Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

HÀNH XẢ BA-LA-MẬT (UPEKKHĀPĀRAMĪ)

Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Phạm-thiên Nārada, Ngài thực hành hạnh Xả Tâm Balamật. Ngài thuyết phục được vua Aṅgati về Chân Lý.
Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Phạm-thiên Nārada, Ngài thực hành hạnh Xả Tâm Balamật. Ngài thuyết phục được vua Aṅgati về Chân Lý.
Câu chuyện hiện tại:
Lúc bấy giờ uy danh của bậc Đạo Sư về việc hoằng dương Chánh pháp đã bắt đầu lừng lẫy. Sau khi Ngài giáo hóa các vị tu khổ hạnh khác cùng Tôn giả Uruvela Kassapa, Ngài liền đi đến Lạc Viên Laṭṭhivana, với cả ngàn Tỷ kheo vây quanh, các vị này trước đây là những đạo sĩ khổ hạnh. Ngài muốn thuyết phục vua Magadha giữ lời hứa cúng dường Tinh xá Veluvana và lúc ấy vua Magadha cùng đến với đám triều thần đông cả mười hai vạn người.
Sau khi đảnh lễ đức Phật xong, vua ngồi xuống, rồi một vấn đề được đưa ra tranh luận giữa các Bà-la-môn và các gia chủ trong đám tùy tùng của vua: Phải chăng Tôn giả Uruvela Kassapa phục tùng sự giáo hóa của bậc Đại Sa Môn, hay là bậc Đại Sa Môn phục tùng sự hướng đạo tu hành của Uruvela Kassapa?
Lúc ấy đức Thế Tôn nghĩ thầm: "Ta sẽ cho hội chúng thấy rằng Ca-diếp đã phục tùng sự giáo hóa của Ta".
Rồi Ngài ngâm kệ này:
Thấy gì Hiền giả Kas-sa-pa,
Người ở rừng U-ru-ve-la,
Lừng lẫy tiếng tăm về khổ hạnh,
Sao ông từ bỏ lửa thiêng xưa,
Này Ca-diếp hỡi, nghe ta hỏi:
Sao bỏ tế đàn với lửa kia?
Lúc ấy vị trưởng lão đã hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi của đức Phật, liền đáp kệ này:
Tế lễ nói lên ngũ dục trần:
Sắc, thanh, hương, vị với giai nhân,
Và khi biết những điều như thế,
Chỉ thấy trong đời sống thế gian,
Đều bất tịnh, con không thích thú,
Tế đàn dâng lễ cúng Thiên thần.
Rồi để tỏ ra mình là đệ tử Phật, vị Tỷ-kheo này đặt đầu lên chân đức Phật và nói:
- Đức Thế Tôn là Đạo Sư của con, con là đệ tử của Ngài.
Nói xong ông bay lên không bảy lần đến ngọn một cây cọ dừa (tala), hai cây tala cho đến bảy cây tala, rồi trở xuống đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi qua một bên. Hội chúng trông thấy việc hy hữu như thế, liền tán thán uy danh củc bậc Đạo Sư, đồng nói to:
- Cao cả thay thần lực của đức Phật, nên mặc dù đã tin tưởng vững chắc vào uy lực mình, mặc dù tự cho mình là Thánh nhân, Tôn giả Uruvela Kassapa cũng đã phá bỏ mọi vọng chấp sai lầm và xin quy y với đức Như Lai.
Bậc Đạo Sư đáp:
- Việc ấy cũng không kỳ diệu gì, khi ngày nay Ta đã đạt Thắng trí viên mãn và giáo hóa vị này; vì ngày xưa khi ta còn là một Bà-la-môn tên gọi Nārada và còn tham đắm dục lạc, ta cũng phá tan mọi vọng chấp sai lạc của ông và khiến ông phải quy phục.
Rồi theo lời thỉnh cầu của thính chúng. Ngài kể câu chuyện về Bậc Đại Trí Mahānāradakassapa - Mahānāradakassapa Jātaka (Jā. 544).
Câu chuyện quá khứ:
Vua Aṅgati thành Mithilā là minh quân trị vì theo chánh pháp. Trong một đêm trăng, ông hỏi các quan đại thần làm cách nào để hưởng lạc. Alāta tâu đi chinh phục; Sunāma trình tìm dục lạc trong ca múa; Vijaya đề nghị đến viếng Samôn hay Bàlamôn.
Ông đi viếng Ẩn sĩ Guṇa thuộc dòng tộc Kassapa đang trú trong một công viên thành phố. Guṇa thuyết rằng không có quả báo thiện hay ác nào khi ta tuân giới luật, không có đời sau, không có các đức tính như dũng mãnh hoặc can trường; số phận các thế nhân đã được tiền định, cũng như đuôi con tàu phải đi theo dấu con tàu vậy. Alāta tán đồng quan điểm của Guna.
Ông nhớ lại tiền kiếp làm thợ săn bò tên là Piṅgala đã giết biết bao nhiêu sinh mạng bò, nhưng vẫn được tái sanh vào gia đình của một đại tướng, và trong kiếp này làm tướng quân. Lúc ấy có nô lệ Bījaka đang hành trì trai giới cũng đến nghe Guṇa thuyết pháp. Khi nghe Kassapa và Alāta đối đáp như vậy, gã bật khóc bởi nhớ lại tiền kiếp làm phú thương Bhavaseṭṭhi trong thành Sāketa, chuyên trì công đức, bố thí rộng rãi, nhưng giờ bị sanh làm con một kỹ nữ. Và ngay bây giờ gã vẫn tiếp tục nhường phân nửa thức ăn cho kẻ nào cần thực phẩm, nhưng nghèo khó vẫn hoàn nghèo khó!
Vua Aṅgati công nhận Guṇa có lý nên bắt đầu đi tìm dục lạc. Ông cử Quan nhiếp chánh Candaka trông coi việc nước và cấm không ai được quấy rầy ông. Có Công chúa Rujā đến xin vua cha một ngàn đồng để lập hạnh bố thí. Ông phán rằng ông không từ chối nếu ái nữ duy nhứt của ông mua dục lạc hay xa xí cho mình, nhưng không chu cấp cho nàng làm từ thiện hay chấp thuận cho nàng phí sức trong việc trai giới.
Rujā trình rằng các đại thần không nhìn xa, chỉ nhớ một hai kiếp trước của mình, nên không thể phán đoán được. Nàng kể cho vua cha nghe về các tiền kiếp mình: làm thợ rèn ở Rājagaha phạm tội ngoai tình; làm con của phú thương ở Kosambī lập nhiều công đức; sanh xuống địa ngục; làm con cừu bị thiến ở Bheṇṇākaṭa; làm con khỉ; làm con bò giữa dân chúng Dasaṇṇa; làm kẻ bán nam bán nữ giữa dân chúng Vajji; làm Thiên nữ trên cõi Tāvatiṃsa. Thiện nghiệp của nàng đến hồi kết quả nên nàng được sanh giữa chư Thiên và loài người. Trong bảy kiếp nàng làm nam chư Thiên trên cõi Tāvatiṃsa, và ngay trong hiện tai, nàng được Thần Java kết cho vòng hoa.
Nàng thuyết suốt đêm nhưng không thuyết phục được vua cha. Lúc bấy giờ Phạm thiên Nārada Kassapa (Bồ Tát) phóng nhãn quang quan sát thế gian, thấy Rujā cầu nguyện, hạ thế giả dạng làm ẩn sĩ để được nhà vua mời vào thỉnh ý. Vị ẩn sĩ tán thán thiện hành, bố thí, quảng đại và thuyết về các cõi khác. Nhà vua phá lên cười và thách ẩn sĩ cho vay để kiếp sau ông sẽ trả gắp đôi. Ẩn sĩ kễ cho ông nghe về các địa ngục mà ông sẽ bị đoạ nếu không kịp giải thoát khỏi tà thuyết và nêu gương của các bậc tiên vương được lên Thiên giới nhờ hành trì chánh đạo.
Vua Aṅgati sau cùng thấy được lỗi lầm mình và phát nguyện sẽ thân cận với bạn lành. Ẩn sĩ Nārada Kassapa xưng danh tánh mình rồi bay về Thiên giới với thần thông siêu phàm.
Nhận diện tiền thân:
Vua Aṅgati là Tôn giả Uruvela Kassapa,
Alāta là Devadatta,
Sumāna là Tôn giả Bhaddiya,
Vijaya là Tôn giả Sāriputta,
Bījaka là Tôn giả Moggallāna,
Guṇa là Sunakkhatta người Licchavī,
Rujā là Tôn giả Ānanda.


An nhiên hành xả giữa đời
Khen chê đặng thất khổ vui thường tình
Ðiều tâm giữ ý quân bình
Trong cơn bão loạn biết gìn chánh tri
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

samadhipunno@yahoo.com