CUỘC ĐỜI TÔN GIẢ VAPPA


1. Gia thế:
Trưởng lão Vappa cũng là một trong năm vị thuộc nhóm năm đạo sĩ khổ hạnh (pañcavaggiya) do ngài Kiều-Trần-Như (Koṇḍañña) dẫn đầu, từng tu khổ hạnh, tinh tấn ép xác với đạo sĩ Gotama (Cồ-Đàm). Ngài Vappa là con trai của ông bà-la-môn Vāseṭṭha, một người Bà-La-Môn danh tiếng, sống trong kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu).
2. Xuất gia:
Khi đạo sĩ A-tư-đà (Asita) báo tin cho những bạn hữu thông thái biết rằng, Thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhattha) đã ly gia cắt ái, rời khỏi cung điện, sống đời đạo sĩ, và sẽ thành Phật, Vappa cùng vị Bà-la-môn khác, do ngài Kiều-Trần-Như (Koṇḍañña) dẫn đầu, liền noi gương, lên đường tìm nơi ẩn dật tu tập. Sau đó, Vappa đã họp đoàn, cùng hành đạo khổ hạnh với Bồ-tát Cồ-đàm, suốt sáu năm trường, cùng tu hạnh ép xác một cách cùng tột không thối chí
Sáu năm trôi qua, với ý chí kiên cường nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Trong lúc thân thể suy nhược cùng cực, Ngài nhận thấy lối tu khổ hạnh chỉ giúp người tu diệt trừ các dục vọng, làm chủ các đòi hỏi của thân xác; nhưng với thân thể suy yếu, tâm thức không thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn. Đức Bồ-tát đã tìm ra sự sai lầm trong cách tu khổ hạnh, thấy sự lầm lạc trong phương pháp đi tìm pháp giác ngộ của mình trong những năm qua, rồi Ngài nhận định rằng: với tấm thân cạn kiệt và mòn mỏi như thế này, không thể hoàn toàn sáng suốt, một sức khỏe thích nghi rất cần thiết để thành đạt tiến bộ tinh thần nên quyết định không nhịn đói nữa mà dùng những vật thực thô và cơm chua. Nhóm năm vị đạo sĩ thân tín đồng tu với ngài bấy giờ lâu nay theo hầu cận với bao nhiêu hy vọng, nay thấy Ngài đột ngột thay đổi phương pháp tu tập như vậy thì lấy làm thối chí, họ cho rằng: “Sa-môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc[1] rồi họ cùng nhau bỏ Ngài ra đi về hướng Isipatana tiếp tục theo đuổi pháp tu khổ hạnh của mình.
Sau khi đắc đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật đến Isipatana Chuyển Pháp Luân để tiếp độ các vị đồng tu ngày xưa, trong ấy có Vappa. Năm ngày sau bài kinh Chuyển pháp luân[2], Vappa và bốn đồng tu được đức Phật thuyết bài kinh Vô ngã tướng - Anattalakkhaṇasutta và đắc được quả A-la-hán.
Kho tàng kinh điển Pāli không thấy ghi lại nhiều sự kiện về Tôn giả Vappa cũng như sự kiện tôn giả viên tịch Níp-bàn ở đâu và khi nào.
3. tiền thân:
Cũng rất là hạn chế trong việc kiếm lại các câu chuyện tiền thân và công đức tu tập, hạnh nguyện của Tôn giả Vappa trong quá khứ. Có thể tìm thấy duy nhất trong Chú giải Trưởng lão tăng kệ ghi lại rằng: tiền kiếp của Tôn giả Vappa đã phát nguyện trở thành một trong những vị đệ tử đầu tiên của vị Phật Chánh Đẳng Giác là vào thời kỳ của đức Thế Tôn Padumuttara[3]. Và do thiện nghiệp tích trữ nhiều kiếp, ngài đã nhiều lần sanh làm vua với vương hiệu là Mahādundubhi tất cả là 16 lần.
Mặc dù kinh điển không ghi lại nhiều về cuộc đời cũng như hành trạng của Ngài nhưng những gì mà Ngài đã tạo trữ, tu tập và đến kiếp này thì ngài đã viên tròn hạnh nguyện, trở thành một vị Thánh vô lậu thoát khỏi dòng khổ đau luân hồi sanh tử.



[1] Trung bộ kinh, Đại kinh Saccaka (M.36)
[2] Tiểu bộ kinh, Trưởng lão tăng kệ, phẩm bảy, Trưởng lão Vappa (Thag.9)
[3] ThagA.i.151
Tags: , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com