiến rồi tự thấy có chút gì đó đáng để suy nghĩ.
Ngày xưa, khi các vị tác bạch xin xuất gia, ai cũng nguyện bằng một niềm tin rất là tích cực:
Sabbadukkhanissaraṇanibbānasacchikaraṇatthāya imaṃ kāsāvaṃ gahetvā pabbājetha maṃ bhante anukampaṃ upādāya.Vì mục đích chứng ngộ níp bàn và thoát mọi khổ đau, bạch ngài, xin ngài vì lòng bi mẫn mà thu nhận y cà sa này và cho con xuất gia.[1]
Hoặc là:
Chúng sinh vô biên thề nguyện độ,Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn .Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
Lời nguyện đó nay còn đâu, hay là đã ra đi biền biệt đâu đó rồi, để thay vào đó là những chiếc y giải thoát ngày nào nhường chỗ cho những chiếc áo giấy lung linh nhiều màu sắc, mỏng manh, tha thướt theo từng thời đại, theo từng dòng đời của những đợt ra hàng mới…
Người xuất gia tu hành phải ăn mặc giản dị, không cầu kỳ, màu mè, đúng theo tinh thần của giới luật phật ban hành. Đức Phật và Tăng chúng đệ tử của Ngài ngày xưa phải đi lượm vải quấn tử thi để về may y mà mặc, gọi là phấn tảo y. Chiếc y như là tượng trưng cho màu cờ của bậc A-la-hán, màu cờ của bậc giải thoát, lại nữa, chiếc y như là lời nhắc nhở cho hàng xuất giả phải biết tri túc, thiểu dục, không tham đắm trong y áo. Bậc xuất gia phải thường quán tưởng về việc thọ dụng y áo để mình biết mục đích của việc mặc y áo là gì?
Này các tỷ-kheo, ở đây, tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.[2]
Mỗi buổi sáng, hình ảnh các vị sư ôm bát đi khất thực ngoài phố, đầu trần, chân đất, bất kể mưa gió là một hình ảnh vô cùng đẹp và thiêng liêng của đời sống tu sĩ xuất gia. Chiếc y của các ngài khoác lên trên mình tượng trưng cho những thuở ruộng, vì các ngài là những vị đại diện cho Tăng già, là ruộng phước điền vô thượng của toàn chư thiên và nhân loại.
Chuyện kể lại rằng: một thời, khi Thế Tôn du hành trong xứ Dakkhiṇāgiri, Ngài đã nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những mảnh vuông giao nhau, nên ngài bảo Đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, ngươi có khả năng thực hiện các y có kiểu mẫu như thế cho các vị Tỳ khưu không?
- Bạch Thế Tôn, con có khả năng.
Khi ấy, Đại đức Ānanda đã làm theo lời của Thế Tôn rồi đem những y đã hoàn thành đến trình bạch với Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết pháp thoại rồi bảo các Tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, Ānanda thật thông thái. Này các Tỳ khưu, Ānanda có đại trí tuệ bởi vì vị ấy hiểu ý nghĩa một cách đầy đủ của điều đã được ta nói ra một cách vắn tắt. Vị ấy làm được dải nối theo chiều dọc (của y), vị ấy làm được dải nối theo chiều ngang (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc các dải điều bên (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc các dải điều kế (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc hai dải điều biên (của y), (như thế y) sẽ được cắt ra, sần sùi khi được ráp lại, phù hợp với sa-môn, không còn được mong mỏi bởi những kẻ đối nghịch.[3]
Y áo xa hoa, bình bát bị chôn vùi theo đời sống thị trường khiến biết bao người mộ đạo mất đi niềm tin và làm cho những người chưa có niềm tin không thể phát khởi niềm tin được.
Chiếc y chỉ là trang phục của người xuất gia, chứ chiếc y không thể tạo nên người xuất gia mà chính bản thân những người khoác lên mình chiếc y đó mới là điều kiện quan trọng quyết định mình có xứng đáng khoác lên mình chiếc y hay không. Bao nhiêu trang sức, bao nhiêu bằng cấp học cao, bao nhiêu vật dụng hiện đại cũng không thể tạo nên một người xuất gia. Và cái trang sức mà người xuất gia cần có trong mình chính là sự nhẫn nại (khanti) và sự nghiêm tịnh (soracca). Đây là hai pháp làm cho xinh đẹp, khiến cho người thực hành trở nên xinh đẹp chứ không phải là những trang sức tầm thường. Chúng ta đừng nghĩ rằng sự xa hoa, lộng lẫy trong trang phục và vật chất là chỗ bù đắp và che dấu sự yếu kém phẩm chất của mình, mà ngược lại chỉ làm cho người khác thêm khó chịu.
Sự thanh thoát khiến người đời tín mộ của một tu sĩ là thân khẩu ý luôn đồng nhất, nghĩa là thân làm, miệng nói và ý nghĩ không trái nghịch nhau, chỉ có thân làm việc đúng đắn, miệng nói lời chân chính thì mới làm cho phẩm hạnh của người tu toả sáng, nếu không thì miệng nói thao thao nhưng nội tâm rối loạn, làm cho phẩm hạnh khiếm khuyết không toả sáng lên được. Cũng ví như một con két, nó có bộ lông rực rỡ, đẹp đẽ, có thể bắt chước giọng nói của người khác nhưng tuyệt nhiên nó vẫn chỉ là một con két không hơn không kém.
Xã hội đương đại bây giờ, chúng sanh thích tầm cầu sự hào nhoáng bên ngoài, họ thích cái mác, cái thương hiệu sao cho sành điệu chứ không nghĩ đến cái bên trong đang dần thúi rục mà chẳng ai thèm để ý đến. Chính vì điều đó, đời sống thị trường xâm nhập mọi nơi, kể cả nơi thanh tịnh như chùa chiền, cá hơi của kinh tế làm mất dần đi đời sống thiêng liêng của người xuất gia.
Tôi có những người bạn, họ đã khoác chiếc y ca-sa ngót hơn mươi năm vậy mà một ngày họ lại trả lại chiếc y, trở lại cuộc sống thế tục. Cũng buồn đấy chứ. Nhưng thà vậy mà tốt, tôi trân trọng họ, vì họ là những người dám chấp nhận ra đi để gìn giữ đạo tâm chứ không phải ở lại để rồi trở thành một con sâu đục khoét đây đó, chẳng xứng đáng với chiếc y đang mặc.
Một vài lời sau chuyến đi của mùa lễ hội, đôi chút bang khuâng và suy nghĩ. Hy vọng sẽ là một bài học và tự nhắc nhở bản thân chứ không dám trách ai hay là giáo giới ai. Xin đừng hiểu lầm và xuyên tạc không đúng sự thật.
Kết thúc lễ hội… 2013
0 nhận xét