VU LAN - MÙA BÁO HIẾU



Hằng năm, cứ vào mùa mưa là chúng ta bắt đầu cho một mùa Vu Lan báo hiếu. Tuy đây không phải là một lễ nghi truyền thống tôn giáo mà chỉ là một hành động, một việc làm để gợi nhớ nơi những đứa con về công sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đó cũng là một truyền thống của dân tộc Việt Nam ta, truyền thống về tinh thần hiếu thảo của người con giống tiên rồng.
Vu Lan, hai tiếng đã trở nên quá quen thuộc không chỉ đối với hàng Phật tử mà còn quá gần gũi đối với hầu hết những người dân Việt chúng ta. Trên thế giới, các nước phương Tây có một ngày dành riêng cho mẹ (ngày chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng 5) nên gọi là Mother's Day; còn đối với cha cũng có một ngày riêng (ngày chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng 6) nên gọi là Father's Day. Còn ở Việt Nam chúng ta thì một ngày để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ chính là ngày Vu Lan Báo Hiếu (rằm tháng 7 âm lịch).
Vu Lan, nếu nói cho đủ chữ, đủ nghĩa thì phải gọi là Vu Lan Bồn, theo tiếng Pāli thì được phiên âm từ chữ Ullumpana, xuất phát từ động từ ullumpati, có nghĩa là cứu vớt; còn tiếng hán có nghĩa là Đảo Huyền; tức là lễ cứu vớt những vong nhân đang bị đọa xứ khổ cảnh.
Trong những năm gần đây, lễ Vu Lan dường như trở nên phổ biến, phát triển rộng rãi trong hàng Phật tử với nhiều việc làm thiết thực mà chúng ta có thể thấy rõ nhất là việc cúng dường trai đàn, đặt bát cúng dường đến chư Tăng...
Những việc làm đó, phải chăng đã đủ để chúng ta đền đáp công ơn sanh thành? Nếu nói cho cùng, những việc làm đó, so với công lao của cha mẹ cũng giống như là so sánh một hạt mưa với những trận mưa ngâu của tháng 7 vậy. Làm sao mà so sánh được. Ân sanh thành, giáo dưỡng của cha mẹ đối với chúng ta quá to lớn, quá bao la, quá vĩ đại thì những việc làm đó làm sao mà đền đáp được. Bởi lẽ thế, Đức Phật, ngài là bậc thầy của Chư Thiên và Nhân loại, Ngài đã thấy như vậy nên đã từng khuyên dạy các hàng đệ tử như sau :
"Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này."
Đã là con người, được sinh ra trong thế gian, được đi-đứng-nằm-ngồi thì không ai là không có cha mẹ, ai cũng được cha mẹ sanh ra và lớn lên nhờ cha mẹ, dẫu rằng ai đó là một đứa con ngoài ý muốn, hoặc sanh ra đã không biết mặt cha mẹ đi chăng nữa thì thịt xương này, hơi thở này, hình hài này vẫn là của cha mẹ tạo ra cho chúng ta. Chín tháng cưu mang, bao năm bồng bế, bao năm cho bú mớm, rồi lớn lên phải cho ăn học, phải lo cơm áo, gạo tiền cho con... Bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta tri ân đối với song thân, người đã tạo ra cho ta hình hài này để hiện diện trên thế gian này.
Ân đức của cha mẹ được ca dao ví như sông núi, như bầu trời bao la, như suối nguồn vô tận. Có biết bao lời ca tiếng hát để ca ngợi tình thương con của cha mẹ dành cho con, rồi ca dao tục ngữ... Thế nhưng, bấy nhiêu thì làm sao diễn ta được hết tình thương con của cha mẹ.
Chỉ có Đức Phật, ngài đã nêu lên cho chúng ta 3 ân đức của cha mẹ mà một người con đáng phải cung phụng, cúng dường đến cha mẹ :
Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.
Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.
Mẹ cha gọi Phạm Thiên, Bậc Ðạo sư thời trướcXứng đáng được cúng dườngVì thương đến con cháuDo vậy, bậc Hiền triếtÐảnh lễ và tôn trọngDâng đồ ăn đồ uốngVải mặc và giường nằmThoa bóp (cả thân mình) Tắm rửa cả tay chânVới sở hành như vậy, Ðối với mẹ chaÐời này người Hiền khenÐời sau hưởng Thiên lạc
Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta cần phải nhìn nhận là đôi lúc chúng ta hơi thiên vị khi nói về tình mẹ nhiều hơn là nói về tình cha. Có lẽ, bởi vì từ lúc chào đời, chúng ta đã gần gủi với mẹ, được mẹ ẵm bồng, được mẹ cho bú mớm, được mẹ ru ngủ nên ta cảm thấy mẹ gần gũi hơn là cha. Với đôi mắt nghiêm khắc của cha, với những lời trách mắng cộng với những lằn roi của cha thì làm sao mà người con không thương mẹ nhiều hơn là cha chứ.
Nhưng, nếu suy xét cho cùng, ân cha và nghĩa mẹ thì khó mà so sánh được. Mẹ ngày nào cũng ở nhà lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, để rồi từng đêm trăn trở, ngủ không yên khi chăm sóc cho con những lúc bệnh hoạn ốm đau. Còn cha thì sao? Nếu không có cha đi làm bên ngoài thì làm sao mình được như thế này. Cha bên ngoài vất vả với công việc để rồi mong đến giờ về vui đùa với con, dù công việc cực nhọc đến đâu cũng khó mà thấy được cha buồn khi nói chuyện với con. Tình cảm của một người đàn ông khó mà bộc lộ ra bên ngoài như phụ nữ. Một ngày nào đó, khi cha tuổi già sức yếu, cha qua đời hoặc là đến lúc chúng ta được lên chức làm cha thì mới nhận ra được tình cảm của cha đối với mình là thế nào.
"Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha chết gót con lấm bùn".
Trong kinh tạng còn lưu lại câu chuyện về một vị vua có công lao rất lớn trong việc hộ độ và hoằng truyền Phật pháp. Đó là đức vua Ajātasattu (A-xà-thế), con của đức vua Bimbisāra (Bình-sa-vương), trị vì xứ Magadha, thủ đô là kinh thành Rājagaha.
Thái tử Ajātasattu bị Tỳ-kheo Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) dụ dỗ, thuyết phục nên đã lập âm mưu giết vua cha soán ngôi. Âm mưu đó bị lộ, vua cha biết được, vậy mà đức vua không những không phạt tù con mà còn chấp nhận thoái vị, nhường ngôi cho thái tử. Sau khi lên ngôi, thay vì lo chăm sóc vua cha lúc tuổi đã lớn, đằng này vị tân vương A-xà-thế lại nhẫn tâm đem tống giam vua cha vào ngục thất. Ban đầu còn cho mẫu hậu vào thăm, đem thức ăn, thức uống nhưng về sau thì không cho đem vật thực gì vào thăm hết, chỉ được vào thăm tay không. Hoàng hậu chịu không xiết khi thấy chồng bị đói nên giấu vật thực vào búi tóc trên đầu để vào thăm vua. Việc bị lộ, hoàng hậu phải làm cách khác. Hoàng hậu cho thoa bơ và mật ong trên mình khi vào thăm mua. Khi vào bên trong sẽ cạo lấy phần bơ và mật ong để đức vua lót dạ. Ông vua con biết được, cấm không cho hoàng hậu vào thăm vua cha. Đức vua ajātasattu vì muốn giết vua cha luôn nên sau đó cho người vào ngục thất dùng dao rạch gót chân phụ hoàng của mình, xát muối vào và hơ trên lửa nóng. Quả là một hình phạt đau đớn, dã man, và khinh khủng nhất là chính người con đang đối xử với cha của mình như vậy. Vì đau đớn không chịu được nên cuối cùng đức phụ hoàng Bimbisāra đã băng hà nơi ngục thất.
Ngày mà đức phụ hoàng băng hà thí cũng chính ngày đó là ngày mà đức vua A-xà-thế lần đầu tiên được làm cha. Lúc đó đức vua mới cảm nhận được tình cảm của cha đối với con là thế nào qau lời kể của mẫu hậu.
Đức vua không hề biết rằng, ngày xưa, khi mang thai mình, hoàng hậu có một món rất là thèm, đó là thèm uống máu trên đầu ngón tay của đức vua. Chính vì điều này mà mọi người tiên đoán rằng hoàng tử sau này sẽ giết cha soán ngôi. Hay tin đó, hoàng hậu toan giết con đang còn trong bụng nhưng đức vua ngăn cản đôi lần. Vì lòng thương yêu đứa con đang nằm trong bụng nên đức vua chấp nhận sự việc sau này dù có thế nào đi nữa.
Khi hoàng tử lớn lên được một chút, lấy đó, tay của hoàng tử bị nổi nhọt, rất là đau nhức, đau đến nổi la khóc suốt và không ngủ được. Vua cha xót ruột quá nên lấy tay ngậm nhẹ vào miệng của mình để con không đau nhức mà ngủ yên. Lúc bấy giờ, nhọt đã chín mùi nên nhọt bị bể ra, máu mủ chảy trong miệng của đức vua. Đức vua vì thương con, nên ngậm và nuốt luôn phần máu mủ đó, vì sợ khi nhổ ra thì con sẽ đau đớn và không ngủ được. Tình cha vĩ đại chính là thế. Đến bây giờ đã hiểu ra thì muồn rồi. Phụ hoàng đã hóa ra người thiên cổ.
Vua A-xà-thế là một điển hình, chúng ta hãy lấy đó là một bài học để đừng bao giờ giẫm phải vết sai lầm đó thêm nữa. Chúng ta hãy là những đứa con ngoan, những đứa con có hiếu với cha mẹ, dù đáp đền không thể nào hết được nhưng đó là một việc làm cao quý, một đặc hạnh cao quý mà ít người nào có được. Vì sao vậy? Bởi vì Đức Phật dạy rằng người có hiếu trên thế gian này rất ít mà người bất hiếu thì rất nhiều. Đó là lời Phật dạy.
"- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy lên trên đầu móng tay, hay là quả đất lớn này?
- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này. Còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy lên trên đầu móng tay. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với cha. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với cha".
Đúng như vậy, xã hội chúng ta ngày nay là một xã hội phát triển, nhưng mà càng phát triển về vật chất thì đạo đức càng suy sụp. Đó là một điều tất yếu và là một thực tế mà chúng ta cần nhìn nhận.
Chúng ta không cần phải lo nhà cao cửa rộng mới gọi là báo hiếu, cha mẹ không cần chúng ta đưa tiền để rồi chúng ta bỏ cha mẹ lại chúng già yếu không ai chăm sóc. Những việc làm đó xem ra quá bất nhân, bất hiếu. Vậy, làm thế nào mới có thể được gọi là báo ân cha mẹ một cách chính xác theo tinh thần của chữ hiếu?
"Này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha".
Làm theo lời Phật dạy chính là chúng ta báo hiếu cha mẹ một cách thiết thực nhất. Vì thực hành theo giáo pháp chỉ có đi lên chứ không bao giờ đi xuống các con đường ác đạo. Và người con nào muốn báo hiếu cha mẹ thì hãy tiếp độ, hướng dẫn cha mẹ đi theo con đường chánh pháp. Chỉ có chánh pháp mới đưa chúng sanh thoát khỏi cái sanh tử và đưa đến một hạnh phúc tuyệt đối, một hạnh phúc vượt ngoài tất cả hệ lụy.
Chẳng những chỉ có thế, người con khi đối xử với cha mẹ cũng nên hành theo 5 bổn phận mà Đức Phật đã dạy cho thanh niên Siṅgala trong Trường Bộ Kinh.
5 bổn phận của con đối với cha mẹ như sau :
- Con cái phải có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
- Con cái phải có trách nhiệm làm việc thay thế cha mẹ.
- Con cái phải có trách nhiệm giữ gìn truyền thống tốt đẹp gia đình.
- Con cái phải có trách nhiệm tỏ ra là người xứng đáng thừa tự tài sản cha mẹ để lại.
- Con cái phải có trách nhiệm làm phước và hồi hướng phước báu đến cha mẹ khi cha mẹ đã quá vãng.
Đó là bổn phận của con đối với cha mẹ, vậy nếu những người con không còn cha mẹ thì sao?
Ngày lễ Vu Lan, người con còn mẹ thì cài cành hoa hồng, tượng trưng cho sự hạnh phúc khi còn mẹ; người con nào cài hoa trắng thì không còn mẹ. Vậy nếu như không còn cha thì cài hoa gì?
Khi tôi sinh ra, có mặt được trong cuộc đời này, tôi đã không thể nào biết được cha của mình. Lúc tôi cất tiếng khóc chào đời thì tôi không biết gì hết nhưng lúc lớn lên, khi đi học với những bạn đồng lứa thì tôi mới cảm nhận được mình đã và đang thiếu một cái gì đó. Các bạn tôi ra về ai cũng có cha mẹ đón, còn tôi, không phải cha mẹ đón tôi mà bà ngoại đón tôi.
Cha mẹ tôi ly thân với nhau lúc nào không biết nhưng tôi chỉ biết là tôi không ở gần bên cha. Mấy năm sau khi ra đời, tôi lại không được gần bên mẹ. Mẹ tôi ra đi với một vùng đất mới, để tôi lại cho bà ngoại.
Vậy là tôi không sống chung với cha mẹ từ nhỏ. Ngoại nuôi tôi và dạy tôi lớn thành người như bây giờ. Lâu lâu, khi xem qua một bộ phim, hoặc biết được hoàn cảnh của ai đó như tôi, tôi cũng có chút chạnh lòng. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa hề được ngồi ăn cơm với gia đình, chưa hề được cha mẹ dẫn đi sắm đồ tết, thậm chí là hỏi han việc học tập… nhiều lắm, còn nhiều cái mà người con không còn cha mẹ bị thua sút lắm.
Khi lớn lên, tôi biết được Giáo Pháp này và xin phát nguyện xuất gia, lúc đó gia đình không chấp nhận. Qua vài năm thuyết phục, thậm chí bỏ nhà đi để áp lực với gia đình thì tôi được chấp nhận cho đi xuất gia.
Ngày tôi vào chính thức được đắp chiếc y mà tôi hằng mong ước, mẹ tôi vào tham dự cùng với ngoại. Ngoại không khóc nhưng tôi biết ngoại đã khóc rất nhiều vì tôi. Còn mẹ, mẹ khóc rất nhiều. Tôi không dám đứng gần, tôi sợ tôi sẽ…
Vài năm sau đó, tôi biết được tin tức của cha và báo cha biết là tôi đã đi tu. Cha buồn vì không ngờ tôi lại như thế. Chỉ vài tháng sau thi nhận được tin cha bệnh nặng, đang hấp hối. Tôi lên ghé thăm. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tận mặt cha của mình. Hai mươi năm trời, một khoảng thời gian không ngắn của đời tôi. Cuối cùng cha tôi cũng đã ra đi, nhưng bù lại tôi biết mặt cha và cha cũng biết tôi đang làm gì.
Đến nay đã 5 năm, kể từ ngày tôi được xuất gia đến giờ, tôi ít khi nào liên lạc với gia đình. Có dịp lâu lâu thì thăm chút thôi rồi đi. Mỗi lần về, tôi nhận thấy ngoại già hơn rất nhiều, tôi thương ngoại lắm nên cố gắng học, cố gắng tu. Ngày xin đi tu, ngoại không cho vì sợ "nửa đường gãy gánh" nhưng tôi cố gắng thuyết phục mới được.
Đường càng dài càng mệt mỏi, tôi khắc ghi những lời ngoại nhắn nhủ trước lúc đi xa, đó là vốn hành trang của tôi trong những lúc xa nhà.
Không phải tôi nêu ra chuyện cá nhân để mọi người thương xót, mà tôi muốn nêu ra để lấy chính tôi làm ví dụ cho đề tài mà tôi muốn nói nhân lễ Vu Lan năm nay. Đó cũng là món quà tri ân tôi dành cho ngoại, đến cha mẹ của tôi trong vô lượng kiếp luân hồi.
Xin kính dâng những phước báu nào mà tôi đã tạo đến các bậc song thân, bậc hữu ân của tôi trong kiếp hiện tại cũng như quá khứ, cầu mong cho các vị đó luôn được sự an vui, tiến hóa trong Giáo Pháp này.
Vĩnh Long, Vu Lan 2553.

Tags: ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com