Đất – nước – lửa – gió, gọi chung là tứ
đại, dù ít dù nhiều thì chẳc hẳn người tu Phật nào mà chẳng biết bốn nguyên tố
này. Vấn đề hôm nay chúng tôi không phải bàn về những nguyên tố này mà muốn nói
đến đặc điểm của bốn thành phần này. Mỗi một loại đều có những đặc điểm riêng
biệt và đáng để cho những người con Phật của chúng ta noi theo mà tu tập. Trong
phạm vi bài viết này, chúng tôi chia sẻ về những đặc điểm của quả đất hay nói
cách khác là tập tu theo nết hạnh của đất.
Bộ Milinda Vấn Đạo – Milindapañha
ghi lại, ngài Nāgasena nói với đức
vua Milinda rằng quả đất có năm tính chất đáng được các hành giả thọ trì[1].
Năm tính chất cao thượng này đáng để chúng ta học hỏi và áp dụng vào cuộc sống
tu tập của mình.
Thứ nhất, giống
như đất là khi có kẻ đang vung vãi các vật được ưa thích hay không được ưa thích
như là long não, gỗ tagara, gỗ trầm hương, nghệ, v.v... Cũng như đang vung vãi
mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu,
phân, v.v... thì cũng y như thế ấy. Dù người ta đổ và rải lên đất những
thứ sạch đẹp như hoa, nước thơm, sữa thơm; hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ
dáy, hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ; hay thậm chí là người ta khạc nhổ
xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không
vui vẻ, mừng rỡ mà cũng không chán ghét, tủi nhục, không hề có sự phản kháng
hay chống đối, cũng chẳng mảy may có sự vướng lụy vào những thứ đó.
Sống trong
cuộc đời ai cũng gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đường đời không phải lúc
nào cũng êm xuôi, không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ để cho chúng ta bước đi.
Đôi khi, trong cuộc sống chúng ta gặp phải nhiều chướng ngại, lắm chông gai và
thử thách. Có những lúc ta được nhiều người chào đón, ngợi khen và giúp đỡ nhưng
cũng có lúc ta bị nhiều người chán ghét, chê bai và tìm đủ mọi cách để hãm hại.
Chính vì lẽ đó, nếu mình không có đủ sức chịu đựng và thiếu nghị lực thì khó
lòng tồn tại và phát triển, khó đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời.
Chúng ta phải học theo hạnh của đất, phải tập chịu đựng, phải làm chủ bản thân
mình từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, để rồi dần dần hình
thành thói quen biết chịu đựng, biết làm chủ trước mọi khen chê, vinh nhục của
cuộc sống. Tám ngọn gió đời[2]
luôn rình rập thổi ùa vào mặt chúng ta, nếu chúng ta không kiên cường thì sẽ dễ
bị quật ngã và thậm chí cuốn theo chiều gió.
Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập trong mọi trường hợp về các việc
được ưa thích hay không được ưa thích như là về có lợi lộc và không có lợi lộc,
về có danh tiếng và không có danh tiếng, về chê trách và khen ngợi, về an lạc
và khổ đau thì cũng nên là y như thế ấy.
Được hay mất, lời khen tiếng chê… cũng
chỉ là những thứ tạm bợ, vô thường, rồi sẽ ra đi, nhưng vì mình bị vô minh che
ám nên chẳng nhận biết được thế nào là chân, thế nào là giả. Do đó cứ mãi là những
thành viên thân thiết của cái siêu thị giả ảo đó để rồi hùa chân theo trò chơi
luân hồi đến bất tận. Thuở xưa, có một con bạc đi đến đức Phật để hỏi đạo, đức Phật
đã hỏi người đó:
- Bà-la-môn,
ông sống bằng nghề gì?
- Bằng
nghề cờ bạc, thưa Ngài.
- Thế
ai thắng, ông hay người kia?
- Khi
thì con thắng, khi thì người kia thắng.
- Bà-la-môn,
chiến thắng kẻ khác là một việc tầm thường, chiến thắng như thế đâu có lợi lạc
gì. Nhưng người nào chiến thắng dục lạc và tự chiến thắng bản thân mình, thì
chiến thắng như thế lợi lạc hơn, không ai có thể đánh bại mình.[3]
Vượt
qua mọi cám dỗ của dục lạc, vượt qua mọi tiếng khen chê, vượt qua mọi danh lợi
của thế gian, bậc trí vững vàng sống giữa thế gian ví như ngọn đá kiên cố không
hề bị di chuyển bởi bão táp phong ba.
Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Hãy tập như đất, noi theo đất mà tu tập,
đừng để những thứ rác rưởi làm hôi thúi cái tâm của mình và cũng đừng để những
hào nhoáng của ánh đèn màu làm lu mờ trí tuệ của người con Phật. Đó là đặc điểm
thứ nhất mà chúng ta cần phải hành trì từ đặc điểm của quả đất.
Thứ hai, đất lánh xa việc trang điểm, trang sức, và được bao phủ bằng
mùi hương của chính nó, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên
lánh xa việc trang sức, nên bao phủ bằng mùi hương giới hạnh của chính mình.
Tục ngữ có câu: “người đẹp vì lụa,
lúa tốt vì phân”. Xin thưa rằng, với Phật Giáo, vẻ đẹp bên ngoài của một
người chẳng là vấn đề gì đáng phải đề cập đến. Hình dáng đẹp, nhan sắc kiều diễm
nhưng một giới hạnh không có, cư xử theo lối vô đạo đức thì có đẹp cỡ nào đi nữa
cũng chỉ là một kẻ côn đồ không hơn không kém.
Thành này làm bằng xương,
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết,
Mạn, lừa đảo chất chứa.
Xe vua đẹp cũng già,
Thân này rồi sẽ già.
Pháp bậc thiện, không già.
Như vậy bậc chí thiện
Nói lên cho bậc thiện.[5]
Trang sức bằng những món nữ trang đắc tiền,
xài toàn đồ hàng hiệu với giá cả tỷ, đi xe sang trọng là xu hướng của nhiều người
có tiền cả khối. Tiền của họ chỉ sắm được những vật chất phù du chứ không thể
nào có được những trang sức của bậc trí. Người có trí sẽ không thèm đeo những
món hàng phù phiếm đó, các ngài chỉ trang sức bằng hương của giới hạnh.
Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời.
Hoa chiên-đàn, già-la,
Hoa sen, hoa vũ quý.
Giữa những hương hoa ấy,
Hương thơm của giới hạnh không cần phải
tốn tiền, tốn bạc để tìm mua hoặc phải chầu chực ngoài cửa hàng để đặt hàng như
các thương hiệu nổi tiếng. Người nào tu tập giữ giới một cách chính chắn thì chắc
chắn vị ấy đã thoát lên người chiếc áo của giới hạnh. Hơn thế nữa, đức Phật có
dạy về hai cách để làm cho mọi người trở nên xinh đẹp, tức là người nào muốn mình
đẹp hơn thì nên có hai pháp này, đó là sự nhẫn nại (khanti) với mọi nghịch
cảnh và hành vi đoan trang - hòa nhã (soracca) trong lúc xử sự[7].
Đeo nhiều trang sức có thể nguy hiểm đến
tính mạng, mình phải cực khổ canh giữ và một điều nữa là mình sẽ mất nó; nhưng
nếu là một người có giới hạnh, chúng ta sẽ không bị mất nó và mình sẽ đem theo
nó sau khi thân hoại mạng chung, thậm chí sẽ hữu ích cho mình trong nhiều cuộc
hành trình khác nữa. Đất vô tri nhưng biết giữ lại mùi hương của chính nó, con
người tự nhận là loài thông minh nhất thì hãy cố gắng tỏ ra là người có trí tuệ,
cố giữ giới để làm món hành trang, món trang sức cho chính mình.
Thứ ba, đất không có khoảng trống, không có chỗ nứt, không có lỗ hổng,
dày, đặc, được trải rộng, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên
có giới không có khoảng trống, không có mảnh bể, không có chỗ nứt, không có lỗ
hổng, dày, đặc, được trải rộng.
người tu Phật phải yêu giới đức của mình
như người phụ nữ trong thời kỳ trẻ đẹp thường hay chăm sóc sắc đẹp của họ,
không cho có một bợn nhơ nào. Và mỗi
ngày phải tự coi lại giới của mình có được vuông tròn hay không, ví người thanh
niên mới lớn thường soi gương xem có mụn không. Phải tự suy xét lại giới hạnh của
chính mình, nếu thấy chỗ nào còn tỳ vết, cần giải phẫu thì phải tìm phương chữa
trị. người học Phật luôn luôn cố
giữ giới đức của mình cho trong sạch, thà là chết chớ không để phạm tội nhỏ.
Người cư sĩ
nên thọ trì năm giới cho được chính chắn, những ai phạm năm giới này là tự đào bỏ mất thiện căn của mình, bỏ mất đi
cái gốc lành, rồi tự đào hố chôn sâu gốc rễ của mình vào vòng trầm luân,
bám chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi
thế gian đầy đau khổ này. Vì vậy, chúng ta nên cố đừng phạm vào những
nghiệp bất thiện đó, phải cố gắng thọ trì học giới. Thuở xưa, có năm trăm cư sĩ
tại gia than phiền rằng thật là khó giữ tròn năm giới, vì mỗi người có một hay hai giới không giữ được. Nghe câu chuyện, đức
Phật dạy rằng không giới nào kém quan trọng hơn giới nào. Tất cả các giới đều khó giữ, nhưng phải giữ cho
thật đầy đủ thì mới được giải thoát.
Ai ở đời sát sinh,
Nói láo không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người.
Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Chuyện tiền thân ghi lại rằng, có người
thợ hớt tóc đi chung tàu với một thánh đệ tử của đức Thế Tôn Kassapa. Chàng được vợ căn dặn rằng
phải chăm sóc vị Thánh đệ tử chu đáo. Ra khơi, tàu bị chìm. Hai người với được
tấm ván nên bơi được vô bờ. Tại đây, chàng bắt chim làm thức ăn để ăn và dâng
cho vị cư sĩ; nhưng ông không ăn, chỉ niệm tưởng ân đức tam bảo. Động từ tâm, xà
vương trú trên đảo biến mình thành thuyền và vị thần biển làm thuyền trưởng lái
thuyền đưa vị cư sĩ trở về Jambudīpa.
Người thợ hớt tóc muốn theo nhưng bị từ chối vì chàng bị nói rằng không có công
đức. Thế là chàng xin trao hết công đức chàng lập được bấy lâu nay, giới đức
chàng giữ bấy lâu nay cho vị cư sĩ. Bấy giờ chàng được mời lên tàu. Về đến Bārānasi, thần biển dùng thần lực mình biến ra
nhiều tài sản cho cả hai người và dạy rằng: “Hãy thân cận với các bậc hiền
trí. Nếu người thợ hớt tóc không thân cận với vị cư sĩ, ông ấy đã chết giữa biển
rồi”.[9]
Giới chính là hành trang của mỗi chúng
ta trong hành trình luân hồi. Không giữ giới được trong sạch xem như tự chúng
ta đánh mất gia tài của mình và chắc hẳn sẽ khốn đốn trong tương lai. Xin hãy
ghi nhớ câu chuyện này để làm gương, người có giới đức thanh cao, thương yêu giới
đức của mình, dầu tội nhỏ nhen cũng không làm, ấy mới thật là người biết thương
mình. người có giới hạnh thanh
cao, nhờ giới đức ấy đưa đến chỗ an vui, cũng ví như chiếc thuyền đưa người qua
biển khổ. nhờ có giới đức thanh
cao mà con người tránh khỏi những điều tội lỗi cũng như nhờ có quả địa cầu nâng
đỡ con người.
Thứ tư, đất không mệt nhọc trong khi nâng đỡ làng mạc, thị trấn,
thành phố, xứ sở, cây cối, núi, sông, ao, hồ, thú rừng, chim, con người, đàn
ông, đàn bà, tập thể, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập là không
mệt nhọc trong những việc thuyết giảng giáo pháp, trong khi giáo giới, trong
khi giáo hóa, trong khi giải thích, trong khi chỉ dạy, trong khi thức tỉnh,
trong khi khuyến khích, trong khi tạo niềm phấn khởi.
Đất đã nâng
đỡ cho cỏ cây, hoa lá, đất làm điểm tựa cho sự sống của con người và các loài động
vật. Không có sự nâng đỡ của đất thì sự sống không thể nào tồn tại được trên thế
gian này. Học theo hạnh nâng đỡ của đất, chúng ta phải cố gắng phấn đấu để hoàn
thiện bản thân mình, trước hết là để tự lập và tiếp đến là làm chỗ dựa vật chất
cũng như tinh thần cho người khác, gần gũi nhất là những người thân yêu xung
quanh mình. Nâng đỡ ở đây cũng chính là giúp đỡ, trợ lực. Làm người sống trong
xã hội, chúng ta không thể sống vô tâm, sống vị kỷ mà phải biết hướng tâm nghĩ
đến người khác, tìm cách giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, đem đến
cho người khác niềm an vui, hạnh phúc. Nếu như không thể đem đến cho người khác
niềm vui, không giúp đỡ được thì đừng làm cho người ta đau khổ và đừng hãm hại.
tâm của hành giả cũng phải như thế quả đất
vậy, phải can đảm cương quyết chịu
đựng với mọi khó khăn, trở ngại trên đời cũng như trong đạo, và phải ví ta như
con đường, trên đó các sự khó khăn của trường hợp phải lăn qua lại cũng như xe
cộ lớn nhỏ, nặng nhẹ trên đường mà đường không buồn phiền gì cả.
Ngoài vấn đề tu tập của cá nhân, ở đây
còn muốn đề cập đến tâm lý của một vị sứ giả Như Lai, đem Chánh Pháp của Như
Lai truyền giảng đến cho mọi người. Công việc hoằng pháp không chỉ là trách nhiệm
riêng của chư Tăng mà còn là nhiệm vụ của tất cả người con Phật chúng ta. Đức Phật
đã khích lệ các đệ tử của mình tự thân lên đường, dấn thân để tuyên truyền Giáo
Pháp bất tử đến cho chúng sanh bằng Pháp Lệnh Hoằng Dương thật thiêng
liêng và cao quý: “Này các tỳ
khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người,
vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư
thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường). Này các tỳ khưu, hãy
thuyết giảng giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở
đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về phạm hạnh
thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ”.[10]
Chấp nhận sứ mệnh hoằng giáo, người truyền
giáo phải mang trên mình lý tưởng dấn thân vì Giáo Pháp. Bước chân vân du đây
đó để đem Chánh Pháp đến với nhiều người không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ
rước mời mà lắm lúc cũng khó khăn. Nhưng với lý tưởng không mệt mỏi, niềm vui
khi đem pháp bất tử đến cho mọi người sẽ là động lực giúp cho vị sứ giả thực hiện
tốt nhiệm vụ của mình.
Sớ giải ghi lại rằng, mỗi ngày ông Cấp-cô-độc
đều đi đến yết kiến Thế Tôn hai lần nhưng ông không hề vấn đạo với đức Phật.
Người ta nói rằng sở dĩ ông không dám thưa hỏi vì quá kính mến Phật. Ông nghĩ rằng
đức Thế Tôn là một vị Phật cao quý và là một thái tử phong nhã. Sở dĩ Thế Tôn
thuyết pháp cho ai vì nghĩ đó là thí chủ của ngài. Nếu bây giờ phải thuyết pháp
cho ta, ngài sẽ nhọc mệt thêm. Vì lý do đó, ông không dám đến vấn đạo với đức Thế
Tôn. Khi ông vừa ngồi xuống, đức Phật đã nghĩ: "Trưởng giả này bảo trợ
cho ta khi ta không cần bảo trợ. Ta đã trải qua bốn a-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp
để thành tựu đạo quả. Mái tóc đeo đầy trang sức ta đã cắt bỏ, đôi mắt ta đã vứt
đi, máu thịt tim ta cũng nhổ bỏ tận gốc. Con ta, vợ ta thân thiết như chính mạng
sống, ta cũng từ bỏ, chỉ vì muốn đem chánh pháp đến cho chúng sanh. Người này bảo
trợ cho ta khi ta không cần bảo trợ"[11]. Đó
là tấm gương của Thế Tôn, vị thầy của cả chư thiên và nhân loại, chúng ta cần
noi theo để làm kim chỉ nam cho chí nguyện hoằng hóa độ sanh của vị sứ giả như
lai. Tu theo Phật mới thấy được Phật và muốn thấy được Phật thì phải hành theo
lời Phật dạy.
Tôn
giả Puṇṇa thọ trì lời giáo giới đức Thế Tôn và xin trở lại quê nhà ở Sunāparanta
để hoằng pháp. Thế Tôn mới hỏi rằng:
- Như Lai biết rõ rằng, dân chúng xứ Sunāparanta
đa phần sống theo những giáo phái cuồng tín, bản chất họ còn rất hoang dã. Thô
ác, hung bạo, dữ tợn là tâm tánh của họ. Vậy nếu họ nhục mạ, phỉ báng, mắng nhiếc
ông thì ông phải làm sao? Có chịu đựng nổi không?
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có trường hợp họ
đối xử với đệ tử như thế, đệ tử vẫn tâm niệm họ là người tốt. Tại sao vậy?
Thưa, vì họ mới chỉ nhục mạ, phỉ báng, mắng nhiếc đệ tử bằng lời nói, chớ họ
chưa đánh đập đệ tử bằng tay hay bằng chân!
- Thế nếu họ đánh đá ông bằng tay, bằng
chân thì ông làm sao?
- Thưa, đệ tử vẫn cảm ơn họ vì họ vẫn
chưa dùng đá, gạch, sỏi để quăng ném đệ tử!
- Vậy giả dụ họ sử dụng đá, gạch, sỏi
quăng ném ông thì sao hả?
- Thưa, đệ tử vẫn cảm ơn họ như thường vì
họ chưa sử dụng đùi gậy.
- Vậy nếu, không những họ dùng đùi gậy
đánh đập ông, mà còn cả dao bén và kiếm sắc đâm chém ông nữa thì ông phải làm
sao?
- Bạch đức Thế Tôn! Cho dẫu mà như thế
chăng nữa thì đệ tử vẫn sẵn có đủ áo giáp của tâm nhẫn và tâm từ để chịu đựng
và thương yêu họ vì họ dù đâm dù chém nhưng vẫn chưa giết hại đệ tử!
- Vậy nếu họ giết ông thì sao?
- Thì đệ tử vẫn cảm ơn họ vì họ đã xả bỏ
giùm cái thân giả hợp, bất tịnh này!
Đức Phật tán thán:
- Lành thay, lành thay, này Puṇṇa! Ðầy đủ với sự an tịnh tự điều này, ông
có thể sống tại xứ Sunāparanta.
Này Puṇṇa, nay ông hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời.[12]
Thế là Tôn giả Puṇṇa lên đường vì trách
nhiệm hoằng dương Chánh Pháp. Sau mùa an cư đó, Tôn giả đã tiếp độ được năm trăm
thiện tín tại quê nhà.
Tấm gương của Thế Tôn, gương lành của
chư Thánh còn đó, ngần ngại gì mà chúng ta không dám hy sinh vì lý tưởng dấn
thân với đạo pháp. Hãy sẵn sàng, hãy nhiệt tâm không mệt mỏi vì Chánh Pháp, vì
sự nghiệp hoằng dương Giáo Pháp để chúng sanh được thấm nhuần lời Phật dạy.
Và thứ năm, đất được thoát ra khỏi sự nuông chiều hay
ghét bỏ, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sống với tâm ý
tương tợ như trái đất, là được thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ.
Trầm mình vào dòng chảy của các pháp thế
gian nên chúng sanh lúc nào cũng trở nên đau khổ và cảm thấy thiếu thốn mọi thứ.
Với người Phật tử, phải cố gắng để thoát ra khỏi dòng thế tục thường tình, vượt
qua khỏi con sông ái dục thì mới có thể thoát được những vui buồn, hỷ nộ của thế
gian. Sở dĩ chúng ta còn đau khổ là vì chúng ta còn chưa thể tự cởi trói cho
chính bản thân mình.
Bà Visākhā thường nhờ cậy cô cháu gái
tên Dattā, chăm sóc các tỳ-kheo khi bà vắng nhà. Ít lâu sau Dattā chết.
Bà Visākhā hỏa táng thi hài cháu gái xong, quá buồn khổ bà đi đến chỗ Phật đảnh
lễ và lui ngồi một bên. Phật hỏi:
- Này Visākhā! Có việc gì ngươi ngồi đây
đầy vẻ buồn khổ, rơi nước mắt khóc than?
- Bạch Thế Tôn, đứa cháu gái thân yêu rất
thật thà và trung tín của con vừa qua đời. Con sẽ không còn thấy lại nó.
- Này Visākhā, có bao nhiêu cư dân trong
thành Xá-vệ này?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe ngài nói khoảng
bảy mươi triệu.
- Giả sử tất cả những người này đều là
người thân yêu của ngươi như Dattā, ngươi có thích không?
- Thưa vâng, con thích ạ.
- Có bao nhiêu người ở Xá-vệ chết trong
một ngày?
- Bạch Thế Tôn, rất nhiều.
- Trong trường hợp đó, chắc chắn ngươi sẽ
không đủ thời giờ than khóc, ngày đêm ngươi sẽ chẳng làm gì ngoài việc khóc
lóc, kể lể.
- Thưa Thế Tôn, đúng vậy. Con đã hiểu.
- Tốt lắm, đừng ưu sầu. Ưu sầu hay sợ
hãi chỉ khởi lên từ ái luyến.
Yêu thương, ngục buồn phiền,
Ái luyến, xiềng sợ hãi.
Người lòng như hư không
Hãy tập như đất, dù chúng sanh trên quả
đất có như thế nào, ghét bỏ hay nuông chiều thì đất vẫn là đất, không hề oán hờn
hay thích thú. Đừng để cái tâm chạy theo những tâm lý tình cảm thường tình. Hãy
noi theo tấm gương của đức Bồ-tát Kuṇḍaka[14]
trong chuyện tiền thân sau:
Một thời, Bồ-tát sanh trong một gia đình
giàu có ở Kāsi. Ngài tên Kuṇḍaka.
Sau khi cha mẹ mất, Kuṇḍaka bố thí hết tài sản thừa hưởng và lên núi Hy-mã-lạp để tu khổ hạnh. Lúc nọ,
ông xuống núi, vô sống trong ngự uyển, và được quan đại tướng hậu đãi. Một hôm,
vua Kalābu ở Bārānasi du ngoạn
trong ngự uyển cùng phi tần cung nữ. Lúc vua no say và ngủ mê, các cung tần đi
ngao du. Khi tỉnh giấc ông đi tìm và thấy các nàng đang nghe nhà tu khổ hạnh
thuyết về đạo lý kham nhẫn. Ông ra lệnh thử tánh kham nhẫn của đạo sĩ bằng cách
cho đánh ông hai ngàn roi gai rồi chặt tay chân, thẻo tai thẻo mũi của ngài. Hành
hình đạo sĩ xong, nhà vua bỏ đi. Nghe quân báo, vị đại tướng liền đến băng bó
thương tích cho đạo sĩ và xin đừng giận hờn ai khác ngoài nhà vua. Vị đạo sĩ không
những chẳng oán hờn mà còn đọc kệ cầu chúc nhà vua được sống lâu trường thọ và
không căm giận ai cả.
Trên đây là năm đặc tính của quả đất
đáng cho tất cả chúng ta cùng nhau học hỏi và tu theo. Mong rằng đi bất cứ nơi
đâu, gặp bất cứ hoàn cảnh nào, hãy cứ tập theo hạnh của đất. Cuộc sống có thế
nào, đất bằng hay sóng dữ, xin hãy ghi nhớ rằng chúng ta không thể nào rời xa
quả đất này. Vì thế, khi gặp nghịch duyên trở ngại hãy ráng tập nhìn xuống chân
mình để nhớ đến đặc tính của quả đất và tự thức tỉnh bản thân mình.
Mùa không trăng
đầu tiên năm Giáp Ngọ.
Tỳ-khưu Định
Phúc.
[1] Tiểu Bộ Kinh, Milinda Vấn Đạo, Câu Hỏi
Về Tính Chất Của Đất (TK. Indacanda dịch Việt).
[2] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Tám Pháp, Phẩm
Từ, Kinh Tùy Chuyển Thế Gian (1).
[3] Chú Giải Kinh Pháp Cú, Kệ Số 104 (HT
Pháp Minh dịch Việt).
[4] Pháp Cú Kinh, Kệ Số 81.
[5] Pháp Cú Kinh, Kệ Số 150 - 151.
[6] Pháp Cú Kinh, Kệ Số 54 - 55.
[7] Tiểu Bộ Kinh, Chương Hai Pháp, Phẩm Nhập
Định.
[8] Chú Giải Kinh Pháp Cú, Kệ Số 246 – 247.
[10] Tạng Luật, Đại Phẩm, Chương Trọng Yếu,
Tụng Phẩm Thứ Nhì (TK. Indacanda dịch Việt).
[11] Chú Giải Kinh Pháp Cú, Kệ Số 1.
[12] Tăng Chi Bộ Kinh 4, Tương Ưng Sáu Xứ,
Phẩm Channa, Kinh Puṇṇa (S.iv.61).
[13] Chú Giải Kinh
Pháp Cú, Kệ Số 213.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
samadhipunno@yahoo.com