Những ngày đầu của tháng Tám, khắp cả nước Thái bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày kỷ niệm sinh nhật của Hoàng hậu Sirikit vào ngày 12/08. Bên cạnh ngày sinh của Quốc vương Bhumibol Adulyadej – Ngày của Cha thì ngày sinh kỷ niệm ngày sinh của Hoàng hậu Sirikit được xem là Ngày của mẹ tại Thái Lan. Hoàng hậu được mọi người tôn kính với danh hiệu là "Người mẹ của cả dân tộc", một vị quốc mẫu khiến bao cho bao thế hệ con dân phải kính phục vì đem đến nhiều lợi ích và sự thịnh vượng cho vương quốc và người dân. Vào ngày này, mọi người tổ chức những buổi lễ kỷ niệm khắp ở khắp mọi nơi, khắp các khu phố, hàng trăm, hàng triệu ngọn nến được thắp lên hòa cùng bài hát vang để ca ngợi và tưởng nhớ ân đức của một bậc mẫu nghi thiên hạ.
Còn tại Việt Nam, những cơn mưa nặng hạt của tháng bảy mưa ngâu báo hiệu một mùa Vu Lan lại trở về. Khắp mọi nẻo đường, khắp các ngôi chùa trong lòng người dân Việt lại rộn ràng với tấm lòng của những người con hướng về các đấng sinh thành. Tuy chỉ là hình thức và lòng hiếu thảo không chỉ có một ngày nhưng cũng là một cách để chúng ta tôn vinh, tưởng nhớ ân đức to lớn của các đấng sanh thành. Những đóa hoa hồng sẽ cài lên áo cho những ai còn cha mẹ, những cành hoa trao nhau như một lời nhắn nhủ rằng: bên ta vẫn còn cha mẹ, vậy hãy ráng vận dụng thời gian này để làm một người con hiếu thảo với cha mẹ. Và những cành hoa trắng được trao tặng để an ủi cho những người con mồ côi…
Nói đến cha mẹ, những bậc đã sanh thành, dưỡng dục và cho ta đến với cuộc đời này thì hẳn nhiên trong lòng mỗi người con, cha mẹ đều là những bậc vĩ đại; nhưng với bài viết này, chúng tôi muốn tìm lại, nhắc lại và tưởng nhớ lại những tấm lòng bao la của các bậc làm cha làm mẹ cách đây hơn 26 thế kỷ trước, được ghi lại trong kinh điển và sớ giải. Các vị này chính là hiện thân cho sự bao la, vĩ đại của lòng mẹ và tình thương vô bờ bến của người cha.
- Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā.
Có lẽ không ai mà không biết đến Hoàng hậu Mahāmāyā vì bà là mẹ của đức Bồ-tát trong kiếp cuối cùng nên được tôn kinh với danh xưng là Phật mẫu. Hoàng hậu sánh duyên cùng với đức vua Suddhodana của tộc Sakya, trị vì kinh thành Kapilavatthu và có một người con trai duy nhất là Thái tử Siddhattha, sau này trở thành bậc Đạo sư, đấng Cha lành vĩ đại nhất của thế gian.
Được biết, trước khi Thiên tử Setaketu trên cõi trời Tusita quyết định giáng trần lần cuối cùng, ngài đã quán xét năm điều kiện cần thiết để xác định thời điểm nào, nơi nào và người mẹ mà ngài sẽ gá thai vào phải như thế nào? Mẫu thân của vị bồ-tát kiếp chót chắc chắn phải là người nữ có nhiều phước báu, thọ trì giới cấm một cách nghiêm ngặt, không thiếu sót, tích trữ được phước thiện ba-la-mật tròn đủ và có phát nguyện trong quá khứ và được thọ ký sẽ trở thành mẫu thân của một vị phật trong tương lai. Bồ-tát Setaketu quán xét và thấy rằng hoàng hậu Mahāmāyā, chánh hậu của đức vua Suddhodana là người có đầy đủ các điều kiện, và tuổi thọ của bà chỉ còn đúng 10 tháng 7 ngày. Ngài thấy được những đức hạnh của hoàng hậu nên chọn bà làm mẹ trong kiếp cuối cùng của ngài để tái sanh, hoàng hậu Mahāmāyādevī sẽ là vị Phật mẫu theo như ý nguyện của bà đã mong mỏi.
Hoàng hậu Mahāmāyā phát nguyện làm mẹ của một vị Phật từ 91 kiếp trước, dưới thời của đức Phật Vipassī. Khi ấy, bà là một trong hai công chúa của Vua Bandhumā. Một hôm, vua cha nhận được tặng vật của chư hầu gồm một mảnh trầm hương vô giá và một vòng bông trị giá trăm ngàn đồng vàng. Nhà vua ban cho bà mảnh trầm hương và cho em gái kế bà vòng bông. Bà mài trầm lấy bột, tươm tất đựng trong hộp để dâng lên đức Phật. Bột trầm được thoa lên thân Phật cũng như rải trong Hương thất của Ngài. Do đó bà được nhìn thấy thân kim sắc của Phật và muốn được làm mẹ người có thân vàng như vậy.[1]
Từ khi Bồ-tát giáng sanh vào bào thai, hoàng hậu Mahāmāyā lúc nào cũng cảm thấy tâm được an vui, thân được an lạc, không một chút cảm giác đau đớn, khó chịu nào khởi lên nơi bà. Hoàng hậu giữ gìn ngũ giới một cách trong sạch, không một chút bợn nhơ, và đặc biệt là hoàng hậu có thể nhìn thấy hoàng nhi của mình với tất cả bộ phận và chân tay, “ví như viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình, người ấy sẽ thấy rõ ràng: "Ðây là viên ngọc lưu ly, thanh tịnh thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Ðây là sợi dây xâu qua, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lạt”.[2]
Sở dĩ hoàng hậu có thể nhìn từ bên ngoài mà thấy được đứa con đang ở trong bào thai như hoa sen của bà là do oai đức của các việc phước mà bà đã làm trong nhiều kiếp quá khứ, nên lớp da trên thân và màu da trở nên sạch sẽ và láng mịn khác thường, không chút tỳ vết. Da ở trên vùng bụng của bà cũng sạch sẽ và láng mịn và trong suốt như tấm kính. Như vậy mẹ của Bồ tát có thể thấy thai nhi bằng mắt thường của bà xuyên qua lớp da mỏng trên bụng như món bảo vật ở trong cái hộp bằng pha lê.
Do oai lực của bồ-tát, bốn vị thiên vương luôn luôn hầu trực và đứng canh gác bốn phương, “không cho một ai, người hay không phải loài người, được hãm hại vị Bồ-tát”[3] trọn mười tháng như thế.
Từ ngày thọ thai đức Bồ-tát, hoàng hậu được Tứ đại thiên vương hộ trì. Bà không còn thiết tha với nam nhơn, và hài nhi trong bụng bà có thể được nhìn thấy từ bên ngoài. Sau mười tháng mang thai, bà lên đường về quê Devadaha để hạ sanh, theo tục lệ lúc bấy giờ, bà ghé vườn cây sāla ở Lumbinī nghỉ và hạ sanh Thái tử ngay trong lúc bà đang đứng vịn cành sāla. Thế là Hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng trở lại Kapilavatthu. Sau khi hạ sinh thái tử được bảy ngày, hoàng hậu Mahāmāyā hết thọ mạng[4], mệnh chung và tái sanh làm một vị thiên nam tại cõi trời Tusita.[5] Đây là thông lệ của một vị Phật mẫu, chớ không phải vì lẽ sanh Thái tử mà chết. Vì người đã sanh ra một đấng Giác Ngộ sau này, người ấy không còn làm vợ người nam nào nữa cả và hơn nữa trong bụng ấy không thể còn chứa một chúng sanh nào nữa được.
Sau khi hoàng hậu thăng hà, đức vua Suddhodana phong cho người em gái của hoàng hậu là Mahāpajāpatī Gotamī trở thành hoàng hậu, thay thế để chăm sóc thái tử.
Vào mùa an cư thứ 7 của Thế Tôn, Ngài đã an cư trên cõi trời Tāvatiṃsā[6] ba tháng mùa mưa và thuyết giảng Abhidhamma cho mẫu hậu của mình, lúc đó đã là một vị nam thiên tử. Sau thời pháp, vị thiên tử chứng đắc được Thánh quả Dự-lưu.
Có thể nói rằng, Hoàng hậu Mahāmāyā là một người mẹ vĩ đại, một vị quốc mẫu của thế gian vì ân đức của bà quá to lớn. Mặc dù ít được đề cập đến trong kinh điển nhưng danh xưng "Phật mẫu – Buddhamātā" đã là một sự tán dương ân đức của Hoàng hậu Mahāmāyā, bà xứng đáng là một người phụ nữ có tầm ảnh hưởng quan trọng, vĩ đại nhất trong lịch sử của toàn nhân loại. Bởi vì danh hiệu Phật mẫu không phải ai cũng đạt được, cho nên người mẹ vĩ đại đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập đến chính là Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā.
- Di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī.
Di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī là em gái của hoàng hậu Mahāmāyā, hai chị em cùng kết duyên với vua Suddhodana. Từ khi sanh ra, các thầy tướng số đã đoán chắc tương lai của hai chị em sẽ có người con là vị vua Chuyển luân vương.
Sau khi hoàng hậu Mahāmāyā thăng hà, đức vua phong cho người em gái của hoàng hậu là Mahāpajāpatī Gotamī trở thành chánh hậu, thay thế để chăm sóc thái tử. Hoàng hậu Mahāpajāpati Gotamī rất thương yêu thái tử và chăm sóc thái tử như đứa con ruột do mình đứt ruột đẻ ra. Di mẫu Mahāpajāpati Gotamī có một hoàng tử, tên là Nanda, khi nhận trách nhiệm chăm sóc cho thái tử, bà đã giao con trai của mình cho các nhũ mẫu chăm sóc để bà có đủ thời gian chăm sóc cho thái tử. Di mẫu được xem như là một mẹ tuyệt vời.
Vào mùa an cư thứ năm 5, đức vua Suddhodana thăng hà, di mẫu cùng 500 công nương dòng Sakya đã tự bỏ tóc, đắp y màu hoại sắc và đi bộ đến Vesāli để xin đức Phật cho nữ giới được xuất gia. Tôn giả Ānanda thấy di mẫu với chân sưng vù, áo lấm bụi bặm, khổ đau, đứng khóc than ngoài cửa nên đã vào bạch xin đức Phật cho nữ giới được xuất gia. Sau đó, đức Phật đồng ý với điều kiện các vị ấy phải chấp thuận tám kính pháp. Và di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī trở thành người đầu tiên xuất gia Tỳ-khưu Ni trong Giáo pháp này. Về sau, chính đức Phật tuyên dương di mẫu là vị đệ tử trưởng tràng trong hàng Ni chúng[7].
Có thể nói rằng, sau hoàng hậu Mahāmāyā, di mẫu Mahāpajāpati Gotamī là người trực tiếp nuôi lớn Thái tử Siddhattha, bà Mahāpajāpatī Gotamī có nhiều công đức đối với đức Thế Tôn, là dì ruột, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa khi người mẹ ruột qua đời[8].
Vào lúc cuối đời, trước khi viên tịch Níp-bàn, Trưởng lão Ni Mahāpajāpatī Gotamī đến đảnh lễ đức Thế Tôn và nói lên những vần kệ cảm động như sau:
Bạch đấng Thiện thệ, con là mẹ của ngài.
Bạch đấng Thiện thệ, hình hài và thân xác này của ngài đã được lớn mạnh là nhờ con.
Nhờ con, ngài đã được uống nước sữa làm dịu đi sự khao khát trong chốc lát.
Đối với hàng phụ nữ, danh xưng “hoàng hậu – mẹ của đức vua” là dễ dàng đạt được. Còn danh xưng “người mẹ của đức Phật” là đạt được vô cùng khó khăn.
Và bạch đấng Đại hùng, nhờ ngài con đã đạt được điều ước nguyện ấy của con. [9]
Chúng ta có thể thấy rằng, một người làm mẹ, suốt đời vì con, lo cho con trưởng thành và khôn lớn, sau này chính người con đó trở thành một chỗ dựa vững chắc cho người cha, người mẹ; đó là một điều hạnh phúc của các bậc làm cha mẹ. Trường hợp này, cả hai vị hoàng hậu đều là những người có công sanh- dưỡng đức Bồ-tát và chính Thế Tôn đã tế độ cho bà, trở thành vị Đạo sư, người Cha hướng dẫn tinh thần vĩ đại nhất trong đời bà.
Bạch đấng Thiện thệ, con là mẹ của Ngài. Và bạch đấng Anh hùng, Ngài là cha của con. Bạch đấng Bảo hộ, Ngài là người ban cho con niềm an lạc trong Chánh pháp. Bạch Ngài Gotama, con được sanh ra bởi Ngài.
Bạch đấng Thiện thệ, hình hài và thân xác này của ngài đã được lớn mạnh là nhờ con. Còn Pháp thân không thể phê phán của con đã được tăng trưởng là nhờ vào Ngài.
Nhờ con, ngài đã được uống nước sữa làm dịu đi sự khao khát trong chốc lát. Nhờ Ngài, con cũng đã được uống chính dòng sữa Giáo pháp thanh tịnh vô cùng tận.
- Đức vua Suddhodana.
Tấm lòng của hai người mẹ vĩ đại thì tình cha cũng bao la vô bờ bến, đức vua Suddhodana chỉ có duy nhất một vị Thái tử là Bồ-tát Siddhattha. Ngày con từ bỏ cung vàng ra đi, phụ vương không hề hay biết nhưng tình cha thương con rất sâu rộng chắc hẳn vua rất đau lòng. Bao nhiêu thứ cao quý có mặt trên thế gian này, vua đều dành cho con của mình, chỉ mong sau này con nối nghiệp vương tộc mà thôi.
Lúc nghe các Bà-la-môn tiên đoán tương lai của Thái tử Siddhattha, vua Suddhodana dành mọi quyền quý cao sang để giữ chân Thái tử. Lúc ông thấy chân Thái tử đặt lên đầu Đạo sư Asita – vị Tế sư của vua cha và thầy của chính ông, vua Suddhodana rất ngạc nhiên và bắt đầu cung kính đảnh lễ Thái tử[10]. Trong lễ Hạ điền, vào năm Thái tử bảy tuổi, vua đã cung kính đảnh lễ Thái tử lần thứ hai khi ông chứng kiến bóng cây jambu không xê dịch để che cho Thái tử tham thiền[11]. Về sau, khi Thái tử bỏ ra đi để tìm đạo giải thoát, nhà vua càng tin tưởng hơn, tin rằng Thái tử không bao giờ mạng chung trước khi đắc đạo, dầu có tin đưa về triều Ngài đã chết vì khổ hạnh[12].
Sau khi biết được Thái tử, con của mình đã đắc đạo, trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác, Vua Suddhodana cử sứ giả đi cùng 10 ngàn người đến Veḷuvana ở Rājagaha thỉnh đức Phật về triều, nhưng tất cả đều xin gia nhập Tăng Đoàn sau khi nghe Phật thuyết pháp. Chín đoàn sứ giả ra đi, không một ai trở về, lòng cha càng thêm mong chờ, vua đã gởi Đại thần Kālūdayi đưa lời mời thỉnh Phật mới về Kapilavatthu. Và duyên lành chín muồi, Thế Tôn đã trở lại quê hương lần đâu tiên, tại đây Ngài trú ở Nigrodhārāma. Trong thời gian ở đây, Ngài thuyết cho vua cha nghe truyền thống khất thực của chư Phật, một truyền thống mà Vua cha không biết nên than phiền khi thấy Ngài đi xin của bố thí ngoài đường. Sau bài pháp này, Vua Suddhodana đắc quả Tu–đà-huờn. Tiếp theo, vua đắc quả Thánh Tư-đà-hàm sau khi nghe thời pháp tuỷ hỷ của đức Phật nói sau bữa cúng dường trong cung[13], đắc quả Thánh A–na–hàm sau khi nghe đức Phật thuyết về câu chuyện tiền thân Mahādhammapāla Jātaka[14]. Và vào mùa an cư thứ năm của đức Thế Tôn, vua Suddhoadana đắc quả A-la-hán khi nằm trên giường bệnh được Đức Thế Tôn từ Vesāli về thuyết pháp[15]; có lẽ đức vua là vị cư sĩ đắc A-la-hán tiêu biểu nhất được ghi nhận lại trong kinh điển.
- Đức vua Bimbisāra.
Vua Bimbisāra trị vì kinh thành Rājagaha của xứ Magadha, lên ngôi vua từ năm 15 tuổi. Lần đầu tiên vua gặp Bồ-tát Siddhattha tại núi Paṇḍava ở Rājagaha; lúc bấy giờ, Bồ-tát chỉ vừa xuất thế ly gia. Nhà vua thấy vị ẩn sĩ trẻ đi ngang qua cung, bèn gởi người theo dõi. Lúc Ngài nghỉ thọ trai, nhà vua đến và mời Ngài về triều làm quan. Ngài từ chối và bộc bạch ước nguyện mình. Vua Bimbisāra chúc Ngài thành đạt nguyện vọng của mình và yêu cầu Ngài trở lại viếng Rājagaha để tế độ cho mình. Để giữ lời hứa, đức Phật du hành đến Rājagaha ngay sau khi mãn mùa an cư đầu tiên tại Isipatta. Bấy giờ Ngài trú tại Supatiṭṭha trong Laṭṭhivanuyyāna, và Vua Bimbisāra đi với mười hai vạn gia chủ đến đảnh lễ Ngài. Đức Phật thuyết pháp và mười một vạn gia chủ cùng nhà vua đắc quả Dự-lưu. Hôm sau, Phật và chúng Tỳ-kheo tuỳ tùng được thỉnh vô cung thọ trai. Thiên chủ Sakka hiện làm thanh niên dẫn đầu, vừa đi vừa nói kệ tán thán Phật. Sau buổi thọ trai, nhà vua xối nước phát tâm cúng dường vườn ngự uyển Veḷuvana đến đức Phật, đây là ngôi Tịnh-xá đầu tiên trong Phật giáo[16]. Từ ấy cho đến ngày vua băng hà, trong 37 năm dài, vua Bimbisāra luôn chú tâm lập công đức phát huy đạo pháp. Nhà vua còn thọ trì tám giới sáu ngày mỗi tháng để làm một tấm gương tốt cho thần dân của mình[17].
Vua Bimbisāra băng hà trong hoàn cảnh rất thương tâm. Các nhà tiên tri từng tiên đoán rằng Thái tử Ajātasattu sau này sẽ gieo tai hoạ cho ông. Do đó, Chánh hậu Kosaladevī muốn phá thai, nhưng nhà vua chẳng những không chịu nghe còn rất thương quý hoàng thái tử ngay từ lúc ra đời. Khi đã trưởng thành, Thái tử Ajātasattu nghe theo lời xúi dục của Tỳ-kheo Devadatta, thái tử sẽ giết cha để xoán ngôi, còn Devadatta sẽ hãm hại Đức Phật để nhận quyền thống lĩnh Tăng đoàn. Thái tử lập mưu giết vua cha xoán ngôi nhưng bại lộ, chẳng những phụ vương không ép tội mà còn chấp nhận thoái vị, truyền ngôi cho thái tử. Lẽ ra đã đoạt được điều mong ước, thái tử phải biết tri ân và phụng dưỡng phụ hoàng chu đáo, nhưng không ngờ tân vương vừa lên ngôi đã bắt giam phụ hoàng của mình vào trong ngục tối, không được ai thăm viếng, trừ hoàng thái hậu Kosaladevī. Bà đến ngục với chiếc chén vàng đầy cơm giấu trong y phục. Được một thời gian thì bị chính đứa con của mình cấm không cho đem thức ăn vào nhà ngục nữa. Hoàng hậu lén giấu thức ăn vào búi tóc đem vô cho vua nhưng cũng bị phát hiện. Hết cách, hoàng hậu phải tắm rửa sạch sẽ rồi thoa mật ong, những thực phẩm thượng vị lên thân thể của mình, rồi đi vào ngục thất, dùng những chất bổ dưỡng ấy cho chồng của mình sống qua tháng ngày. Sự việc ấy cũng bại lộ, hôn quân ngỗ nghịch cấm không cho mẫu hậu vào thăm vua cha nữa.
Một ngày nọ, Ajātasattu cho một người đem dao kéo đến ngục thất, vua cha thấy vậy tưởng con mình đã hồi tâm chuyển ý nên cho người đến cắt tóc, đón mình về cung. Ai ngờ, chính niềm vui ấy đã làm vua cha lầm tưởng. Người thợ ấy được lệnh ông vua con vào trong ngục thất để cắt gót chân của vua cha, xát muối vào trong gót chân và hơ trên lửa nóng[18]. Ôi đau đớn, ôi xót xa. Đau đớn vì vết thương hành hạ thể xác, xót xa vì chính đứa con thân yêu của mình sai người giết mình. Vua Bimbisāra mạng chung, sanh làm Dạ-xoa Janavasabha trong dòng họ của Thiên vương Vessavaṇa
Cùng lúc ấy, ông vua trẻ nhận được tin hoàng hậu của mình đã sanh một hoàng nam. Niềm vui tràn ngập đối với vị vua trẻ lần đầu tiên làm cha. Vua Ajātasattu bồng con đến với mẫu hậu, đã hỏi mẫu hậu xem phụ hoàng có từng thương yêu mình như mình yêu thương con của mình không?
Mẫu hậu kể lại câu chuyện về tình thương của vua cha dành cho thái tử khi thái tử chưa lọt lòng. Khi ấy, các vị quan chiêm tinh đoán biết sau này vị thái tử sinh ra sẽ là người giết cha xoán ngôi nên có ý định khuyên hoàng hậu nên phá thai. Vua cha không chịu. Hoàng hậu cũng đôi lần có ý định như thế rồi đức vua cũng cản ngăn và sẵn sàng chấp nhận sự việc ấy. Đến khi thái tử được vài tuổi, thái tử bị nổi mụn nhọt trên tay, đau nhức khóc lóc dữ dỗi, vua cha đau lòng không biết làm sao nên đã ngậm ngón tay ấy vào trong miệng để thái tử bớt đau nhức. Và đúng như vậy, thái tử đã nín thật. Nhưng mụn nhọt ấy đã chính mùi, máu mủ vỡ ra, vua cha không nỡ bỏ ra để con đau nhức nên đã nuốt luôn những máu mủ hôi thúi ấy vào trong miệng. Mẫu hậu nói với vua con rằng : khó mà kiếm được một người cha thương con hết mình như thế.
Nghe qua câu chuyện của mẫu hậu kể, vị vua trẻ cảm thấy thương cha và hối hận nên liền hối hả chạy đến ngục thất ra lệnh thả phụ hoàng ra. “Thả phụ hoàng ta ra! Thả phụ hoàng ta ra!” Lời vua trẻ sao mà thống thiết nhưng đã muộn rồi, vị thánh vương đã ra người thiên cổ. Không bao lâu sau, Hoàng thái hậu Kosaladevī lâm chung vì sầu muộn.
- Thiếu phụ Paṭācārā.
Paṭācārā là một tiểu thư rất xinh đẹp, con gái vị thủ ngân khố của nhà vua ở Sāvatthi. Khi đến tuổi trưởng thành, mặc dù được cha mẹ sắp đặt gả cho một gia đình giàu có, môn đăng hộ đối nhưng nàng tư thông với một người đầy tớ trong nhà. Khi cha mẹ nàng định ngày gả nàng cho một công tử, nàng trốn đi với tình nhân. Chàng trai dắt nàng đi thật xa, đến định cư tại một làng nọ, vào rừng phát rẫy cày ruộng rồi đem cây, củi, lá về nhà. Còn tiểu thư thì ở nhà phải ôm bình đi xách nước, chẻ củi nấu cơm, cam lòng chịu làm một người vợ ngheo khổ. Thế rồi nàng có thai. Đến khi thai đã đủ tháng, nàng yêu cầu chồng đưa về nhà cha mẹ để sanh nở, vì ở đây không có ai săn sóc nàng, nhưng chồng cứ hẹn lần hẹn hồi cho đến khi nàng biết chồng nàng không muốn đi về. Nàng liền chờ chồng đi vắng, sắp đặt công việc, báo tin cho người láng giềng biết rồi nàng bỏ về nhà cha mẹ. Khi người chồng về, người chồng liền đuổi theo, sợ nàng không có người săn sóc. Chồng nàng bắt gặp nàng giữa đường và khi ấy thì nàng sinh được người con trai, rồi hai vợ chồng lại đi trở về nhà sống như trước.
Một thời gian sau, nàng lại có mang. Khi thai đủ tháng, nàng cũng van xin chồng như trước mà không được, rồi cũng lén chồng ẵm con ra đi. Chồng nàng đuổi theo gặp nàng, nhưng nàng không chịu trở lại. Người chồng tìm lá và cây làm cái chòi cho nàng tránh mưa, nhưng bị con rắn từ gò mối bò ra cắn chồng nàng chết tại chỗ. Trong cơn đau khổ chờ đợi chồng, nàng bồng đứa con trên ngực và giữa mưa to gió lớn nàng nằm phục xuống đất để che chở cho hai đứa con trải qua một đêm như vậy cho đến sáng.
Ðến sáng, nàng đi tìm chồng và thấy chồng bị rắn cắn chết rồi. Nàng khóc than suốt đêm. Vì mưa to, nước sông dâng lên đến đầu gối, nàng lại quá yếu nên không thể bồng hai đứa con lội qua sông. Nàng để đứa lớn ở bờ bên này và bồng đứa nhỏ lội qua sông. Rồi nàng đặt đứa nhỏ nằm trên khăn trùm đầu, dùng cành cây che lại để nó trên bờ, còn nàng lội qua sông lại để đem đứa lớn qua. Nhưng đến giữa dòng, quay mình trở lại thời thấy một con diều hâu, tưởng đứa con nít là một miếng thịt, nên bay xuống tha đứa nhỏ đi. Dầu cho người mẹ có xua đuổi và la lên nhưng vì quá xa nên không làm gì được. Còn đứa lớn bên bờ bên này, nghe tiếng mẹ la tưởng là mẹ kêu liền lội xuống nước đi qua và bị nước cuốn trôi. Thế là hai đứa con và cả người chồng bị chết. Nàng vừa khóc vừa đi về thành Sāvatthi.
Khi đi vào thành, nàng lại biết tin trận mưa to gió lớn đêm hôm đã làm sụp đổ căn nhà của cha mẹ nàng, cả cha mẹ và người em đều thiệt mạng, mọi người vừa làm lễ hỏa táng xong. Trong cơn đau khổ khủng khiếp chồng chất, nàng hóa điên dại, ăn mặc hở hang, nàng vừa khóc vừa than:
Chết rồi hai đứa con thơ,
Giữa đường chồng chết, bơ vơ một mình.
Mẹ, cha, em ở gia đình,
Lửa thiêu mất xác bóng hình còn đâu.[19]
Rồi nàng đi lang thang đây đó, khóc than nỗi đau khổ của nàng, và vì nàng mang xiêm áo tả tơi, nàng được gọi là Paṭācārā (kẻ mang xiêm áo). Người đi đường thấy nàng gọi nàng là người điên, có kẻ ném đá, có người thì quăng đồ nhớp bụi bặm trên nàng.
Khi ấy, Thế Tôn đang thuyết pháp ở Jetavana, Ngài thấy nàng đi lang thang như vậy và biết căn cơ trí tuệ của nàng đã chín muồi, ngăn cản không cho người ta xua đuổi nàng và cho phép lại gần, khiến nàng hồi tỉnh lại. Ngài nói cho nàng hiểu cái chết là điều không thể tránh, và thuyết dạy về Tứ diệu đế. Sau bài pháp thoại, nàng đắc quả Dự lưu và xin được xuất gia[20]. Một thời gian sau, nhờ nỗ lực tu tập và được đức Thế Tôn hướng đạo, Tỳ-khưu Ni Paṭācārā đắc quả A-la-hán[21]. Về sau Tỳ-khưu Ni Paṭācārā trở thành một vị trưởng lão ni mà nhiều phụ nữ bị sầu khổ chi phối thường đến xin bà chỉ giáo[22]. Tỳ-khưu Ni Paṭācārā được đức Phật tuyên bố là vị đệ tử tối thắng về trì Luật bên hàng Ni chúng[23].
- Nàng Kisā Gotamī.
Nàng tên thật là Gotamī, con gái của một gia đình nghèo khổ trong kinh thành Sāvatthi, vì nàng yếu đuối nên thường bị gọi là Kisā Gotamī (Gotamī ốm yếu). Khi lập gia đình, nàng bị gia đình chồng khinh thường và được gọi là con gái một người không có gì. Nhưng khi nàng có con, nàng được bên nhà chồng thương yêu, chiều chuộng rất nhiều. Hạnh phúc đẹp như một giấc mơ bất thình lình vụt mất, khi đứa bé vừa đến tuổi có thể chạy được, nó bất ngờ bệnh rồi chết.
Chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng như thế, nàng cảm thấy đau đớn tột cùng, và ôm đứa con chết vào lòng và đi vào từng nhà xin thuốc cứu con. Người dân cho là nàng vì thương con mà hóa điên nhưng nàng đâu biết gì, chỉ mong tìm thuốc cứu sống đứa con thân yêu và cũng là cứu sống hạnh phúc của gia đình nàng. Tấm lòng của người mẹ bao la, nàng bồng con đi hết xóm này đến làng khác nhưng không ai có thể cứu nỗi một cái xác chết như thế.
Và rồi, có người thương xót khuyên nàng đến đức Phật để xin thuốc. Không biết đức Phật la ai, vị thầy thuốc đó như thế nào, nhưng vì con, nàng cũng lần đường đến Tịnh-xá để xin đức Phật cứu giúp đứa con yêu của mình. Thế Tôn thấy được căn duyên của nàng, bèn nói: "Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và xin một nhúm hạt cải về đây."
Nàng vâng lời, đi vào nhà đầu tiên và yêu cầu như vậy, nhưng bị từ chối, vì trong nhà có người chết. Nhà này sang nhà kia, thôn này sang xóm nọ, hạt cải thì nhà nào cũng có nhưng không tìm đâu ra được nhà nào chưa từng có người chết. Thế rồi, duyên lành giác ngộ đã đến, nàng nhận chân được lời dạy khéo của Thế Tôn. Tình thương dành cho con đến đây vừa phải lẽ, nàng đem con vào nghĩa địa rồi trở về tịnh-xá xin gia nhập vào Ni đoàn của đức Thế Tôn[24]. Một thời gian sau, Tỳ-khưu Ni Kisā Gotamī chứng đắc Thánh quả A–la–hán[25] và được đức Phật tán dương là vị đệ tử Tỳ-khưu ni đệ nhất về đặc hạnh mang thô y (lūkhacīvaradharāṇaṃ)[26].
Mỗi người một hoàn cảnh, từ những vị vua chúa, từ một gia đình giàu có cho đến một người nghèo khổ, tất cả những người làm cha làm mẹ luôn có một tấm lòng từ ái, bao dung với con cái. Tình thương vô cùng vĩ đại đã trở thành những trái tim bất diệt trong máu huyết của chúng ta. Chỉ khi nào trở thành cha của đứa bé, chỉ khi nào mang nặng đẻ đau mới thấy được ân đức sâu dày, cực khổ của cha mẹ là thế nào. Sông có lúc nước ròng, nước lớn, biển có lúc sóng tràn bờ nhưng cũng có lúc êm đềm nhưng tình cha mẹ với con cái luôn nồng ấm và tràn đầy cả một tấm lòng, cả một trái tim nhỏ bé nhưng còn bao la hơn nước bốn bể đại dương.
Kính mừng Ngày của Mẹ (12/08) của Thái Lan và Vu Lan báo hiếu ở Việt Nam, kính chúc tất cả những đấng sinh thành luôn nhiều sức khỏe, an lạc và mãi là bóng mát trong đời của những người con.
[1] JāA.vi,480ff
[2] D.ii,14
[3] D.ii,13
[4] Hoàng hậu mệnh chung không phải vì sau khi sanh thái tử mà vì tuổi thọ đã hết. Chúng ta hãy xem lại năm điều kiện của bồ-tát khi quán xét trước lúc giáng trần, tuổi thọ của Phật mẫu chỉ còn lại 10 tháng 7 ngày.
[5] ThagA.ii,226
[6] BuA.4
[7] A.i,25
[8] Vin.ii,255
[9] Ap.ii,531
[10] JāA.i,54
[11] JāA.i,57f
[12] JāA.i,67
[13] JāA.i,99
[14] JāA.iv,55
[15] ThigA.141
[16] Vin.i,35
[17] PvA.209
[18] Trong một tiền kiếp, ông đi giày trong sân của một tịnh xá nên ngày nay phải chịu khổ ấy.
[19] Chú giải Kinh Pháp cú, kệ số 113 (Cố Trưởng lão HT Pháp Minh dịch Việt).
[20] DhpA.ii,260ff
[21] DhpA.iii,434f
[22] ThigA.47,117,122
[23] A.i,25
[24] DhpA.i.270ff
[25] ThigA.174ff
[26] A.i,25
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
samadhipunno@yahoo.com