MÓN NỢ ÂN TÌNH


Sông dài sánh với núi cao
Đạo mầu đền đáp ân sâu mẫu từ
TÔN GIẢ SĀRĪPUTTA TRƯỚC KHI VIÊN TỊCH
CỐ GẮNG VỀ QUÊ ĐỂ ĐỘ THÂN MẪU.


Hiếu dưỡng với bậc sanh thành là một trong những chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam chúng ta, ngoài ra đó còn là một trong những bổn phận cao cả và thiêng liêng của người con Phật. Cha Mẹ đã sinh ra ta, nuôi lớn ta, để ta có mặt trong cuộc đời này, ân tình đó dù chúng ta có làm cách nào đi nữa thì cũng khó mà đền đáp được. Đức Phật đã dạy:
Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, Mẹ Cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ Mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí Cha Mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ Mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, Cha Mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này[1]...
Cho dù chúng ta là những người con chí hiếu, chúng ta là bậc đế vương, tiền bạc cao ngất như núi, đem hết mọi thứ sang trọng, quý báu cụng phụng Cha Mẹ thì cũng không thể nào đền đáp được thâm ân của Cha Mẹ đối với ta. Vì ân đức của Cha Mẹ và những gì Cha Mẹ hy sinh cho con cái quá lớn, quá bao la đến nỗi không thể đong đếm được, không thể bàn đến được.
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, sữa Mẹ mà các Ông đã uống trong khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?

- Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa Mẹ mà chúng con đã uống trong khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển!
- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Lành thay, này các Tỷ-kheo, các Ông đã hiểu như vậy Pháp do Ta dạy! Cái này là nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, tức là sữa Mẹ mà các Ông đã uống trong khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển[2].
Là người con của Cha Mẹ, chúng ta cũng vừa là con Phật, ngoài việc cung phụng, hiếu thuận với Cha Mẹ, song song đó chúng ta cần phải hướng Cha Mẹ đến với Tam Bảo, có niềm tin nơi Tam Bảo và thực hành theo lời Phật dạy. Vì những món ngon vật lạ hay trân châu quý báu, có cho đến Cha Mẹ cũng chỉ hưởng trong một thời gian ngắn ngủi của kiếp này, sau kiếp này thì những món đó chẳng có tác dụng gì với Cha Mẹ cả. Là người con Phật, mình hướng tâm Cha Mẹ đến tam bảo, để Cha Mẹ biết cách tạo phước báu, an trú Cha Mẹ vào trong tín, giới, thí và tuệ. Đó mới là cách báo hiếu tròn vẹn đến Cha Mẹ.
Này các Tỷ-kheo, ai đối với Cha Mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với Mẹ Cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với Mẹ Cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với Mẹ Cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ Mẹ và cha[3].
Cuộc đời của Ngài Sāriputta, bậc Tướng quân Chánh Pháp, cả cuộc đời Ngài là vầng sử rạng ngời đáng cho hang hậu học kính nể và nương theo tu học. Một câu chuyện ghi lại, Ngài đã giúp tế độ cho người thân mẫu của Ngài vào một kiếp quá khứ xa xưa, như là đáp trả món ân tình đã vay mượn từ thuở nào.
Một thuở nọ, Tôn giả Sāriputta, Tôn giả Mahāmoggallāna, Tôn giả Anuruddha và Tôn giả Kappina trú tại một khu rừng không xa Vương Xá thành lắm. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta đang đi kinh hành trong đêm, có một nữ dạ xoa muốn đi đến yết kiến với Tôn giả nhưng các vị chư thiên bảo vệ tịnh xá không cho dạ xọa vào bên trong. Nữ dạ xoa nói với các chư thiên rằng : mình là Mẹ của Tôn giả cách đây bốn kiếp về trước nên xin các vị ấy cho vào trong để thăm viếng ngài Tôn giả. Chư thiên nghe vậy cho nàng vào. Khi đã vào, nàng dạ xoa ấy đã hiện hình ra trước mặt Tôn giả ngay tại cuối con đường kinh hành. Nàng thuật lại câu chuyện quá khứ của mình, do đã tạo ác nghiệp mắng chửi, nguyền rủa các vị xuất gia nên phải chịu cảnh khổ như thế này. Dạ xoa cầu xin Tôn giả bố thí cúng dường vật thực và hồi hướng phước đến cho mình để thoát khỏi sự đau khổ.
Sáng hôm sau, nhân khi đi khất thực trong thành Vương Xá, các ngài đến gặp vua Bình-sa, và Tôn giả Mahāmoggallāna thuật lại câu chuyện ấy cho vua nghe. Nhà vua hoan hỷ phát tâm trong sạch hứa sẽ giúp Tôn giả Sāriputta. Vua truyền lệnh cho các quan dựng bốn tịnh thất trong khu rừng ngoại thành, và sửa soạn vật thực, đồ ăn, thức uống và y phục. Sau đó, nhà vua chuyển toàn bộ những thứ ấy đến Tôn giả Sāriputta. Nhân danh Mẹ của mình, Tôn giả Sāriputta bố thí cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn, rồi hồi hướng công đức phước báu đến cho bà. Nhờ đó, bà được tái sinh vào cõi Trời Phạm Thiên[4].
Đó là món nợ còn thiếu trong quá khứ xa xưa, còn đối với món nợ ân tình của Ngài trong kiếp này, trước khi viên tịch Níp-bàn, Tôn giả Sāriputta đã thực hiện một chuyến du hành cuối cùng trong vòng luân hồi để Ngài trở lại quê hương, nơi ngôi làng cũ, nơi chăn nhà mà Ngài đã sinh ra để tế độ thân mẫu.
Thân mẫu của ngài tên là Rūpasārī, là một tín đồ thuần thành của Bà-la-môn giáo, mặc dù bảy người con[5] yêu quý của bà đều xuất gia trong Giáo pháp của đức Phật và đều đắc thánh quả A-la-hán nhưng bà không có niềm tin nơi Tam Bảo và cũng rất không thích chư Tăng. Vì bà nghĩ rằng, chính đức Phật và những vị đệ tử Phật đã lôi kéo những đứa con trai, con gái bỏ bà để đi xuất gia.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta tuổi đã cao, sức khỏe đã ngày càng suy kiệt, Ngài biết rằng nhân duyên của mình sắp mãn nên đã xin phép đức Phật về quê hương tiếp độ mẫu thân và viên tịch tại nơi đó.
Tôn giả từ giã đại chúng và dẫn theo 500 Tỳ-kheo về quê hương mình. Trên đường về gần đến ngôi làng thuở xưa của mình, Tôn giả gặp đứa cháu trai và bảo người cháu về thông báo với Mẹ Ngài rằng: Tôn giả Sāriputta đã trở về và xin ở lại căn phòng thuở xưa lúc Ngài chào đời. Người cháu vô cùng mừng rỡ, vội vàng chạy về báo tin. Dù rằng bà Sārī rất ghét Tăng đoàn, rất giận người con cả, nhưng lòng yêu thương con không bao giờ vơi cạn, bà đổi giận làm vui để tiếp đón chư Tăng. Tối đêm ấy, ở ngay căn phòng thuở xưa lúc chào đời, Tôn giả đã trở bệnh kiết lỵ. Lúc bấy giờ, có vị thị giả đang hầu hạ, cứ vào ra với những cái bô trên tay. Bà sārī rất quan tâm đến người con cả, nhưng vẫn còn đứng ở bên ngoài phòng của Tôn giả quan sát.
Khi ấy, các vị thiên vương, thiên chủ,phạm thiên lần lượt hiện vào phòng để kính lễ tôn giả, hào quang của các vị ấy làm cho cả căn phòng và khu vườn nơi Tôn giả Sāriputta đang ở sáng rực hào quang. Sau khi các vị Thiên chủ đã ra đi, bà vội vàng vào phòng của Tôn giả để hỏi thăm về những vị trời ấy. Tôn giả đã từ tốn giải thích đó là những vị trời nào, sự hộ pháp của họ ra sao, đã hầu hạ đức Phật trong lúc đản sanh, sự thưa thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân lúc mới thành đạo như thế nào, v.v… Nghe xong, vô cùng kính phục, bà không ngờ người con của mình cao cả đến độ các vị trời cao quí, ngay cả đến Đại phạm thiên, Brahma (vị trời cao cả nhất, tối thượng nhất mà cả dòng tộc bà cũng như bản thân bà luôn kính ngưỡng phụng thờ, cầu nguyện hàng trăm năm nay) lại chỉ là người hầu của con mình, là đệ tử của đức Thế Tôn. Trong tâm bà phát khởi tín tâm, suy nghĩ: “Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực vô biên của đấng Bổn sư của con mình còn to lớn biết chừng nào!”
Bằng sự kính ngưỡng cao cả chưa từng có, đồng thời nghe xong bài pháp ngắn về công đức Phật, Pháp, Tăng của Tôn giả, toàn thể châu thân bà Sàri rúng động, niềm tin tối thượng về đức Phật, về người con vĩ đại của mình, cũng như về Tam Bảo. Niềm hoan hỷ, an lạc bất tận phát sinh đến từng chân tơ kẻ tóc, bà đã chứng đắc được quả vị Tu-đà-hoàn, chính thức bước vào dòng Thánh, chắc chắn sẽ đạt đến giải thoát, an lạc.
Quá xúc động, bà Sàri đã thốt lên với Tôn giả: : "Này người con đáng kính của Mẹ! Này ngài Upatissa, tại sao trong suốt những năm qua con không ban bố cho Mẹ một sự hiểu biết bất tử này?"
Khi biết thân mẫu của mình đã đạt được thánh trí, ngài bèn nghĩ: "Giờ thì ta đã đền đáp xong công ơn sinh thành của người Mẹ ta rồi, người thiếu phụ Bà-la-môn mà trước đây dân làng ai cũng tôn kính và đều gọi là Rūpasārī. Chính nhờ bà, ta đã nên người. Pháp bảo mà ta vừa giảng cho bà thế là đủ".
Đáp trả xong món nợ ân tình ngày nào, trách nhiệm của Ngài đã xong, phận sự cũng chẳng còn gì để làm, Ngài đã viên tịch Níp-bàn không còn dư sót chút đau khổ nào. Ngày đó nhằm ngày trăng tròn tháng Kattika (khoảng tháng 10 âm lịch).
Toàn bộ cuộc đời Ngài đã cống hiến hết cho sự nghiệp hoằng pháp, là bậc Tướng quân Chánh Pháp, bậc Thượng thủ Thinh văn bên tay phải của đức Thế Tôn, vậy mà đến phút cuối cuộc đời, Ngài vẫn không quên báo đáp thâm ân của đấng sinh thành. Chúng ta hãy noi gương ngài, hãy mau mau quay về đáp đền ân tình của Cha Mẹ trước khi quá muộn màng.




[1] Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Hai Pháp, Phẩm Tâm Thăng Bằng, Phần Ðất.
[2] Tương Ưng Bộ Kinh 2, Chương IV - Tương Ưng Vô Thỉ, Phẩm Thứ Nhất, Phần Sữa.
[3] Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Hai Pháp, Phẩm Tâm Thăng Bằng, Phần Ðất.
[4] Chú giải Ngạ quỷ sự. Tích truyện Ngạ quỷ Mẹ của Ngài Xá-Lợi-Phất.
[5] Bà có bảy người con tất cả: Sāriputta, Upasena, Mahācunda, Revata Khadiravaniya, Cālā, Upacālā và Sisūpacālā.
Tags: , , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com