Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

TRÌ GIỚI BA–LA–MẬT (SĪLAPĀRAMĪ)

Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Bhuridatta, Ngài thực hành hạnh Trì Giới Balamật. Ngài bị người bàlamôn tên là Alambayana bắt và người ấp đánh gảy xương ngày. Tuy nhiên, Ngài không phản ứng làm hại người đó.

Câu chuyện hiện tại:
Một thuở nọ, khi Thế Tôn trú tại thành Xá Vệ, vào ngày trai giới, các cư sĩ thức dậy thật sớm, phát nguyện hành trì giới luật, bố thí và sau khi thọ trai, họ đem hương hoa đến tịnh xá Kỳ-Viên, gặp thời thuyết Pháp họ đều ngồi xuống một bên nghe giảng.
Bậc Đạo Sư đến tại Chánh Pháp đường ngồi xuống sàng tọa được trang hoàng dành cho đức Phật xong, liền nhìn xuống hội chúng Tỷ-kheo.
Lúc bấy giờ đức Như Lai thường muốn đàm đạo với một vài vị này hay vị kia trong hội chúng, khi bài thuyết giảng có liên quan đến họ, vì thế vào dịp này, Ngài biết rằng bài Pháp thoại liên quan đến các bậc Đạo Sư ngày xưa sắp được thuyết giảng cho các cư sĩ, nên trong khi đàm đạo với họ, Ngài hỏi:
- Này các cư sĩ, các ông có hành trì trai giới chăng?
Khi các cư sĩ đồng thanh đáp có, Ngài bảo:
- Tốt lành thay! Tốt lành thay! Này các cư sĩ, tuy nhiên ngày nay các ông có một vị Phật làm Đạo Sư như Ta và hành trì trai giới thì không phải là chuyện lạ gì, vì các bậc hiền trí ngày xưa, chưa có bậc Đạo Sư nào, cũngđã từ bỏ mọi vinh quang thế tục và giữ ngày trai giới.
Nói xong, theo lời thỉnh cầu của các cư sĩ, Ngài kể một chuyện quá khứ về bậc đại hiền trí Bhūridatta.
Câu chuyện tiền thân: Bhūridatta Jātaka (Jā.543)
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì thành Ba-la-nại, ngài phong cho con làm phó vương. Nhưng khi ngài thấy thái tử đạt vinh quang lừng lẫy, ngài lạiđâm ra hoài nghi một ngày kia thái tử sẽ chiếm trọn giang sơn. Vì thế ngài đày con đi biệt xứ và chỉ được trở về khi phụ vương đã băng hà. Thái tử vâng lệnh, giã từ vua cha ra đi đến vùng núi Yamunā dựng một túp chòi lá nằm giữa dòng sông giáp bờ biển và sống bằng rau quả qua ngày. thái tử đắp y sống như là một vị ẩn sĩ nhưng nội tâm vẫn còn bi dục vọng chi phối, vì thế chẳng bao lâu chàng bị cám dỗ bởi một long nữ, cả hai ăn ở với nhau có được hai đứa con là Sāgara Brahmadatta và Samuddajā.
Lúc vua cha băng hà, Thái tử Brahmadatta về lại triều cùng với hai con, còn vợ chàng là một long nữ nên trở lại cảnh giới của loài rồng. Một hôm, Sāgara Brahmadatta và Samuddajā thấy con rùa Cittacūla nên hoảng sợ. Cả hai trình bạch với vua cha và nhà vua truyền bắt thả rùa xuống vực xoáy của sông Yamunā như một loại hình phạt rất nặng nề. Theo dòng nước xoáy, rùa vô tình đến cung long vương Dhataraṭṭha. Bị thẩm vấn, rùa xảo quyệt đáp rằng được triều đình Benares cử xuống cầu hôn long vương cho công chúa Samuddajā. Sứ giả của long vương được gởi lên Benares để chuẩn bị hôn lễ. Bàng hoàng và phẫn nộ, vua cha Brahmadatta chối từ thì bị long vương bao vây kinh thành Benares để trả thù. Nhằm mục đích tránh tang thương vì nạn chiến tranh, công chúa Samuddajā chấp nhận hy sinh thân mình và được gả cho long vương Dhataraṭṭha, nhưng nàng không biết mình đang sống trong cõi Nāga, vì theo lệnh long vương, tất cả đều hiện thân làm người. Samuddajā sanh được bốn con: Sudassana, Datta (Bồ-tát), Subhaga và Ariṭṭha (Kāṇariṭṭha) và còn có thêm Accimukhī là con riêng của long vương.
Bồ-tát Datta thường hay đến viếng Thiên vương Virūpakkha trị vì cõi Nāga và một hôm ngài đi cùng Đại Thiên vương đến viếng Thiên chủ Sakka. Một ngày kia, Thiên vương Virūpakkha cùng với hội chúng lên cảnh giới chư Thiên để chầu Thiên chủ Sakka, một vấn đề được đưa ra đàm dạo nhưng không có ai trong chư Thiên giải đáp được ngoại trừ đức bồ-tát lúc ấy đang ngồi trên bảo tọa. Thế rồi Thiên Đế tỏ lòng hâm mộ ngài, đem tặng hoa quả của cõi trời và Thiên chủ gọi ngài là Bậc Đại Trí Datta (Bhūridatta). Thấy vẻ huy hoàng của Thiên triều, Datta muốn mau được sanh lên cảnh giới này nên phát nguyện trở về cõi Nāga của cha để tu tập công hạnh. Chàng lên tổ kiến nằm để nghiêm trì giới hạnh và chờ được các long nữ đưa về cõi Nāga.
Lúc bồ-tát Bhūridatta nằm trên tổ kiến, có người thợ săn cùng với đứa con trai tên Somadatta leo lên cây gần đó rình bắt nai. Họ nghe tiếng nhạc và ca hát của các long nữ dâng sàng toạ cho Bhūridatta nên tìm đến. Bhūridatta hiện làm người và nói thật gốc gác của mình. Sợ họ báo cho người bắt rắn biết, sẽ cản trở việc trì giới cùa mình, Bhūridatta đề nghị đưa hai cha con về cõi Nāga và thiết đãi họ thật trịnh trọng để họ không báo cho người bắt rắn biết.
Sau khi sống một năm trong huy hoàng của cảnh giới Nāga, hai cha con thợ săn bất toại nguyện vì thiếu công đức, nên muốn trở về trần thế. Họ lấy lý do muốn tu khổ hạnh để ra đi. Bhūridatta ban cho người thợ săn viên ngọc như ý (ban mọi điều ước), nhưng ông từ chối. Lên trần thế hai cha con thấy lại hồ xưa nên xuống tắm. Lúc lên bờ thiên y lộng lẫy biến mất chỉ còn lại áo quần nghèo khổ của ngày trước trên thân, hai cha con trở lại nghề săn nai như lúc trước.
Trong rừng, hai cha con gặp một Bà-la-môn tên Ālambāyana, chủ viên ngọc Nāga mà hai người không nhận lúc trước. Bà-la-môn kể lại chuyện mình được ngọc. Ông bỏ kinh thành Benares vô rừng trốn nợ vì quá nghèo. Tại đây ông gặp đạo sĩ Kosiya, người mà Điểu vương Garuḍa dạy cho thần chú Ālambāyana để chinh phục Nāga. Đạo sĩ sống trong am thất cạnh cây cổ thụ. Một hôm, Garuḍa bắt một Nāga đem về đây. Rắn Nāga quấn mình vào cổ thụ mong thoát thân, nhưng vẫn bị Điểu vương bay lên mang đi cùng với cây cổ thụ. Lúc ăn thịt Nāga xong, Điểu vương thả xác xuống và nghe đánh rầm một tiếng lớn. Thì ra cây cổ thụ bị nhổ đi mà Điểu vương không hay biết. Nghĩ mình đã gây tai hại cho vị Đạo sĩ, Điểu vương trở lại đáp đền bằng cách dạy cho Đạo sĩ thần chú Ālambāyana. Rồi Đạo sĩ dạy thần chú lại cho người Bàlamôn trốn nợ mong giúp ích ông. Bà-la-môn này được gọi là Ālambāyana. Một hôm Bà-la-môn Ālambāyana đến chỗ của Nāga, vừa đi vừa đọc chú đang học. Các Nāga giữ ngọc hoảng sợ, bỏ chạy quên đem ngọc theo. Ālambāyana lượm được ngọc quý.
Thấy ngọc quý của Bà-la-môn Ālambāyana, cha của Somadatta lập mưu đoạt. Ông bày ra những thảm hoạ do ngọc đem lại nếu không đủ ân đức gìn giữ. Ngoài ra, nếu Ālambāyana trao ngọc cho ông, ông sẽ chỉ chỗ của long vương. Người con Somadatta phản đối sự phản bội của cha nên bỏ lên núi ẩn tu.
 Ālambāyana cùng cha của Somadatta đi bắt Nāga Bhūridatta. Tới nơi, Ālambāyana giữ lời nên thảy viên ngọc cho cha của Somadatta, ngọc vuột khỏi tay rớt xuống đất và biến mất vào cảnh giới Nāga. Cha của Somadatta buồn rầu vì mất sạch cả ba thứ: ngọc quý, con và tình bạn. Còn Ālambāyana đem Nāga Bhūridatta về phun thuốc, bẻ xương, bỏ vô giỏ đem ra làm trò cho hội chúng xem và làm giàu. Dầu có bị hành hạ thế nào Bhūridatta cũng không phẫn nộ vì sợ bị đứt giới.
Ngày Bhūridatta bị bắt, Hoàng hậu Samuddajā nằm mộng hãi hùng. Tháng sau không thấy con, bà đau sầu thảm thiết và cho đi tìm. Kāṇariṭṭha lên cõi trời, Subhaga lên Himavā, Sudassana và Accimukkhī xuống cõi thế. Sudassana (giả dạng làm đạo sĩ) và Accimukkhī (làm con cóc) gặp Bhūridatta đang chuẫn bị làm trò cho vua Benares xem. Sudassana thi triển thần thông: gọi cóc nhả nọc độc lên tay mình; tuyên bố nọc này sẽ tiêu diệt vương quốc nếu rơi xuống đất; đề nghị đào ba hố dưới đất; rót nọc vô ba hố; lửa phừng cháy từ hố thứ nhứt lan đến hố thứ ba; Ālambāyana đứng gần đó bị hơi nóng của nọc độc làm da biến dạng và thành tên hủi trắng. Kinh hoàng, Ālambāyana thả Nāga ra. Bhūridatta bước ra khỏi giỏ, hiện hình sáng loà, mang đầy châu ngọc. Sudassana và Accimukhī cũng vậy. Sudassana tâu vua lai lịch của anh em ông, nhà vua vui mừng khôn xiết và đưa các cháu vô cung thiết đãi trọng thể. Sau đó, Bhūridatta trở về cõi Nāga; nhà vua ngự theo và lưu lại đó vài hôm trước khi trở lại Benares.
Lên đường tìm anh trên Himavā, Subhaga gặp cha của Somadatta, bắt ông đưa về cõi Nāga trị tội. Kāṇāriṭṭha gác cửa phòng của Bhūridatta đang nằm dưỡng bệnh, thấy vậy trách anh sao đối xử thô bạo với một Bà-la-môn, và thuyết cho hội chúng Nāga biết về các tế lễ hy sinh và học tập kinh Vệ-đà của người Bà-la-môn. Sợ hội chúng rơi vào tà giáo, Bhūdaritta cho gọi em vào và giảng giải về chánh kiến.
Một thời gian sau, Bhūridatta cùng tuỳ tùng đi viếng tổ phụ Brahmadatta, nay làm ẩn sĩ. Có long vương Dhataraṭṭha, Hoàng hậu Samuddajā và các vương tử khác cùng ngự theo. Họ gặp lại Sāgara-Brahmadatta và đại gia đình hội ngộ. Sau đó, Samuddajā và gia đình trở về cõi Nāga, sống an lạc, hạnh phúc đến ngày mãn tuổi thọ.
Nhận diện tiền thân:
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư dạy: “Như vậy các vị Thánh đệ tử, các bậc hiền nhân ngày xưa, trước khi đức Phật ra đời, đã từ bỏ mọi vinh quang của quốc độ Nàga và trang nghiêm hành trì các công hạnh trong ngày trai giới”.
Rồi Bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân như sau: gia tộc của Đại vương Brahmadatta là song thân của Thế Tôn, Devadatta là gã Bà-la-môn hạ đẳng Ālambāyana, tôn giả Ānanda là Somadatta, Tỳ-khưu ni Uppalavaṇṇā là Accimukhī, tôn giả Sāriputta là Sudassana, tôn giả Moggallāna là Subhaga, Sunakkhatta là Kānāriṭṭha và Thế Tôn chính là bậc Đại trí Bhūridatta.


Thiện nhân giới hạnh nghiêm trì
Nói làm suy nghĩ luôn khi giữ gìn
Nuôi ý lực dưỡng tâm lành
Cắt dây kiết phược phá thành mê si
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.
Bhik Samādhipuñño Định Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

samadhipunno@yahoo.com