Câu chuyện hiện tại:
Sau khi giác ngộ, đức Phật đã trở về viếng
lại kinh thành Kapilavatthu lần đầu tiên theo lời thỉnh mời của phụ vương
Suddhodana. Các hoàng thân tộc Thích-ca của Ngài đưa Ngài đến Nigrodhārāma
nhưng không đảnh lễ Ngài vì kiêu mạn; họ xem Ngài như em cháu trong tộc, chỉ để
cho các hoàng thân trẻ tuổi đón tiếp Ngài mà thôi. Vì muốn xóa đi lòng ngã mạn
về dòng tộc nên Ngài thi triển Thần thông Song hành - Yamakapatihāriya[1].
Thấy
oai lực thần thông của Đức Phật, các Thích tử với sự hướng
dẫn bởi Phụ vương Suddhodana mới đến đảnh lễ Ngài. Vừa lúc ấy, một trận mưa bất
ngờ rơi xuống, gây nên những lời bàn tán sôi nổi giữa các vị hoàng thân về hiện
tượng kỳ lạ ấy.
Kế
đó, Đức Phật giảng kinh Vessantara Jātaka[2], Ngài dạy rằng trường hợp
tương tợ đã xảy ra trong một tiền kiếp, khi Ngài thuyết Pháp trước cử tọa gồm
họ hàng thân quyến.
Câu chuyện
tiền thân:
Bồ-tát Vessantara là vương tử của Vua Sañjaya trị vì
Sivi tại kinh thành Jetuttara và Hoàng hậu Phusatī, công chúa của Vua Madda. Ngài
được gọi như vậy vì Hoàng hậu hạ sanh ngài lúc đi qua khu phố Vessa (thương nhơn) trong thành
Jetuttara. Cũng trong ngày này, có Bạch tượng Paccaya (phương tiện) chào đời; là
một điềm lành. Lúc lên tám tuổi, Vessantara phát khởi tâm bố thí, bất kể tài
sản, tứ chi hay da thịt hoặc đôi mắt của mình và cả quả đất rung chuyển. Trưởng
thành, Vessantara thành hôn với Maddī và lên ngôi nối nghiệp vua cha. Vua
Vessantara có Hoàng tử Jāli và Công chúa Kaṇhajinā. Khi ngự trên ngôi báu, Vua
Vessantara không ngừng thực hành đại bố thí.
Khi ấy, cả kinh thành Kāliṅga bị nạn hạn hán lớn và
tám Bà-la-môn của quốc độ này đến xin Vessantara bố thí cho bạch tượng Paccaya,
vì được biết voi báu này có thần thông làm mưa. Dân chúng Jetuttara phản đối sự
bố thí này và yêu cầu Vua Sañjaya đày Vessantara lên núi Vaṅka. Trước khi ra
đi, Vessantara xin với Vua cha cho phép ông làm Lễ Đại bố thí bảy trăm món (Sattasataka)
và xin thần dân gia hạn cho ông một ngày vì việc này.
Lúc Vessantara giã từ thân tộc, Maddī xin được đem các
con theo cùng. Đức Bồ-tát, Maddī, Jāli và Kaṇhajinā lên xe rời kinh thành theo
con đường gian nan mà kẻ tù tội đi đày phải trải qua. Ra khỏi thành, Vessantara
gặp bốn Bà-la-môn xin ngựa; ngài bố thí ngựa. Một Bà-la-môn khác xin xe, ngài bố
thí xe. Thế là ngài và gia đình phải lội bộ ngang Suvaṇṇagiritāla, qua sông Kantimārā,
vượt hai núi Arañjara và Duniviṭṭha, trước khi đến làng của một người chú trong
vương quốc Ceta.
Khi đi trên đoạn đường này, một Dạ-xoa đã thu ngắn đoạn
đường để ngài và gia đình đi trong một ngày tới nơi, và đưa trái cây sà xuống
tầm tay để ông và gia đình dễ dàng trong việc hái ăn. Khi ấy, có 60 ngàn vị Sát-đế-lỵ
ra nghênh tiếp ngài và xin dâng hiến cho ngài quốc độ của mình, nhưng ngài từ
chối. Bồ-tát cũng không đi vào nội thành mà chỉ nghỉ ở ngoài phía cổng thành. Sáng
hôm sau, dân chúng Ceta hướng dẫn bởi Cetaputta tiễn đưa ngài đi một đoạn đường
tới bìa rừng. Vessantara cùng gia đình tiến lên đỉnh Gandhamādana , ở lại đó
ngày hôm ấy, hôm sau hướng về phía Bắc đi qua chân núi Vipula, nghỉ lại trên bờ
sông Ketumatī dùng bữa do người thợ rừng đãi. Từ đó, đoàn đi tiếp đến đồi Nālika,
rồi lần theo bờ hồ Mucalinda, tiến sâu vô rừng rậm, và đến núi Vaṅka.
Trên đỉnh Vaṅka đã có sẵn hai lều, một cho Bồ-tát Vessantara,
một cho Maddī và hai con, do Thiên tử Vissakamma kiến tạo theo lệnh của Thiên
chủ Sakka. Quanh lều ba dặm, các thú rừng đều trở nên hiền lành vì oai lực của Bồ-tát.
Mỗi ngày Maddī vô rừng hái trái để gia đình ăn qua ngày.
Bốn tháng trôi qua. Một hôm, có Bà-la-môn Jūjaka,
theo lời chỉ dẫn của Ẩn sĩ Accuta, đến từ Dunniviṭṭha để xin hai người con Jāli
và Kaṇhajinā về làm nô tỳ cho vợ ông là Amittatāpanā. Đêm hôm trước đó, Maddī
nằm mơ thấy ác mộng nhưng được Vessantara trấn an và vô rừng hái trái như
thường ngày. Ở nhà, Vessantara bố thí hai con. Lúc Bồ-tát Vessantara xối nước
lên tay Jūjaka để tượng trưng cho sự bố thí, quả đất rung chuyển vì hoan hỷ. Jūjaka
buộc dắt hai trẻ đi. Jāli và Kaṇhajinā run rẩy như đôi chim bị thương luôn muốn
chạy về phía cha, còn Bồ-tát vô lều khóc lên thảm thiết. Chiều tối, Maddī về
đến lều nhưng do nàng bị chư thiên giả dạng làm thú dữ cản đường nên về trễ
không thể thấy mặt con, lên tiếng hỏi; Bồ-tát im lặng. Nàng đi tìm con suốt đêm
tới sáng mới về, và bị bất tỉnh. Bồ-tát Vessantara ôm nàng vào lòng, lấy nước
rảy và xoa bóp để bà tỉnh dậy. Bấy giờ Bồ-tát mới kể chuyện xảy ra và nói rằng
nếu ngài không thể giữ tâm thanh thảnh khi bố thí các con thì việc thần kỳ hy
hữu kia đã không xảy ra. Nàng hoan hỷ và công nhận chồng mình đã bố thí một
cách cao quý.
Rạng đông, Thiên chủ Sakka xuất hiện giả làm một Bà-la-môn
đến xin Maddī. Bồ-tát nhìn Maddī, thấy nàng gật đầu nên ngài thanh thản trao
Maddī cho ông; quả đất lại rung chuyển. Sakka hiện hình, trả Maddī lại và cho Bồ-tát
tám điều ước. Bồ-tát ước nguyện: được phụ vương gọi trở về; không kết án tử
hình cho ai cả; cứu giúp mọi người; không tà dâm; con ngài sống đời lâu dài;
thực phẩm thần tiên xuất hiện mỗi ngày; thí vật đủ đầy mãi; và được giải thoát
lên cõi trời.
Trong khi ấy, Jūjaka đã đi được 60 dặm rồi; dọc
đường hai trẻ được thiên thần chăm sóc và bảo vệ. Dưới sự hướng dẫn của chư thiên,
sau 15 ngày đường, Jūjaka đến Jettuttara thay vì Kāliṅga như ông dự tính. Tối
hôm đó, Vua Sañjaya nằm mộng và được các nhà tiên tri đoán là người thân của mình
sắp trở về. Sáng ra thiết triều, ông thấy hai đứa trẻ đi cùng Jūjaka biết ngay
là cháu của mình nên nhận cháu và ban cho Jūjaka tòa lâu đài bảy tầng, vàng bạc
và cao lương mỹ vị. Ông ăn uống quá nhiều nên bị bội thực chết; tài sản ông
không ai thừa kế nên trở vô lại ngân khố của vua.
Sau khi nghe cháu phân bày tự sự, Vua Sañjaya ra
chiếu chuẩn bị đi đón Bồ-tátVessantara cùng vợ về triều: một đạo quân hùng mạnh
sẵn sàng, con đường Jetuttara-Vaṅkagiri rộng tám usabha được xây đắp; Jāli làm người hướng đạo. Bảy ngày sau, nhà
vua, hoàng hậu, Jāli và đoàn tuỳ tùng long trọng làm lễ lên đường; có cả Bạch
tượng Paccaya nữa.
Gặp lại nhau, hoan hỷ lớn, sáu vị thân vương cùng
tuỳ tùng đều nằm bất tỉnh. Sakka đổ một trận mưa làm hồi tỉnh mọi người. Mưa
chỉ làm ướt người nào muốn ướt. Sau đó Vessantara đi nhiễu quanh am lá ba lần,
nơi ông đã tu tập khổ hạnh chín tháng rưỡi, và đạt pháp tối thượng về Bố thí Ba–la–mật;
quả đất lại rung chuyển một lần nữa vì oai đức của Bồ-tát. Tiếp theo quần thần
rảy nước lên Bồ-tát làm lễ quán đảnh phong vương: ngài lên ngôi trị vì Sivi với
Maddī làm chánh hậu. Đại vương Vessantara và Hoàng hậu Maddī được phụ vương và
tuỳ tùng bày đủ trò tiêu khiển trong suốt một tháng trên đường trở về kinh đô.
Ngày Bồ-tát trở về kinh thành Jettuttara, ngài mở
cuộc ân xá tất cả tội phạm, ngay cả đến con mèo bị nhốt cũng được thả ra. Đêm
đến, nằm nghĩ làm thế nào để ban bố cho kẻ cầu ân, Bồ-tát được Thiên chủ Sakka
đổ xuống cho trận mưa bảy báu ngập lên tới đầu gối. Nhờ đó, Đại vương
Vessantara tiếp tục làm công quả bố thí cho đến trọn đời. Sau khi thân hoại
mạng chung, Đại vương Vessantara sanh lên cõi Tusita
Nhận diện tiền thân:
Jūjaka là Devadatta; Amittatāpanā là Ciñcā;
Cetaputta là người hầu Channa; Accuta là Tôn giả Sāriputta; Sakka là Tôn giả Anuruddha; Sañjaya là đức vua
Suddhodana; Phusatī là hoàng hậu Mahāmāyā; Maddī là công chúa Rāhulamātā; Jāli là
hoàng tử Rāhula; Kaṇhajinā là Tỳ-khưu ni Uppalavaṇṇā.
Ðường tu bố thí đứng đầu
Vị tha là tánh vô cầu là tâm
Không vì thương ghét sơ thân
Bàn tay ban bố nào phân biệt gì
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ
Vị tha là tánh vô cầu là tâm
Không vì thương ghét sơ thân
Bàn tay ban bố nào phân biệt gì
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ
( www.phapluan.com )
0 nhận xét