YẾU TỐ XÂY DỰNG MỘT CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC (TK. ĐỊNH PHÚC)



Sống trong cuộc đời này, bất cứ ai cũng đều muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống an lành vững bền. dĩ nhiên, đó là ước muốn thì bất cứ ai cũng đều có thể muốn, nhưng để đạt được một cuộc sống an lành, hạnh phúc thì điều đó không phải là dễ, mà đạt được hạnh phúc rồi, muốn cho nó được bền vững lâu dài thì lại càng khó hơn nữa. Nếu như chúng ta là những người con Phật thì chúng ta hãy tự hoan hỷ với chính mình, bởi vì cách đây hơn 25 thế kỷ, Đấng Từ Phụ của chúng ta đã giảng dạy về tám yếu tố căn bản để thiết lập một cuộc sống hạnh phúc và duy trì niềm hạnh phúc đó cho được bền vững lâu dài đến cho hàng đệ tử của Ngài.
Theo kinh điển ghi lại, Đức Thế Tôn đã giảng dạy về tám yếu tố hay còn gọi là tám đức tính căn bản mà người tại gia cư sĩ cần phải có để thiết lập cho mình một cuộc sống hạnh phúc, tức là người nào có được những đức tính này thì người ấy sẽ có được một cuộc sống an lạc, thoải mái cả về vật chất lẫn tinh thần, không chỉ ở đời hiện tại này mà còn luôn cho cả đời tương lai về sau nữa.
Tương truyền rằng: khi Đức Thế Tôn đang ngự tại Kakkarapatta, một thị trấn của dân chúng Koliya, lúc bấy giờ, thiện nam tử Dīghajānu đã đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và trình bạch với Thế Tôn như sau:
- Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ thọ hưởng những dục vọng, sống hệ phược với vợ con, dùng các hương chiên-đàn ở Kāsi, đeo và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, thọ lãnh vàng và bạc; bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại, và hạnh phúc an lạc trong tương lai.
Với lời thỉnh cầu tha thiết của thiện nam tử Dīghajānu, Đức Thế Tôn đã giảng dạy về bốn yếu tố để đạt đến hạnh phúc trong hiện tại và bốn yếu tố để đưa đến hạnh phúc trong tương lai. Như vậy, với tám yếu tố này, là tám đức tính mà người tại gia cư sĩ cần phải có để xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc ngay trong hiện tại và cả tương lai. Tám đức tính đó là gì? Đó là:
1.       Đầy đủ sự tháo vát (uṭṭhānasampadā).
2.      Đầy đủ phòng hộ (ārakkhasampadā).
3.      Làm bạn với thiện (kalyāmittatā).
4.      Sống thăng bằng điều hòa (samajīvitā).
5.      Đầy đủ lòng tin (saddhāsampadā).
6.      Đầy đủ giới đức (sīlasampadā).
7.      Đầy đủ bố thí (cāgasampadā).
8.     Đầy đủ trí tuệ (paññāsampadā).
Đây được gọi là tám yếu tố căn bản cần thiết của người tại gia để tạo dựng nên một cuộc sống hạnh phúc ngay hiện tại và cả trong tương lai.
1. Đầy đủ sự tháo vát (uṭṭhānasampadā) – tức là có sự siêng năng, tháo vát trong công việc, trong nghề nghiệp của mình để tạo nên sự thành thạo, sự điêu luyện trong phong cách làm việc, ngoài ra, còn phải khôn khéo trong việc tìm ra những giải pháp, những cách giải quyết trong công việc và còn phải biết cách sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng sức lao động một cách hợp lý và đúng chỗ, làm được như vậy thì công việc của mình mới đem đến hiệu quả năng suất cao.
Này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ sự tháo vát? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử làm nghề gì để sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm; này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự tháo vát.
2. Đầy đủ phòng hộ (ārakkhasampadā) – tức là đủ sức và biết cách bảo vệ những tài sản của mình đã tạo dựng ra, biết cách gìn giữ những gì mình đã thu hoạch được, không cho nó bị mất đi, không để nó bị mất mát hoặc hư hỏng như là không để cho trộm cướp lấy mất, không để cho hỏa hoạn hay lũ lụt cuốn trôi, không để cho chính quyền hay nhà cầm quyền tịch biên, không để cho con cháu phá hoại, đó mới gọi là tự mình phòng hộ tài sản của chính mình.
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ phòng hộ? Ở đây, này Byagghapajja, những tài sản của thiện nam tử do tháo vát tinh tấn thâu hoạch được, do sức mạnh bàn tay cất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch được đúng pháp, vị ấy giữ gìn chúng, phòng hộ và bảo vệ: "Làm thế nào các tài sản này của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con thừa tự không khả ái cướp đoạt". Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự phòng hộ.
3. Làm bạn với thiện (kalyāmittatā) – tức là thường giao du, thân cận với những người bạn lành, hiền thiện, có đạo đức và hạnh kiểm tốt để được học hỏi những đức tính tốt từ những người bạn này.
Và này Byagghapajja, thế nào là làm bạn với thiện? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có gia chủ hay con người gia chủ, những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập với đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, vị ấy học tập với đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, vị ấy học tập với đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy học tập với đầy đủ trí tuệ. Này Byagghapajja, đây gọi là làm bạn với thiện.
4. Sống thăng bằng điều hòa (samajīvitā) – tức là biết sống có chừng mực, thích ứng với tài sản mà mình có được, không sống tiêu pha, phung phí mà cũng không nên quá keo kiết, bủn xỉn, phải biết sử dụng tài sản sao cho cân đối, thích hợp trong việc thu chi để cuộc sống không trở nên quá hoang phí mà cũng không bị thiếu thốn.
Và này Byagghapajja, thế nào là sống thăng bằng, điều hòa? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Vị ấy suy nghĩ: "Ðây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy". Ví như, này Byagghapajja, người cầm cân hay đệ tử người cầm cân, sau khi cầm cân biết rằng: "Với chừng ấy, cân nặng xuống, hay với chừng ấy, cân bổng lên". Cũng vậy, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Vị ấy suy nghĩ: "Ðây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy". Này Byagghapajja, nếu thiện nam tử này tiền nhập vào ít, nhưng sống nếp sống rộng rãi, hoang phí, thời người ta nói về người ấy như sau: "Người thiện nam tử này ăn tài sản của vị ấy như ăn trái cây sung". Này Byagghapajja, nếu người thiện nam tử này có tiền nhập lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực, thời người ta sẽ nói về vị ấy như sau: "Người thiện nam tử này sẽ chết như người chết đói". Khi nào, này Byagghapajja, thiện nam tử này, sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sống nếp sống thăng bằng đìều hoà, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Vị ấy suy nghĩ: "Ðây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy". Này Byagghapajja, đây gọi là nếp sống thăng bằng điều hòa.
5. Đầy đủ lòng tin (saddhāsampadā) – tức là thành tựu được niềm tin, đức tin chân chánh nơi Tam Bảo, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có lòng in, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ lòng tin.
6. Đầy đủ giới đức (sīlasampadā) – tức là trở thành người có đầy đủ giới đức, hạnh kiểm, trở thành người có nếp sống đạo đức dựa trên tinh thần giới luật của bậc thiện trí, như là không sát hại chúng sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không rượu chè...
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ giới đức? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ giới đức.
7. Đầy đủ bố thí (cāgasampadā) – tức là phải biết mở rộng tấm lòng bố thí, dứt bỏ của cải, tài sản, có tấm lòng chia sẻ với những người còn thiếu thốn, khó khăn, ngoài ra cũng phải biết bỏ tài sản ra để bố thí cúng dường đến các bậc sa-môn, bậc trì giới.
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ bố thí? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia sẻ vật bố thí. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ bố thí.
8. Đầy đủ trí tuệ (paññāsampadā) – tức là phải có lý trí, có sự hiểu biết chân chánh, có trí tuệ nhận rõ thiện ác, nhậc thức rõ điều lợi ích hay nguy hại, nhận thức rõ việc nên làm hay không nên làm và nhất là dùng trí tuệ để tu tập diệt trừ phiền não, hướng đến sự chấm dứt khổ đau của sanh tử luân hồi.
Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ trí tuệ? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với thánh thể nhập (quyết trạch), chơn chánh chấm dứt khổ đau. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ trí tuệ.
Đó là tám yếu tố, đức tính giúp đem đến cho những người cư sĩ tại gia xây dựng cuộc sống hạnh phúc theo tinh thần rốt ráo của Phật Giáo. Tám đức tính này giúp cho những người con Phật có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc, thoải mái về vật chất lẫn tinh thần, về đời sống kinh tế cũng như là nếp sống đạo đức của những con người đang hướng đến chân-thiện-mỹ.
Tháo vát trong công việc
Không phóng dật, nhanh nhẹn
Sống đời sống thăng bằng
Giữ tài sản thâu được 
Có tin, đầy đủ giới
Bố thí, không xan tham
Rửa sạch đường thượng đạo
An toàn trong tương lai 
Ðây chính là tám pháp 
Bậc tín chủ tìm cầu
Bậc chân thật tuyên bố
Ðưa đến lạc hai đời
Hạnh phúc cho hiện tại 
Và an lạc tương lai 
Ðây trú xứ gia chủ
Bố thí, tăng công đức.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tăng Chi Bộ Kinh 4, Chương Tám Pháp, Phẩm Gotamī, Kinh Dīghajānu – Người Koliya. (A.IV.281)
Tags: , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

1 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com