Kỳ ảo Hòn Đá Vàng trên đỉnh núi Kyaiktiyo

Myanmar là vùng đất thiêng của Phật giáo với những ngôi chùa Vàng, các vị sư áo đỏ và những tu viện cổ kính.
Bên cạnh đó, rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp của quốc gia này cũng là điểm nhấn níu chân khách đường xa. Và một trong những điểm đến ấn tượng nhất của đất nước này đó là Chùa Kyaiktiyo - nơi có Hòn Đá Vàng khổng lồ nằm chênh vênh trên mỏm núi.

Nằm cách Yangon hơn 200km, cùng với ngôi chùa nhỏ bé Kyaiktyo, Hòn Đá Vàng đã tạo nên một quần thể di tích vô cùng độc đáo. Thánh tích này được xây dựng vào năm 574 và được xem như một trong những kỳ quan của vùng Đông Nam Á.
Theo truyền thuyết trong lần đức Phật đến đây truyền đạo, ông đưa cho tu sĩ Taik Tha một sợi tóc. Tu sĩ giấu sợi tóc trong tóc của mình, sau đó trao cho nhà vua với mơ ước rằng “sợi tóc sẽ được cất trong một hòn đá có hình dáng giống như cái đầu của vị tu sĩ”. Nhà vua không thể tìm đâu ra một hòn đá như thế, phải nhờ cha mẹ (thần Zawgyi và nữ thần Naga) tìm giúp. Hai vị thần này đã tìm ra hòn đá dưới lòng đại dương. Hòn đá được đưa lên và đặt ở đồi Kyaikhtiyo. Sợi tóc của đức Phật được cất vào hòn đá và ngôi chùa nhỏ đã được xây dựng lên mang tên Kyaikhtiyo. Theo tiếng của người Mon, Kyaik có nghĩa là chùa và Htiyo là “mang cái đầu của vị tu sĩ”. Kyaikhtiyo có nghĩa là “ngôi chùa được đặt trên cái đầu vị tu sĩ”.
Chùa Đá Vàng Kyaiktiyo là một trong 3 điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Myanmar (xếp sau chùa Shwedagon, chùa Mahamuni). Chùa này chỉ cao 5.5m, nằm bên cạnh là tảng đá lớn được phủ bởi các lá vàng do những người hành hương dán lên khi đến chiêm bái. Chùa Kyaiktyo được tương truyền là một trong ba ngôi chùa cất giữ báu vật của Phật
Nằm chênh vênh trên bờ mép đỉnh núi Kyaiktiyo, Burma, Hòn Đá Vàng dường như đang thách thức với thiên nhiên. Nhìn từ xa tảng đá có chỗ đứng không vững chắc này như có vẻ sắp lăn xuống núi nhưng lại rất vững chắc và khó bị xê dịch.
Kỳ ảo nhất là khi hoàng hôn khuất bóng và lúc bình minh ló dạng, mặt trời chiếu những tia nắng sáng lên hòn đá và những người hành hương bắt đầu cầu nguyện nhìn khung cảnh thật lung linh huyền ảo. Đêm đến, tảng đá thiêng sáng rực lên trong ánh đèn vàng, lung linh trong làn khói hương và trầm bổng trong những lời nguyện cầu.
Theo tục lệ, chỉ có những người đàn ông có thể lại gần khu vực Hòn Đá Vàng để có thể dán những miếng vàng dát mỏng lên, áp đầu vào hòn đá và cầu nguyện. Còn phụ nữ thì không được đi vào khu vực Hòn Đá Vàng, họ chỉ có thể lặng lẽ thành kính dâng lễ vật cúng lên các bàn thờ rồi quỳ trên nền đất, cầu nguyện hàng giờ trong khói hương mờ ảo. Hòn Đá Vàng được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật thăng bằng hoàn hảo, kỳ thú của tự nhiên. Bởi vị trí đặc biệt của hòn đá, dân địa phương gọi là hòn đá thiêng. Họ thờ cúng lễ bái rất thành tâm, đa số người Burna rất nghèo khó nhưng họ dành dụm chắt chiu để cùng nhau thếp vàng lên toàn bộ hòn đá.
Không chỉ nổi tiếng về độ thần kì linh thiêng, Hòn Đá Vàng còn được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật thăng bằng hoàn hảo, kì thú của tự nhiên. Người Myanmar giải thích sự bền vững này là nhờ thần Tawadeintha đã dùng con thuyền thần trục vớt hòn đá và chở nó lên đỉnh đồi. Chiếc thuyền và dây thừng được biến thành đá và nằm cách Hòn Đá Vàng khoảng 300m để giữ hòn đá không rơi.

Nhiều Phật tử tin rằng được đến nơi, quỳ lạy và ôm hôn hòn đá sẽ giúp họ trở nên giàu có, thịnh vượng.
Hòn Đá Vàng và ngôi chùa Kyaiktiyo đã trở thành một địa điểm du lịch , hành hương vô cùng hấp dẫn của những ai ghé thăm Myanmar. Chính bàn tay sáng tạo của con người kết hợp với tuyệt tác thiên nhiên đã tạo nên điều kỳ diệu. Với du khách quốc tế, việc chiêm ngưỡng một hòn đá và ngôi chùa được phủ bằng vàng lá nằm cheo leo trên đỉnh núi là điều thú vị có một không hai.

Theo: thethaovietnam.vn
Tags: , , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com