Ý NGHĨA AN CƯ MÙA MƯA TRONG PHẬT GIÁO NAM TRUYỀN



Chư Tăng Wat Dhammanongkol đang phát nguyện an cư ba tháng mùa mưa

Vào những ngày này, chư Tăng của các nước Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào và Việt Nam vừa mới bắt đầu an cư mùa mưa trong thời gian từ 16/6 âm lịch cho đến 15/9 âm lịch. Còn chư Tăng Ni Phật giáo Bắc truyền thì an cư mùa mưa từ 15/4 cho đến 15/7 âm lịch.[1]
Ở Việt Nam mình, an cư 3 tháng mùa mưa được gọi là an cư kiết hạ hay còn gọi là nhập hạ; hạ ở đây có thể là mùa hạ, tức mùa hè. Ba mùa của Ấn Độ - mùa nóng, mùa mưa, mùa lạnh – thì ở Trung Hoa có bốn mùa rõ rệt – xuân, hạ, thu, đông. Trong khi đó thì mùa mưa nhằm vào mùa hạ ở Trung Hoa nên Phật giáo thường hay gọi an cư mùa mưa là an cư mùa hạ, an cư kiết hạ hoặc nhập hạ.
Nhân duyên của việc Đức Thế Tôn chế định học giới cho phép an cư mùa mưa được Tạng Luật ghi lại như sau:
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, việc cư trú mùa mưa chưa được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu. Trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo này có giáo lý được thuyết tồi tệ vẫn bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa, ngay cả những con chim này sau khi làm tổ trên các ngọn cây cũng bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa; còn các sa-môn Thích tử này lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi.
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vào mùa (an cư) mưa (vassaṃ).[2]
Xứ Ấn Độ, một năm có ba mùa; mùa mưa gồm bốn tháng nhưng Đức Phật cho phép Tăng chúng an cư mùa mưa ba tháng, còn một tháng cuối cùng của mùa mưa, Ngài cho phép vị Tỳ kheo đã an cư ba tháng mùa mưa thành tựu viên mãn được nhận y Kaṭhina do thí chủ cúng dường và thọ hưởng năm quả báu của Kaṭhina.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thành tựu Kaṭhina cho các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa. Này các tỳ khưu, khi các ngươi có Kaṭhina đã được thành tựu, năm điều này sẽ trở thành được phép (đối với các ngươi): việc ra đi không phải báo (anāmantacāro), việc ra đi không mang theo (đủ cả ba y) (asamādānacāro), sự thọ thực thành nhóm (gaṇabhojanaṃ), (sử dụng được nhiều) y theo như nhu cầu (yāvadatthacīvaraṃ), sự phát sanh về y tại nơi ấy sẽ là của các vị ấy (yo ca tattha cīvaruppādo so nesaṃ bhavissati).[3]
Thời gian an cư được Đức Phật cho phép có hai thời điểm, gọi là tiền an cư (purimikā vassūpanāyikā) và hậu an cư (pacchimikā vassūpanāyikā).
- Này các tỳ khưu, đây là hai thời điểm vào mùa (an cư) mưa: thời điểm trước và thời điểm sau. Thời điểm trước thì nên vào nhằm ngày kế của (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha, thời điểm sau thì nên vào khi (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha đã trôi qua một tháng.
Thời tiền an cư từ ngày 16 tháng 6 đến 15 tháng 9 âm lịch. Thời hậu an cư ngày 16 tháng 7 đến 15 tháng 10 âm lịch. Các Tỳ kheo thường nhập hạ trong thời tiền an cư, chỉ khi nào có việc không kịp thời tiền an cư mới theo thời hậu an cư. Ðến thời kỳ an cư mà vị Tỳ kheo nào cố ý không nhập hạ thì phạm tội Tác ác (dukkata). Những vị Tỳ kheo nhập hạ trong thời hậu an cư thì không được hưởng quả báu Kaṭhina.
Ðến ngày an cư, vị Tỳ kheo phải tìm trú xứ thích hợp để nguyện an cư mùa mưa, sau khi quyết định nơi chỗ, hãy quét dọn sạch sẽ và tích chứa nước dùng đầy đủ (nếu chỗ ở hiếm nước). Chỗ an cư có thể là một ngôi chùa (ārāma), ngôi tịnh thất (vihāra), một cư xá (āvāsa), hoặc một liêu cốc riêng (senāsana); muốn an cư mùa mưa ở đâu thì nguyện ở đó. Vào ngày hoặc đêm 16/6 âm lịch (tiền an cư), hay 16/7 âm lịch (hậu an cư), vị Tỳ kheo nhập hạ phải phát nguyện một mình hoặc phát nguyện chung với các Tỳ kheo khác cùng an cư mùa mưa chung tại trú xứ đó.
Lời phát nguyện nhập hạ như sau:
Imasmiṃ ārāme imaṃ temāsaṃvassaṃ upemi  - Tôi nguyện an cư mùa mưa tại chùa nầy hết ba tháng.[4]
Sau khi đã phát nguyện an cư mùa mưa, vị ấy phải nhập hạ tại nơi ấy trong 3 tháng không được rời khỏi. Trong trường hợp đặc biệt như cha mẹ, thầy tổ bị đau bệnh hay viên tịch, hoặc có Tăng sự quan trọng, hoặc có thí chủ thỉnh mời làm những Phật sự cần thiết, thì vị Tỳ kheo phải xin nguyện tạm thời rời trú xứ an cư nhưng không được quá bảy ngày, nghĩa là phải trở lại trú xứ trước lúc mặt trời mọc của ngày thứ bảy.
Cách nguyện để ra đi, rời trú xứ an cư như sau:
Sace me antarāyo natthi sattāhabbhantare ahaṃ puna nivattissāmi - Nếu không có sự trở ngại cho tôi, tôi sẽ trở về trong vòng bảy ngày.[5]
Vị Tỳ kheo ấy có thể nguyện trong tâm cũng được, nguyện ra lời hoặc đến trình báo mục đích chuyến ra đi của mình với một vị khác cũng tốt, nhưng phải ghi nhớ thời gian mình ra đi để quay về trong khoảng thời gian bảy ngày cho phép.
Chư Tỳ kheo theo truyền thống Nam tông đến ngày an cư mùa mưa đều phải phát nguyện nhập hạ, dù ở nơi đó có tổ chức trường hạ hay không. Thậm chí chỉ có một mình, Tỳ kheo ấy cũng phải nguyện nhập hạ đúng phép.
An cư mùa mưa là một truyền thống tốt đẹp của Phật giáo được Đức Phật Ngài ban hành và Tăng chúng còn truyền thừa đến ngày hôm nay. Trong cuộc sống vật chất của xã hội ngày nay, đôi lúc các hàng xuất gia còn phải bận rộn với nhiều Phật sự, thế sự đa đoan, nên thời gian an cư cũng là một dịp tốt để tự mình tự nhìn lại chính bản thân mình, tự mình tìm kiếm cái sở trường, sở đoản của chính mình để tự mình rột rửa, trao dồi, rèn luyện thân-khẩu-ý thêm nữa. Bởi vì, cái áo chưa thể làm nên một thầy tu, việc cạo tóc, mặc y chưa phải là nghĩa vụ tối cao của người xuất gia.
Ngay cả với Đức Phật, vào thời an cư ba tháng mùa mưa, Ngài cũng không muốn bất cứ một ai đến viếng mình, Ngài muốn độc cư thiền tịnh một mình.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đang trú tại Icchānaṅgala, một ngôi làng Bàlamôn trong xứ Kosala. Ngài đã cho gọi các Tỳ kheo đến và bảo:
- Này các tỳ kheo, ta muốn sống độc cư Thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến viếng Thế Tôn, trừ một người đem đồ ăn lại.

Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng ấy đã mãn, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, gọi các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi các ông: “Với sự an trú nào, này chư Hiền, Sa-môn Gotama an trú nhiều trong mùa mưa?”. Ðược hỏi vậy, này các Tỳ-kheo, các ông hãy trả lời cho cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều trong các mùa mưa”.[6]
Chúng ta hãy bước theo dấu chân của Bậc Đạo Sư đã hướng dẫn. Đây có thể xem như là một lời cảnh tỉnh cho chúng đệ tử xuất gia của Ngài đang phải khoác lên mình nhiều công tác, công việc và đôi khi lại đánh rơi cái chí nguyện của người xuất gia ở đâu đó bên ngoài xã hội mà không hay biết. Tự bản thân vị đệ tử phải tìm cho mình ý nghĩa của việc an cư ba tháng mùa mưa, chứ không phải là một phong trào để tu cho “bằng chị bằng em” hoặc là một hình thức với cái gọi là “y giáo phụng hành”. Ba tháng mùa mưa như một khoảng thời gian để tự mình tìm lại chiếc y giải thoát đúng nghĩa mà mình đã và đang mặc trên mình.
Xin kính chúc một mùa an cư thật an lạc đến chư Tăng.
Bangkok, mùa an cư 2013.
Tỳ kheo Định Phúc




[1] Theo suy nghĩ cá nhân, có thể do ảnh hưởng của Kinh Vu-lan bồn, chư Tăng Ni mãn mùa an cư vào 15 tháng 7 nên truyền thống phật giáo bắc truyền phải bắt đầu an cư mùa mưa vào 15 tháng 4.
[2] Vin I 136. (bản dịch của TK. Indacanda – tạng luật – đại phẩm 1, chương 3 – chương vào mùa an cư, trang 347).
[3] Vin I 253. (bản dịch của TK. Indacanda – Tạng Luật – Đại Phẩm 2, Chương 7 – Chương Kaṭhina, trang 111).
[4] TK Giác Giới, Luật Nghi Tổng Quát.
[5] sđd.
[6] S v.325 (bản dịch của HT Thích Minh Châu - Kinh Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm 2, phần Icchānaṅgala).
Tags: , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com