Có mặt trên thế gian này, được trưởng thành với đời, có công
danh với xã hội, chắc chắn ai trong chúng ta cùng đều phải mang nặng một món nợ,
đó là món nợ ân tình đối với hai bậc phụ mẫu. Mẹ sinh ra ta, cha nuôi ta lớn
khôn, dạy dỗ từng bước đi đầu tiên, những tiếng nói bập bẹ cho đến cách cư xử ở
đời và rồi cho ta một hành trang vững chải với cuộc sống. chỉ bấy nhiêu thôi,
nhưng ân đức của cha mẹ vô cùng to lớn và vô cùng tận.
Mùa Vu Lan, duy chỉ có một ngày, một thời gian ngắn để tưởng
nhớ ân đức cha mẹ nhưng trách nhiệm của người con hiếu thảo là cả cuộc đời phải
biết phụng dưỡng và đáp đền công đức của mẹ cha. Mà làm sao có thể đền trả được
món nợ ân tình cao sâu vời vợi như thế được chứ. Đức Phật đưa ra hình ảnh người
con cõng cha mẹ hai bên vai đi giáp vòng hết quả địa cầu, cung phụng các món
ngon vật lạ suốt đời thì cũng không thể đền đáp được ân cha nghĩa mẹ[1]. Theo Phật giáo, người con có
hiếu là ngoài việc phụng dưỡng, chăm sóc, làm việc thay thế cha mẹ, làm phước hồi
hướng khi cha mẹ quá vãng[2] thì người con còn một cách
báo hiếu cao quý nhất là hướng cha mẹ đến với thiện pháp, có lòng tin với Tam bảo,
có chánh kiến và hướng cha mẹ đến với sự giải thoát[3] chính là cách báo hiếu trọn vẹn
và ý nghĩa nhất.
Phụng dưỡng cha mẹ là một trong những bổn phận quan trọng của
con cái. Không chỉ phụng dưỡng, người con hiếu còn phải thuận thảo, thương yêu
và kính trọng cha mẹ với tất cả chân thành. Phước báo phụng dưỡng cha mẹ, theo
tuệ giác Thế Tôn, hiện tại được người đời tôn vinh ca ngợi và tương lai được
sanh về Thiên giới hạnh phúc an vui.
Người nào theo thường pháp
Nuôi dưỡng mẹ và cha
Chính do công hạnh này
Đối với cha với mẹ
Nhờ vậy bậc Hiền Thánh
Trong đời này tán thán
Sau khi chết được sanh
Hưởng an lạc chư Thiên.[4]
Tuy nhiên, điều quan trọng mà Thế Tôn muốn nhấn mạnh ở đây
là những phẩm vật phụng dưỡng, kính thờ cha mẹ phải trong sạch, là thành quả sự
lao động chân chính theo thường pháp. Nếu những thành tựu vật chất trong hiện tại
là kết quả của việc làm ăn phi pháp như tranh đoạt, trộm cướp, lừa gạt, trốn
thuế, hối lộ, tham nhũng rồi đem phụng dưỡng cha mẹ thì chẳng những không được
phước mà cha mẹ có thể bị liên lụy theo.
Sanh con ra, cha mẹ nào cũng muốn con được nên người, trưởng
thành với đời; ấy vậy mà đâu phải con cái nào cũng có hiếu với cha mẹ. theo đức
phật nhận định, những người con có hiếu với cha mẹ ít hơn những người không có
hiếu, cũng ví như đất trên đầu móng tay của như lai so sánh với đất trên quả địa
cầu này vậy[5].
Và hôm nay, hòa mình cùng với không khí của những người con hiếu thảo hướng về
hai đấng sanh thành, trong bài viết này xin nêu lên một vài tấm gương hiếu hạnh
"vĩ đại" để chúng ta lấy đó làm kim chỉ nam trong cuộc sống và là một
bài học cho những người con chí hiếu. Và đây là những người con tiêu biểu nhất
được ghi lại trong kinh điển và lịch sử.
1. Đức Thế Tôn.
Sanh ra và lớn lên vẫn như bao người con khác, thái tử
Siddhattha là hoàng nam duy nhất của đức vua Suddhodana và hoàng hậu Sirī Mahāmāyā,
trị vì kinh thành Kapilavatthu của tộc Sakya. Bảy ngày sau khi hạ sanh thái tử,
hoàng hậu băng hà và người em gái Mahāpajāpatī Gotamī được phong làm hoàng hậu
mang trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cho thái tử. Đến năm 16 tuổi, thái tử
sánh duyên cùng công chúa Yasodharā xinh đẹp. Đến ngày được làm cha, năm 29 tuổi,
và cũng là ngày thái tử rời bỏ cung điện, ngai vàng cùng vợ đẹp và đứa con thơ
chưa nhìn mặt để đi tầm cầu đạo giải thoát. Với người đời, có lẽ người ta không
hiểu sẽ cho rằng thái tử là một người con vô tâm, một người chồng, một người cha
vô trách nhiệm. Nhưng không phải vậy. Thái tử ra đi, từ bỏ hạnh phúc cá nhân tầm
thường để đi tầm cầu một con đường giải thoát, cao quý hơn, đó gọi là Thánh
Cầu[6]. Sau sáu năm hành đạo để tìm
con đường thoát khổ, cuối cùng bồ-tát cũng đã chứng đạt quả vị Phật Chánh Đẳng
Giác dưới cội Bồ-đề vào ngày trăng tròn tháng Vesākha.
Mục đích đã đạt được, cái cần tìm đã tìm thấy, đức Phật bắt
đầu những ngày tháng du hành đây đó khắp các nẻo đường Bắc Ấn để going lên hồi
trống bất tử để cho những ai hữu duyên được nghe và chứng nghiệm Pháp giải
thoát. Và trong những chuyến hành trình đó, Ngài đã trở về lại quê hương
Kapilavatthu để tế độ quyến thuộc.
Trong thời gian ở tại quê nhà, vì không có ai thỉnh Ngài
trai tăng cúng dường nên Thế Tôn cùng với đoàn Tỳ-khưu tùy tùng đi khất thực
trong kinh thành. Vua cha nghe tin dân chúng xôn xao vì chuyện con vua đi xin
ăn ngoài thành nên nhà vua đến phàn nàn với Thế Tôn. Đức Phật cho biết rằng
Ngài chỉ giữ đúng theo truyền thống dòng dõi của chư Phật là đi khất thực từng
nhà chư đâu làm mất thể diện dòng dõi vua chúa của vua cha. Sau thời pháp thoại,
nhà vua đắc quả Tu–đà-huờn[7]. Sau đó vua cha thỉnh đức Phật cùng chư Tỳ-khưu theo Ngài vô cung thọ
trai. Tại đây, tất cả mọi người đều đến đảnh lễ Ngài, ngoại trừ công chúa
Rāhulamātā. Sau khi thọ trai, Thế Tôn đã thuyết thời pháp đệ khích lệ đến vua
cha và di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī. Cuối thời pháp, di mẫu đắc quả Tu–đà-huờn còn vua Sudddhodana đắc Thánh Tư-đà-hàm[8].
Và vào mùa an cư thứ
năm của đức Thế Tôn, vua Suddhoadana lâm trọng bệnh, Thế Tôn đã trở lại
quê hương lần thứ hai để tế độ vua cha đắc được thánh quả A-la-hán khi nằm trên
giường bệnh trước khi thăng hà[9]. Cũng vào năm này, Hoàng hậu Mahāpajāpatī Gotamī cùng đi với 500 nữ nhân dòng Sakya
đến Nigrodhārāma viếng Phật và bạch xin Ngài cho phép nữ nhân gia nhập Tăng đoàn.
Bà xin ba lần và Phật từ khước ba lần rồi Ngài trở về Vesāli. Dầu không được
phép, mgọi người vẫn xuống tóc, đắp y vàng rồi đi theo Ngài hướng về Vesāli.
Sau cùng Tôn giả Ānanda vào bạch xin đức Thế Tôn cho phép thành lập Ni đoàn và
được đức Phật chập thuận nếu như nữ nhân chấp nhận thọ trì tám kính pháp[10].
Vào mùa an cư thứ 7 của Thế Tôn, Ngài đã an cư trên cõi trời
Tāvatiṃsā[11]
ba tháng mùa mưa và thuyết giảng Abhidhamma cho mẫu hậu của mình, lúc đó đã là
một vị nam thiên tử. Sau thời pháp, vị thiên tử chứng đắc được Thánh quả Dự-lưu.
Như vậy, chúng ta thấy Thế Tôn đã "nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy"[12].
Chính những lời dạy của Ngài và những hành động của Thế Tôn đi đôi với nhau là
những bài học thiết thực nhất khiến bao người phải quy ngưỡng. Vai trò là một vị
Đạo sư vĩ đại lúc bất giờ, biết bao người quy phục, biết bao vua chúa quỳ lạy
và hàng chư thiên khắp các cõi lễ bái nhưng Ngài cũng không quên tế độ quyến
thuộc của mình. Đúng như câu nói "Nhất nhân đắc đạo, cửu huyền siêu
thăng" quả thật không sai. Chính vì thế, Ngài đáng là một bậc vĩ nhân
chí hiếu đáng là tấm gương sáng cho những người con.
2. Tôn giả Sāriputta.
Cuộc đời của Tôn giả Sāriputta, bậc Tướng quân Chánh Pháp, cả
cuộc đời Ngài là vầng sử rạng ngời đáng cho hang hậu học kính nể và nương theo
tu học. Một câu chuyện ghi lại, Ngài đã giúp tế độ cho người thân mẫu của Ngài
vào một kiếp quá khứ xa xưa, như là đáp trả món ân tình đã vay mượn từ thuở
nào.
Một thuở nọ, Tôn giả Sāriputta, Tôn giả Mahāmoggallāna, Tôn
giả Anuruddha và Tôn giả Kappina trú tại một khu rừng không xa Vương Xá thành lắm.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta đang đi kinh hành trong đêm, có một nữ dạ xoa muốn
đi đến yết kiến với Tôn giả nhưng các vị chư thiên bảo vệ tịnh xá không cho dạ
xọa vào bên trong. Nữ dạ xoa nói với các chư thiên rằng : mình là Mẹ của Tôn giả
cách đây bốn kiếp về trước[13] nên xin các vị ấy cho vào
trong để thăm viếng ngài Tôn giả. Chư thiên nghe vậy cho nàng vào. Khi đã vào,
nàng dạ xoa ấy đã hiện hình ra trước mặt Tôn giả ngay tại cuối con đường kinh
hành. Nàng thuật lại câu chuyện quá khứ của mình, do đã tạo ác nghiệp mắng chửi,
nguyền rủa các vị xuất gia nên phải chịu cảnh khổ như thế này. Dạ xoa cầu xin
Tôn giả bố thí cúng dường vật thực và hồi hướng phước đến cho mình để thoát khỏi
sự đau khổ.
Sáng hôm sau, nhân khi đi khất thực trong thành Vương Xá,
các ngài đến gặp vua Bình-sa, và Tôn giả Mahāmoggallāna thuật lại câu
chuyện ấy cho vua nghe. Nhà vua hoan hỷ phát tâm trong sạch hứa sẽ
giúp Tôn giả Sāriputta. Vua truyền lệnh cho các quan dựng bốn tịnh thất
trong khu rừng ngoại thành, và sửa soạn vật thực, đồ ăn, thức uống và y phục.
Sau đó, nhà vua chuyển toàn bộ những thứ ấy đến Tôn giả Sāriputta.
Nhân danh Mẹ của mình, Tôn giả Sāriputta bố thí cúng dường đến Đức
Phật và Tăng đoàn, rồi hồi hướng công đức phước báu đến cho bà. Nhờ đó, bà được
tái sinh vào cõi Trời Phạm Thiên[14].
Đó là món nợ còn thiếu trong quá khứ xa xưa, còn đối với món
nợ ân tình của Ngài trong kiếp này, trước khi viên tịch Níp-bàn, Tôn giả Sāriputta
đã thực hiện một chuyến du hành cuối cùng trong vòng luân hồi để Ngài trở lại
quê hương, nơi ngôi làng cũ, nơi chăn nhà mà Ngài đã sinh ra để tế độ thân mẫu.
Thân mẫu của ngài tên là Rūpasārī, là một tín đồ thuần thành
của Bà-la-môn giáo, mặc dù bảy người con[15] yêu quý của bà đều xuất gia
trong Giáo pháp của đức Phật và đều đắc thánh quả A-la-hán nhưng bà không có niềm
tin nơi Tam Bảo và cũng rất không thích chư Tăng. Vì bà nghĩ rằng, chính đức
Phật và những vị đệ tử Phật đã lôi kéo những đứa con trai, con gái bỏ bà để
đi xuất gia[16].
Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta tuổi đã cao, sức khỏe đã ngày
càng suy kiệt, Ngài biết rằng nhân duyên của mình sắp mãn nên đã xin phép đức
Phật về quê hương tiếp độ mẫu thân và viên tịch tại nơi đó.
Tôn giả từ giã đại chúng và dẫn theo 500 Tỳ-kheo về quê
hương mình. Trên đường về gần đến ngôi làng thuở xưa của mình, Tôn giả gặp đứa
cháu trai và bảo người cháu về thông báo với Mẹ Ngài rằng: Tôn giả Sāriputtađã
trở về và xin ở lại căn phòng thuở xưa lúc Ngài chào đời. Người cháu vô cùng mừng
rỡ, vội vàng chạy về báo tin. Dù rằng bà Sārī rất ghét Tăng đoàn, rất
giận người con cả, nhưng lòng yêu thương con không bao giờ vơi cạn, bà đổi giận
làm vui để tiếp đón chư Tăng. Tối đêm ấy, ở ngay căn phòng thuở xưa lúc chào đời,
Tôn giả đã trở bệnh kiết lỵ. Lúc bấy giờ, có vị thị giả đang hầu hạ, cứ vào ra
với những cái bô trên tay. Bà sārī rất quan tâm đến người con cả,
nhưng vẫn còn đứng ở bên ngoài phòng của Tôn giả quan sát.
Khi ấy, các vị thiên vương, thiên chủ,phạm thiên lần lượt hiện
vào phòng để kính lễ tôn giả, hào quang của các vị ấy làm cho cả căn phòng và
khu vườn nơi Tôn giảSāriputta đang ở sáng rực hào quang. Sau khi các vị
Thiên chủ đã ra đi, bà vội vàng vào phòng của Tôn giả để hỏi thăm về những vị trời
ấy. Tôn giả đã từ tốn giải thích đó là những vị trời nào, sự hộ pháp của họ ra
sao, đã hầu hạ đức Phật trong lúc đản sanh, sự thưa thỉnh đức Thế Tôn chuyển
pháp luân lúc mới thành đạo như thế nào, v.v… Nghe xong, vô cùng kính phục, bà
không ngờ người con của mình cao cả đến độ các vị trời cao quí, ngay cả đến Đại
phạm thiên, Brahma (vị trời cao cả nhất, tối thượng nhất mà cả dòng tộc bà cũng
như bản thân bà luôn kính ngưỡng phụng thờ, cầu nguyện hàng trăm năm nay) lại
chỉ là người hầu của con mình, là đệ tử của đức Thế Tôn. Trong tâm bà phát khởi
tín tâm, suy nghĩ: “Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực
vô biên của đấng Bổn sư của con mình còn to lớn biết chừng nào!”
Bằng sự kính ngưỡng cao cả chưa từng có, đồng thời nghe xong
bài pháp ngắn về công đức Phật, Pháp, Tăng của Tôn giả, toàn thể châu thân bà
Sàri rúng động, niềm tin tối thượng về đức Phật, về người con vĩ đại của mình,
cũng như về Tam Bảo. Niềm hoan hỷ, an lạc bất tận phát sinh đến từng chân tơ kẻ
tóc, bà đã chứng đắc được quả vị Tu-đà-hoàn, chính thức bước vào dòng Thánh, chắc
chắn sẽ đạt đến giải thoát, an lạc.
Quá xúc động, bà Sàri đã thốt lên với Tôn giả: : “Này người
con đáng kính của Mẹ! Này ngài Upatissa, tại sao trong suốt những năm qua con
không ban bố cho Mẹ một sự hiểu biết bất tử này?“
Khi biết thân mẫu của mình đã đạt được thánh trí, ngài bèn
nghĩ: “Giờ thì ta đã đền đáp xong công ơn sinh thành của người Mẹ ta rồi,
người thiếu phụ Bà-la-môn mà trước đây dân làng ai cũng tôn kính và đều gọi
làRūpasārī. Chính nhờ bà, ta đã nên người. Pháp bảo mà ta vừa giảng cho bà thế
là đủ”.
Đáp trả xong món nợ ân tình ngày nào, trách nhiệm của Ngài
đã xong, phận sự cũng chẳng còn gì để làm, Ngài đã viên tịch Níp-bàn không còn
dư sót chút đau khổ nào. Ngày đó nhằm ngày trăng tròn tháng Kattika (khoảng
tháng 10 âm lịch).
Toàn bộ cuộc đời Ngài đã cống hiến hết cho sự nghiệp hoằng
pháp, là bậc Tướng quân Chánh Pháp, bậc Thượng thủ Thinh văn bên tay phải của đức
Thế Tôn, vậy mà đến phút cuối cuộc đời, Ngài vẫn không quên báo đáp thâm ân của
đấng sinh thành.
3. Tôn giả Rāhula.
Trong đêm ra đi vĩ đại nhất trong lịch sử loài người của Bồ-tát
Siddhattha, công chúa Yasodharā đã gạt lệ nhớ thương và đơn thân nuôi dưỡng Rāhula
ròng rã bảy năm trường trong cô đơn, khắc khoải. Với tình thương vô hạn của mẹ
và sự giáo dưỡng chu toàn của ông nội Suddodhana theo phương cách của một hoàng
nam mang dòng máu Sakya, Rāhula bẩm thụ một khí chất đặc biệt so với những đứa
trẻ đồng trang lứa.
Mặc dù chưa hình dung ra dáng vẻ của cha, nhưng khi được mẹ
bảo rằng, bậc dẫn dầu đoàn Sa-môn hôm ấy chính là người cha khả kính đã biền biệt
bao năm qua, Rāhula đã vâng theo lời mẹ dạy một cách tuyệt đối và chạy đến cầu
xin Đức Thế Tôn: hãy ban cho con phần thừa kế[17].
Khi được đức Thế Tôn hứa khả và huấn thị Tôn giả Sāriputta
đưa về tịnh xá để làm lễ xuất gia, Rāhula cũng tùy thuận nghe theo mà không hề
có một chút phản kháng. Do lòng từ vô hạn của đức Thế Tôn nên Rāhula cảm thấy bóng
che của Ngài thật an lạc, và đã an tâm đi theo Ngài, dù chỉ lần đầu gặp gỡ.
Từ ý thức chấp hành lời dạy của mẹ, của người lớn từ thuở
bé, nên khi được sống chung với tập thể những người xuất gia, Rāhula luôn vâng
giữ những điều khuyên răn của các bậc trưởng thượng, mà ở đây là việc vâng giữ
những giới điều do Phật chế định ra.
Một lần nọ, bị những vị khách tăng lớn tuổi chiếm dụng chỗ
ngủ của mình, Sa-di Rāhula không vì thế mà buồn lòng, bực bội, và đã an giấc
qua đêm trong nhà vệ sinh của Đức Phật[18]. Mãi đến khi trời gần sáng,
Đức Thế Tôn cần sử dụng nhà vệ sinh mới phát hiện ra Sa-di Rāhula nằm ngủ còng
queo trên nền đất lạnh. Chứng kiến cảnh tượng đó, Đức Thế Tôn đã chỉnh lý bổ
sung những thiết định giới luật đã ban hành trước đó. Không ỷ lại tình thống
thuộc, thân quen, tuân giữ nghiêm túc những quy định về giới luật, tự chủ và giản
đơn trong nếp sống, sinh hoạt của mình, là đặc thù riêng có của nhân cách Sa-di
trẻ tuổi Rāhula.
Đức Phật đã khéo dẫn dụ hình ảnh thau nước bẩn và cái gương
soi để giáo hóa Rāhula. Một thau nước bẩn chỉ có thể đổ đi và không có thể dùng
vào được việc gì; người nói dối cũng vậy[19]. Cái gương soi phản ảnh lại
tất cả những hành động, dung nghi của mình. Những điều không tốt thì nên tránh
xa và những điều thiện pháp thì hãy nỗ lực thực hiện. Những nỗ lực của người
cha - Đức Phật - đã được đền đáp, vì cuối cùng, Sa-di Rāhula đã xứng đáng
là một vị đệ tử tối thắng về hạnh hiếu học[20].
Nỗ lực cần cầu học hỏi của Rāhula rất mạnh mẽ, đôi khi vì
ham học mà quên cả việc khất thực thức ăn. Kinh điển ghi lại rằng, một sáng nọ
từ tinh xá Jetavana, Rāhula theo chân Đức Thế Tôn vào kinh thành Sāvatthi khất
thực, đang trên đường đi, Đức Thế Tôn đã tùy thuận nhân duyên nên đã có bài
thuyết giảng về giáo lý Vô ngã.
Bài thuyết giảng đã thu hút Rāhula chăm chú lắng nghe.
Sau khi nghe xong, Rāhula quyết từ bỏ chuyến đi khất thực mà trở về tinh xá với
bụng đói meo, để kịp thời quán niệm về pháp hành vừa được Đức Phật chỉ dạy. Nhờ
sự tinh cần đó, Rāhula chứng đắc A-la-hán khi tuổi còn rất trẻ[21]. Và cũng nhờ đắc Thánh quả rất
sớm nên ngay cả ma vương Vasavattī cũng không hù dọa được Tôn giả Rāhula[22].
Với tự thân, Rāhula đã có những nỗ lực tuyệt vời, với mẫu
thân, Tôn giả đã thể hiện vai trò một người con hiếu rất mực cảm động.
Một lần Rāhula đến thăm thân mẫu là Tỳ-kheo ni Bimbādevī,
tên khác của Yasodharā sau khi xuất gia, thì được biết mẹ đang bị sình bụng,
khó tiêu nên không ra tiếp chuyện được. Biết mẹ không khỏe nên Rāhula lo lắng
vô cùng. Rāhula vào tận giường và thưa rằng,
- Mẹ phải dùng thứ gì mới khỏi được?
Bà đáp:
- Con ơi, nếu như hồi còn ở nhà thì cơn đau này thường được
chữa bằng nước xoài có pha với nước đường; nhưng giờ đây, chúng ta đang sống bằng
khất thực thì kiếm đâu ra thứ đó?
Vị Sa-di đáp:
- Con sẽ kiếm thứ ấy cho mẹ.
Và Rāhula ra đi. Rāhula đến xin cầu cứu Trưởng lão Sāriputta:
- Bạch thầy mẹ con đang mắc chứng sình bụng.
- Thế người phải dùng thứ gì?
- Có nước xoài ép với đường thì người mới khỏi bệnh.
- Ðược rồi, ta sẽ có, con chớ lo!
Thương đệ tử, Trưởng lão Sāriputta đã vào cung vua Kosala và
có được nước ép xoài trị bệnh. Nhận được nước ép xoài từ sự trợ giúp của sư phụ
Sāriputta, Rāhula khoan khoái vô cùng vì đã tìm được thuốc chữa bệnh khó tiêu
cho thân mẫu[23].
Tình thương mẹ của Rāhula không dừng lại ở đó, vì trong một
lần khác, bà Rāhulamātā lại bị bệnh đau bao tử, và cũng nhờ lòng hiếu thảo của Rāhula
nên sư phụ Sāriputta lại một lần nữa đã gia tâm hỗ trợ, bằng cách giúp Rāhula
xin bữa cơm trộn bơ tươi và cá hồng
phù hợp cho bà Rāhulamātā[24].
Từ những nỗ lực của Rāhula trong việc chăm lo cho thân mẫu bằng
những gì có thể, đã cho thấy rằng, hiếu thảo với cha mẹ là đạo lý cơ bản của
con người, bất luận xuất gia hay tại gia. Cũng từ đây đã mở ra cho những người
mang thân phận làm con, những bài học lớn về việc rèn luyện những phẩm hạnh đạo
đức cơ bản.
Bữa ăn cúng dường đại diện mẫu thân của Tôn giả Sāriputta,
bát nước xoài, bữa cơm bơ trộn với cá hồng của Tôn giả Rāhula đều là bắt nguồn
từ tình thâm mẫu tử, nhằm đáp lại tấm ân tình cao cả của bậc làm cha làm mẹ. Dù
chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng cái giá trị nhân văn từ những bậc long tượng của
Giáo pháp khiến cho bao hàng hậu học ngưỡng phục và nương theo.
4. Những câu chuyện tiền thân:
Thế Tôn đã hướng dẫn và tiếp độ quyến thuộc một cách trọn vẹn,
đem đến cho mọi người nếm được hương vị bất tử của Chánh pháp và đến khi vua
cha thăng hà, chính Thế Tôn đã tự thân châm lửa trong buổi lễ trà tỳ của vua
cha. Hướng cha mẹ đến với thiện pháp, còn hơn thế nữa, Thế Tôn đã đem đến cho họ
được uống chính dòng sữa Giáo pháp thanh tịnh vô cùng tận[25].
Không chỉ ở trong kiếp hiện tại mà thôi, từ vô lượng kiếp trong quá khứ, khi
còn là vị bồ-tát, Ngài cũng đã là một tấm gương sáng về hiếu hạnh. Ngài không từ
chối bất cứ một hy sinh nào, miễn cha mẹ được sống còn và khỏe mạnh, dù phải
móc mắt làm thuốc, moi tim thế mạng hoặc từ bỏ ngai vàng đế nghiệp để được sớm
hôm phụng dưỡng mẹ cha...
Chuyện Lộc Vương Hoan Hỷ (Tiền thân Nandiyamiga)[26]
Thuở xưa, khi Bồ-tát
sanh làm con nai chúa tên Nandiya
rất hiếu thảo với cha mẹ. Vua trị vì Kosala
rất thích săn bắn. Các cuộc đi săn của ông và tuỳ tùng đông đảo làm hư hao mùa
màng của thần dân rất nhiều. Dân chúng cùng nhau bàn bạc kiến tạo một lâm viên, đào một
hồ nước và gieo cỏ mọc lên, rồi vào rừng đuổi bắt bầy nai về để
nhà vua săn hầu tránh thiệt hại cho mùa màng.
Nandiya hy sinh
tính mạng của mình vì cha mẹ và trốn theo đoàn nai vô vườn. Nai trong đoàn đồng
ý hy sinh từng con một cho cuộc săn bắn của nhà vua. Bầy nai chuẩn bị chờ đến phiên mình, con nào đến
phiên phải đứng
sang một bên, rồi họ mang nó đi khi nó đã bị bắn chết. Nandiya cứ uống nước trong hồ và ăn cỏ, nhưng chưa đến phiên mình. Mặc dù nai chúa biết rằng mình chắc
chắn có thể nhảy rào trốn đi. Song vì đã thọ hưởng thức ăn
nước uống đầy đủ của đức vua và việc
ấy đối với nai chúa như một
món nợ. Ngoài ra, nai chúa đã sống lâu nay với bầy nai này, thật không hợp lý
nếu ra đi mà không làm ích lợi cho đức vua và bầy nai nữa, hoặc không chứng tỏ sức mạnh của
ta. Vì vậy bồ-tát nai chúa vẫn chờ cho đến khi nào đến lượt của mình, sẽ làm lợi
ích cho cả người lẫn vật rồi an vui trở về. Mặc dù nhận được tin cha mẹ
đang trông ngóng con về, nhưng bồ-tát vẫn quyết ở lại theo tâm nguyện của mình.
Lúc tới phiên
mình, không sợ hãi, Nandiya xuất hiện với tâm từ ái. Tâm từ ái này khiến nhà
Vua không thể bắn tên được. Trái lại, vua cho Nandiya một ước nguyện và Nandiya
ước nguyện cho mọi chúng sanh được an lạc. Sau đó, nhà vua bỏ đường ác và cai
trị theo chánh pháp.
Chuyện Hiếu Tử Sutana (Tiền thân Sutana)[27]
Bồ-tát sanh
làm con của một gia đình nghèo, tên Sutana
và chăm lo phụng dưỡng cha mẹ già. Một hôm, nhà vua trị vì Benares đi săn, đến nghỉ lưng dưới gốc
cây đa bên đường. Trên cây đa có Dạ xoa Makhādeva
trú; Dạ xoa được phép của Thiên vương Vessavaṇa
bắt ăn thịt ai đến gần trú xứ của mình. Bị bắt, nhà vua thương lượng với Dạ xoa
thả ông ra để rồi mỗi ngày ông đem cống nạp cho Dạxoa một người với một dĩa
cơm. Đạt được thỏa thuận, đức vua được thả ra. Về kinh thành, vua kể chuyện này
lại cho quần thần nghe. Các cận thần sắp xếp để đưa những tù nhân đi nạp mạng
cho Dạ xoa. Một thời gian sau, không còn phạm nhân nào để đi cống nạp nữa. Nhà
vua đem một ngàn đồng tiền ra thưởng cho ai hy sinh cho Dạ xoa. Hiếu tử Sutana tình nguyện ra đi mặc dầu cha mẹ
khuyên can rất nhiều. Ông ra đi với một đôi hài vàng, chiếc lọng của vua, thanh
gươm và tô vàng đựng cơm. Sutana
đến cây cổ thụ, dùng mũi gươm đẩy tô cơm tới chứ không đến gần. Tiếp theo hai
bên nói lên những bài kệ giao tiếp với nhau và Sutana chinh phục được Dạ xoa. Sau đó ngài ra đi
cùng quỷ Dạ xoa, bảo nó cầm kiếm cùng nhiều vật khác vàđến thành Ba-la-nại.
Quân sĩ báo tin Sutana đã trở về cùng quỷ Dạ-xoa. Vua cùng triều thần đi
ra đón Bồ-tát và làm chỗ cư trú cho quỷ Dạ-xoa tại cổng thành, rồi sai người đem
cao lương mỹ vị cho nó. Xong vua vào thành, lấy trống truyền lệnh hội họp toàn
dân trong thành để tuyên dương công trạng của Bồ-tát và phong ngài chức vụ
thống lãnh quân đội.
Chuyện Voi Hiếu Dưỡng Mẹ (Tiền thân Mātuposaka)[28]
Một thời, Bồ
Tát sanh làm con voi chăm sóc mẹ mù sống trên núi Caṇḍoraṇa. Một hôm, có người thợ rừng đi lạc, voi đã giúp đỡ đưa khỏi
ra khu rừng. Người thợ rừng về tâu vua và được vua phái đi bắt voi. Để công đức
không bị tổn hại vì phẫn nộ, voi ngoan ngoãn để bị bắt đưa về kinh thành. Voi
được nghinh đón trọng thể và phong làm vương tượng. Nhưng voi không màng ăn uống vì lo cho mẹ. Nhà
vua biết voi có mẹ mù, thả voi trở về Hy Mã Lạp Sơn, rồi cho kiến tạo một thị
trấn gần chỗ voi trú để tới lui phụng sự voi Bồ Tát và voi mẹ. Sau khi mẹ voi
chết, voi đi thật xa đến tịnh xá Karaṇḍaka
để phụng sự các trí giả trú tại đây; nhà vua cũng thường đến đó cúng dường chư
vị.
Chuyện Hiếu Tử Sāma (Tiền Thân Sāma)[29]
Có chàng trai thuộc gia đình giàu có ở thành Sāvatthi,
vì lòng tịnh tín nơi Tam Bảo nên chàng xin đi xuất gia. Khi xuất gia một thời
gian, gia đình của vị ấy lâm vào cảnh khốn khó, cha mẹ già phải lang thang xin
ăn, khi hay tin cha mẹ như vậy, sầu thương nổi lên và vị ấy buồn khóc thật nhiều,
nghĩ rằng mình phải trở về gia đình để lo cho cha mẹ. Nghĩ vậy, trên đường hoàn
tục để quay lại quê nhà tại Sāvatthi, Tỳ-khưu ấy đã đến Kỳ Viên để đảnh lễ
Phật lần cuối, quán thấy những bất an của vị Tỳ-khưu này nên bậc Đạo Sư đã dạy,
một người con đi xuất gia vẫn lo được cho cha mẹ mình. Hôm sau trên đường về, vị
ấy đã gặp cha mẹ đang ngồi xin ăn bên vệ đường, không kìm lòng được và đã cúng
dường hết cho cha mẹ phần thức ăn mà mình đã khất thực, hôm sau Tỳ-khưu ấy cũng
phụng dưỡng cha mẹ bằng cách đó.
Việc làm này của thầy đã gây ngờ vực cho
các Tỳ-khưu khác, mọi người nghĩa rằng vị ấy đã phí phạm lễ vật cúng dường và đem
cho người thế tục nên đem chuyện này trình lên đức Phật. Thế Tôn cho gọi vị
Tỳ-kheo trẻ đến và hỏi:
- Có phải ông đã xuất gia mà còn lấy vật cúng dường của
thí chủ đem cho người thế tục không?
Vị ấy thú nhận là có. Rồi bậc Đạo Sư muốn ngợi khen việc
làm của ông và nói về một việc cũ của Ngài, liền hỏi:
- Thế ông phụng dưỡng người thế tục nào đó?
- Bạch Thế Tôn, chính cha mẹ của con.
Lúc đó Thế Tôn muốn khuyến khích việc làm của ông hơn nữa,
Ngài bảo ba lần:
- Tốt lành thay! Tốt lành thay! Ông đang đi con đường
ngày xưa Ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực Ta cũng phụng
dưỡng cha mẹ Ta.
Các vị Tỳ-kheo khi xuất gia tu hành, dù cắt ái từ thân thực
hiện nếp sống viễn ly, nhưng trên phương diện đạo đức xã hội, phụ mẫu tình thâm
nên vẫn phải làm tròn bổn phận đạo con. Thời Đức Phật còn tại thế, mỗi khi biết
vị Tỳ-kheo nào có hiếu với cha mẹ Ngài đều tán thán, vì trải qua vô lượng a
tăng kỳ kiếp, tiền thân của Phật cũng là hiện thân của người con đại hiếu như những
câu chuyện tiền thân đã trích lược ở trên.
Chữ hiếu ở mỗi thời khác nhau, do sự khác biệt ý thức và hoàn
cảnh xã hội luôn đặt sự nhận thức khác nhau về bổn phận trách nhiệm của người
con phải hành xử như thế nào cho trọn tình hiếu nghĩa với cha mẹ. Chính vậy,
trong buổi giao thời chữ hiếu rất hệ trọng, ngày nay kỹ nghệ thông tin bùng nổ
như thác lũ, chúng ta sẽ tiếp nhận rất nhiều nguồn thông tin: Internet, truyền
hình, báo, di động…trong dòng thác đó, tốt có, xấu có, sự thông tin qua lại
trong gia đình từ đó ngày một giảm dần, con cái ít nhận thông tin từ cha mẹ, lơ
là hiếu đạo, tình cảm xa cách.
Cuộc sống hối hả, tình người hời hợt, kẻ sống đua đòi, háo
danh, lắm lúc quên đi tình cảm thiêng liêng nhất là gia đình, quên rằng mình chỉ
có duy nhất một người cha và một người mẹ trên đời. Chuyện bao đời nước chảy
xuôi chứ chẳng bao giờ chảy ngược, cha mẹ khổ nhọc sớm hôm tần tảo nuôi con ăn
học thành tài, làm ông này, bà nọ, là chuyện thường, nhưng khi con thành tài
chăm lại cha mẹ không phải là nhiều, thậm chí chuyện con làm phật lòng cha mẹ,
có kẻ nghịch tử còn đánh cha chửi mẹ, chuyện đó không phải ít trên các báo hằng
ngày.
Một người con có hiếu, sẽ biết phải làm gì để cha mẹ vui
lòng, ngược lại bổn phận người làm cha mẹ cũng phải biết làm sao để con nên người.
Khi con cái không cần biết cha mẹ thích gì, cần gì vì cái gọi là tổ ấm hạnh
phúc riêng tư mà quên bẵng đi cha mẹ mình, tới tháng dấm dúi vào tay cha mẹ vài
đồng như một cái máy gọi là xong trách nhiệm, đợi khi cha mẹ qua đời thì làm
tang ma thật lớn, sự hiếu thuận tưởng chừng đã muộn nhưng không là chuyện hiếm
thời nay.
Chúng ta dường như đang hiện hữu trong cái thời mà thước đo
giá trị bị lệch về phía thực phẩm thay vì nhân phẩm, lương thực thay vì lương
tâm. Cuộc sống bộn bề, hào nhoáng của thế gian khiến bao người con bị cuốn theo
ma lực của tiền tài, danh vọng. Vì thế, những Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, tinh
thần của mùa Vu Lan báo hiếu như là một lời cảnh tỉnh những người con quay về với
cha mẹ để giữ trọn đạo làm con sao cho phải.
Đạo Phật ra đời hơn hai ngàn năm, những gì mà Phật dạy không
ngoài mục đích giúp xác lập trật tự bình đẳng và sự bình an cho xã hội loài người
trên con đường đoạn tận khổ đau, trong đó đạo hiếu là căn bản. Và những gì
torng nội dung bài viết dựa theo tinh thần kinh điển ghi chép lại như là một
món quà dành cho những người con trong mùa Vu Lan này. Hãy quay về bên cha mẹ,
vì rằng trong cuộc đời này chỉ có cha mẹ là người duy nhất chúng ta đáng phải
cúng dường, tôn kính và phụng dưỡng.
Các thế nhân theo Pháp chánh chân,
Chăm nuôi cha mẹ lúc gian truân,
Chư thiên thế giới này ca tụng,
Đời kế cõi thiên hưởng phước phần.
Bhik Samādhipuñño Định Phúc
[1]
A.i,62
[2]
D.iii,189
[3]
A.i,62
[4]
S.i,181
[5]
A.v,467
[6]
D.i,162
[7]
DhpA.iii.164
[8]
JāA.i,99
[9]
ThigA.141
[10]
Vin.ii,255
[11]
BuA.4
[12]
D.ii,225
[13]
Trong đời quá khứ có một phú gia ở thành Bārāṇasī
thường phát âm cúng dường rộng lớn đến các Sa môn, Bà la môn và bố thí rộng rãi
cho những người nghèo khó. Rồi một hôm, phú gia bận đi làm ăn xa, trước khi đi
dặn dò vợ chu toàn công việc bố thí cúng dường. Ông đi rồi, người vợ không những
chểnh mảng trách nhiệm cúng dường được chồng giao phó mà còn biểu lộ thái độ
khinh khi sỉ nhục những người nghèo khổ. Vì tham lam bỏn sẻn, tạo ác nghiệp nặng
nề nên khi từ trần bà tái sanh làm ngạ quỷ chịu nhiều khốn khổ.
[14]
PvA.78
[15]
Bà có bảy người con tất cả: Sāriputta, Upasena, Mahācunda, Revata
Khadiravaniya, Cālā, Upacālā và Sisūpacālā.
[16]
DhpA.iv,164f
[17]
Vin.i,82f
[18]
Vin.iii,16
[19]
M.i,420
[20]
A.i,24
[21]
M.iii,280
[22]
DhpA.iv,69f
[23]
JāA.ii,392f
[24]
JāA.ii.433
[25]
Ap.ii,531
[26]
JāA.iii,270ff
[27]
JāA.iii,324ff
[28]
JāA.iv,90ff
[29]
JāA.vi,69ff
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
samadhipunno@yahoo.com