TRÒ CHUYỆN CUỐI NĂM 2013 by Tuệ Nguyện


Cuối năm là khoảnh khắc dùng để ôn lại, dùng để nhìn lại những chặng đường đi qua trong một năm. Đáng lẽ TN phải viết gì đấy trước giao thừa nhưng vì sức khỏe không cho phép nên bây giờ mới có thể thực hiện được. Trước khi viết những điều này, bản thân TN phải ngồi lại để nhìn lại tâm mình để tránh việc quá cảm tính trong lúc viết hay đi xa với mục đích muốn gửi gắm những lời khuyên lúc ban đầu. Mục đích của bài viết này chỉ nhằm hai mục đích đó là: “phản ánh và khuyến khích”

Thời đại công nghệ thông tin, nên chỉ vài cái click chuột là chúng ta có thể lấy thông tin từ nơi khác và chuyển tải thông tin đến nơi khác. Nên hàng loạt bài viết về tôn giáo, thiền định, v.v… cũng trở nên phong phú và cái giá trị của những bài viết này cũng đủ dạng.

Đối với vai trò của một vị tu sĩ trẻ, trẻ ở đây có hai nghĩa trẻ về tuổi lẫn trẻ về năm tu thì việc cần phải làm đó là học để có kiến thức, có kiến thức mới thẩm xét được sự đúng sai trong oai nghi, phẩm hạnh, v.v… đặc biệt là cái “hiểu đúng”? (không dám dùng từ tri kiến gì cho nó cao xa), hiểu đúng ở đây chỉ đơn thuần là những gì mà mình đang cho là tu tập nó có đúng với Pháp và Luật mà Đức Phật đã dạy hay không? Nếu nó đúng, thì nó đúng như thế nào, trong hoàn cảnh nào, đối với đối tượng như thế nào mà Đức Phật lại hướng dẫn như thế? V.v…Nói gì thì nói chứ e ngại nhất là cái kiểu học chưa thông mà bị lầm lẫn cái “sở kiến, sở chứng, sở đắc” chi chi đấy rồi đem rao giảng cho thiên hạ thì TỘI CHO HỌ QUÁ!

Nói thêm về vấn đề HỌC, chúng tôi nhớ khi mới vào chùa cho đến lúc được tập tành ngồi lên Pháp tọa rồi đấy, cái công việc đáng sợ nhất đó là BỊ BẮT THUYẾT PHÁP vào mỗi nửa tháng nên thường trốn tránh hoặc giả vờ đùn đẩy. Đối với thế hệ Tăng sinh trẻ cái công việc mà chúng tôi thích thú làm nhất chỉ đơn thuần là “Ăn, ngủ, chơi và học”; tuổi trẻ chỉ có việc học là niềm vui lớn nhất. Nhiều người cứ bảo: “Ôi! Mấy ông sư nhỏ chỉ lo học hành chẳng lo tu gì cả!” Chữ TU nó không nằm trọn vẹn trong một hành động duy nhất là chân xếp bằng, mắt lim dim; mà chữ TU bao gồm nhiều oai nghi và trong công việc như ăn như thế nào? đi như thế nào? nói chuyện như thế nào? v.v… dễ gì có được mấy ai biết mấy ông sư nhỏ phải học và phải tu mấy cái này.

Trở lại vấn đề của mấy vị “trẻ trong đời sống phạm hạnh”(không hẳn là trẻ tuổi), hầu như mấy vị này thường thích chọn con đường thiền định. Như đã nói từ đầu, mục đích của bài viết là phản ánh và khuyến khích nên không có sự đả kích trong đây. Mặc dù, Đức Phật có ban hành Gantharadhura – trách nhiệm trong việc học và Vipassanādhura – trách nhiệm trong việc thực hành Vipassanā; nhưng điều đấy không có nghĩa là vị nào hành pháp thì được phép không cần học để “hiểu đúng”. Cái thiếu kiến thức hoặc thiếu sự “hiểu đúng” nó rất là tai hại, ví dụ như thế này: Ngày trước chúng tôi có ở một cái trung tâm thiền được nhiều người xưng tụng là nơi thanh tịnh về giới luật. Ở một thời gian, thì thấy có mấy vị kia bàn cãi một cách sôi nổi lắm, nghe ra thì cũng mấy điều luật không quan trọng lắm nhưng mấy vị làm kiểu như là phạm phải điều ấy là mất đi cả phẩm hạnh Tỳ khưu vậy. Khổ nỗi cái hệ quả của việc thiếu kiến thức nó không dừng ở mức đó, những vị đấy lấy việc Thanh Tịnh Giới của mình làm niềm tự hào rồi THỂ HIỆN bằng nhiều hình thức rất là ngộ nghĩnh. Không biết mấy vị ấy có bao giờ hình dung cái hình ảnh của “một người vào rừng tìm lõi cây, chặt vỏ ngoài cho là lõi cây rồi đem về” – đối với những vị thỏa mãn và hài lòng với sự thành tựu về giới của mình thì cũng như người lấy được vỏ ngoài mà nghĩ là lõi cây. Điều tai hại của việc thiếu kiến thức đó là lầm tưởng PHƯƠNG TIỆN LÀ CỨU CÁNH.

Đối với thời đại thông tin tràn lan như hiện nay, thì những người tại gia cư sĩ cần chuẩn bị cho mình một khả năng giống như một người thợ kim hoàn thử vàng phải biết đốt nóng, chà xát, v.v… để thử vàng; cần phải chuẩn bị cho mình cái lý tính để đánh giá, học hỏi nhìn nhận vấn đề thay vì cái cảm tính. Có một lần, đọc một cái bài nọ, chúng tôi thấy người viết thiếu kiến thức trong việc nhận định và đưa ra nhiều cái sở tri, sở kiến, xem tiếp những comment phía dưới thì thấy toàn là “ôi! Sư minh triết quá!, sư chí lý quá!”, thật tình là đọc mãi mà không thấy minh triết và chí lý điểm nào. Đây chỉ là một trường hợp điển hình thôi nhưng nó thể hiện lên cái tính “dễ hài lòng, dễ chấp nhận những gì được nêu lên” nói ngắn gọn và xúc tích hơn là “A DUA”.

Điểm tiếp theo đáng lưu ý là về vấn đề nương nhờ và tu học theo một vị Tăng nào đấy, sau đó, hình thành lên cái mà chúng tôi gọi là THẦN TƯỢNG HÓA CÁ THỂ, nhưng có ai nhớ rằng quy y Tăng (Saṅghaṃ saraṇam gacchāmi) là nương nhờ Tăng chúng, chứ không phải nương nhờ 1 ông sư nào đấy. Nhiều chuyện oái ăm cũng từ cái nương nhờ riêng biệt một cá thể mà ra như ông sư đó làm chuyện quấy hay hoàn tục rồi người còn lại ôm HẬN, mất niềm tin, v.v… chuyện cứ tưởng như đùa mà có thật. THẦN TƯỢNG HÓA CÁ THỂ là một dạng bệnh chung mà nhiều người mắc phải nó không chỉ dừng ở mức độ như trên, đôi khi có những cuộc khẩu chiến đại loại như “Thầy tui thiền sư ABC dạy thế này….”

Nói mãi chắc cũng không hết những chuyện đại loại thế này. Thiếu kiến thức và hiểu chưa đúng đâm ra nhiều thứ khá là tai hại. Do đấy mà việc học rất là cần thiết cho tất cả mọi người, chúng tôi còn nhớ mãi cái hình ảnh của một vị lão tăng tuổi hơn bảy mươi người mảnh khảnh, lọm khọm hằng ngày đi bách bộ quanh rừng thiền nhưng miệng vẫn tụng niệm những câu Phật ngôn… Những gì được phản ánh trái chiều bên trên vốn không phải quy chụp tất cả mọi người, mà là hình ảnh mà chúng tôi hay mọi người thường gặp đâu đó hoặc đã gặp mà không ai dám thổ lộ hay trình bày. Bài viết này với mục đích như một lời trò chuyện cuối năm, chỉ với mục đích thư giãn, để nhìn lại, để khuyến khích mọi người hãy học.

It’s never too late to learn!

Tuệ Nguyện 04/01/2014 


Tags: , , , , , ,
Quý đọc giả thân mến! Những bài viết trong Định Phúc's blog nhằm mục đích cho blog cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện nghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Định Phúc.

0 nhận xét

Leave a Reply

samadhipunno@yahoo.com