Ngựa là một loài động vật đã gắn bó rất lâu đời với cuộc sống con người và có thể trở thành một loài gia súc nuôi trong gia đình. Đặc biệt là vào thời xưa, ngựa được xem như là một phương tiện đi lại phổ biến và thuận tiện nhất, có thể so sánh ngựa giống như một chiếc xe gắn máy thời nay, thậm chí có thể là một chiếc xe ba gác. Sử dụng ngựa để vận chuyển và đi lại, hoặc chinh chiến thì rất thuận lợi vì ngựa có sức đi đường rất bền, không sợ giá xăng leo thang, ngựa có thể băng rừng vượt suối, vượt mọi chướng ngại vật và đặc biệt có thể sản xuất thêm ra nhiều phương tiện con khác nữa.
Nhắc đến loài ngựa thì hẳn nhiên tất cả hàng Phật tử chúng ta không thể nào không nhắc đến tuấn mã Kiền-Trắc (Kaṇṭhaka) trong kinh điển Phật giáo. Tuấn mã Kiền-Trắc là một trong bảy nhân vật đồng sanh[1] cùng với đức Bồ-tát Sĩ-Đạt-Ta (Siddhattha) trong ngày trăng tròn tháng 4 năm 623 TCN. Vào năm Thái tử được 29 tuổi, chính ngựa Kiền-Trắc đã đưa tiễn Thái tử cùng với người hầu trung tín Xa-Nặc (Channa) trốn khỏi kinh thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu) trong đêm trăng tròn rằm tháng 6. Chính trong đêm ấy, ngựa Kiền-Trắc đã vượt một chặng đường dài 30 do-tuần, vượt qua khỏi dòng Anomā để đưa Thái tử xuất gia tầm đạo.
Sau khi Bồ-tát cắt bỏ râu tóc và gửi lại cân đai áo mão cho Xa-Nặc mang trở về trình phụ vương, ngựa Kiền-Trắc vì xúc động mạnh với nỗi chia ly ấy nên sau khi đi khuất khỏi tầm mắt của Bồ-tát, Kaṇṭhaka đã bể tim mà chết, được tái sanh lên cõi trời Đao-Lợi (Tāvatiṃsa), trở thành một vị thiên tử tên là Kaṇṭhaka với cung điện cao to lộng lẫy bằng ngọc lưu ly (veḷuriya) và đủ thứ ngọc báu.[2]
Không chỉ có duy nhất Bồ-tát Siddhattha đi xuất gia bằng ngựa, trong bộ Phật Sử còn ghi lại rất nhiều sự xuất gia vĩ đại của các vị Bồ-tát mà ngựa cũng là một trong những phương tiện thường nói đến nhất.
- Bồ-tát Maṅgala đi xuất gia bằng ngựa Paṇḍara[3].
- Bồ-tát Sujāta đi xuất gia bằng ngựa Haṃsavaha[4].
- Bồ-tát Atthadassī đi xuất gia bằng ngựa Sudassana[5].
- Bồ-tát Tissa đi xuất gia bằng ngựa Soṇuttara[6].
Đó là nói về phương diện lịch sử, ngựa là một trong những nhân tố tích cực hỗ trợ cho sự xuất thế vĩ đại của những Đấng Đại Sĩ mà sau này sẽ trở thành Bậc Chiến Thắng, xóa tan bức màn vô minh và chấm dứt mọi sanh tử luân hồi.
Hơn thế nữa, trong những bài thuyết pháp của Đức Thế Tôn, tùy theo không gian, tùy theo thời gian và tùy theo nhân duyên của người thính pháp, Thế Tôn sẽ thuyết giảng những pháp môn thích hợp nhất để tiếp độ họ. Ngài đã vận dụng thành công rất nhiều phương pháp ngôn ngữ, nhất là cách nói ẩn dụ trong những bài pháp của Ngài. Và hẳn nhiên, ẩn dụ về loài ngựa cũng nằm trong số những bài thuyết pháp của Thế Tôn để giúp cho hội chúng lãnh hội một cách dễ dàng.
Vào một thuở nọ, Thế Tôn trú tại Sāvatthī, lúc bấy giờ, Luật Tạng chưa được chế định hoàn chỉnh, một số Tăng chúng phàm phu nếu muốn có thể dùng thêm bữa cơm tối và như vậy thì các vị sẽ đi khất thực về đêm. Như vậy thì thời gian tu tập còn lại không được là bao nhiêu và tôn giả Bhaddāli cũng nằm trong số đó. Nhận thấy đã đến lúc sách tấn ngài, Đức Phật đã gợi ý: “Này các tỳ-khưu, Như Lai mỗi ngày chỉ dùng một bữa, nhờ vậy Như Lai luôn cảm thấy thoải mái an lạc. Do đó, chúng Tỳ-khưu cũng nên ăn một ngày một bữa như ta để cũng được thoải mái an lạc như Ta”. Lúc đó tôn giả Bhaddāli thưa với Đức Thế Tôn rằng: mình không thể ăn với chế độ như vậy. Đức Phật im lặng không nói gì. Sau ba tháng an cư, một thời mà ngài Bhaddāli không đến hầu Đức Phật vì mắc cỡ. Tôn giả đến sám hối với Đức Phật “con đã có lỗi, đã tỏ ra bất lực trước lời dạy của Đức Thế Tôn”.
Đức phật dạy:
- Ngươi có bao giờ nghĩ rằng trong suốt thời gian qua, Như Lai và tứ chúng cũng như các tu sĩ ngoại đạo đánh giá rằng: Bhaddāli không thực hành trọn vẹn lời dạy của bậc đạo sư? Bhaddāli cho rằng: khi Như Lai bảo một vị Thánh đệ tử nằm xuống một vũng sình để làm cầu cho ta bước thì họ có từ chối hay không? Chắc chắn là không, hà huống chi Bhaddāli chưa là một vị thánh đệ tử sao lại cố tình tránh mặt ta chỉ vì e ngại lời giáo giới. Có phải là trong thời gian ấy ngươi đã sống có ích hay không? Bhaddāli hãy nhớ rằng nếu chỉ sống viễn ly mà không thành tựu giới hạnh thì đó vẫn là một nếp sống đáng trách. Còn nếp sống viễn ly mà thành tựu cả giới hạnh, thiền định, thậm chí chứng ngộ thánh quả thì là một nếp sống đáng được tán thán.
Khi được nghe nói như vậy, Bhaddāli đã hỏi Đức Phật tại sao chư Tăng không nhắc nhở cho mình như Phật đã nhắc nhở? Đức Phật giải thích rằng điều đó chủ yếu xuất phát từ thái độ của đương sự. Tăng chúng sẽ không có hứng thú giáo giới một Tỳ-khưu né tránh lỗi lầm của mình và không biết phục thiện. Nếu một Tỳ-khưu phạm tội vẫn còn có chút niềm tin, tàm, quý và trí tuệ thì dù gì chư Tăng cũng sẽ nhắc nhở như người ta cố gắng bảo vệ con mắt còn lại của một người chột.
Tiếp theo ngài Bhaddāli đã hỏi Đức Phật một câu hỏi mà Ngài Xá-Lợi-Phất cũng có lần hỏi là: tại sao các học giới chưa được ban hành hoặc chỉ được ban hành một ít, số lượng thánh Tăng lại đông đảo hơn là khi các học giới đã được ban hành đầy đủ. Đức Phật giải thích ngắn gọn rằng: chính vì nội bộ Tăng chúng quá phức tạp thì ta mới ban hành các học giới. Lại nữa, buổi sơ thời Giáo pháp khi nào chúng Tỳ-khưu chưa có danh vọng và hạ lạp thì lòng tham luyến cũng sẽ ít hơn.
Đức Phật ví dụ một con tuấn mã chỉ có giá trị khi được huấn luyện thuần thục xứng đáng khi đã được huấn luyện qua nhiều giai đoạn như là huấn luyện cho nó quen với dây cương, quen với yên ngựa, quen với sự diễn hành, đi vòng quanh, đi đầu móng chân, chạy phi, hí, các trò chơi vương giả, vương lực, tối thượng tốc lực, tối thượng nhanh nhẹn, tối thượng thiện hành, khi đã thuần, thì sẽ tập cho nó đeo đồ trang sức để trở thành báu vật của vua. Cũng như thế ấy, vị Tỳ-khưu thành tựu mười pháp vô học: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, chánh giải thoát thì sẽ thành ruộng phước vô thượng ở đời.[7]
Vì hạnh phúc và an lạc cho nhân thiên, Thế Tôn du hành khắp nơi để thuyết giảng pháp bất tử đến với những chúng sanh hữu duyên giác ngộ. Ngài là vị thầy của trời người không ai sánh bằng nên Ngài biết cách nào, phương pháp nào để hướng dẫn hàng đệ tử thực hành theo một cách dễ dàng và dễ hiểu. Chúng ta sẽ bắt gặp nhiều bài kinh mà Thế Tôn thuyết giảng về cách dạy ngựa rải rác trong kho tàng Pháp Bảo. Điển hình như là:
Một lúc nọ, có chàng thanh niên tên Kesi, là người huấn luyện ngựa, đi đến yết kiến với Thế Tôn và Đức Thế Tôn đã hỏi thanh niên Kesi về phương pháp huấn luyện ngựa như thế nào. Được hỏi như thế, thanh niên Kesi đã trả lời: “Bạch Thế Tôn, con thường chia ngựa ra làm bốn loại:
1. Loại được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng.
2. Loại được nhiếp phục bằng lời thô ác.
3. Loại được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng lẫn thô ác.
4. Loại bất trị, không thể nhiếp phục nổi. Với loại này thì chỉ còn cách đem giết thịt để khỏi mất danh dự cho gia đình thầy của con”.
Trả lời xong, Kesi bạch hỏi Phật về phương pháp dạy dỗ hàng môn đệ của Ngài. Bậc Đạo Sư đáp rằng, Ngài cũng chia hàng đệ tử ra làm bốn loại:
1. Hạng người được dạy dỗ bằng lời mềm mỏng: khi được chỉ dạy về các việc thiện của thân, khẩu, ý cùng các quả báo tương ứng ở cõi trời, người, họ liền tinh cần tu tập.
2. Hạng người được dạy dỗ bằng lời cứng rắn: khi được chỉ dạy về các hành động bất thiện của thân, khẩu, ý, cần nên tránh vì chúng sẽ đưa đến quả báo tương xứng nơi ba đường ác.
3. Hạng người được dạy dỗ bằng lời mềm mỏng lẫn cứng rắn: bao gồm cả hai lối trên.
4. Hạng người bất trị, không thể dạy dỗ bằng lời mềm mỏng hay cứng rắn, thì đành phải giết đi.
Nghe đến đây, Kesi hốt hoảng hỏi:
- Nhưng bạch Thế Tôn, sát sanh không xứng đáng với Thế Tôn.
- Này chàng trai, trong Giáo pháp của Ta, giết đi chỉ có nghĩa là con người này, trong Giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới.[8]
Một con ngựa muốn được vua trọng dụng, cưỡi dùng thì phải được huấn luyện và trở nên kỷ xảo, chọn lọc kỹ càng. Và để trở thành một con ngựa thuần thục, hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua.
Với một vị Tỳ-khưu cũng như thế, nếu thành tựu với bốn pháp: trực tánh, tốc độ, kham nhẫn và thiện ngôn, vị ấy sẽ trở thành bậc xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời.[9]
Trong quá trình huấn luyện ngựa, mỗi con ngựa sẽ có quá trình huấn luyện khác nhau tùy theo tính tình khó dạy hay dễ dạy của con ngựa ấy. Căn cứ vào bốn cách dạy ngựa, đức thế tôn đã thuyết về bốn hạng người cũng tương tự như thế ở trên thế gian này.
1. Hạng ngựa vừa thấy bóng cây gậy thúc ngựa đã chạy, như người vừa nghe nhắc rằng có ai đó mệnh chung liền tỉnh ngộ tu tập và đạt kết quả tốt.
2. Hạng ngựa không sợ bóng cây gậy thúc ngựa, chỉ sợ gậy thúc vào lông, giống như người vừa thấy ai đó mệnh chung, liền tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt.
3. Hạng ngựa không sợ bóng cây gậy thúc ngựa, không sợ bị gậy đâm vào lông mà phải đợi gậy đâm vào thịt mới sợ, như hạng người khi tận mắt thấy thân nhân mình mệnh chung, liền tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt.
4. Hạng ngựa đợi đến lúc gậy thúc thấu xương mới sợ, như hạng người khi tự thân bị bệnh khổ mới tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt.[10]
Ngựa được điều phục sẽ trở thành ngựa có giá trị, xứng đáng để đem đi chiến đấu hoặc bán với giá cao. Đối với bậc đã điều phục được bản thân mình, các vị ấy sống không phóng dật, sống tỉnh thức với nội tâm thanh tịnh, nếu so với những phàm phu tục tử, vô văn rỗi nghề thì các ngài được ví như đang ngồi trên một con tuấn mã phi nước đại bỏ lại sau lưng những con ngựa què.
Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quần mê
Bậc trí như tuấn mã
Bỏ xa con ngựa què.[11]
Hay là:
Ai chận được phẫn nộ,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ.[12]
Chúng ta thường hay nghe mọi người nói là ngu như bò hay là lỳ như trâu, còn với loài ngựa thì chỉ biết là nhanh như ngựa chẳng hạn thì đó không có gì là có ý chê bai hay mỉa mai. Tuy nhiên, nếu bị ví như là một con ngựa thì hẳn nhiên thật là đau khổ, bởi vì đó là những loài ngựa bất trị, khó dạy. Đức Phật còn chia ngựa thành tám loại, tương ứng với tám hạng người hung dữ, bất trị. Đó là những vị nào, khi được thầy tổ, huynh đệ, bạn đồng phạm hạnh nhắc nhở và phê bình, hay chỉ cho khuyết điểm trong các cuộc họp mặt thì lại tỏ thái độ bất mãn chống đối... thay vì tri ân người chỉ dạy và cố gắng sửa đổi.
1. Hạng người ưa chối cãi, khi bị các vị khác buộc tội thì tránh né vấn đề như là không nhớ. Ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó đi lùi với cái lưng làm cho cái xe chạy vòng lại.
2. Hạng người chê bai cử tội mình, cho là ngu dốt, không xứng đáng để mắt tới, khi bị các vị khác buộc tội thì chất vấn lại những người buộc tội mình: "thầy lấy quyền gì mà nói, này kẻ ngu, không thông minh? Tại sao thầy nghĩ rằng thầy phải nói? " ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó nhảy lùi lại, đạp vào thành xe, làm gãy gọng xe.
3. Hạng người thích trả đũa, bới móc trở lại lỗi lầm của người cử tội mình, khi bị các vị khác buộc tội thì nói rằng "thầy cũng phạm tội tên là như vậy. Vậy thầy hãy phát lộ trước". Ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó rút bắp vế ra khỏi xe và dẫm nát gọng xe.
4. Hạng người đem lòng oán hận, thù vặt người chỉ lỗi mình, khi bị các vị khác buộc tội thì liền tránh né vấn đề với một vấn đề khác, hướng dẫn câu chuyện ra ngoài và biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó liền đi vào con đường xấu và làm cho xe bị lạc hướng.
5. Hạng người tỏ thái độ giận dữ, khoa tay múa chân, la hét và thốt ra lời thô ác giữa hội chúng khi bị các vị khác buộc tội. Ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó liền trườn đứng phía thân trước và đạp lên không với chân trước.
6. Hạng người không sợ lầm lỗi, chẳng biết kiêng nể ai, bỏ ngang cuộc họp mà đi ra ngoài, khi bị các vị khác buộc tội thì không để ý đến chúng tăng, không để ý đến các tỷ-kheo buộc tội, với tội phạm và như một người bị xúc phạm, vị ấy đi chỗ nào vị ấy muốn. Ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó không để ý đến người đánh xe, không để ý đến cây roi, lấy răng nghiến hàm thiết ngựa, và đi chỗ nào nó muốn.
7. Hạng người cứ đứng lầm lì, không thèm ừ hử, xác định xem khuyết điểm vừa nêu là đúng hay sai. Ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó không đi tới, không đi lui, đứng lại tại chỗ như một cột trụ.
8. Hạng người bướng bỉnh không muốn ai đụng chạm đến mình, nên khi bị phê bình liền cởi áo vứt ra trước cuộc họp, lớn tiếng dọa từ bỏ đoàn thể để... để đổ vạ cho người xây dựng mình. Ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó liền tréo lại hai chân trước, tréo lại hai chân sau và quỵ xuống bốn chân tại đấy.[13]
Qua những gì đã được trình bày và dẫn chứng từ trong kinh điển, chúng ta thấy rằng ngựa là loài động vật hoang dã nhưng được khéo huấn luyện, khéo điều phục thì cũng sẽ trở thành một con tuấn mã khỏe mạnh, hữu ích và đem đến gia trị cho người sử dụng. Bằng nhiều phương pháp, bằng nhiều phương tiện ngôn ngữ, Đức Thế Tôn đã sử dụng hình ảnh loài ngựa để khuyên dạy các hàng đệ tử từ việc tự điều phục mình cho đến cách đối nhân xử thế như thế nào cho phải lẽ để không bị mang tiếng là người khó dạy, kẻ bất trị hoặc thậm chí bị đem giết bỏ.
Với những gì đã tìm tòi được xin chia sẽ đến toàn thể quý vị như là một món quà xuân chào mừng năm mới, Xuân Giáp Ngọ 2014. Hy vọng rằng món quà Pháp này sẽ giúp ích cho tất cả mọi người trên bước đường tu tập và để tự nhận ra bản thân mình đang là một trong những loại ngựa nào trong kinh điển của Đức Thế Tôn.
TỲ-KHƯU ĐỊNH PHÚC
[1] BvA.275. Bảy nhân vật đồng sanh là: 1. Công chúa Yasodharā Bhaddakaccānā, 2. Hoàng tử Ānanda, 3. Quan thận cần Kāḷudāyi, 4. Người hầu cận Channa, 5. Ngựa Kaṇṭhaka, 6. Cội đại thọ Bồ-đề, tên thật là cây Assattha, 7. Bốn hầm châu báu.
[2] Xem thêm Kaṇṭhakavimānavatthu (Vv.118). Về sau, thiên tử Kaṇṭhaka có dịp được yết kiến Đức Phật, nghe pháp và chứng đắc quả thánh nhập lưu (VvA.317)
[3] BvA.116
[4] BvA.168
[5] BvA.172
[6] BvA.189
[7] M.i.437 (Trung Bộ Kinh – Kinh Bhaddāli).
[8] A.ii.112 (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Kesi, Kinh Kesi).
[9] A.ii.113 (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Kesi, Kinh Tốc Độ).
[10] A.ii.114 (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Kesi, Kinh Gậy Thúc Ngựa).
[11] Dhp.29
[12] Dhp.222
[13] A.iv.14 (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Tám Pháp, Phẩm Lớn, Kinh Ngựa Chưa Điều Phục).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
samadhipunno@yahoo.com