Hiếm thay! Sanh được làm người!Hiếm thay! Sống được một đời lành trong!Hiếm thay! Nghe pháp chánh tông!Hiếm thay! Vị Phật trần hồng giáng sinh![1]
Trong bốn cái khó của thế gian mà đức Phật đã dạy, chúng ta hữu duyên tạm gọi là vượt qua được ba cái khó đầu tiên. Chỉ có điều thứ tư là chúng ta không đủ duyên lành diện kiến đức Phật và nghe Pháp từ kim khẩu của Ngài. Dù sao, cũng tự an ủi cho chính bản thân mình vì được sanh làm thân nhân loại, được biết Phật Pháp, được nghe và tu tập theo những lời Thế Tôn đã dạy.
Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.[2]Yesaṃ ve dullabho lokePātubhāvo abhiṇhasoSohaṃ brāhmaṇa sambuddhoSallakatto anuttaro.Hỡi này bà-la-mônTa, bậc Chánh Đẳng GiácBậc Tối Thượng Y VươngNgười xuất hiện như vậyThế gian thật hiếm thấy.[3]
Chính vì Ngài là bậc vĩ đại như thế và khó gặp như thế nên sự kiện ra đời của Ngài cũng trở thành một sự kiện hy hữu, hiếm thấy và rất vi diệu. Không mang hình thức thần thánh và cũng không dính đến vấn đề huyền bí, sự kiện ra đời hay sự đản sanh của đức Bồ-tát được ghi chép lại qua nhiều bài kinh thuộc hệ tạng Nikāya.
Trong Trường Bộ Kinh[4], Đức Phật đã giảng về một số phương pháp thông thường khi một vị đại Bồ-tát đản sanh khác với một phàm phu bình thường, tức loài người chúng ta. Chẳng những Đức Phật Cồ-đàm (Gotama) trong thời hiện tại mà chư Phật trong quá khứ như Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī), Đức Phật Thi-khí (Sikhī), Đức Phật Tỳ-xá-bà (Vesabhū), Đức Phật Câu-lưu-tôn (Kakusandha), Đức Phật Câu-na-hàm (Konāgamana), Đức Phật Ca-diếp (Kassapa)... cũng có một số hiện tượng siêu xuất giống nhau khi các Ngài vừa giáng sanh ra khỏi bào thai của các thân mẫu. Các phương cách đản sanh của chư Phật đều giống nhau như sự xuất hiện của các Ngài giữa thế gian này đã cảm ứng đến thế giới chư thiên và các loài khác; các Ngài đều giáng sanh dưới gốc cây giữa thiên nhiên bao la; các Ngài đều từ hông mẹ bước ra và tuyên bố các Ngài là bậc tối thượng trong tam giới; các Ngài đều có hảo tướng với 32 tướng tốt và 80 tướng phụ và thông điệp của các Ngài ở đời là cứu khổ cho chúng sanh. Đức Phật diễn tả cụ thể phương pháp đản sanh của chư Phật trong quá khứ và hiện tại qua hình ảnh đầy màu sắc của Bồ-tát Tỳ-bà-thi và thân mẫu của ngài.
Phần Nidānakathā[5] (Thuyết Duyên Luận) mở đầu của Chú giải Chuyện tiền thân Jātaka-aṭṭhakathā được xem như là một bài nghiên cứu đề cập khá chi tiết về lịch sử cuộc đời của đức Phật trong hệ thống Tam tạng kinh điển Pāli ghi lại rằng:
Hoàng hậu Mahāmāyā ngự đến một cây Sālā có thân to, đầy hoa đang nở rộ. Khi đứng đưa cánh tay phải lên, thì cành cây tự nhiên sà xuống, bà đưa tay nắm lấy cành cây với tư thế dáng đứng rất đẹp và rất vững vàng. Liền lúc ấy, hoàng hậu trở dạ, các cung nữ lập tức che màn xung quanh nơi đang đứng[6]; khi ấy, Đức Bồ-tát cao quý đản sinh ra đời khỏi lòng hoàng hậu Mahāmāyā một cách nhẹ nhàng, thảnh thơi với bàn chân phải bước xuống trước, ví như một vị pháp sư rời khỏi pháp tòa. Khi ấy, là vào ngày thứ sáu, ngày trăng tròn tháng Vesākha (nhằm ngày rằm tháng tư) năm 623 trước tây lịch, đúng mười tháng trụ thai trong lòng mẹ.
Ngay khi ấy, mười ngàn thế giới rung chuyển. Chư thiên và phạm thiên đồng thanh reo mừng và tung rải những nắm hoa trời; tất cả các loại nhạc khí đều tự nhiên phát ra những âm thanh kỳ diệu. Toàn thể thế giới trở nên thông thấu, trong suốt, khắp các hướng mà không bị ngăn ngại. Tất cả ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu đồng loạt xảy ra để báo hiệu sự đản sanh của Bồ-tát.
Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới.[7]
Lúc Bồ-tát đản sanh, có hai cột nước thuần khiết ấm và mát từ trên hư không đổ xuống trên người của Bồ-tát và mẹ của Ngài như là một dấu hiệu tôn kính.
Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch.Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ-tát và cho bà mẹ.[8]
Bốn vị đại phạm thiên, những bậc đã xa lìa phiền não dục, đầu tiên đón nhận Bồ-tát trong một tấm lưới vàng vào lúc Ngài sanh ra. Rồi họ đặt Ngài trước mặt người mẹ và nói rằng :
"Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân".[9]
Tiếp theo, bốn vị thiên vương đón nhận Bồ-tát từ tay của bốn vị phạm-thiên bằng tấm da màu đen của con sơn dương, được xem là vật may mắn. Lại nữa, các cung nữ tiếp nhận Bồ-tát từ tay của bốn vị thiên vương bằng tấm vải trắng.
Rời khỏi tay của các cung nữ, bồ-tát bước xuống mặt đất, bước đi bảy bước, bắt đầu bằng chân phải, rồi ngài dừng lại, nhìn về các hướng, và cuối cùng ngài dừng lại ở hướng bắc rồi thốt lên câu kệ[10]:
Aggohamasmi lokassa,Jeṭṭhohamasmi lokassa,Seṭṭhohamasmi lokassa,Ayamantimā jāti,Natthidāni punabbhavo."Ta là bậc tối thượng ở trên đời.Ta là bậc tối tôn ở trên đời.Ta là bậc cao nhất ở trên đời.Nay là đời sống cuối cùng,Không còn phải tái sanh ở đời này nữa".[11]
Một điểm đặc biệt cần quan tâm là khi ngài bước đi, Ngài thực sự bước đi trên đất, nhưng loài người thì trông thấy Ngài đang lướt đi trên hư không. Bồ-tát bước đi với thân trần truồng của một đứa bé mới sanh, nhưng loài người thì thấy Ngài bước đi với y phục đầy đủ. Bồ-tát bước đi với hình hài của một đứa bé mới sanh, nhưng loài người lại trông thấy Ngài qua một chàng thanh niên tuấn tú ở tuổi mười sáu[12].
Khi Bồ-tát bước đi, có vị vua của các phạm thiên, theo hầu Ngài tay cầm cái lọng trắng, có vị chư thiên chúa tể cõi Suyāma theo hầu tay cầm cái phất trần bằng lông đuôi của con bò tây tạng. Các vị thiên thiên thì tay cầm những biểu tượng của vua như đôi hia, bảo kiếm và vương miện theo hầu Bồ-tát. Là năm bảo vật của lễ phong vương. Nhân loại lúc ấy không thể trông thấy các vị chư thiên này, họ chỉ có thể trông thấy các biểu tượng của vua mà thôi.
Theo chú giải, những sự kiện khi đức bồ-tát đản sanh đều có ý nghĩa và được giải thích như sau: Khi sanh đức Bồ-tát ra, có bốn vị phạm thiên đến tiếp rước đây là hiện tượng chỉ rằng Ngài sẽ đắc được tứ thiền vô sắc. Rồi đến bọn phi tần tiếp, là hiện tượng của Ngài đắc thiền hữu sắc. Ngài đứng trên mặt đất là hiện tượng Ngài đắc được 4 phép nguyện vọng pháp mầu. Ngài đi bảy bước là hiện tượng sau này Ngài đắc được Thất Bồ-đề phần và truyền bá Phật giáo khắp xứ lớn trong thời kỳ ấy. Ngài được chư thiên che lọng là hiện tượng sau này Ngài đắc được phép giải thoát. Có chư thiên cầm năm món đồ của vị Chuyển Luân Vương theo hầu Ngài là hiện tượng sau này Ngài đắc được năm phép giải thoát. Ngài nói câu kệ ấy là hiện tượng Ngài không còn luân hồi nữa.
Khi đức bồ-tát đã đản sanh nơi vườn Lumbini, đạo sĩ Asita, còn được gọi là Kāḷadevila, là vị quốc sư, vị thầy khả kính của đức vua Suddhodana nghe được tiếng hò vang, reo mừng của chư thiên khắp nơi, ngài thấy những chư thiên hân hoan ca tụng, tán dương những ân đức của Bồ-tát nên liền hỏi thăm nhân duyên thế nào.
‘‘Kiṃ devasaṅgho atiriva kalyarūpo,dussaṃ gahetvā ramayatha kiṃ paṭicca.Vì sao chúng chư ThiênLại nhiệt tình hoan hỷ?Họ cầm áo vui múa,Là do nhân duyên gì?[13]
Các chư thiên trả lời như sau:
‘‘So bodhisatto ratanavaro atulyo,manussaloke hitasukhatthāya jāto;Sakyāna gāme janapade lumbineyye,tenamha tuṭṭhā atiriva kalyarūpā.Tại xứ Lumbini (Lâm-tì-ni)Trong làng các Thích-ca,Có sanh vị Bồ-tát,Báu tối thắng, vô tỷ,Ngài sanh, đem an lạc,Hạnh phúc cho loài Người,Do vậy chúng tôi mừng,Tâm vô cùng hoan hỷ.‘‘So sabbasattuttamo aggapuggalo,narāsabho sabbapajānamuttamo;Vattessati cakkamisivhaye vane,nadaṃva sīho balavā migābhibhū’’.Ngài, chúng sanh tối thượng,Ngài loài Người tối thắng,Bậc Ngưu vương loài Người,Thượng thủ mọi sanh loại;Ngài sẽ chuyển Pháp Luân,Trong khu rừng ẩn sĩ,Rống tiếng rống sư tử,Hùng mạnh nhiếp loài thú.[14]
Sau khi được nghe câu trả lời như vậy, đạo sĩ asita từ giã cõi trời tam thập tam và đến thẳng hoàng cung để gặp đức vua Suddhodana. Nghe tin vị thầy khả ái khả kính của mình đến, vua Suddhodana hân hoan tiếp rước rất chu đáo và thỉnh mời ngồi tại một chỗ ngồi trang trọng. An vị xong, đạo sĩ liền hỏi đức vua:
- Thưa đại vương, nghe rằng hoàng hậu của đại vương vừa hạ sanh được một hoàng nam phải chăng?
- Bạch ngài, đúng là như thế.
- Thưa đại vương, chẳng hay thái tử đang ở đâu? Có thể cho tôi diện kiến qua được không?
Đức vua truyền lệnh cho người trang điểm cho thái tử và bồng thái tử ra tỏ lòng tôn kính đối với quốc sư. Khi thái tử được bồng ra để ra mắt vị đạo sĩ, trên không trung, chư thiên cầm lọng trắng, phất trần, quạt để tỏ lòng tôn kính với vị bồ-tát, nhưng tất cả những sự kiện này không có một người nào thấy được, ngoại trừ vị quốc sư trưởng lão.
Anekasākhañca sahassamaṇḍalaṃ,chattaṃ marū dhārayumantalikkhe;Suvaṇṇadaṇḍā vītipatanti cāmarā,na dissare cāmarachattagāhakā.Chư Thiên cầm ngôi lọng,Ðưa lên giữa hư không,Cây lọng có nhiều cành,Có hàng ngàn vòng chuyền.Họ quạt với phất trần,Có tán vàng, lông thú,Nhưng không ai thấy được,Kẻ cầm lọng, phất trần.[15]
Khi thái tử được đưa ra trước mặt đạo sĩ, chân của thái tử chợt xoay lên, đạp trên búi tóc của đạo sĩ một cách nhanh chóng, như là tia chớp xẹt qua những đám mây. Mọi người đều kinh hoảng vì không một ai dám xúc phạm đến vị quốc sư khả kính của đức vua. Nhưng ngược lại, đạo sĩ Asita đã đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi và chấp tay đảnh lễ đức bồ-tát một cách tôn kính[16]. Đức vua Suddhodana chứng kiện sự kiện vô cùng phi thường như thế, vua cũng đã chấp tay lên và cúi mình trước đứa chính con trai của mình[17]. Đây là lần đầu tiên đức vua quỳ đảnh lễ bồ-tát.
Đạo sĩ Asita là một vị quốc sư tinh thông tướng pháp, đoán số và biết cả quá khứ, vị lai nên sau khi xem xét kỹ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp trên người của thái tử, đạo sĩ suy gẫm xem thái tử sẽ thành Phật hay không?
Disvā kumāraṃ sikhimiva pajjalantaṃ,tārāsabhaṃva nabhasigamaṃ visuddhaṃ;Sūriyaṃ tapantaṃ saradarivabbhamuttaṃ,ānandajāto vipulamalattha pītiṃ.Sau khi thấy Thái tửChói sáng như lửa ngọn,Thanh tịnh như sao NgưuVận hành giữa hư không,Sáng chiếu như mặt trờiGiữa trời thu, mây tịnh,Ẩn sĩ tâm hân hoanÐược hỷ lạc rộng lớn.[18]
Và bằng trí tuệ biết rõ tương lai, đạo sĩ thấy rằng thái tử chắc chắn sẽ thành Phật chánh đẳng giác vô thượng. Đạo sĩ bật ra tiếng cười trong nỗi vui mừng to lớn.
Sambodhiyaggaṃ phusissatāyaṃ kumāro,so dhammacakkaṃ paramavisuddhadassī;Vattessatāyaṃ bahujanahitānukampī,vitthārikassa bhavissati brahmacariyaṃThái tử này sẽ chứngTối thượng quả Bồ-đề,Sẽ chuyển bánh xe pháp,Thấy thanh tịnh tối thắng,Vì lòng tử thương xót,Vì hạnh phúc nhiều người,Và đời sống Phạm hạnh,Ðược truyền bá rộng rãi.[19]
Cũng đề cập đến tướng hảo của đức Bồ-tát, kinh văn ghi lại những vần kệ của một vị Bà-la-môn tên Sela đã xưng tụng và tán thán Ngài như sau:
Paripuṇṇakāyo suruciSujāto cārudassano;Suvaṇṇavaṇṇosi bhagavāSusukkadāṭhosi vīriyavā.Thân trọn đủ chói sáng,Khéo sanh và đẹp đẽ,Thế Tôn sắc vàng chói,Răng trơn, láng, tinh cần.Narassa hi sujātassaYe bhavanti viyañjanā;Sabbe te tava kāyasmiṃMahāpurisalakkhaṇā.Đối với người khéo sanh,Những tướng tốt trang trọng,Đều có trên thân Ngài,Tất cả đại nhân tướng.Pasannanetto sumukhoBrahā uju patāpavā;Majjhe samaṇasaṅghassaĀdiccova virocasi.Mắt sáng, mặt tròn đầy,Cân đối, thẳng, hoàn mỹ,Giữa chúng Sa-môn Tăng,Ngài chói như mặt trời.[20]
Như vậy, chúng ta thấy có rất nhiều điềm cát tường và vi diệu hiện ra khi một bậc vĩ nhân đản sanh. Nếu các Ngài chọn làm tại gia thì sẽ trở thành bậc Chuyển Luân Thánh Vương, trị vì khắp bốn châu thiên hạ với sự giàu có thịnh vượng, của cải vật chất phong phú, binh hùng tướng mạnh và danh tiếng lẫy lừng mà thế gian mong muốn; nhưng các Ngài đã từ bỏ các hạnh phúc ngũ dục đó để tìm một hạnh phúc cao thượng và giải thoát khổ miên viễn cho tất cả chúng sanh, tức là tìm con đường xuất gia học đạo, làm một mẫu mực đạo đức cho thế gian, một bậc thầy của trời người, một bậc tối tôn tối thượng giữa thế gian này. Cho nên sự xuất hiện của các ngài là một điểm sáng cho nhân loại noi theo, để thoát khỏi cảnh khổ trong sáu đạo. Vì thế, thật may mắn và phước báo cho chúng ta gặp được Tam Bảo, và để hôm nay chúng ta có cơ hội chào đón một vĩ nhân, một vị cứu tinh của nhân loại đã ra đời.
Nhân Đại lễ Vesak năm nay, chúng ta cùng ngồi lại tham khảo và nghiên cứu những điềm lành kỳ lạ tốt đẹp của đức bồ-tát lúc giáng sanh vào cõi nhân gian. Thiết nghĩ đó cũng là bài pháp đầy ý nghĩa mà Đức Thế Tôn giảng dạy cho tất cả chúng ta về tinh thần sống của người con Phật, cả xuất gia và tại gia, trong cuộc đời này: Hãy luôn sống vì sự an lạc, vì hạnh phúc của số đông; nếu không làm được vậy thì đừng bao giờ gây nên sự phiền toái, tổn hại cho mình, cho tha nhân, cộng đồng, xã hội và môi trường sinh thái.
Qua đó, chúng ta nỗ lực, tinh tấn thanh lọc tâm ý, hướng thiện và hướng thượng, tích tụ nghiệp tốt để một ngày nào đó có thể làm chủ được sự tái sanh, chủ động trong luân hồi sanh tử trầm luân đầy những bất trắc, để trọn vẹn đi trên con đường tự giác và giác tha.
Bhik. Samādhipuñño Định Phúc
[1] Dhp.82 - Pháp Cú Kinh số 182, trích Kinh Lời Vàng (TT. Giới Đức)
[2] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Một Pháp, Phẩm Một Người, Phần Như Lai (A.i.18)
[3] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Sela (Sn.565).
[4] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14)
[5] JA.i.53
[6] “Trong khi các người đàn bà khác, hoặc ngồi, hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát đứng mà sanh vị Bồ-tát” - Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).
[7] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).
[8] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).
[9] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).
[10] Đức Bồ-tát khi sanh ra chỉ có ba kiếp là có thể nói liền, đó là kiếp sanh làm hiền trí Mahosadha, kiếp sanh làm đức vua Vessantara và kiếp cuối này.
[11] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.15).
[12] The Great Chronicle of Buddhas, migun sayadaw (Đại Phật Sử - Mahābuddhavaṃsa, TK. Minh Huệ dịch Việt).
[13] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.685).
[14] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.688-689).
[15] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.693).
[16] Theo Chú giải Bộ Phật sử, trong kiếp cuối của vị Bồ-tát, không ai có thể xứng đáng để ngài đảnh lễ. nếu như đặt đầu của Bồ-tát dưới chân của vị đạo sĩ thì tức khắc đầu của vị ấy sẽ vị vỡ ra thành bảy mảnh.
[17] Rājā taṃ acchariyaṃ disvā attano puttaṃ vandi. (JA.i.54)
[18] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.692).
[19] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.698).
[20] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Sela (Sn.553-554-555).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
samadhipunno@yahoo.com